Camera “phạt nguội”: “Cứ phạt kiểu ví dụ, còn nhiều người chết”
Đại biểu Quốc hội cho rằng nếu cứ xử phạt vi phạm kiểu ‘ví dụ’, sẽ còn nhiều người chết vì tai nạn giao thông.
Mới đây, Hà Nội đã thí điểm lắp đặt camera tại một số quận nội thành để “phạt nguội” các phương tiện vi phạm luật giao thông.
Dự kiến tới cuối năm, 4 quận nội thành sẽ có khoảng 450 camera được lắp đặt, và Hà Nội sẽ chính thức áp dụng biện pháp phạt nguội xe vi phạm qua hệ thống.
Trả lời phỏng vấn xung quanh sáng kiến này của Hà Nội, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng đây là một giải pháp cần thiết nhằm giảm bớt tình trạng vi phạm giao thông đang ngày càng gia tăng ở Thủ đô.
Tuy nhiên, theo ông Cương, mọi giải pháp đưa ra đều cần đi kèm với chế tài xử phạt thật nghiêm với các hành vi vi phạm mới thực sự phát huy tác dụng.
“Nếu chúng ta tiếp tục duy trì hình thức xử phạt kiểu ví dụ thì không giải quyết được gì, số người chết vì tai nạn giao thông sẽ ngày càng tăng, không thể giảm”, ông Cương nhấn mạnh.
Những kiểu ‘phạt nóng’ này sẽ giảm dần sau khi hệ thống camera được lắp đặt để xử lý xe vi phạm
- Hà Nội đã lên kế hoạch lắp đặt hàng trăm camera độ phân giải cao tại 4 quận nội thành để áp dụng &’phạt nguội’ đối với những phương tiện vi phạm luật giao thông. Ông đánh giá thế nào về chủ trương này?
Chủ trương này rất tốt, bởi vì nó phù hợp với điều kiện của Hà Nội cũng như của cả nước. Ở nước ta, tính tự giác của người tham gia giao thông rất kém. Cho nên việc sử dụng camera để “phạt nguội” tôi cho là rất cần thiết.
Lâu nay người dân khi tham gia giao thông cứ thấy bóng dáng CSGT thì chấp hành không thì cứ hồn nhiên vi phạm luật, bất chấp đèn xanh đèn đỏ, đi vào đường một chiều, bất tuân hướng dẫn của CSGT. Nên áp dụng biện pháp “phạt nguội” qua hệ thống camera lắp đặt ở ngã tư là rất nên, rất cần thiết.
Tuy nhiên để hạn chế tình trạng vi phạm giao thông, tôi cho rằng không chỉ riêng việc xử lý phạt nguội qua camera mà cần phải tăng cường hơn nữa việc xử phạt của CSGT. Theo như tôi quan sát thì hiện nay CSGT còn bỏ qua rất nhiều các đối tượng vi phạm.
Video đang HOT
Ai cũng nói rằng do chế tài xử phạt không nghiêm, còn thấp nên người vi phạm giao thông mới tăng. Nhưng thực ra khi sửa Luật xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt đã được nâng lên rất nhiều, riêng Hà Nội và TP.HCM còn được xử phạt cao hơn nữa. Nhưng mà thực tế đã thực hiện được bao nhiêu đâu?
Tôi đã từng nói rất nhiều, rằng mình phải có biện pháp nâng ý thức người tham gia giao thông, bao giờ đạt tới mức “cứ vi phạm là bị phạt đấy” thì nó mới nâng lên được. Chứ còn bây giờ trong tiềm thức của người tham gia giao thông thường là, nếu chẳng may có bị công an bắt, bị xử phạt thì cũng như bị bỏ bom thôi.
Còn việc vi phạm là bình thường. Cho nên đứng ở ngã ba, ngã tư, độ khoảng nửa tiếng đồng hồ thôi, thấy hàng trăm lượt vi phạm, nhưng xử phạt chỉ được khoảng 20% thôi, thế thì bao giờ mới khắc phục được.
Mà để đến mức càng ngày càng trầm trọng tới mức khi mà toàn dân người ta vi phạm thì anh quản lý lại càng khó nữa.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương: ‘Không xử phạt nặng, còn nhiều người chết’
- Trước chủ trương lắp đặt camera để phát hiện, xử lý người vi phạm giao thông của Hà Nội, nhiều người cũng lo là làm sao mà phạt cho xuể, rồi lại lãng phí thôi? Ai được quyền dừng xe và xử phạt vi phạm giao thông?
