Cán bộ ngoại giao Hoa Kỳ được Bộ Y tế Việt Nam vinh danh
Ông David Nelson, Phó giám đốc Văn phòng Cơ quan Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam (US CDC), đã nhận Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” từ Bộ Y tế Việt Nam cho những đóng góp của ông.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trao tặng Kỷ niệm chương cho ông David Nelson. (Ảnh: ĐSQ Hoa Kỳ)
Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” được trao cho những cán bộ nước ngoài có đóng góp đặc biệt cho hệ thống chăm sóc sức khỏe Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã tham dự buổi lễ và trao kỷ niệm chương cho ông Nelson vào sáng ngày 21/7.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói: “Tôi bày tỏ lời cảm ơn chân thành về những đóng góp cao cả của người bạn đồng nghiệp trong suốt 4 năm qua, đã kề vai, sát cánh cùng Bộ Y tế và Cục Phòng, chống HIV/AIDS đấu tranh không mệt mỏi cho sự thành công của công cuộc phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam”.
Phát biểu khi nhận kỷ niệm chương, ông Nelson cho biết công việc của ông là hỗ trợ các cán bộ làm việc cho Bộ Y tế Việt Nam và US CDC cung cấp các dịch vụ về HIV/AIDS. Khi nhìn vào kỷ niệm chương, Nelson nói không thấy những nỗ lực của bản thân mà chỉ thấy bóng dáng của rất nhiều người đang làm việc ngày đêm để bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân Việt Nam.
“Được làm công việc tốt đẹp với những con người tuyệt vời, theo tôi, đó là phần thưởng lớn nhất mà một người có thể nhận được”, Nelson nói.
Ông David Nelson là Phó giám đốc Văn phòng CDC tại Việt Nam từ năm 2011, hỗ trợ quản lý chương trình thuộc Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR), chương trình Cúm và chương trình An ninh y tế toàn cầu (GHS).
Năm nay đánh dấu 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (1995-2015) và ngay từ năm 1998 CDC Hoa Kỳ đã hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam cũng như tăng cường mối quan hệ song phương giữa hai nước.
An Bình
Video đang HOT
Theo Dantri
Chuyến thăm của Tổng Bí thư mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ
"Phải nói rằng quan hệ hai nước trong 20 năm qua đang trong xu hướng phát triển tích cực và chắc chắn chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là một dấu mốc lịch sử, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước.", Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng ngày 7/7. (Ảnh: AFP)
Nhận lời mời của Chính quyền Tổng thống Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ từ ngày 6-10/7/2015. Kết thúc chuyến thăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả, ý nghĩa chuyến thăm. TTXVN xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:
Phóng viên: Trong những ngày qua, dư luận trong và ngoài nước có nhiều đánh giá rất tích cực về chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhiều nhận định cho rằng đây là một chuyến thăm lịch sử. Với tư cách là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương - cơ quan chủ trì chuẩn bị và tổ chức chuyến thăm, xin đồng chí cho biết ý kiến của mình về những nhận định, đánh giá này?
Đồng chí Hoàng Bình Quân: Đúng là chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí, dư luận trong và ngoài nước. Với thời điểm, nội dung, chương trình và lễ tân chuyến thăm, thì rõ ràng đây là chuyến thăm lịch sử, một dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Xin nêu mấy điểm cụ thể sau:
Thứ nhất, là chuyến thăm lịch sử vì nhận lời mời của Chính quyền Tổng thống Barack Obama, lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, một chức danh tương đương không có trong hệ thống quản trị của Hoa Kỳ, thăm chính thức Hoa Kỳ - một quốc gia vốn là cựu thù, có hệ thống chính trị khác biệt. Tổng thống Obama, lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội Hoa Kỳ đã đón Tổng Bí thư với nghi thức rất cao, rất trọng thị, với một chương trình làm việc rất phong phú và thực chất.
Thứ hai, chuyến thăm lịch sử vì nó diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Chính vì vậy, chuyến thăm là dịp để hai bên đánh giá quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ 20 năm qua, xác định tầm nhìn, định hướng phát triển quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới. Văn kiện quan trọng của chuyến thăm là Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ, cũng như nội dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Obama và trao đổi với các lãnh đạo khác của Hoa Kỳ thể hiện rất rõ điểm nhấn quan trọng này.
