Căn bếp nhỏ ngập nắng ấm với cách decor vô cùng dễ thương của mẹ đảm Sài Gòn
Trong không gian nấu nướng có diện tích hạn chế, chị Trần Thủy vô cùng khéo léo để sắp xếp từng góc nhỏ gọn gàng, đẹp ấn tượng với màu nền vàng ấm cúng.
Với chị Thủy, dù mỗi ngày mệt nhọc đến đâu, vất vả ngược xuôi như thế nào thì khi bước chân về nhà, mọi áp lực cuộc sống dường như tan biến.
Mở cửa ra là những bước chân của những bình yên trọn vẹn. Chị yêu thích tổ ấm của mình bởi theo chị, nơi ấy có không gian bếp nhỏ xinh, nơi để chị tận tâm với những bữa cơm gia đình.
Dù căn bếp không rộng không sang nhưng cũng đủ duyên dáng và ấm cúng với nét đẹp tinh tế mà ở đó, chị đã dành khá nhiều tâm huyết và thời gian để hoàn thiện.
Căn bếp được chọn gam màu vàng cho bức tường kính tạo sự đối lập về màu sắc một cách nổi bật hoàn hảo.
Tường bếp màu vàng giúp bàn đá bếp, hệ tủ bếp trở nên thoáng sáng và bắt mắt.
Chị Thủy chia sẻ: “Mình là một người phụ nữ hiện đại, yêu thích cuộc sống năng động tự do. Nhưng khi trở về nhà, mình lại muốn là một người phụ nữ truyền thống, thường xuyên chế biến những món ăn ngon cho gia đình, thường xuyên cùng chồng thưởng thức những bữa cơm sum vầy sau ngày làm việc tất bật, căng thẳng. Vì thế khi dọn về ở nhà mới này, mình chú trọng nhất là khu bếp”.
Khi nhận nhà, chủ đầu tư thiết kế khá ấn tượng. Chị Thủy thích nhất là khu bếp, vì kín ở giữa hai phòng ngủ, bếp lại khá dài nên rất tiện lợi cho sở thích nấu nướng, bày biện các món ăn. Chị đã tự đặt thợ đến đo và đóng lắp toàn bộ hệ thống tủ và bếp.
Toàn bộ không gian nấu nướng dù có diện tích nhỏ nhưng đã được chị Thủy lựa chọn gam màu yêu thích, màu của sự sum vầy, ấm áp.
Khu vực bếp được thiết kế hệ tủ sát tường. Với lợi thế về chiều dài, chị Thủy đã nhờ thợ thiết kế hệ tủ và bếp dọc theo tường, đồng thời tận dụng tối đa phần bàn bếp để bố trí các vật dụng đồ dùng cơ bản.
Yêu màu vàng, chị Thủy cũng thường có thói quen mua đồ gốm sứ với gam màu yêu thích.
Bộ bát đĩa đựng đồ ăn được lựa chọn họa tiết quả dứa vô cùng dễ thương.
Video đang HOT
Vì yêu thích nấu nướng, thích vào bếp chế biến những món ăn nên chị Thủy có thói quen sưu tầm đồ gốm. Những chiếc bát đĩa với hình thù, họa tiết xinh xắn đều được chị lựa chọn, sưu tầm để làm đẹp cho món ăn, làm duyên cho góc bếp của gia đình mình.
Vì căn hộ được chọn màu chủ đạo là vàng và trắng nên chị Thủy đã chọn kính cường lực ốp tường bếp màu vàng, vừa dễ vệ sinh khi nấu nướng vừa tạo sự liên kết liền mạch với không gian chính. Căn bếp màu vàng được chị khéo léo kết hợp với phụ kiện cũng như trở nên duyên dáng, hiện đại, bắt mắt khi có sự hài hòa với ánh sáng tự nhiên bên ngoài.
Hệ tủ bếp được chị Thủy chọn màu trắng và đóng kiểu kín để tiện bỏ những đồ đạc, vật dụng không dùng đến vào bên trong, sắp xếp một cách khoa học vừa giúp không gian rộng thoáng hơn vừa dễ dàng khi có nhu cầu tìm kiếm.
