‘Căn bệnh hoàng gia’ khiến cụ ông chảy máu không ngừng
Cụ ông mang bệnh suốt 70 năm nhưng không hề hay biết cho đến khi khớp bị biến dạng, chảy máu nhiều và phải cưa chân.
Ông Nguyễn Văn B. (70 tuổi, Thái Bình) có tiền sử chảy máu lâu cầm từ nhỏ nhưng không để ý. Đến năm 2002, ông không may bị ngã gãy xương đùi, gia đình đã đưa đi thăm khám, điều trị ở nhiều nơi nhưng mãi không khỏi, nghĩ ung thư xương nên không mổ, đưa về nhà.
Trong suốt 16 năm, vết gãy tại đùi không lành kèm theo khối máu tụ ngày càng to, sau đó phá ra, xuất hiện các lỗ rò, chảy máu nhiều khiến ông rất đau đớn.
Chân bệnh nhân sưng to, xuất hiện lỗ rò gây chảy máu nhiều
Nghĩ bệnh không chữa được nên nhiều năm ròng, ông B. cố cắn răng chịu đựng, không đến bệnh viện điều trị, hễ khi nào đau quá lại uống thuốc giảm đau.
Mới đây, ông được tuyến dưới chuyển lên Viện Huyết học – Truyền máu TƯ khi vết thương tại chân đã làm biến dạng khớp, teo cơ, không đi lại được.
Đùi trái bệnh nhân cũng sưng rất to do tụ máu lâu ngày, xuất hiện lỗ rò gây chảy máu nhiều. Do khối máu tụ lâu ngày gây hoại tử nên bác sĩ buộc phải cưa chân.
Theo lời bệnh nhân, trong họ hàng của ông còn có em trai, anh họ và cháu ngoại cũng mắc phải bệnh tương tự.
Theo các bác sĩ Viện Huyết học – Truyền máu TƯ, căn bệnh ông B. mắc phải là Hemophilia, hay còn gọi là bệnh máu khó đông, rối loạn có tính di truyền.
Video đang HOT
Chưa thể chữa khỏi
Sở dĩ gọi Hemophilia là “căn bệnh hoàng gia” do bệnh xuất hiện nhiều trong các hoàng tộc châu Âu từ thế kỷ 18-19, trong đó nhiều người qua đời khi tuổi còn rất trẻ.
Sau này, các nhà khoa học xác định, nguyên nhân gây bệnh do thiếu yếu tố đông máu. Bệnh được chia làm 2 loại là Hemophilia A (thiếu yếu tố đông máu số 8) và Hemophilia B (thiếu yếu tố đông máu số 9). Tỉ lệ mắc trung bình trên thế giới khoảng 1/10.000 dân. Hemophilia có thể chẩn đoán dựa vào lâm sàng và xét nghiệm cầm máu.
Bệnh mang tính di truyền lặn, có trên nhiễm sắc thể X, do đó nam giới có nhiều khả năng mắc bệnh còn phụ nữ thường xuất hiện dưới dạng mang gen bệnh nên không có triệu chứng.
Theo đó, nếu bố bị bệnh, mẹ bình thường, khi sinh con trai thì con hoàn toàn bình thường (không truyền bệnh cho thế hệ sau), con gái mang gen bệnh.
Bệnh nhân Hemophilia có thể chảy máu không ngừng dù chỉ bị 1 vết thương nhỏ
Nếu mẹ mang gen bệnh, bố bình thường, 25% con gái bình thường, 25% con gái mang gen bệnh; 25% con trai bình thường, 25% con trai bị bệnh. Nếu bố bị bệnh, mẹ mang gen thì có khả năng con gái bị bệnh.
Triệu chứng lâm sàng của bệnh thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu tập đứng và lẫm chẫm tập đi. Sau những lần ngã thường có xuất huyết dưới da hoặc chảy máu môi, lưỡi.
Biểu hiện của bệnh rất đa dạng: Chảy máu tự nhiên, bất thường hoặc sau phẫu thuật có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể nhưng hay gặp nhất là chảy máu khớp, cơ.
Ngay cả những vết thương nhẹ cũng có thể dẫn đến chảy máu kéo dài nhiều ngày hoặc nhiều tuần dẫn đến tử vong.
Các biến chứng của Hemophilia bao gồm tổn thương khớp do chảy máu lặp đi lặp lại dẫn tới biến dạng khớp, teo cơ khiến nhiều người dễ nhầm tưởng bệnh khác.
Ngoài ra còn xảy ra tình trạng chảy máu bên trong, xuất hiện các triệu chứng thần kinh do xuất huyết trong não, gia tăng nguy cơ bị nhiễm trùng như viêm gan hoặc khi tiếp nhận máu hiến tặng.
