Cần biểu dương Bộ Y tế đã nhanh chóng quy định rõ sản phẩm cho Sữa học đường
Trước hết cần phải hiểu đúng về mặt khoa học, do người ta hiểu không đúng mới cho rằng Bộ Y tế “chậm ban hành quy chuẩn sữa học đường”.
LTS: Thời gian qua một số quan điểm trên truyền thông cho rằng, Bộ Y tế “chậm trễ ban hành quy chuẩn sữa học đường”, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Sau khi Bộ Y tế chính thức lên tiếng giải thích rõ, quy định về sản phẩm sữa tươi dùng cho Chương trình Sữa học đường đã có ngay từ năm 2016, còn việc bổ sung vi chất vào sữa tươi dùng cho chương trình cần phải có nghiên cứu khoa học, vẫn có một số luồng dư luận hối thúc Bộ Y tế ban hành thông tư về bổ sung vi chất.
Xung quanh vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đáng – nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế. Mời quý bạn đọc theo dõi.
- Phóng viên: Thưa Phó giáo sư Trần Đáng, vừa qua trên truyền thông xuất hiện một số quan điểm cho rằng “Bộ Y tế chậm trễ ban hành quy chuẩn sữa học đường”, gây khó khăn cho doanh nghiệp, ông có bình luận gì về điều này?
- Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đáng:
Trước hết cần phải hiểu đúng về mặt khoa học, do người ta hiểu không đúng mới cho rằng Bộ Y tế “chậm ban hành quy chuẩn sữa học đường”.
Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, ảnh do Phó giáo sư cung cấp.
Trên thế giới chẳng có quốc gia nào có “quy chuẩn sữa học đường”, mà chỉ có các quy chuẩn về các loại sản phẩm sữa, như sữa tươi, sữa bột, sữa chua…
Người ta dùng một hoặc các loại sản phẩm sữa này để đưa vào chương trình hỗ trợ học đường để cải thiện dinh dưỡng, giảm thiếu vi chất, giảm tỉ lệ còi xương ở trẻ mẫu giáo và tiểu học.
Sữa học đường là tên một chương trình, không phải tên một sản phẩm.
Vì thế cho nên không thể có “quy chuẩn sữa học đường” như cách hiểu trên truyền thông hiện nay.
Ngay Quyết định 1340/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ không giao cho Bộ Y tế xây dựng “quy chuẩn sữa học đường”, mà giao Bộ Y tế xây dựng quy định về sản phẩm sữa tươi sử dụng cho Chương trình Sữa học đường.
Cần phải giúp dư luận hiểu rõ vấn đề này, không sẽ hiểu sai là có một loại sữa gọi là sữa học đường.
Tôi cho rằng Bộ Y tế đã rất khẩn trương, sau Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng chỉ có 2 tháng 20 ngày thì Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016, rất kịp thời, nên dư luận nào nói Bộ Y tế chậm trễ thì tôi cho rằng do họ hiểu chưa đúng.
Cái này do hiểu biết chưa đúng về các thuật ngữ chuyên môn.Cũng có thể có một số doanh nghiệp thắc mắc do hiểu chưa đúng nên cứ phát biểu theo cảm tính trên truyền thông vậy thôi.
Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT đã có từ lâu và rất đầy đủ, 4 loại sữa tươi đáp ứng các quy định về kỹ thuật, quy định về quản lý trong quy chuẩn này thì được sử dụng cho Chương trình Sữa học đường.
Tôi cho rằng quyết định của Thủ tướng Chính phủ lựa chọn sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường là một quyết định rất sáng suốt và nhân văn.
Bộ Y tế đã rất nhanh chóng và kịp thời ban hành quy định sản phẩm sữa tươi dùng cho chương trình, cần phải được biểu dương.
Phóng viên: Theo ông, tại sao Thủ tướng Chính phủ lại quyết định sử dụng sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường mà không phải các loại sữa dạng lỏng khác?
Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đáng:
Thủ tướng Chính phủ chọn sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường bởi vì sữa tươi rất ưu việt. Nó đủ các chất dinh dưỡng và có nhiều yếu tố kháng thể cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Lâu nay trên thị trường sữa nước, một số doanh nghiệp nhập khẩu sữa bột về pha lại với nước và ghi tên mập mờ để đánh lừa người tiêu dùng.
Người tiêu dùng cứ thấy sữa nước thì tưởng là sữa tươi, nhưng kỳ thực không phải.
