Căn bệnh nguy hiểm có thể ‘ăn mòn cơ quan nội tạng’
Viêm tụy cấp nguy hiểm, diễn biến nhanh nhưng triệu chứng thường không đặc trưng, dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác.
Đau bụng dữ dội, bí trung đại tiện, nôn ói, chướng bụng sau bữa ăn thịnh soạn hoặc uống rượu bia kéo dài có thể là biểu hiện của viêm tụy cấp. Người bệnh thường có tiên lượng xấu, diễn tiến suy đa cơ quan và tỷ lệ tử vong cao đến 20-50% nếu không được phát hiện và chẩn đoán sớm.
Cận kề cửa tử do mỗi ngày uống gần 1 lít bia
Mới đây, Bệnh viện Bình dân TP.HCM cấp cứu thành công bệnh nhân viêm tụy hoại tử thể nặng. Người đàn ông 37 tuổi, ngụ Long An, nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau dữ dội vùng bụng trên, bên trái, vã mồ hôi, mạch nhanh, bụng chướng căng, môi khô, khát nước.
Anh cho biết do gia đình kinh doanh bia nên hay uống và dần hình thành thói quen. Ngày nào anh cũng uống khoảng 0,5-1 lít bia, kéo dài suốt nhiều năm nay. Sau cuộc nhậu, bệnh nhân đột nhiên đau bụng, nôn ói, bụng chướng căng và được người nhà đưa cấp cứu.
Bệnh nhân bị viêm tụy hoại tử được điều trị tại Bệnh viện Bình dân. Ảnh: Trần Nhung.
Kết quả xét nghiệm cho thấy người đàn ông bị viêm tụy hoại tử nặng, bụng chứng nhiều hơi, máu cô đặc, có tổn thương thận cấp và nhiễm khuẩn huyết kết hợp. Các bác sĩ đánh giá người đàn ông này may mắn giữ được mạng sống do nhập viện sớm và được hồi sức tích cực các biện pháp cấp cứu hiện đại.
Trước đó, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) cũng tiếp nhận nam bệnh nhân 48 tuổi, vào khoa Cấp cứu với triệu chứng bệnh tương tự.
Đặc biệt, bệnh nhân chỉ số triglyceride (mỡ máu) lên đến 7.470 mg/dL, trong khi bình thường là dưới 100 mg/dL. Chỉ số mỡ máu tăng vượt mức khiến các axit béo tự do tăng theo làm tự tổn thương tế bào tụy, hệ quả là viêm tụy. Men tụy bị mất kiểm soát ngay trong tuyến tụy, kích hoạt tiến trình tự hủy mô.
Video đang HOT
Bác sĩ Nguyễn Văn Nhân, khoa Cấp cứu, Bệnh viện TP Thủ Đức, giải thích: “Thông thường, tuyến tụy tiết ra các men tụy, góp phần vào quá trình tiêu hóa thức ăn. Các men này được tiết ra dưới dạng không hoạt động (tiền men) và chỉ được hoạt hóa trở thành có tác dụng ở tá tràng. Với chỉ số triglyceride cao, nếu dịch tiêu hóa rò rỉ ra ngoài tuyến tụy có thể ăn mòn các cơ quan nội tạng lân cận, gây suy đa cơ quan, nguy cơ tử vong cao”.
Viêm tụy cấp bắt nguồn từ những bữa ăn thịnh soạn
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Phương, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Bình dân, tuyến tụy vừa có chức năng nội tiết, tiết hormone insulin và glucagon để giữ ổn định lượng đường trong máu, vừa là cơ quan ngoại tiết, tiết ra các men tiêu hóa thức ăn.
Tình trạng viêm tụy xảy ra khi các men này hoạt hóa trước khi được đổ vào ruột non. Lúc này, men tụy sẽ tấn công chính tuyến tụy, gây tổn thương mô tụy.
Triệu chứng khởi phát của viêm tụy là đau bụng, thường xuất hiện sau bữa tiệc, bữa ăn thịnh soạn với bia rượu. Ảnh minh họa: Medicalnewstoday .
Viêm tụy cấp cần được điều trị kịp thời vì có thể tạo “cơn bão cytokine”. Đây là phản ứng miễn dịch quá mức của cơ thể. Lúc này, dịch tụy tràn ra ngoài và đổ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng… Chất độc cũng có thể đi vào máu gây hạ huyết áp, nhiễm trùng huyết, tổn thương các cơ quan bên ngoài ổ bụng.