Thứ ba, chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử vì đã có một cuộc hội đàm lịch sử. Hai nhà Lãnh đạo cao nhất, của hai nước đã từng đối đầu và hiện có chế độ chính trị khác nhau, đã gặp gỡ, trao đổi với nhau và họp báo ngay tại Phòng Bầu dục của Nhà trắng. Xin nói thêm rằng, cuộc hội đàm ban đầu dự kiến trong khoảng thời gian 45-60 phút, thực tế đã diễn ra đến 95 phút. Đặc biệt nữa là thành phần tham dự hội đàm của phía Hoa Kỳ rất cao. Ngoài Tổng thống Obama, còn có Phó Tổng thống Joe Biden (Giô Bai-đơn), Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice (Xu-dân Rai-xơ), Bộ trưởng Tài chính Jack Lew (Giắc Liu) và Đại diện Thương mại Micheal Froman (Mai-cơn Phro-man) - điều đặc biệt chưa có tiền lệ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Obama đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở, xây dựng và tích cực về nhiều vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, kể cả những vấn đề mà hai bên còn có sự khác biệt, những vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm, thể hiện chia sẻ và giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.Với những nội dung thiết thực được bàn thảo về tầm nhìn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ trong tương lai, đã có một số ý kiến đánh giá đây là cuộc hội đàm cho tương lai. Sau hội đàm, hai nhà Lãnh đạo đã có một cuộc họp báo ngắn gọn, sâu sắc và thú vị, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với truyền thông báo chí.
Chuyến thăm nói lên rằng hai quốc gia có chế độ chính trị khác nhau vẫn có thể vượt qua khác biệt, hiểu biết và chấp nhận nhau, hợp tác với nhau vì lợi ích chung. Việc Hoa Kỳ mời Tổng Bí thư ta thăm chính thức đã thể hiện sự tôn trọng đầy đủ hơn thể chế chính trị của Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra chuyến thăm còn có ý nghĩa quốc tế do tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đối với khu vực, quốc tế, và việc Tổng Bí thư gặp và trao đổi với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon (Ban Ki Mun).
Phóng viên: Tổng Bí thư đã có một chuyến thăm cực kỳ bận rộn với lịch hoạt động dày đặc ở Hoa Kỳ. Xin đồng chí cho biết những kết quả quan trọng nổi bật của chuyến thăm?
Đồng chí Hoàng Bình Quân: Đúng vậy, Tổng Bí thư đã có 23 hoạt động rất phong phú, thực chất, trong đó có các hoạt động quan trọng là cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống Obama, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), gặp gỡ các tầng lớp xã hội Hoa Kỳ, gặp gỡ các nghị sỹ Hoa Kỳ, thăm gia đình Cựu Tổng thống Bill Clinton (Bin Clin-tơn), gặp gỡ bạn bè cánh tả có cảm tình với Việt Nam v.v. Nhìn tổng thể, chuyến thăm có dấu ấn đậm nét, với kết quả rất toàn diện, thực chất. Xin nêu một số điểm lớn sau:
Thứ nhất, về chính trị, chuyến thăm góp phần tăng cường lòng tin chính trị, qua đó thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Hai bên đã trao đổi thẳng thắn, cởi mở các vấn đề đòi hỏi nỗ lực của cả hai bên như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các vấn đề còn tồn tại giữa hai bên như nhân quyền, khắc phục hậu quả chiến tranh v.v. Xây dựng lòng tin và hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau là một điểm nhấn quan trọng. Tổng thống Barack Obama đã vui vẻ nhận lời mời thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thứ hai, hai bên đã cùng đánh giá quan hệ song phương sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và xác định tầm nhìn quan hệ cho thời gian tới; bàn thảo về việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, tăng cường quan hệ chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, mở rộng hợp tác về khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, biến đổi khí hậu v.v., nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác toàn diện, làm cơ sở đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới. Hai bên đã ra Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam-Hoa Kỳ. Đây là khuôn khổ quan trọng, định hướng tầm nhìn quan hệ hai nước theo hướng tích cực, lành mạnh, ổn định.
Tổng Bí thư và đoàn đã tham dự một cuộc tọa đàm và một cuộc gặp gỡ với hơn 100 doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, qua đó chuyển tới Chính phủ và giới đầu tư Hoa Kỳ thông điệp mạnh mẽ là Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam.
Trong thời gian chuyến thăm, hai bên đã ký kết 14 văn kiện, thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực, trong đó có những văn bản quan trọng liên quan đến hàng không, thuế, ngân hàng, dầu khí, thể hiện thông điệp mạnh mẽ về tương lai quan hệ thương mại giữa hai nước.
Thứ ba, qua chuyến thăm, hai bên đã trao đổi và chia sẻ quan điểm, nhận thức về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, nhằm tăng cường hợp tác, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng ta hoan nghênh các nước, trong đó có Hoa Kỳ, đóng vai trò tích cực và có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy hợp tác phát triển ở khu vực.