Đến nay, bệnh máu khó đông vẫn chưa có thuốc chữa. Chảy máu ở người bệnh Hemophilia cần được điều trị bổ sung các yếu tố đông máu bị thiếu hụt càng sớm càng tốt để giảm thiểu các biến chứng lâu dài.
Để hạn chế di truyền bệnh, trước khi cưới các cặp vợ chồng cần đi khám, tầm soát các bệnh di truyền. Nếu phát hiện mang gen bệnh, có thể áp dụng thụ tinh ống nghiệm, loại bỏ những quả trứng bị bệnh Hemophilia.
Ở Việt Nam, ước tính có khoảng 6.000 người mắc bệnh và 30.000 người mang gen Hemophilia, tuy nhiên có tới 60% người bệnh trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet.vn
Bệnh máu khó đông khiến cụ ông phải cưa chân
Mắc bệnh máu khó đông hàng chục năm mà không biết, bệnh nhân 70 tuổi (Thái Bình) phải bỏ chân do biến chứng teo cơ khớp.
Ảnh minh họa
Bệnh nhân vào Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội) điều trị khi đã bị teo cơ biến dạng khớp, không đi lại được. Đùi trái bệnh nhân sưng rất to do tụ máu, lâu ngày đã hoại tử, bác sĩ buộc phải cưa chân. Ông được chẩn đoán mắc bệnh máu khó đông Hemophilia. Em trai, anh họ và cháu ngoại của ông cũng mắc phải căn bệnh di truyền này.
Ông cụ có tiền sử chảy máu lâu cầm từ nhỏ, song nghĩ là bệnh về cơ khớp. Hàng chục năm nay ông phải sống chung với những cơn đau vì bị chảy máu.
Việt Nam có khoảng 6.000 người mắc Hemophilia, chỉ gần 40% bệnh nhân được phát hiện và chăm sóc thường xuyên. Hiểu biết của người bệnh và một số cán bộ y tế còn thấp, nhiều người đến viện muộn và điều trị chưa đầy đủ. Có người vào viện mổ, chảy máu không cầm dẫn đến hôn mê mới biết mắc bệnh.
6 tháng đầu năm, Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã phát hiện thêm 110 bệnh nhân mới. Hiện có khoảng 1.680 bệnh nhân đang được Viện Huyết học quản lý.
Hemophilia là bệnh ưa chảy máu hay máu khó đông, là rối loạn đông máu do thiếu một số yếu tố đông máu. Người bệnh có thể bị xuất huyết không thể kiểm soát do một chấn thương rất nhỏ, chảy máu vào các khớp và cơ bắp gây đau dữ dội dẫn tới tàn tật, chảy máu vào não có thể gây tử vong. Đây là bệnh hiếm gặp, cứ 10.000 nam giới thì có một người mắc bệnh. Đa số trường hợp mắc bệnh do di truyền. Phần lớn nam giới mắc bệnh máu khó đông, nhưng phụ nữ lại là người mang gene bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia, uớc tính Việt Nam có hơn 30.000 người mang gene bệnh nhưng số tiếp cận được thông tin không nhiều. Không ít phụ nữ liên tiếp phải chịu nỗi đau khi sinh con ra bị bệnh, con chết mà không biết vì sao. Họ lại tiếp tục sinh với hy vọng đẻ con khỏe mạnh. Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đầy đủ, bệnh nhân có thể sống như người bình thường.
Theo bác sĩ Mai, các cặp vợ chồng trước khi cưới nên đi khám để được tư vấn và tầm soát bệnh di truyền. Người bị rối loạn cầm máu và đông máu, khi bị chấn thương cần vào viện ngay. Trẻ mắc bệnh máu khó đông cần tránh vận động mạnh gây chấn thương.
Những trường hợp chảy máu khó cầm hoặc thường xuyên bị bầm tím, đau khớp, nên nghĩ tới bệnh máu khó đông. Khi có bệnh, nên đi khám định kỳ 6 tháng một lần, không tiêm bắp, châm cứu hay massage, tránh sử dụng các thuốc gây chảy máu như aspirin, tập thể dục cơ khớp để giảm chảy máu.
Hà An
Theo Vnexpress
Sơ cứu đúng cách khi bị rắn cắn Không nên buộc garo, nạn nhân nằm ở tư thế sao cho vùng bị rắn cắn thấp hơn vị trí tim kể cả khi đưa đi viện. Ảnh minh họa Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) vừa tiếp nhận bệnh nhi 7 tuổi người dân tộc Raglai ở Ninh Thuận, cấp cứu với tình trạng toàn thân sưng phù, chảy máu chân...