Campuchia cấm đốt rơm rạ
Tờ Khmer Times của Campuchia ngày 14/12 đưa tin nhà chức trách nước này đã ban hành chỉ thị cấm người dân sống ở các vùng nông thôn đốt rác và rơm rạ trên cánh đồng nhằm giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí.
Tờ báo trên dẫn lời ông Neth Pheaktra, một người phát ngôn của Bộ Môi trường Campuchia, cho biết theo một cuộc khảo sát, các nguồn chính làm gia tăng nồng độ hạt trơ trong không khí gồm khí thải từ các nhà máy công nghiệp, phương tiện giao thông sử dụng dầu diesel và các loại nhiên liệu khác, khí thải từ các vụ cháy rừng, đốt đồng cỏ, đốt phế thải nông nghiệp, phát quang rừng, đốt rơm rạ, đốt chất thải rắn ở ngoài trời và tại các bãi chôn lấp, bụi từ các công trường xây dựng. Trong mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, kết quả khảo sát chất lượng không khí được thực hiện trước đó tại thủ đô Phnom Penh và các tỉnh thành khác cho thấy chất lượng không khí đã xấu đi một cách đáng báo động, đặc biệt là sự gia tăng nồng độ hạt trơ trong không khí (PMID và PM2.5) cao hơn tiêu chuẩn đề ra, có thể gây rủi ro cao và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Cũng theo ông Pheaktra, để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí, Bộ Môi trường Campuchia áp dụng 5 biện pháp bao gồm ngăn chặn các vụ cháy rừng, cải thiện cơ sở hạ tầng đường bộ, dọn sách bụi trên đường và ven đường, giáo dục người dân không đốt rác, chất thải rắn, cỏ, rơm rạ hoặc các chất thải nông nghiệp khác cũng như để phòng cháy rừng. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi mong muốn người dân và các cơ quan hữu quan tham gia ngăn chặn tình trạng ô nhiễm không khí bằng cách giảm lượng rác thải mà họ đốt ở các vùng nông thôn hoặc tại các trang trại vì tất cả những hành động này sẽ gây ô nhiễm không khí. Chúng tôi cũng yêu cầu người dân không đốt rơm rạ nữa phải chôn loại rác thải này”.
Dự án của Mỹ sẽ công khai mực nước các đập Trung Quốc trên sông Mekong
Một dự án do Mỹ tài trợ mới được công bố ngày 14/12, dùng vệ tinh để theo dõi mực nước các đập Trung Quốc trên sông Mekong, làm gia tăng cạnh tranh chiến lược tại khu vực.
Dòng sông dài 4.350 km chảy từ Trung Quốc xuống Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam đang ngày càng trở thành tâm điểm cạnh tranh Mỹ - Trung, theo Reuters .
Một nghiên cứu năm nay của tổ chức Eyes on Earth từ Mỹ cho rằng các đập của Trung Quốc đã giữ một lượng nước lớn vào năm 2019, giữa lúc các nước hạ lưu phải chịu hạn hán nghiêm trọng. Trung Quốc phản bác lại nghiên cứu này.
Sinh kế của khoảng 60 triệu người ở hạ lưu phụ thuộc vào dòng Mekong.
Dự án mới, mang tên Mekong Dam Monitor, một phần do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, sẽ dùng dữ liệu từ các vệ tinh có thể đo đạc xuyên qua các đám mây để tính toán mực nước ở đập của Trung Quốc và các nước khác. Thông tin sẽ được công khai và cập nhật gần như theo thời gian thực, kể từ ngày 15/12.
Một đoạn sông Mekong ở biên giới Lào và Thái Lan. Ảnh: Reuters.
Một chỉ số khác về "độ ẩm bề mặt" sẽ cho thấy một khu vực nhất định có độ ẩm cao hơn hay thấp hơn so với bình thường, từ đó rút ra xem các dòng chảy tự nhiên đang bị ảnh hưởng thế nào bởi các đập.
"Công cụ theo dõi này sẽ cung cấp bằng chứng rằng 11 đập thủy điện của Trung Quốc trên dòng chính sông Mekong được điều phối một cách tinh vi và vận hành theo cách tối đa hóa sản lượng thủy điện các tỉnh phía đông Trung Quốc, mà không quan tâm một chút nào tới ảnh hưởng ở hạ lưu", theo ông Brian Eyler, từ tổ chức Stimson Center đặt ở Washington, một viện chính sách chuyên về vấn đề này.
Trung Quốc và Mỹ đều có những tổ chức riêng để hợp tác với các nước hạ lưu sông Mekong: nhóm hợp tác Lan Thương - Mekong của Bắc Kinh và quan hệ đối tác Mekong - Mỹ của Washington.
WHO hy vọng Campuchia sẽ nhận được vaccine cho khoảng 20% dân số vào năm 2021 Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia, bà Li Ailan, khẳng định WHO và các đối tác đang nỗ lực hết sức để có thể mang đến nguồn vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 an toàn, hiệu quả với giá hợp lý cho những người có nguy cơ cao và những người được ưu tiên tiêm...