Thứ tư, chuyến thăm góp phần quan trọng triển khai chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Cuộc gặp gỡ rất cảm động, ấm tình quê hương giữa Tổng Bí thư với bà con kiều bào là một thông điệp mạnh mẽ về chính sách đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta đối với kiều bào ta ở nước ngoài. Những trao đổi gần gũi, sự quan tâm, lắng nghe của Tổng Bí thư đối với các tâm tư, nguyện vọng bà con đã xóa mờ khoảng cách địa lý của những người con sống xa quê hương với Tổ quốc; động viên bà con yên tâm làm ăn, sinh sống ở sở tại, luôn hướng về quê nhà, đoàn kết, chung tay với đồng bào trong nước cùng xây dựng đất nước giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của đất nước; và là cầu nối hiệu quả cho sự phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ.
Đồng thời qua chuyến thăm này chúng ta đã khẳng định một cách mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Phóng viên: Trong chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng và trao đổi với các học giả Hoa Kỳ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Xin đồng chí cho biết một số điểm nổi bật của cuộc trao đổi này?
Đồng chí Hoàng Bình Quân: Đây là bài phát biểu rất quan trọng của Tổng Bí thư trong chuyến thăm lần này tại một cơ quan nghiên cứu và trao đổi học thuật hàng đầu của Hoa Kỳ, có vai trò quan trọng trong việc đối thoại giữa chính giới, học giả các nước. Bài phát biểu phản ánh tầm nhìn toàn diện về quan hệ giữa hai nước, đề cập trực diện những vấn đề nhạy cảm và những phân tích chiến lược về diễn biến tình hình khu vực và thế giới. Khái quát trên một số điểm sau:
- Phân tích những sự kiện lịch sử về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ chưa được biết đến rộng rãi để hiểu sâu hơn, đầy đủ hơn về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ; nhìn nhận khách quan, biện chứng về cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ tiến hành ở Việt Nam, về tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai".
- Khẳng định thành tựu của quan hệ hai nước 20 năm qua từ khi bình thường hóa; phân tích sâu sắc tình hình thế giới, từ đó nêu bật chủ trương đối ngoại của Việt Nam.
- Đưa ra tầm nhìn cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ với tinh thần làm sâu sắc, phong phú hơn quan hệ đối tác toàn diện, làm cơ sở nâng quan hệ lên tầm cao mới trong tương lai; nêu những định hướng lớn cho quan hệ hai nước: tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao, xây dựng và củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư là những trọng tâm, nền tảng và động lực cho phát triển quan hệ song phương; mở rộng hợp tác khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, y tế, môi trường v.v; coi hợp tác quốc phòng-an ninh là yếu tố gia tăng sự tin cậy chính trị và giá trị chiến lược của quan hệ song phương, tăng cường hợp tác nhân đạo, giao lưu nhân dân.
- Trao đổi thẳng thắn về vấn đề nhân quyền; nêu chủ trương hợp tác trên các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Đặc biệt, trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi một thông điệp tích cực và lạc quan đối với tương lai quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ bằng việc trích dẫn câu nói nổi tiếng của Tổng thống Theodore Roosevelt (Thê-ô-đo Ru-dơ-ven) "Khi tin là có thể, thì bạn đã đạt được một nửa thành công."
Bài phát biểu của Tổng Bí thư được các cử tọa đánh giá rất cao và chăm chú lắng nghe, cho rằng đây là một bài phát biểu rất sâu sắc và có tầm chiến lược cao.
Phóng viên: Với những kết quả và dấu ấn tích cực như vậy của chuyến thăm lịch sử này, xin đồng chí chia sẻ một vài suy nghĩ của mình về tương lai quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ?
Đồng chí Hoàng Bình Quân: Phải nói rằng quan hệ hai nước trong 20 năm qua đang trong xu hướng phát triển tích cực và chắc chắn chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là một dấu mốc lịch sử, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước.
Nhìn về tương lai, hai nước có động lực quan trọng để tăng cường quan hệ, đó là những lợi ích chung ở các bình diện song phương, khu vực và toàn cầu. Hai nước cũng có nhiều tiềm năng, nhiều dư địa để tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, nếu TPP được sớm ký kết, thì sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn nữa cho hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Người dân và doanh nghiệp của cả Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ đều được chia sẻ lợi ích từ hiệp định này.
Với những cơ sở và tiềm năng đó, nhìn về tổng thể, tôi cho rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ đang đứng trước những cơ hội hợp tác lớn, mang lại lợi ích cho hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới. Chúng ta hoàn toàn có thể tin vào triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, để quan hệ hai nước phát triển tích cực như mong muốn, chúng ta rất cần có sự nỗ lực của cả hai bên với tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai", trên nguyên tắc "tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau và hợp tác cùng có lợi."; và với phương châm "đối thoại thẳng thắn, xây dựng" đối với các vấn đề còn có sự khác biệt.
Xin cảm ơn đồng chí!
Theo dantri
Tổng Bí thư thăm gia đình cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 10/7 (theo giờ địa phương, tức sáng 11/7 giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm gia đình nguyên Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tại Kittle House ở thành phố New York. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton ở ngoại ô thành...