Cameron phản pháo khi Anh bị chê là “đảo nhỏ”
Thủ tướng Anh David Cameron đã lên tiếng bảo vệ nước Anh sau thông tin phát ngôn viên tổng thống Nga Dmitry Peskov miêu tả quốc gia này là một “đảo nhỏ”. Tuy nhiên, Peskov đã phủ nhận về phát ngôn này và cho rằng đó là những tin đồn không có cơ sở thực tế.
Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và Phát ngôn viên tổng thống Nga Dmitry Peskov . (Ảnh: Ria Novosti
Truyền thông Anh sáng 6/9 đưa tin phát ngôn viên tổng thống Nga Dmitry Peskov đã có những phát biểu miệt thị về nước Anh tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại St.Petersburg.
Các báo cáo nói rằng Peskov đã miêu tả Anh là “một hòn đảo nhỏ không ai nghe theo,” sau các cuộc họp vào tối hôm thứ Năm (6/9) về vấn đề Syria.
Tuy nhiên, phát ngôn viên này đã nhanh chóng bác bỏ thông tin trên, nói rằng đó chỉ là tin đồn và nhấn mạnh Nga có “quan hệ rất tích cực với vương quốc Anh”.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron cho biết ông đang yêu cầu điện Kremlin làm rõ về phát biểu này. Mặc dù vậy, ông vẫn lên tiếng bênh vực nước Anh, nhắc tới các thành tựu và “lịch sử đáng tự hào”.
“Nước Anh là một quốc đảo đã giúp loại bỏ nạn nô lệ, là nơi đã phát minh ra hầu hết những thứ đáng phát minh, bao gồm những môn thể thao đang được chơi khắp thế giới và ngày nay nước Anh vẫn sáng tạo ra nghệ thuật, văn học và âm nhạc làm cả thế giới say mê”, ông Cameron nói.
Video đang HOT
Sau đó ông tiếp tục lên tiếng bảo vệ đất nước mình, khẳng định rằng “chúng tôi không chỉ là một hòn đảo”.
“Chúng tôi là một quốc đảo. Chúng tôi không muốn bất kỳ ai ở Shetland hay Orkney cảm thấy bị bỏ rơi bởi điều này,” ông kết luận.
Hội nghị thượng đỉnh G20 tại St.Petersburg đã bị chia rẽ về vấn đề Syria. Tuần trước, đề xuất hỗ trợ Mỹ trong cuộc tấn công quân sự vào quốc gia Trung Đông này của Thủ tướng Anh đã bị quốc hội bác bỏ.
Nga đã tìm cách ngăn cản Mỹ dùng vũ lực can thiệp vào Syria, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế đợi kết quả từ cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc về việc sử dụng các vũ khí hóa học. Tuy nhiên, Mỹ vẫn khăng khăng rằng họ có bằng chứng cho thấy chỉnh phủ Bashar al-Assad đã ra lệnh sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc tấn công ở ngoại ô Damascus vào hôm 21/8.
Theo VTC
Tổng thống Putin một mình chống lại 7 cường quốc?
Cuộc họp thượng đỉnh G8 đã kết thúc ngày hôm qua (18/6) với việc một mình Nga đối đầu với 7 cường quốc phương Tây còn lại trong vấn đề xử lý cuộc nội chiến ở Syria. Giới chuyên gia Nga cho rằng, mâu thuẫn này có thể tồn tại mãi.
Vẻ mặt căng thẳng của các nhà lãnh đạo G8 khi bàn về vấn đề Syria.
Sự khác biệt căn bản trong lập trường của Nga với phương Tây về cách thức tìm kiếm hòa bình cho đất nước Syria đã khiến Moscow dường như bị cô lập trong hội nghị thượng đỉnh giữa 8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G8). Hố sâu ngăn cách này đã tạo nên một tình huống mà Thủ tướng Canada Stephen Harper thẳng thắn miêu tả như là "G7 1".
Các cường phương Tây đang ra sức chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc ông này đã phá vỡ mọi nỗ lực của họ nhằm tìm cách lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại hội nghị thượng đỉnh G8 ngày hôm qua. Trong khi 7 cường quốc phương Tây ra sức tìm cách vạch ra một lộ trình rõ ràng nhằm kết thúc cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria trong đó có việc Tổng thống Assad phải ra đi thì ông chủ điện Kremlin kiên quyết chống lại điều này.
Tổng thống Nga tuyên bố không nhất trí với việc các lãnh đạo G8 khác dùng cụm từ nội các thời hậu Assad. Ông Putin nhấn mạnh, các bên tham gia bất kỳ hội nghị hòa bình nào đều nên được quyền tự lựa chọn đại diện của họ và Nga không cho phép đưa ra điều kiện tiên quyết cho các hội nghị này là ông Assad phải từ chức.
Ông chủ điện Kremlin cũng cảnh báo phương Tây rằng, những vũ khí mà các nước cung cấp cho phe nổi dậy Syria có thể được sử dụng cho những cuộc tấn công vào đất Châu Âu. Ông Putin chỉ trích việc phương Tây cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria đồng thời bảo vệ quyết định của Moscow trong việc hoàn thành các hợp đồng bán vũ khí đã ký kết với chính quyền của Tổng thống Assad.