Chưa kể chất lượng sữa bột nhập khẩu, nguồn gốc xuất xứ người tiêu dùng không nắm được, nếu vì ham rẻ và lợi nhuận cao, người ta có thể sử dụng sữa bột kém chất lượng hoặc cận hạn để pha thành sữa nước.Những loại sữa pha từ sữa bột gọi là sữa hoàn nguyên, đã qua 2 – 3 lần xử lý nhiệt, làm gì còn các chất kháng thể như trong sữa tươi nữa?
Chính vì vậy Thủ tướng Chính phủ chọn sữa tươi cho Chương trình Sữa học đường là hoàn toàn chính xác.
Phóng viên: Xung quanh câu chuyện sản phẩm sữa tươi dùng cho Chương trình Sữa học đường, nhiều cơ quan truyền thông đang rất quan tâm đến vấn đề bổ sung vi chất.
Xin Phó giáo sư cho biết việc bổ sung vi chất vào thực phẩm nói chung, sữa tươi cho chương trình Sữa học đường nói riêng phải tuân thủ quy trình/nguyên tắc nào?
Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đáng:
Về pháp lý, chương trình Sữa học đường phải được triển khai đúng quy định của pháp luật.
Video đang HOT
Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng yêu cầu đáp ứng 30% nhu cầu sắt, canxi và vitamin D vào năm 2020, ngoài ra không có vi chất nào khác.
Tôi cho rằng quy định như vậy rất chuẩn.
Tại sao quyết định của Thủ tướng Chính phủ lại tập trung vào chỉ tiêu đáp ứng 3 vi chất này?
Bởi qua nghiên cứu, đánh giá của các cơ quan chuyên môn và điều tra cộng đồng thì thấy có 2 hội chứng nổi lên với lứa tuổi mầm non và tiểu học.
Một là hội chứng thiếu máu, tức là thiếu sắt; thứ hai là hội chứng trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi.
Chính vì vậy Chính phủ quyết định tập trung vào giải quyết 2 vấn đề này chứ không làm dàn trải bởi sẽ không hiệu quả và không có nhân lực.
Muốn giải quyết vấn đề này, phải tập trung ngay vào việc bổ sung 3 chất cơ bản là sắt, canxi và vitamin D.
Sắt sẽ giải quyết vấn đề thiếu máu, còn vitamin D và canxi giải quyết vấn đề thấp còi, trong đó vitamin D đi kèm với canxi vì muốn hấp thụ canxi tốt, phải có vitamin D.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Kinh tế và Đô thị.
Thực ra vitamin D không bổ sung riêng, mà kèm canxi, bởi nếu dùng vitamin D riêng không theo chỉ định có thể dẫn đến những biến chứng không mong muốn.
Những vi chất khác, muốn bổ sung phải có cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học của nó.
Về cơ sở khoa học, việc bổ sung vi chất vào thực phẩm, thế giới gọi là thực phẩm tăng cường phải đảm bảo cả 2 yếu tố, một là bổ sung vi chất nào, hai là bổ sung vào loại thực phẩm nào.
Danh từ chuyên môn gọi là loại thực phẩm được dùng để bổ sung vi chất là “thực phẩm mang”.
Ví dụ nếu chúng ta sử dụng sữa để bổ sung vi chất, thì sữa là “thực phẩm mang”.
Muốn bổ sung vi chất, các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu khoa học, khi bổ sung một loại vi chất vào một “thực phẩm mang” có phá hủy cấu trúc ban đầu không, có độc không, làm thế nào “thực phẩm mang” hấp thụ và chứa được vi chất kia mà không làm biến đổi nó…
Tiếp đến, các cơ quan chuyên môn phải đi điều tra cộng đồng, tuân thủ đúng hướng dẫn chi tiết của FAO và WHO xem nhóm nguy cơ nào ở cộng đồng đang bị thiếu hụt vi chất đó, vì sao lại thiếu hụt.
Phóng viên: Mặc dù Bộ Y tế đã giải thích rõ ràng rằng, cho đến hiện tại Bộ Y tế chưa quyết định bổ sung vi chất, vì muốn bổ sung vi chất nào vào sữa tươi cho chương trình Sữa học đường cũng phải dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học và đúng Quyết định 1340/QĐ-TTg, nhưng một số quan điểm vẫn truy tiếp Bộ Y tế, tại sao không bổ sung 21 vi chất, Phó giáo sư có thể lý giải như thế nào về điều này?Ví dụ, bệnh bướu cổ xuất hiện ở hầu hết các vùng thiếu i ốt, vậy phải bổ sung i ốt. Bổ sung vào cái gì? Lại phải nghiên cứu “thực phẩm mang”, tức vật trung chuyển i ốt vào cơ thể, cuối cùng người ta thấy bổ sung qua muối là tốt nhất.
Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đáng:
Ai thắc mắc thì phải chỉ ra được trẻ em thụ hưởng chương trình Sữa học đường đang thiếu những vi chất nào, đã điều tra cộng đồng chưa?
Nếu nó chỉ thiếu ở một vài người thì không đáng kể, mà phải thiếu ở một nhóm đối tượng tương đối rộng hoặc thiếu ở cả một vùng địa lý thì lúc đó phải báo cáo với chính quyền Nhà nước.
Khi đó Chính phủ mới ra quyết định bổ sung vi chất nào vào thực phẩm nào, chứ không phải Bộ Y tế có thể tự quyết việc này.
Ví dụ năm 2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP quy định tăng cường vi chất vào thực phẩm.
Trước đó các bộ chuyên môn đã phải tiến hành các điều tra, nghiên cứu khoa học rất chặt chẽ, lựa chọn “thực phẩm mang” phù hợp, để khi tăng cường vi chất không bị thay đổi, loại bỏ các nguy cơ phản ứng độc hại.
Nghiên cứu thành công rồi, các bộ chuyên môn mới báo cáo Chính phủ, Chính phủ thấy đảm bảo mới ban hành văn bản quy phạm pháp luật, lúc đó các cơ quan chuyên môn mới có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện.
Ảnh mang tính chất minh họa, nguồn: VTV.vn.
Do đó, việc bổ sung vi chất vào sản phẩm sữa tươi dùng cho chương trình Sữa học đường một là phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, ở đây là Quyết định 1340/QĐ-TTg trong đó chỉ yêu cầu đáp ứng chỉ tiêu 3 vi chất, không có vi chất khác thì không được tùy tiện đưa vào.
Hai là những vi chất khác muốn bổ sung, phải thực hiện theo đúng quy trình khoa học và pháp lý như trên chứ không phải Bộ Y tế thích thì quyết.
Muốn bổ sung vi chất nào khác vào sữa tươi cho chương trình Sữa học đường, Bộ Y tế phải chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu xem trẻ em độ tuổi mẫu giáo và tiểu học có thiếu hụt vi chất đó không, bổ sung như thế nào…?
Bổ sung vi chất có thể vào muối, bột mì, gạo ăn, nước mắm, bột nêm…chứ không phải chỉ có sữa tươi, và không phải vi chất nào cũng bổ sung được vào sữa tươi, WHO có quy định chi tiết về điều này.
Sau khi có kết quả điều tra, nghiên cứu từ bộ chuyên môn rồi, Chính phủ phải ra nghị định, tương đương Nghị định 09/2016/NĐ-CP mới có thể bổ sung, chứ không phải thích là bổ sung.
Phóng viên: Một số quan điểm cho rằng vi chất là tốt, bổ sung càng nhiều vi chất càng tốt, từ góc độ một nhà khoa học, Phó giáo sư có nhận xét gì về điều này?
Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đáng:
Nói như vậy là hoàn toàn sai. Nếu không có nghiên cứu khoa học, các vi chất đó hình thành phản ứng hóa học gây ngộ độc thì sao?
Hai cái khắc nhau thì không được bổ sung, mà chỉ bổ sung 2 hoặc những vi chất nào cộng hưởng có lợi.Có những tác động cộng hưởng khi bổ sung đa vi chất theo nguyên tắc tương sinh hoặc tương khắc.
Đấy là chưa kể phải nghiên cứu xem “thực phẩm mang” nào phù hợp cho việc bổ sung các vi chất ấy.
Bổ sung vi chất đòi hỏi quy trình khoa học và pháp lý rất chặt chẽ, không thể lấy con người ra làm trò chơi, nhất là trẻ em.
Nếu sử dụng vi chất không cẩn thận, không có căn cứ khoa học, có thể ảnh hưởng đến cả thế hệ, cả giống nòi, ảnh hưởng về thể lực, ảnh hưởng về trí tuệ, ảnh hưởng về sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài.
Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ toát lên một điều cao cả là sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt với trẻ em nên Thủ tướng Chính phủ rất thận trọng.
Chúng ta không thể ào ào, không thể cho trẻ em uống sữa “thí nghiệm” được.
Phóng viên: Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội sử dụng sản phẩm bổ sung 17 vi chất không đúng với Quyết định 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế, ông đánh giá thế nào về việc này?
Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Đáng:
Bây giờ phải xem ai tự động cho học sinh uống sữa như vậy, phải kỷ luật. Ai dám khẳng định trẻ em uống sản phẩm đó không xảy ra nguy cơ gì? Làm trái quyết định của Thủ tướng Chính phủ là không được.