Viêm tụy cấp hoại tử thường có tiên lượng rất xấu, không ít người bệnh chịu biến chứng nặng nề, diễn tiến suy đa cơ quan và tỷ lệ tử vong cao khoảng 20-50%.
Theo các bác sĩ, trong hầu hết trường hợp, nguyên nhân gây viêm tụy là sỏi đường mật hoặc uống bượu bia. Đặc biệt, lạm dụng rượu bia được xác định là nguyên nhân của 70% trường hợp viêm tụy mạn tính. Một số nguyên nhân ít phổ biến hơn bao gồm dùng thuốc, nhiễm trùng, chấn thương, rối loạn chuyển hóa hoặc không rõ nguyên nhân.
“Suy gan, xơ gan do rượu là điều mà mọi người thường hay nhắc đến. Nhưng viêm tụy cấp do rượu gây tử vong nhanh chóng nếu diễn tiến nặng”, bác sĩ Phương lưu ý. Cách dự phòng duy nhất là hạn chế sử dụng rượu bia quá mức.
Khi có dấu hiệu như đau bụng dữ dội, bí trung đại tiện, nôn ói, chướng bụng sau bữa ăn thịnh soạn hoặc uống rượu bia kéo dài, bệnh nhân cần nghĩ đến khả năng xảy ra viêm tụy cấp để đến bệnh viện điều trị kịp thời.
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bình dân đã tiếp nhận điều trị 14 trường hợp viêm tụy cấp hoại tử nặng do rượu bia. Nhiều người phải lọc máu liên tục, dẫn lưu dịch hoại tử và kết hợp kháng sinh phổ rộng.
“Đa số bệnh nhân là nam, độ tuổi trung bình 30-40 và khởi phát đau sau khi uống rượu”, bác sĩ Phương nói thêm.
Cảnh giác với viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp tính của nhu mô tụy bao gồm cả các thương tổn kèm theo ở nhiều mức độ khác nhau của các cơ quan lân cận cũng như các biến chứng toàn thân.
Viêm tụy cấp ngày càng phổ biến với tần suất mắc vào khoảng 25-75 trường hợp/100.000 dân/năm, trong đó 10-30% là viêm tụy cấp nặng.
Lạm dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân viêm tụy cấp
Có nhiều yếu tố nguyên nhân trong bệnh sinh viêm tụy cấp, nhưng cơ chế chủ yếu của viêm tụy cấp đến nay vẫn chưa được hoàn toàn biết rõ. Có một vài lý do hay được nhắc đến, trong đó nhiều trường hợp viêm tụy cấp có sỏi mật kèm theo, tỷ lệ chiếm 40-70%, thường diễn tiến cấp tính và cải thiện khi sỏi tự thoát hoặc lấy đi.
Lý do về mặt giải phẫu giữa đường mật và ống tụy có chỗ đổ chung nhau nên một số trường hợp sỏi mật làm tắc ống tụy, dẫn đến ứ đọng và gây nên viêm tụy. Mặc dù còn nhiều vấn đề nghiên cứu chưa thấy rõ về mặt sinh bệnh học nhưng mối liên quan giữa sỏi mật và viêm tụy cấp được nhiều tác giả ủng hộ. Cũng tương tự như vậy, nếu có giun trong đường mật, chui xuống làm tắc nghẽn chỗ đổ chung này sẽ gây viêm tụy.
Viêm tụy cấp do rượu cũng hay gặp, chiếm tỷ lệ 25-35%, biểu hiện từ những đợt viêm tụy riêng biệt đến tình trạng viêm tụy mạn tính không hồi phục. Người ta đã nghiên cứu và thấy rượu làm tăng độ tập trung protein trong dịch tụy, sự lắng đọng protein sẽ dẫn đến hiện tượng vôi hóa, viêm tụy.
Ngoài ra còn có nguyên nhân do thuốc: một số thuốc có thể là nguyên nhân như azathioprine, thuốc ức chế men chuyển, sulfasalazin, estrogens,... hoặc tác nhân nhiễm trùng, bất thường chuyển hóa như tăng calci máu, cường tuyến cận giáp. Ở một số bệnh nhân không tìm rõ nguyên nhân với tỷ lệ khoảng 10-20%. Lưu ý, nếu bệnh nhân dưới 30 tuổi, tiền căn gia đình có viêm tụy và không rõ nguyên nhân nên thử nghiệm về gene để xác định viêm tụy cấp di truyền do đột biến gene.
