Cận cảnh 2 chiếc điện thoại cổ nghe nhạc đầu tiên trên thế giới
Samsung M100 và Sony CMD MZ5 là hai chiếc điện thoại cổ có khả năng nghe nhạc Mp3 đầu tiên trên thế giới được bảo quản và sử dụng như mới trong tay của anh Tô Hữu Phước, một dân chơi điện thoại cổ có tiếng tại Việt Nam.
Cận cảnh 2 chiếc điện thoại cổ nghe nhạc đầu tiên trên thế giới
Nếu như trên smartphone ngày này, khả năng nghe nhạc đã trở nên quá bình thường thì hơn 10 năm về trước, nó là tính năng vô cùng đột phá.
Được công bố lần đầu tiên vào năm 2000, Samsung M100 nhanh chóng làm giới trẻ phải “phát cuồng” với chức năng nghe nhạc MP3 – thứ mà vào thời điểm đó chỉ mới xuất hiện trên những cuốn băng catsette hay băng video cồng kềnh. Thiết bị này cũng vinh dự được lọt vào TIME 100: top những điện thoại có ảnh hưởng nhất thế giới giai đoạn 1923 – 2010 do tạp chí Time bầu chọn.
Samsung M100.
Với thiết kế nhỏ gọn nằm trong lòng bàn tay, chiếc điện thoại này có thể sở hữu được một lượng nhạc MP3 kha khá (tất nhiên chất lượng không được như bây giờ) với bộ nhớ trong 32 MB. Đi kèm với nó là chiếc tai nghe khá phong cách được tích hợp bộ phận có khả năng chuyển tiếp, tua, play/stop bài hát tiện dụng. Chất âm của dòng máy này được đánh giá là khá ở thời điểm hiện tại và rất tốt trên điện thoại di động thời bấy giờ.
Bên cạnh khả năng nghe nhạc MP3, máy vẫn có chức năng đầy đủ của một chiếc điện thoại cơ bản( feature phone) với màn hình đơn sắc độ phân giải 128 x 64 pixel hiển thị 4 dòng, hỗ trợ 20 ngôn ngữ, mạng 2G, kiểu bàn phím T9, danh bạ 100 liên lạc, có khả năng ghi âm, báo thức, lịch, quay số nhanh, quay số bằng giọng nói và chạy trên viên pin Li-Ion cho phép đàm thoại 2 giờ liên tục và hoạt động bình thường 40 giờ. Toàn bộ M100 nằm trong kích thước 106 x 44 x 19,3 mm và trọng lượng 97 gram.
Sony CMD MZ5.
Video đang HOT
Ra mắt muộn hơn so với M100 của Samsung (5/2001), CMD MZ5 cũng là cái tên đáng chú ý về khả năng nghe nhạc những năm sau 2000 và là chiếc điện thoại nhạc số đầu tiên (cũng là cuối cùng) của Sony trước khi sáp nhập với Ericsson. Do không được bán tại Việt Nam nên trên thị trường trong nước khá hiếm loại thiết bị này.
CMD MZ5 được giới chơi điện thoại độc “than phiền” khá nhiều với những đòi hỏi từ các “phụ kiện” đi kèm. Ví như để tải nhạc cho máy, người dùng phải sử dụng dây cáp quang chuyên dụng đi kèm theo máy hoặc dây nối 3,5 mm không phải tìm là có. Thêm nữa, loại thẻ nhớ mà máy sử dụng là MagicGate Memory Stick dung lượng 128 MB hiện đang có giá rất cao và tìm ra nó cũng không phải là chuyện dễ….
Về chất lượng âm nhạc, một số người sành sỏi cho biết nếu tính thờ điểm hiện tại, nó chỉ là “trung bình yếu” nhưng với thời điểm 2001, nó vẫn là một “cuộc cách mạng”.
Bên cạnh đó, máy cũng hỗ trợ tính năng “tối tân” khác thời bấy giờ là duyệt WAP và trình duyệt HTML. Tuy nhiên, khả năng này cũng không được chú ý nhiều bằng khả năng nghe nhạc.
Về cấu hình, máy sử dụng màn hình đơn sắc độ phân giải 96 x 72 pixel với khả năng hiển thị 5 dòng, hỗ trợ danh bạ 500 số và sử dụng nguồn pin 620 mAh thời gian đàm thoại từ 90 – 220 phút, chế độ chờ từ 30 giờ – 50 giờ.