"Chúng tôi đang cung cấp vũ khí theo những hợp đồng đúng luật với một chính phủ hợp pháp. Đó là chính phủ của Tổng thống Assad. Và nếu chúng tôi ký những hợp đồng như vậy thì chúng tôi sẽ phải thực hiện và chuyển giao đúng như đã cam kết", ông Putin cho biết.
Cũng như mọi lần, Tổng thống Nga tiếp tục đối đầu căng thẳng với lãnh đạo các nước G8 còn lại về số phận của ông Assad. Ông Putin đã chống lại các áp lực đòi ông này phải đồng ý với bất cứ thứ gì ám chỉ đến việc Tổng thống Assad phải từ chức. Cuối cùng, thông cáo được đưa ra sau khi hội nghị G8 kết thúc thậm chí còn chẳng đả động gì đến cái tên Assad.
Tóm lại, sau hai ngày hội họp căng thẳng, lãnh đạo các nước G8 đã không đạt được bước đột phá nào trong vấn đề Syria. Họ chỉ thống nhất được với nhau là kêu gọi tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt để giải quyết cuộc nội chiến ở Syria. Ngay cả việc ấn định thời gian diễn ra một hội nghị hòa bình như thế này vẫn chưa được quyết định. Theo kế hoạch ban đầu, Moscow và Washington muốn tổ chức hội nghị hòa bình về Syria vào tháng tới nhưng kế hoạch đó có thể bị hoãn lại sau khi Mỹ thông báo sẽ trang bị vũ khí cho phe nổi dậy Syria.
Một nguồn tin từ hội nghị G8 cho biết, hội nghị hòa bình Syria có thể sẽ bị hoãn lại ít nhất cho đến tháng 8.
Thủ tướng Canada Stephen Harper nhận xét, Nga trên thực tế đang chống lại tất cả các thành viên khác trong nhóm G8. "Tôi nghĩ là chúng ta không nên tự lừa dối bản thân nữa. Đây đích thực là nhóm G7 1", ông Harper nói, ám chỉ đến sự đối đầu giữa Nga và 7 cường quốc phương Tây còn lại trong vấn đề Syria.
Tuy nhiên, khi được phóng viên hỏi liệu ông có cảm thấy "cô đơn" ở hội nghị G8 năm nay hay không, Tổng thống Putin đã trả lời: "Không, điều đó hoàn toàn không đúng. Chúng tôi tiến hành thảo luận chung. Một số người đồng ý và người khác lập luận lại".
Số phận Tổng thống Assad
Tổng thống Obama và các đồng minh của mình đã nỗ lực tìm mọi cách gây sức ép để buộc ông Assad từ bỏ quyền lực. Tuy nhiên, Nga - đồng minh quyền lực nhất của chính quyền Syria, đã chống lại các nỗ lực này. Cùng với Trung Quốc, Nga đã 3 lần dùng quyền phủ quyết bác bỏ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm lên án Tổng thống Assad.
Thủ tướng Anh David Cameron - người chủ trì hội nghị G8 vừa rối, cho biết riêng sau khi hội nghị kết thúc rằng, phương Tây tin tưởng chắc chắn rằng, sẽ không có chỗ cho ông Assad trong tương lai của đất nước Syria.
"Không thể tưởng tượng được rằng Tổng thống Assad có thể đóng một vai trò nào đó trong tương lai của đất nước Syria. Tay ông ta đã dính đầy máu", ông Cameron đã nói như vậy trước các phóng viên ngày hôm qua.
"Bạn không thể tưởng tượng được người đàn ông đó có thể tiếp tục lãnh đạo Syria sau khi đã làm nhiều việc dễ sợ như vậy với người dân của ông ta", Thủ tướng Anh nói thêm.
Ông Cameron cho rằng, bước đột phá chính trong hội nghị G8 vừa rồi là các nước đã nhất trí với nhau rằng, cần phải thành lập một chính phủ chuyển tiếp có quyền điều hành ở Syria và tiến hành điều tra vấn đề sử dụng vũ khí hóa học.
Tuy nhiên, trên thực tế, cả hai vấn đề trên đều là lập trường cũ, chẳng có gì mới mẻ để có thể gọi là bước đột phá như ông Cameron nói. Nga và phương Tây vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc liệu ông Assad có bị loại khỏi chính phủ chuyển tiếp hay không và làm thế nào để tiến hành các cuộc điều tra về việc sử dụng vũ khí hóa học cho chính xác.
Theo vietbao
Thỏa thuận Nga-Mỹ-Anh về vấn đề Syria Ba cường quốc Nga - Mỹ - Anh thỏa thuận thúc đẩy nỗ lực hòa bình, triệu tập hội nghị quốc tế và thống nhất lập trường của các bên về vấn đề Syria. Tổng thống Nga Vladimir (trái) và Thủ tướng Anh David Cameron. Tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Anh David Cameron đã tới Moscow hội đàm...