Thủ tướng Chính phủ ban hành chương trình từ năm 2016, nhưng trong thời gian qua có sự nhập nhèm về đấu thầu sản phẩm cho chương trình Sữa học đường ở một số địa phương, cái đó không được.
Theo tôi, bất kỳ sản phẩm nào không đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế thì đừng cho trẻ con uống. Nên con cháu nhà tôi, tôi không cho uống sữa này, mà mình tự đi mua sữa tươi cho các cháu uống.
Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư về cuộc trao đổi này!
Hồng Thủy
Theo giaoduc.net
Bổ sung vi chất vào sản phẩm cho Sữa học đường liệu có trái luật?
Hiện tại Bộ Y tế chưa ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sữa tươi tăng cường vi chất, theo quy định của Luật An toàn thực phẩm chưa có cơ sở bổ sung.
Ngày 15/8/2019, Bộ Y tế đã chính thức bác bỏ mọi cáo buộc rằng cơ quan này "chậm ban hành quy chuẩn sữa học đường, gây khó khăn cho doanh nghiệp".
Từ giải thích của Bộ Y tế, có thể thấy rõ 3 vấn đề cụ thể về sản phẩm sữa tươi dùng cho Chương trình Sữa học đường.
Thứ nhất, đang có sự hiểu lầm thuật ngữ / khái niệm nên dẫn đến những cáo buộc, thậm chí quy chụp Bộ Y tế.
Thế giới và Việt Nam không có "quy chuẩn sữa học đường", chỉ có quy định về sản phẩm sữa tươi dùng cho chương trình Sữa học đường theo Quyết định 1340/QĐ-TTg.
Thứ hai, chỉ 2 tháng 20 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chương trình Sữa học đường bằng Quyết định 1340/QĐ-TTg, Bộ Y tế đã ban hành quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường."Sữa học đường" là tên gọi chương trình / đề án, không phải tên gọi một loại sữa.
Theo đó, 4 loại sữa tươi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn quản lý của QCVN 5-1:2010/BYT thì được sử dụng cho chương trình Sữa học đường.
Đây cũng là các sản phẩm sữa tươi đang lưu thông trên thị trường nhiều năm qua, các địa phương tổ chức đấu thầu sản phẩm này cho Chương trình Sữa học đường rất thuận tiện, không có gì ngăn ngại.
Ví dụ điển hình là thành phố Hồ Chí Minh, yêu cầu kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường thành phố rất đơn giản, rõ ràng, đúng quy định và dễ thực hiện:
Nguyên liệu sản xuất sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường phải đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 (QCVN 01-186:2017/BNNPTNT).
Về thành phần sữa tươi: sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế (QCVN 5-1:2010/BYT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng).
Thứ ba, về vấn đề bổ sung vi chất vào sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường cần phải có nghiên cứu khoa học (bổ sung vi chất nào, hàm lượng bao nhiêu, tình trạng thiếu hụt vi chất ở trẻ em, khả năng hấp thu và chuyển hóa...).Thành phố Hồ Chí Minh không đặt vấn đề bổ sung / tăng cường vi chất vào sữa tươi, vì đến thời điểm hiện tại chưa đủ cơ sở khoa học và pháp lý.
Bộ Y tế chưa quyết định việc bổ sung vi chất và sẽ làm công khai dựa trên cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, tính thực tiễn, tính khả thi, tính hội nhập...
Cơ sở khoa học của việc bổ sung / tăng cường vi chất vào thực phẩm
Theo ý kiến chuyên gia, muốn bổ sung / tăng cường vi chất vào thực phẩm, phải có điều tra cộng đồng theo các khuyến cáo của WHO, FAO xem có nhóm nguy cơ nào trong một cộng đồng, một khu vực địa lý do thiếu vi chất, mức độ phổ biến của nó.
Sau đó phải có nghiên cứu khoa học xem cần bổ sung vi chất nào và bổ sung vào loại thực phẩm nào.
Khi bổ sung một loại vi chất vào một thực phẩm có làm thay đổi tính chất, phá hủy cấu trúc ban đầu không, có độc không; làm thế nào để sau khi tăng cường vi chất vào thực phẩm, quá trình chế biến làm đồng nhất hóa và vi chất tăng cường trở thành vô hình trong thực phẩm.
Khi bổ sung nhiều vi chất khác nhau vào cùng một loại thực phẩm, các vi chất này có tương tác với nhau, làm biến đổi cấu trúc và tính chất ban đầu hoặc sinh ra các chất mới, các tác dụng không mong muốn với sức khỏe hay không...