Dấu hiệu nhận biết
Khi bị viêm tụy cấp, bệnh nhân có biểu hiện đau bụng, chủ yếu đau vùng thượng vị, đau dữ dội, đột ngột sau bữa ăn thịnh soạn. Đau thường kéo dài, lan ra sau lưng, hoặc hạ sườn 2 bên.
Tiếp theo bệnh nhân có biểu hiện nôn và buồn nôn, thường xảy ra sau đau, nôn xong không đỡ hay hết đau (khác viêm dạ dày cấp), thường nôn ra dịch dạ dày, dịch mật, thể nặng có thể nôn ra dịch máu loãng. Trướng bụng và bí trung đại tiện: nhất là với các thể viêm tụy cấp hoại tử nặng, một số trường hợp lại đi ngoài lỏng nhiều lần. Khi thăm khám bác sĩ có thể thấy bụng trướng nhẹ, phản ứng thành bụng, không có co cứng thành bụng, nhu động ruột giảm hoặc mất do liệt ruột, gõ đục vùng thấp (dịch tự do ổ bụng), các dấu hiệu của nguyên nhân như tắc mật...
Viêm tụy cấp ở bệnh nhân nam, hình ảnh của MRI cho thấy tụy bị phù to (mũi tên).
Ngoài ra, tùy bệnh cảnh bệnh nhân có thể có: rối loạn ý thức, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, sốt, thiểu niệu hoặc vô niệu... Các xét nghiệm cho thấy tăng amylase và lypase trong huyết thanh, trên 3 lần so với bình thường. Hình ảnh siêu âm kết quả cho thấy tụy to, có thể to toàn bộ hay từng phần; bờ, nhu mô tụy không đều; có thể có dịch quanh tụy và trong ổ bụng. Chụp cắt lớp vi tính sẽ giúp chẩn đoán xác định viêm tụy cấp, chẩn đoán xác định viêm tụy cấp nặng thông qua hình ảnh các biến chứng.
Sự nguy hiểm của viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp là bệnh tổn thương viêm nhu mô tuyến tuỵ cấp tính từ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong. Viêm tụy cấp có thể tạo điều kiện cho các enzym hoạt hóa và các chất độc như cytokine tràn ra ngoài tụy và đổ vào ổ bụng gây viêm phúc mạc, sốc nhiễm trùng và lan sang các bộ phận khác vô cùng nguy hiểm. Chất độc cũng có thể được hấp thu từ ổ bụng vào mạch bạch huyết và sau đó vào máu gây nên tụt huyết áp, nhiễm trùng huyết (một bệnh rất nặng) và tổn thương các cơ quan bên ngoài ổ bụng.
Cần làm gì?
Phần lớn viêm tụy cấp là thể phù điều trị chủ yếu bằng phương pháp nội khoa, bệnh sẽ thoái triển sau 5-7 ngày. Các biện pháp thông thường là: hút dịch vị, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch khi các triệu chứng đau giảm nhiều mới bắt đầu cho ăn dần, bắt đầu là nước đường, đến nước cháo đường, rồi cháo để giảm sự tiết dịch tụy; bù nước và điện giải để đảm bảo thăng bằng kiềm toan, tùy theo điều kiện và nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng các loại thuốc giảm tiết, kháng sinh phù hợp.
Ở bệnh nhân có tiền sử sỏi hoặc giun chui đường mật, hoặc sau bữa ăn thịnh soạn có sử dụng nhiều rượu, mà xuất hiện đau bụng cấp, cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để khám và điều trị hợp lý, kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Cách tốt nhất là giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, định kỳ 6 tháng đến 1 năm tẩy giun 1 lần để tránh mắc ký sinh trùng đường ruột; ăn uống hợp lý, tránh sử dụng bia, rượu quá nhiều để đảm bảo cho cơ thể luôn luôn được khỏe mạnh.
Đau bụng dữ dội sau bữa tiệc thịnh soạn vì bệnh nguy hiểm thường gặp Sau buổi tiệc thịnh soạn với người thân, người đàn ông phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, bụng chướng căng. Bác sĩ xác định bệnh nhân bị viêm tụy cấp do rối loạn chuyển hóa. Đó là trường hợp bệnh nhân B.T.Đ. (49 tuổi) nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện quận Thủ Đức sáng 27/10. Khi...