Ngoài ra, CMD MZ5 còn được hỗ trợ khả năng ghi âm, lịch, trò chơi tích hợp sẵn… những tính năng khá “thời thượng” bấy giờ. Toàn bộ máy nằm trong kích thước 90 x 49 x 30 mm và nặng 110 gram.
Theo Dân Trí
Thực hư điện thoại "cổ" trên thị trường Việt Nam
Việc tìm mua một chiếc điện thoại "cổ" như Nokia 3310, 8800 hay những dòng sản phẩm motorola StarTAC... tại Việt Nam hiện rất dễ dàng, chưa kể giá nào cũng có.
Cú nhấp chuột là có ngay
Với những từ khoá: Bán điện thoại cổ, điện thoại cổ, hay một tên dòng sản phẩm mà người dùng đang tìm kiếm thì việc tìm kiếm trên các trang mua bán rất dễ dàng, đủ loại để người dùng tìm mua.
Điện thoại 3310 chào bán với ngoại hình đẹp như mới và giá từ 600 đến 800 ngàn đồng.
Chúng tôi thử nghiệm với từ khoá Nokia 3310 - đây là chiếc điện thoại lập kỉ lục cho Nokia với 126 triệu sản phẩm bán ra trên toàn thế giới và được khá nhiều người săn lùng. Hàng loạt topic (chủ đề) được lộ ra với nhiều giá bán cũng như hình thức máy. Trong một topic ghi "Dế" cổ Nokia, Ericsson, Motorola, Palm... chào bán chiếc Nokia 3310 với giá dao động từ 600 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng. Chủ topic trên còn không quên ghi tình trạng và xuất xứ của máy như: máy có xuất xứ từ Phần Lan, tình trạng ngoại hình đẹp như mới.
Trong khi đó, một số topic khác xuất hiện với nội dung "Dọn nhà, thanh lí một số điện thoại cổ đại"... và chào bán thiết bị này với giá bán từ 400 đến 500 ngàn đồng đi kèm đủ đồ và một số sản phẩm khác cũng được chào bán từ giá 400 đến 800 ngàn đồng như Motorola TAC (máy có SIM nằm bên hông) với giá 650 ngàn đồng.
Với những quảng cáo có cánh để người dùng mua sắm.
Tính tới thời điểm hiện nay, Nokia 3310 là chiếc điện thoại đã có tuổi đời 14 năm tuổi, vì vậy để chào bán máy với giá từ 400 đến 600 ngàn đồng là một mức giá quá "hời", đánh đúng vào tâm lí chung ham của rẻ của người tiêu dùng. Theo quan sát chung của Dân trí, nhiều topic được lập ra và bán khá tốt, một sản phẩm với lời quảng cáo tốt thì chỉ trong 1, 2 ngày chủ topic đã đóng với vài dòng ngắn gọn "đã ra đi theo 1 anh chàng kĩ sư" hay "Em đã được cô xinh đẹp rước rồi"...
"Cỏ" chứ không phải cổ
Đánh vào tâm lí chung của người dùng ham rẻ nhưng mong sản phẩm còn nguyên vẹn và đẹp, nhiều chủ cửa hàng đã và đang có nhiều chiêu trò hơn để có thể bán được hàng và thu về lợi nhuận không hề nhỏ.
Giá chiếc điện thoại cổ trên vào khoảng 9 triệu đồng.
Trước đây, đã từng có một "dân chơi" đồ cổ thứ thiệt tại TP HCM, đó là anh Michael Min, trong tay luôn có những dòng sản phẩm đúng chất. Trong cuộc trò chuyện ngắn, anh đã cho tôi thấy chiếc Motorola Star TAC huyền thoại được anh giữ gìn kĩ đến 17 năm, còn nguyên vẹn và rất mới.
Theo anh, chiếc điện thoại này ra đời vào năm 1996 và ngưng sản xuất vào năm 2000, sản phẩm anh có trong tay được một người bạn từ Pháp mang về và anh đã giữ kĩ càng đến nay. Tất nhiên, xét về độ mới cùng với sản phẩm sống trong lịch sử thì giá bán của nó không hề rẻ, theo tiết lộ của anh, mức giá anh nhượng lại lên đến con số hơn 9 triệu đồng (450 USD).
Với điều này người dùng cũng có thể hình dung rằng, một chiếc điện thoại đúng cổ thì giá không bao giờ là rẻ, chưa kể chất lượng của máy như thế nào cũng như giá trị sưu tầm cho máy.