Bây giờ mình đừng vội đánh giá hiệu quả hay không hiệu quả, lãng phí hay không lãng phí. Mình chỉ nên đánh giá đây là chủ trương tốt, đúng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Tất nhiên trong quá trình thực hiện chủ trương này thì để nó hiệu quả hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Nhưng cứ để áp dụng đã, nếu như mình có bình luận gì đó thì mình sẽ nói sau.
Bây giờ tôi hy vọng rất nhiều vào giải pháp này bởi vì tôi tin rằng nếu làm tốt thì sẽ rất hiệu quả.
- Như ông nói, ý thức tham gia giao thông của đa số người dân còn rất kém. Vậy theo ông liệu có thể kỳ vọng việc lắp đặt camera để phạt nguội sẽ khiến người dân sợ mà chấp hành luật tốt hơn?
Tôi xin nói rằng với cách tham gia giao thông của người nhiều người dân hiện nay thì tất cả các giải pháp khác đều không ăn thua gì, nó chỉ là giải pháp mang tính nhất thời, tạm thế thôi và còn chết vì tai nạn giao thông rất nhiều.
Con số vụ tai nạn giao thông mà báo giảm đôi khi chỉ là sự ngẫu nhiên thôi chứ chưa phải nhờ giải pháp về giao thông. Bởi vì nhiều giải pháp đưa ra nhưng mà mình không xử lý quyết liệt, người dân tham gia giao thông không quan tâm nên không hiệu quả.
Hà Nội cũng đã có sáng kiến lắp cái loa ở ngã ba, ngã tư để tuyên truyền giao thông. Đây cũng là một giải pháp nhưng mà loa nói cứ nói, có ai nghe đâu, người ta vẫn cứ vượt đèn đỏ hồn nhiên, vẫn rất nhiều người không đội mũ bảo hiểm, nhưng không có ai bị xử phạt cả.
Tôi nói thật, nếu cứ nói không, tuyên truyền không thì không giải quyết được vấn đề gì cả, mình phải đưa vào luật, phải có chế tài xử phạt nghiêm mới được.
Bây giờ phải tăng cường xử phạt, phải xử phạt thế nào để đạt đến mức khoảng 80, 90% số vụ vi phạm bị xử lý thì lúc đó sẽ hiệu quả hơn nhiều. Chứ còn nếu vẫn còn tình trạng để cho tình trạng vi phạm bừa bãi như hiện nay, xử phạt chỉ là những trường hợp ví dụ thì không giải quyết được vấn đề, còn chết nhiều người.
- Vậy theo ông mức xử phạt hiện nay vẫn chưa nghiêm, chỉ mang tính răn đe?
Thực ra vấn đề này đã tranh luận rất nhiều khi làm luật xử lý vi phạm hành chính. Có những ý kiến đề nghị phải đưa lên mức rất cao. Tôi cũng là một trong những người đồng tình với mức đó. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng hiện thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tương đối thấp nên người dân không có tiền để nộp phạt.
Tôi thấy cái này là mình đi ngược với nước ngoài. Ở nước ngoài, người ta bất cần biết thu nhập của anh thế nào, nhưng mà người ta cũng xử phạt mạnh. Chỉ cần đi ô tô, mở kính, vứt rác thì cũng đã bị xử phạt tới 2500 USD. Nhưng ở nước mình thì lại cứ tính toán người dân có tiền để nộp phạt không, như thế rất ngược.
Thứ nữa, như ý tôi vừa nói, vấn đề rất quan trọng là việc xử phạt phải đạt mức độ rất cao để từ đó lấy lại ý thức của người dân. Làm sao để cứ vi phạm là sẽ bị xử phạt đấy, lúc đó nó sẽ khác.
Theo Đoc bao/VTC News
Đề xuất lắp camera ghi hình người vi phạm giao thông
Mới đây, công an Hà Nội đã đề xuất với Thành phố cấp kinh phí để lắp đặt hệ thống camera trên một số tuyến giao thông trọng điểm, nhằm tăng cường xử phạt xe vi phạm.
Sáng nay (14/8), Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về vấn đề chống buôn lậu, gian lận thương mại, và an toàn giao thông.
Nhận định về tình hình an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, vấn đề nhức nhối nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông.