Những quan điểm cho rằng bổ sung càng nhiều vi chất càng tốt là rất phản khoa học, có thể để lại hệ lụy vô cùng to lớn và lâu dài với sức khỏe trẻ em.
Hình ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: hanoitv.vn.
Bất kỳ sản phẩm nào khi đưa vào cơ thể con người nói chung, trẻ em nói riêng cũng phải trên cơ sở nghiên cứu khoa học, phải có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng phục vụ quản lý nhà nước, nếu không sẽ để lại hậu quả khôn lường.
Hội chứng teo cơ delta ở trẻ em năm 2006 (hội chứng sệ cánh) là một bài học.
Tăng cường vi chất vào thực phẩm cần phải trải qua một quá trình điều tra cộng đồng và nghiên cứu khoa học nghiêm túc và Chính phủ phải ban hành nghị định sau khi các bộ chuyên môn đệ trình kết quả điều tra, nghiên cứu, mới có cơ sở pháp lý triển khai.
Ví dụ ngày 28/1/2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 09/2016/NĐ-CP quy định về tăng cường vi chất vào thực phẩm, theo đó bổ sung i ốt vào muối; sắt, kẽm, vitamin A, vitamin B12, Acid folic vào bột mỳ; sắt vào nước mắm; vitamin A vào đường và dầu ăn.
Cơ sở pháp lý của việc bổ sung / tăng cường vi chất vào sữa tươi phục vụ chương trình Sữa học đường
Theo tìm hiểu của chúng tôi, muốn bổ sung vi chất vào sữa tươi dùng cho chương trình Sữa học đường, Bộ Y tế cần ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sữa tươi bổ sung vi chất, theo quy định tại:
- Khoản 3, Điều 37, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.- Khoản 3, Điều 3; Điểm b), Khoản 5, Điều 5; Khoản 1, Điều 10; Khoản 1 và Khoản 2, Điều 13 Luật An toàn thực phẩm (số 55/2010/QH12);
- Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (luật số 66/2006/QH11) ngày 29/6/2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này.
Cụ thể Luật An toàn thực phẩm quy định như sau:
Khoản 3 Điều 3 (Nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm):
Quản lý an toàn thực phẩm phải trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng.
Điểm b), Khoản 5, Điều 5 (Những hành vi bị cấm): Thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Khoản 1, Điều 10 (Điều kiện chung về đảm bảo an toàn đối với thực phẩm):
Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tinh mang con người.
Khoản 1 và Khoản 2, Điều 13 - Điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm tăng cường vi chât dinh dưỡng:
1. Tuân thủ các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này.
2. Nguyên liệu ban đầu tạo nên thực phẩm phải bảo đảm an toàn và giữ nguyên các thuộc tính vốn có của nó; các nguyên liệu tạo thành thực phẩm không được tương tác với nhau để tạo ra các sản phẩm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người.
Cho đến hiện tại Bộ Y tế chưa xây dựng được quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi bổ sung vi chất thì dựa vào cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý nào để xem xét tăng cường vi chất vào sữa tươi sử dụng cho chương trình Sữa học đường?
Như vậy có thể thấy Nhà nước quản lý rất chặt chẽ về tăng cường vi chất vào thực phẩm với đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật và quy trình bắt buộc.
Mọi quyết định tăng cường vi chất vào thực phẩm (như sữa tươi dùng cho chương trình sữa học đường) mà không có cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý có thể dẫn đến nhiều rủi ro với sức khỏe cộng đồng.
Như vậy có thể thấy Bộ Y tế rất thận trọng trong việc xem xét bổ sung vi chất vào sữa tươi sử dụng cho chương trình Sữa học đường. Ngoài cơ sở khoa học, chúng tôi cho rằng Bộ cũng nên lưu ý đến cơ sở pháp lý của việc tăng cường, bổ sung vi chất vào thực phẩm.
Bởi nếu không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng theo Điều 10 và Điều 13 Luật An toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa tươi tăng cường vi chất, Nhà nước sẽ quản lý và giám sát như thế nào đối với loại sản phẩm này? Khi xảy ra vấn đề gì với sức khỏe cộng đồng, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Hồng Thủy
Theo giaoduc.net
30 học sinh tiểu học nhập viện nghi bị ngộ độc sữa Đây là hôm đầu tiên các em uống sữa theo chương trình sữa học đường và bị ngộ độc. Khoảng 8 giờ ngày 25-4, tại Trường tiểu học Ninh Quý, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), khoảng 30 em học sinh của trường sau khi dùng sản phẩm thức uống Nestle Milo dạng hộp 115 ml bỗng có triệu chứng rối...