Anh Kiều Thanh Tùng, một người chơi đồ cổ có tiếng tại TP HCM cho biết:" Với giá 400, 500 ngàn đồng hay 1 triệu ở trên mạng thì không biết nguồn gốc nó như thế nào, sửa chữa ra sao, chúng tôi gọi chung nó là điện thoại cỏ chứ không phải điện thoại cổ... với những người chơi điện thoại cổ thật sự thì họ không bao giờ mua những dòng sản phẩm như vậy, vì nó không có giá trị sưu tầm".
Những điện thoại như vậy chỉ có thể bán được cho những người dùng mới bắt đầu tập chơi hay tìm lại kỉ niệm mà thôi. Thứ nhất đồ cổ nó phải hiếm, mà việc chào bán cả chục cái thì nên xem lại trước khi mua. Với một số dòng cũng thể dựng lại được, main thì đúng là điện thoại đấy nhưng linh kiện thì được sản xuất sau này và được gắn vào để bán thôi chứ không đúng với tiêu chí sưu tập của một chiếc điện thoại cổ.
"Đến thời điểm này tôi có thể chắc chắn rằng, mua ở ngoài cửa hàng thì rất rất hiếm bạn có thể kiếm được một chiếc điện thoại cổ đích thực đủ tiêu chí để sưu tập được. Trong vòng 5 năm trở lại đây, phong trào chơi điện thoại cổ thu hút khá đông người dùng Việt tham gia, thế thì đi săn điện thoại cổ cơ bản nhất là đi "lượm" tại các cửa hàng thì bây giờ nó không còn nữa rồi. May mắn lắm với có một số cửa hàng còn lưu giữ lại và giá cũng không hề rẻ", Anh Tùng nhấn mạnh.
Ví dụ như chiếc N-Gage của Nokia, đúng với các tiêu chí thì giá cũng lên đến 3,5 triệu đến 4 triệu đồng, trong khi đi lang thang vài cửa hàng, người dùng cũng sẽ thấy được điện thoại đó cũng được trưng bày và bán tầm khoảng 500 ngàn đồng. Đó là điện thoại cỏ, và bạn cũng sẽ thấy rằng nó chênh lệch như thế nào. Anh Tùng chia sẻ thêm.
Trong khi đó, một chủ cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng này cũng khẳng định rằng, nói điện thoại cổ cho nó "sang" chứ điện thoại cổ sao mà rẻ được. Vì nhu cầu người dùng khá cao nhưng việc tiếp cận điện thoại cổ đòi hỏi người chơi phải am hiểu đồng thời phải có tiền, còn mặt bằng chung thì các điện thoại cỏ này bán chủ yếu cho sinh viên là chính.
"Tất nhiên những sản phẩm này được dựng lại, làm mới chứ cổ thì không có giá đó đâu. Chất lượng thì tuỳ vào hên xui thôi, đồ điện tử mà, may mắn thì mua trúng điện thoại ngon, xui rủi thì trúng phải điện thoại bị lỗi", vị này cho biết thêm.
Vì vậy, việc mua sắm không chỉ hên xui về chất lượng mà nó cũng luôn tìm tàng nhiều nguy hiểm thường trực, ảnh hướng đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Bởi vì những sản phẩm trên được bán trôi nổi và chưa qua một đơn vị kiểm định nào nên cũng có thể hiểu rằng, nó chưa có thể đảm bảo an toàn khi sử dụng...
Nếu bạn thật sự muốn tìm hiểu về điện thoại cổ, hãy tham gia vào các diễn đàn nổi tiếng tại VN như SL4x.com hay Ngagex.vn... tìm hiểu rõ các thông tin, các đánh giá về sản phẩm, phân biệt đâu là hàng thật và đâu là hàng giả rồi hãy quyết định mua sắm. Tránh mua phải hàng giả "cổ" kém chất lượng, không chỉ tiền mất mà tật mang.
Theo Dân Trí
Những điện thoại "cổ" vẫn được người dùng Việt ưa chuộng So với các sản phẩm hiện nay, nhiều dòng điện thoại cũ dù là hết thời nhưng vẫn được người dùng ưa chuộng. Sự thật là nhiều dòng điện thoại cao cấp từng có giá xuất xưởng lên tới cả chục triệu đồng nhưng sau khoảng 2 năm xuất hiện trên thị trường thì lại được bán với giá chỉ còn một nửa....