Campuchia truy tìm đường dây buôn nam giới
Nói đến buôn người, người ta thường nghĩ phụ nữ mới là nạn nhân. Nhưng nam giới cũng là mục tiêu của những kẻ săn tìm lao động khổ sai. Câu chuyện của những người trong cuộc vừa thoát khỏi “địa ngục” này…
Nouv Vuthy ôm chầm lấy cha khi trở về Campuchia ngày 29-7-2011 – Ảnh: Phnom Penh Post
Báo Phnom Penh Post cho biết năm người Campuchia, tuổi từ 26-35, quê ở các tỉnh Takeo, Kampong Cham và Battambang, đã trốn khỏi một tàu đánh cá Thái Lan và được các ngư dân Đông Timor cứu vớt. Năm thanh niên cho biết người môi giới hứa sẽ đưa họ đi Thái Lan làm công nhân xây dựng nhưng cuối cùng họ bị bán cho tàu đánh cá. Tại đây, người ta nói họ chỉ làm việc tạm thời 3-4 tháng. Trên tàu, chứng kiến một người chết và bị chủ tàu nhẫn tâm quăng xuống biển, quá sợ hãi, năm người quyết định nhảy tàu trốn đi, phó mặc cho số phận.
Câu chuyện của các nạn nhân
Thith Sopheak và bốn người “may mắn” khác đã nhảy khỏi tàu cá Thái Lan và được cứu ở Malaysia vào tháng 2-2011. Họ đã được đưa trở về Campuchia vào cuối tháng 7.
“Đừng tin lời họ. Họ đưa bạn đến địa ngục”, Thith Sopheak khuyên mọi người cảnh giác trước lời hứa tốt đẹp về công ăn việc làm từ miệng những kẻ chuyên đi chiêu dụ người và bán cho các đường dây buôn người. “Tôi khóc mỗi lần nhìn thấy họ (các nạn nhân). Rất nhiều người Campuchia ở đó, không phải 100 mà có lẽ phải đến 1.000 người” – anh nghẹn ngào.
Video đang HOT
“Chúng tôi bị đối xử rất dã man. Rất nhiều người Campuchia đã chết trên biển”, một nạn nhân 29 tuổi đau khổ nói với báo chí tại sân bay quốc tế Phnom Penh.
Theo lời của các nạn nhân, những người bị ốm nặng hay kiệt sức vì phải làm việc quần quật 22 giờ/ngày bị hành hạ không thương tiếc. Ai chết thì bị quăng xuống biển.
Bà Chan Phally, mẹ của nạn nhân 21 tuổi Nouv Vuthy, cho biết bà đã hết lời khuyên can con đừng tin lời hứa đầy khả nghi của kẻ môi giới, nhưng Vuthy khăng khăng đòi đi cho bằng được. “Tôi như đã chết khi nó gọi điện và báo mình bị bán đi làm việc trên tàu”, bà kể. Nouv Vuthy và những người khác bị hành hạ, đánh đập, bị bắt làm việc không ngưng nghỉ, bị dọa giết… trước khi bỏ trốn.
“Nói đến buôn người, người ta thường nghĩ phụ nữ mới là nạn nhân. Nhưng nam giới cũng là mục tiêu của những kẻ săn tìm lao động khổ sai. Họ bị đánh đập hay ép dùng chất gây nghiện do các chủ tàu muốn vắt kiệt sức lực các nô lệ” – Lim Tith, điều phối viên Dự án phòng chống buôn bán người của Liên Hiệp Quốc ở Campuchia, nói.
Ngoài nhóm năm người đánh cá của Vuthy, một nhóm ba người khác cũng đã trải qua những ngày tháng trong địa ngục và được giải cứu khi cảnh sát Malaysia kiểm tra xưởng sản xuất ván ép, nơi họ đang lao động, vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua. Tất cả đều đã được đưa về nước.
Trở về từ địa ngục, các nạn nhân còn phải đối mặt với một tương lai bấp bênh do không có nghề nghiệp và thu nhập.
Có cảnh sát trong đường dây buôn người
Bith Kimhong, giám đốc Cơ quan phòng chống buôn bán người và bảo vệ thanh thiếu niên, trực thuộc Bộ Nội vụ Campuchia, nói cảnh sát tin rằng có một đường dây bán nam thanh niên ra nước ngoài lao động. Cơ quan chức năng đang điều tra các vụ lừa bán nam thanh niên ra nước ngoài từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2011. Ngày 29-7 vừa qua, cảnh sát đã bắt giữ một nghi can và xác định được ba kẻ tình nghi khác.
