Camera AI phát hiện tội phạm trước khi chúng hành sự
Startup Nhật Bản Vaak đang phát triển phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) chuyên ’săn’ những kẻ ăn cắp trong cửa hàng bằng camera an ninh.
Biểu diễn khả năng phát hiện kẻ cắp của phần mềm AI – Ảnh: Bloomberg
Theo Bloomberg, dù AI được nhiều người hình dung trong vai trò trợ lý cá nhân thông minh hoặc hỗ trợ xe tự hành, nó cũng có thể làm tốt công việc phát hiện hành vi bất chính.
Phần mềm AI do Vaak phát triển chú ý hành vi bồn chồn, hối hả và nhiều ngôn ngữ cơ thể đáng ngờ khác. Thuật toán phân tích cảnh quay camera an ninh và báo cáo nhân viên về những kẻ trộm tiềm năng thông qua ứng dụng trên smartphone. Mục tiêu của phần mềm là phòng ngừa cảnh ăn cắp vặt. Nếu đối tượng được nhân viên cửa hàng tiếp cận và hỏi han, khả năng cao là họ sẽ không ăn cắp.
Vaak gây chú ý hồi năm ngoái sau khi giúp một cửa hàng tiện lợi ở Yokohama bắt được kẻ ăn cắp. Hãng thiết lập phần mềm trong cửa hàng để thử nghiệm và phát hiện hành vi ăn cắp vặt chưa từng bị chú ý trước đó. Thủ phạm bị bắt sau vài ngày.
Nhà sáng lập Vaak, ông Ryo Tanaka, cho hay: “Chúng tôi đã tiến một bước quan trọng đến xã hội mà tội phạm có thể được ngăn chặn bằng AI”. Hành vi ăn cắp khiến ngành bán lẻ toàn cầu mất 34 tỉ USD doanh thu năm 2017, theo báo cáo từ hãng Tyco Retail Solutions. 34 tỉ USD chỉ tương đương khoảng 2% doanh thu nhưng vẫn được xem là đáng kể trong ngành nổi tiếng có biên lợi nhuận mỏng manh.
Các nhà bán lẻ dự kiến rót 200 tỉ USD vào công nghệ mới trong năm nay, theo hãng Gartner. Họ cởi mở hơn với công nghệ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và cải thiện lợi nhuận. “Nhiều nhà bán lẻ ở Anh hay ở Mỹ có camera an ninh hoặc camera theo dõi hoạt động cửa hàng. Kết nối các camera này với công cụ phân tích giúp hoạt động hiệu quả hơn”, Thomas O’Connor, nhà phân tích bán lẻ thuộc hãng Gartner cho biết.
Ngoài theo dõi hoạt động cửa hàng, AI còn có thể giúp các hãng bán lẻ quản lý hàng trong kho, tối ưu hóa phân phối và thực hiện nhiều nhu cầu doanh nghiệp khác. Thuật toán AI chạy chatbot hỗ trợ khách hàng trên trang web. Phân tích hình ảnh và video cũng được triển khai. Đơn cử, Amazon.com và Echo Look có dịch vụ cung cấp cho người dùng lời khuyên thời trang.
Vì vấn đề an ninh, các nhà bán lẻ sử dụng hệ thống chống ăn cắp yêu cầu các hãng phần mềm AI như Vaak và Third Eye không tiết lộ việc họ dùng hệ thống. Dù vậy, Bloomberg cho rằng một số chuỗi cửa hàng lớn ở Nhật Bản đều có hệ thống dạng này với nhiều hình thức khác nhau.
Vaak thành lập năm 2017, hiện thử nghiệm công nghệ tại vài chục cửa hàng ở khu vực Tokyo. Công ty bắt đầu bán phiên bản sẵn sàng cho thị trường của phần mềm phát hiện kẻ cắp trong tháng này, đặt mục tiêu xuất hiện trong 100.000 cửa hàng trên khắp Nhật Bản trong ba năm. Hãng nhận 50 triệu yen Nhật, tương đương 450.000 USD tiền tài trợ từ quỹ AI của SoftBank Group.
Theo Thanh Niên
Hành khách phát hiện camera ẩn trên một số máy bay của American Airlines và Singapore Airlines
Gần đây, một số hành khách khi đi trên các chuyến bay của American Airlines và Singapore Airlines đã vô tình phát hiện những chiếc camera ẩn trên màn hình giải trí trước ghế ngồi.
Họ đặt câu hỏi liệu những chiếc camera này có phải để theo dõi hành khách.
(ảnh minh họa: American Airlines)
Các hệ thống giải trí trên chuyến bay (IFE) đã trở nên phổ biến trên các máy bay hiện đại, đặc biệt là trên những chuyến bay dài, xuyên đại dương. Chúng là các màn hình "vô thưởng vô phạt" trên lưng ghế để người dùng xem các nội dung giải trí khi bay trên bầu trời.
Tuy nhiên, gần đây một vài hành khách có "con mắt đại bàng" đã phát hiện ra những chiếc camera tích hợp trong hệ thống giải trí. Đầu tiên là một hành khách đi trên chuyến bay của Singapore Airlines, sau đó một hành khách khác cũng phát hiện ra camera ẩn trên máy bay American Airlines.
Business Insider đã đặt câu hỏi cho hai hãng hàng không này và nhận được câu trả lời rằng camera không phải để theo dõi hành khách.
American Airlines cho biết: "Máy ảnh là một tính năng tiêu chuẩn trên các hệ thống giải trí, được nhiều hãng hàng không sử dụng. Các nhà sản xuất hệ thống giải trí đó đã tích hợp camera để sử dụng cho các ứng dụng trong tương lai, chẳng hạn như hội họp từ xa. American Airlines không có ý định sử dụng các camera này".
Còn đại diện Singapore Airlines khẳng định: "Những chiếc camera này đã bị vô hiệu hóa vĩnh viễn trên máy bay của chúng tôi, và không thể kích hoạt chúng. Chúng tôi không có kế hoạch kích hoạt hoặc phát triển bất kỳ tính năng nào bằng camera".
(ảnh minh họa: Singapore Airlines)
Các hãng hàng không có thể làm chủ các nội dung trên hệ thống giải trí, nhưng phần cứng được mua từ các nhà cung cấp. Trong trường hợp của American Airlines, hệ thống IFE được hãng này mua từ Panasonic, trong khi các hệ thống của Singapore Airlines do Panasonic và Thales cung cấp.
Hãng Panasonic chưa có bình luận gì về việc này, còn đại diện của Thales nói rằng các camera trong hệ thống của họ bị vô hiệu hóa và không thể kích hoạt trên máy bay.
Các hệ thống IFE có trang bị camera được cài đặt trên các loại máy bay đời mới như Boeing 777-200, Boeing 777-300ER, Airbus A330-200 của American Airlines.
Còn Singapore Airlines có hệ thống này trên các dòng máy bay Airbus A350-900, Airbus A380, Boeing 777-300ER và Boeing 787-10.
Thales và Panasonic Avionics là hai trong số những nhà sản xuất thiết bị điện tử hàng không dân dụng nổi bật. Điều này có nghĩa là các hệ thống này có thể nằm trên các máy bay ngoài Singapore Airlines và American Airlines.
Theo viettimes
Hà Nội sẽ xây dựng 8 trung tâm điều hành thông minh Trong năm 2019, Hà Nội sẽ bắt tay triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát bảo mật, an toàn thông tin; Trung tâm Quản lý thông tin báo chí và thông tin truyền thông; Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm nơi công cộng... Hà Nội sẽ có Trung tâm Giám sát, điều hành giao thông...