Bên cạnh bếp là góc ăn uống với bộ bàn ghế gỗ đơn giản.
Không gian nhỏ gọn, tiện ích nhưng không kém phần ấm cúng.
Những lọ thủy tinh đựng đồ muối được sắp xếp ngay ngắn, gọn đẹp.
Góc ăn uống luôn có sự hiện diện của sắc màu thiên nhiên tươi tắn, tràn đầy niềm vui và sức sống.
“Góc bếp này được gọi là góc yêu thích của hai vợ chồng mình vì mình rất mê nấu nướng. Lúc nào rảnh cũng thường xuyên tìm kiếm những món mới và tự tay chế biến. Mình rất vui vì chồng cũng có cùng niềm đam mê. Cả hai cùng trò chuyện, cùng nấu nướng, sau đó phụ nhau dọn dẹp. Bởi thế, dù về ở hơn 2 năm nhưng căn bếp lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ”, chị Thủy vui vẻ bày tỏ.
Chị Thủy là một người yêu thích nấu ăn, thích vào bếp. Vì thế, chị và chồng thường cùng nhau chế biến những món ngon, cùng thưởng thức và trò chuyện những lúc rảnh rỗi.
Căn bếp với diện tích nhỏ, không gian hạn hẹp nhưng với sự khéo léo sắp đặt, bố trí các khu vực chức năng, từng góc nhỏ trở nên duyên dáng và ấn tượng. Không gian nấu nướng không chỉ là nơi chuẩn bị bữa ăn gia đình mà còn là góc giữ lửa, góc đong đầy kỷ niệm, vun vén hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ.
Nguồn ảnh: NVCC
10 quy tắc vàng để có một căn bếp thoáng đãng, tối giản
Với cấu tạo bếp mở hoặc những ai yêu thích phong cách đơn giản, gọn nhẹ, căn bếp tối giản thực sự là một gợi ý hay ho.
Một căn bếp tối giản tới mức gần như "trống trơn" ngày càng trở nên phổ biến, trở thành xu hướng yêu thích của nhiều người.
Nếu bạn đang sở hữu một căn bếp mở thì phong cách này khiến tổng thể không gian rộng rãi, thoáng đãng và sạch sẽ hơn. Ngoài ra, với những người bận rộn không có nhiều thời gian dọn dẹp và những ai yêu thích phong cách đơn giản, gọn nhẹ, căn bếp tối giản thực sự là một gợi ý tuyệt vời.
Dưới đây là những quy tắc vàng để bạn sở hữu được căn bếp như vậy.
1. Không có nhiều hơn những thứ bạn cần
Nếu bạn thường xuyên tổ chức các bữa tiệc mời bạn bè đến dự, vậy thì có thể dự trữ sẵn nhiều bộ bát ăn. Trong trường hợp bạn hiếm khi có khách đến dùng bữa, hãy giảm bộ sưu tập đồ dùng nhà bếp của mình xuống.
Với nguyên tắc tương tự, bạn đừng bao giờ mua sắm và cất giữ các món đồ nhiều hơn nhu cầu sử dụng.
2. Loại bỏ các loại bát đĩa không sử dụng đến trong 6 tháng qua
Nếu có chiếc cốc hoặc bộ bát đĩa nào đó chưa từng sử dụng trong 6 tháng qua, bạn nên cân nhắc việc tặng chúng đi.
Cả một quãng thời gian dài không sử dụng đến, nghĩa là bạn không thực sự cần món đồ đó trong căn bếp. Hãy chỉ giữ lại những thứ bạn thường xuyên sử dụng mà thôi.
3. Đừng để thứ "lạc loài"
Nhà bếp chỉ được dùng để lưu trữ những thứ liên quan đến nấu nướng mà thôi. Điều đó nghĩa là các món đồ giải trí hay bất kì thứ gì khác không liên quan đến bếp, bạn cần loại bỏ chúng ra ngoài để làm thoáng không gian.