Cảnh sát Campuchia đang truy nã một cảnh sát bị nghi nằm trong đường dây này. Theo một nhân viên điều tra đề nghị giấu tên, cảnh sát này bị nghi là đã tham gia buôn bán 15 người Campuchia dựa trên lời khai của nạn nhân Nouv Vuthy. Chiv Phally, phó giám đốc Cơ quan phòng chống buôn bán người và bảo vệ thanh thiếu niên, cho biết lệnh truy nã đã được ký từ ngày 29-7. “Hiện nghi phạm còn lẩn trốn nhưng cảnh sát đang lần theo dấu vết để bắt cho được. Theo điều tra ban đầu, chúng tôi xác định đây là một đầu mối quan trọng và trực tiếp lừa người đi Thái Lan”.
Trong lời khai ngày 1-9-2011, Nouv Vuthy khẳng định viên cảnh sát này là nhân vật chính trong mạng lưới đã bán anh và những người Campuchia khác với phí dịch vụ 25 USD/người. “Gã đó đã dàn xếp việc đưa chúng tôi sang Thái Lan, là người thu tiền của chúng tôi, thế mà giờ đây hắn ta lại bỏ trốn” – Nouv Vuthy nói.
Ngay cả người hàng xóm của Vuthy ở tỉnh Kampot, người giới thiệu anh vào đường dây đi lao động nước ngoài, cũng đã bỏ trốn khỏi địa phương.
“Tôi không hiểu tại sao người này lại bỏ trốn (nếu không dính chàm)” – Huy Pich Sovann, giám đốc Chương trình phổ biến kiến thức pháp luật cho cộng đồng, nhận xét. Theo vị này, lệnh truy nã đối với gã cảnh sát cũng là một tin tốt cho các nạn nhân trên con đường đòi lại công lý.
Theo Tuổi Trẻ
WikiLeaks: Malaysia là điểm nóng buôn người
Hàng ngàn phụ nữ từ các nước Đông Nam Á cũng như từ Trung Quốc và Ấn Độ đã bị buôn lậu sang Malaysia, sau đó bị buộc lao động khổ sai và làm trong các nhà thổ - tài liệu WikiLeaks tiết lộ một bức điện tín từ Đại sứ quán Mỹ ở Kuala Lumpur năm 2006 cho biết.
Nhiều phụ nữ nước ngoài đến Malaysia lao động là nạn nhân của các đường dây buôn người - Ảnh: Malaysia News
Trong thông điệp gửi Bộ Ngoại giao Mỹ đề ngày 3-3-2006, đại sứ Mỹ ở Malaysia khi đó là Christopher LaFleur báo cáo Malaysia là điểm đến và là nơi chuyển tiếp đối với nhiều phụ nữ và nam giới bị buôn lậu và sau đó bị buộc lao động khổ sai.
"Một số lao động nhập cư kinh tế từ các nước trong khu vực đã làm các công việc như giúp việc nội địa và lao động trong ngành xây dựng cũng như lĩnh vực nông nghiệp, họ đang đối diện với các điều kiện bóc lột lao động ở Malaysia" - ông LaFleur viết. Cùng với nhiều phụ nữ từ Philippines, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, một số lượng nhỏ phụ nữ Campuchia, Myanmar và Lào cũng bị đưa trái phép vào Malaysia, theo ông LaFleur.
Trong đó, Trung Quốc là nước có số lượng lớn nhất phụ nữ phục vụ trong ngành mại dâm ở Malaysia, nhiều người trong số này là nạn nhân của các đường dây buôn người. Phụ nữ Trung Quốc nhập cư sang Malaysia dễ dàng do chính sách của Malaysia khá thoáng trong việc cấp visa cho người của nước này.
Theo thống kê của các đại sứ quán nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ, năm 2005 có ít nhất 500 nạn nhân của các đường dây buôn người được giải thoát và trả về nước. Nguồn tin ngoại giao Mỹ tiết lộ trong chín tháng đầu năm 2005, có 4.678 phụ nữ bị bắt ở Malaysia do nghi ngờ có liên quan đến hoạt động mại dâm, so với 5.783 người của năm 2004. Trong đó, Trung Quốc chiếm 40%, Indonesia 25%, Thái Lan 17% và Philippines chiếm 10%.
Song, các cơ quan thực thi luật pháp của Malaysia khẳng định rằng phần lớn phụ nữ nước ngoài đến Malaysia hành nghề mại dâm là tự nguyện và nhập cảnh vào nước này bằng con đường du lịch.
Theo Tuổi Trẻ
Cẩn thận bị lừa làm lao động khổ sai Ở các huyện miền núi Nghệ An thời gian gần đây có tình trạng một số người địa phương hoặc từ nơi khác đến rủ rê người lao động vào các tỉnh miền trong làm ăn, nhưng thực chất là đưa vào các bãi vàng bóc lột sức lao động. Chúng tôi ngược lên bản Cha Hìa, xã Xiêng My (huyện Tương Dương),...