"Trong 6 tháng đầu năm 2014, về vấn đề an toàn giao thông cũng có tiến bộ nhất định, số lượng người đội mũ bảo hiểm tăng lên, người tham gia giao thông cũng đi đúng làn đường hơn. Tuy nhiên, ý thức của người tham gia giao thông vẫn chưa tốt, có những nhóm đi xe máy, ùn tắc một tí là phóng lên vỉa hè ngay. Các lái xe taxi còn tranh giành khách trên đường..." - Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội nhận định.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, thì các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra ở ngoại thành, Bộ cũng đã đề xuất cho làm 298 gờ giảm tốc để cảnh báo tại các điểm giao cắt.
"Đặc biệt, hàng năm trên địa bàn thành phố xảy ra khoảng 30 vụ tai nạn giao thông liên quan đến đường sắt, vì vây nên Bộ Công an đề xuất cấp kinh phí giao cho công an xã canh ở các khu vực đường sắt giao với đường dân sinh, giảm thiểu tai nạn" - ông Trung cho biết.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Công an cũng đã trình bày với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và UBND thành phố về việc đề nghị Hà Nội cấp kinh phí để lắp đặt hệ thống camera trên các tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, vì như vậy sẽ giúp giám sát và xử phạt những trường hợp xe vi phạm, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Trao đổi ngoài lề với PV về vấn đề này, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt - Công an thành phố Hà Nội cho biết: "Hiện Công an Hà Nội đang đề xuất thành phố cấp kinh phí để lắp camera thí điểm ở một số tuyến giao thông trọng điểm như Thăng Long - Nội Bài, tuyến quốc lộ 1A, 1B, rồi tuyến phố Huế - Hàng Bài, tuyến Quốc lộ 5, cùng 9 tuyến giao thông chính ra vào thành phố. Lắp camera theo dõi vi phạm thì chỉ áp dụng đối với ô tô,".
"Kế hoạch lắp camera trên các cột đèn giao thông đặt trên các tuyến đường thì chắc chắn là sẽ cần một khoản kinh phí lớn. Nhưng bù lại, nếu làm tốt, thì chắc chắn sẽ giúp người tham gia giao thông nâng cao ý thức hơn, an toàn giao thông chắc chắn cũng sẽ tốt hơn" - Đại tá Thắng khẳng định.
Đại tá Đào Vịnh Thắng cho rằng lắp camera trên các cột đèn giao thông sẽ cần một khoản kinh phí lớn. Nhưng bù lại, an toàn giao thông chắc chắn cũng sẽ tốt hơn.
Cũng theo Đại tá Đào Vĩnh Thắng, thì khi lắp đặt camera theo dõi, lực lượng CSGT chỉ cần tuần tra, kiểm soát, khi có vi phạm thì ở Trung tâm báo là xe này, BKS này vi phạm là có thể đến kiểm tra xử lý ngay.
Trưởng phòng CSGT cho biết, trước đó, lực lượng cảnh sát giao thông cũng đã áp dụng hình thức xử phạt nguội, nhưng do chưa có camera nên mới chỉ dùng máy và cho lực lượng cảnh sát giao thông mặc thường phục đi đo, đi kiểm tra.
"Như vậy hiệu quả cũng có nhưng không cao bằng khi mình đã được trang bị camera ở cả các nút giao thông trọng điểm, các tuyến ra vào thành phố" - Đại tá Thắng nhấn mạnh.
Trưởng phòng CSGT cũng khẳng định thêm: "Nếu thành phố chấp thuận đề xuất này, chúng tôi sẽ cho tiến hành ngay. Nếu được áp dụng vào cuộc sống thì sẽ giảm được bớt số lượng CSGT phải đứng tại các chốt, việc thực thi nhiệm vụ của CSGT cũng dễ dàng hơn. Về phía người vi phạm, khi bị công khai xử phạt như thế chắc chắn cũng sẽ có ý thức cao hơn".
Hoài Thu
Theo_Người Đưa Tin
Cần nhìn lại cách hành xử của CSGT huyện Tĩnh Gia Dù chưa gây hậu quả nghiêm trọng tới tính mạng, nhưng cách xử lý người tham gia giao thông của lực lượng CSGT CA huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa vẫn là điều đáng trách. Đoạn Video Clip ghi lại cảnh tượng giữa lực lượng CSGT CA huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đang xảy ra xô xát với người đàn ông cùng phương tiện...