4. Không nên mua thiết bị chỉ có 1 công dụng
Việc sở hữu các công cụ chỉ có 1 công dụng như máy luộc trứng, máy làm mì sẽ khiến căn bếp của bạn ngày càng chật chội. Chẳng những thế món đồ kiểu ấy còn không được sử dụng thường xuyên, thậm chí sẽ bị lãng quên sau vài lần dùng, gây lãng phí tiền bạc.
Chỉ ăn món mì đôi lần mỗi tháng không cần thiết để bạn sắm cả 1 chiếc máy làm mì. Bạn nên mua các sản phẩm bán sẵn ở siêu thị. Bằng cách thực hiện quy tắc ấy, bạn sẽ hạn chế được rất nhiều dụng cụ không cần thiết, giải phóng không gian nhà bếp.
5. Giữ thói quen dọn dẹp
Để căn bếp luôn sạch sẽ thì nó cần phải được lau dọn thường xuyên. Ngoài lau sạch bụi bẩn, vết dính thức ăn, bạn còn cần dọn tất cả rác thải bỏ đi.
Hãy luôn đảm bảo rằng nhà bếp đã gọn gàng và sạch sẽ trước khi bạn đi ngủ. Nếu quá bận rộn không có thời gian, bạn có thể lau dọn sơ qua, chỉ mất khoảng 10 - 20 phút, để kiểm soát không cho tình trạng bừa bộn vượt quá giới hạn.
6. Giữ cho quầy bếp thoáng nhất có thể
Đừng đặt mọi thứ lên quầy bếp, hãy tìm những "ngôi nhà" cố định cho các thiết bị làm bếp của bạn. Giải phóng không gian quầy bếp một cách tối đa là yếu tố quan trọng làm nên căn bếp tối giản.
7. Thanh lọc tủ lạnh mỗi tuần
Dọn dẹp và thanh lọc tủ lạnh mỗi tuần không chỉ giúp làm sạch nó mà còn tốt cho việc mua sắm thực phẩm. Bạn sẽ biết rõ thứ gì mình không cần mua mới và thứ gì đã hết cần bổ sung, tránh mua thừa gây lãng phí thực phẩm.
8. Không nên giữ các bản sao
Nếu bạn giữ đồng thời 3 chiếc thìa giống nhau trong bếp thì hoàn toàn được. Vậy nhưng việc bạn có tới 3 chiếc kẹp gắp salad thì rõ ràng là không nên chút nào.
Loại bản sao duy nhất mà bạn được phép lưu giữ lại là món đồ sử dụng đến đồng thời và thường xuyên.
9. Thường xuyên dọn dẹp tủ đựng đồ khô
Một căn bếp tối giản sẽ sở hữu khu vực đựng đồ khô không có những thứ đã hết hạn cách đây cả năm trời, hoặc 7 chai nước sốt giống hệt nhau chất đống trong góc tủ.
Hãy đảm bảo bạn thường xuyên dọn dẹp tủ đựng đồ khô của mình, loại bỏ các thứ đã hết hạn, hỏng mốc. Ngoài ra bạn nên giữ cho các món đồ trong đó không ít hơn nhưng cũng không nhiều hơn nhu cầu sử dụng.
10. Không chứa đồ dùng một lần
Những chiếc cốc nhựa, đũa gỗ bọc giấy dùng một lần hay các gói tương cà, tương ớt nhỏ sử dụng cho một lần ăn - tất cả đều không thân thiện với một căn bếp tối giản. Chúng sẽ chẳng có công dụng gì nhiều ngoài việc khiến căn bếp của bạn lộn xộn hơn.
Căn bếp 10m trong nhà tập thể cũ vừa thông thoáng vừa tiện ích của bà mẹ trẻ thích nội trợ ở Hà Nội Chỉ với diện tích vỏn vẹn 10m, không gian nấu nướng, ăn uống hàng ngày của gia đình chị Hà Phương vẫn khiến mọi người ngắm nhìn mê mẩn từng góc nhỏ nhờ bàn tay khéo léo bài trí, sử dụng nội thất của mình. Không gian được cải tạo từ một căn bếp trong nhà tập thể cũ và nó đã khiến...