Cấm xe máy tại Việt Nam không phải là giải pháp chống ùn tắc hiệu quả?
Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết việc chỉ cấm xe máy không phải là giải pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường bởi nguyên nhân của các vấn đề này nằm ở việc quản lý thiếu hiệu quả và ý thức của người tham gia giao thông.
Eurocham cho rằng cấm xe máy sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của người dân ở các thành phố lớn. (Ảnh minh họa: Báo Thanh niên)
Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) vừa có một số nhận định về chính sách cấm xe máy tại một số thành phố như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Theo đó, Eurocham cho rằng việc cấm xe máy lưu thông chưa phải là một giải pháp chống ùn tắc.
Eurocham cho hay quyết sách cấm xe máy đã được TP Hà Nội nêu trong Nghị quyết 04 với mục tiêu và lộ trình thực hiện đến năm 2030. Trong khi đó, năm 2017, chính quyền TP Đà Nẵng đã phê duyệt đề xuất “Cải thiện giao thông công cộng, quản lý phương tiện cá nhân tham gia giao thông, kiểm soát và quản lý lưu lượng giao thông trong thành phố”. Cùng năm này, chính quyền TP.HCM đã thảo luận đề xuất hạn chế và cấm xe máy nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Cho đến nay, chưa có thêm quyết định chính thức về vấn đề này.
Dù vậy, theo phân tích của Eurocham: xe máy là phương tiện giao thông không thể thiếu đối với đời sống hàng ngày và sinh kế của hàng triệu người. Xe máy đã trở thành phương tiện tiết kiệm, thuận tiện và linh hoạt nhất, đặc biệt tại các thành phố như Hà Nội và TP.HCM, nơi đường phố chật hẹp và hệ thống phương tiện giao thông thay thế còn chưa phát triển.
Video đang HOT
Hiện nay và trong tương lai gần, hạ tầng giao thông công cộng trong các thành phố lớn không đủ để đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông của người dân. Vì lý do đó, cấm xe máy có thể tạo ra những khó khăn và bất lợi lớn cho người dân ở các thành phố lớn.
Thực tế Việt Nam cho thấy, dù được dự đoán rằng đã bão hòa nhưng thị trường xe máy tại Việt Nam vẫn tăng trưởng với khoảng 3 triệu xe máy được bán ra thị trường (con số từ VAMM). Điều này cho thấy nhu cầu mua xe hai bánh nói chung và xe máy nói riêng tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Eurocham đã dẫn kinh nghiệm từ một quốc gia nằm trong khu vực là Indonesia. Tại TP Jakarta, Chính phủ Indonesia quy định cấm xe máy nhưng gặp phải sự phản đối của người dân do hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng của Jakarta không đủ để đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông của người dân và sau đó quy định cấm xe máy đã bị bãi bỏ.
Ngoài ra, EuroCham cũng đưa ra nhận định: việc chỉ cấm xe máy không phải là giải pháp hiệu quả để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tai nạn giao thông tại các thành phố lớn. Nguyên nhân của các vấn đề này nằm ở khâu quản lý thiếu hiệu quả phương tiện tham gia giao thông, kỹ năng lái xe kém và ý thức chưa cao về an toàn giao thông đường bộ. “Quy định cấm được đề xuất cũng có thể gây thách thức lớn cho ngành sản xuất xe máy mà trong một thập kỷ qua đã thực hiện những khoản đầu tư dài hạn vào Việt Nam nhằm phát triển thị trường trong nước và quốc tế, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước bên cạnh giá trị nộp thuế lớn và tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương”, Eurocham cho hay.
Theo đó, các doanh nghiệp thuộc Eurocham kiến nghị các thành phố lớn nên xem xét thêm những giải pháp hiệu quả hơn nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông trong các thành phố lớn, bao gồm: Thực hiện nghiên cứu, tham khảo và áp dụng thông lệ tốt nhất từ các hạ tầng giao thông tiên tiến được sử dụng kết hợp hiệu quả với xe máy. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xem xét nhu cầu của người dân nhằm đề xuất quy hoạch tổng thể khả thi, giảm thiểu tối đa tác động đến đời sống hàng ngày và công việc của người dân và tránh hệ quả tiêu cực về kinh tế.
Các doanh nghiệp này đề xuất các thành phố lớn chỉ nên quản lý hoặc cấm xe máy cũ, vốn là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí, cần nâng cao nhận thức và chấp hành quy định an toàn giao thông.
TP.HCM sẽ cấm xe chở hàng chạy vào ban ngày?
Ngành vận tải hàng hóa đường bộ được định hướng sẽ không hoạt động vào ban ngày, mà sẽ chuyển vào ban đêm nhằm hạn chế ùn tắc và tai nạn.
Sáng 10-1, trong chương trình Cà phê sáng với báo chí, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết sở đang xây dựng đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP. Theo đó, đề án có nội dung đáng chú ý là việc sẽ cấm xe chở hàng chạy vào ban ngày.
Theo ông Lâm, TP có gần 9 triệu dân, mỗi ngày có hàng ngàn phương tiện đăng ký mới, tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng. Trong khi đó, hạ tầng giao thông hiện nay không theo kịp. Hiện TP đã và đang triển khai nhiều dự án giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu về giao thông hiện nay.
Ông Lâm cũng cho biết hiện TP có 28 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, trong đó 15 điểm đã có chuyển biến tốt, bảy điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp, sáu điểm không chuyển biến. "Sở GTVT đang lấy ý kiến của các bên liên quan về việc công bố xóa sáu điểm chuyển biến tốt. Đồng thời, bổ sung các điểm phát sinh mới để xây dựng kế hoạch xử lý trong năm 2020" - ông Lâm chia sẻ.
Theo ông Lâm, trong năm 2019, khối lượng vận tải công cộng đều tăng nhưng xe buýt lại giảm 11%. Sở đã nhận ra được tồn tại như cấu trúc đô thị, chính sách trợ giá, phương tiện cá nhân lớn... là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc phát triển xe buýt.
Năm 2020, giao thông công cộng TP sẽ có nhiều thay đổi mới như xe trợ giá, cách thức quản lý, hạ tầng kết nối, kết hợp các phương tiện khác như GoViet, Grab để người dân có thể một bước từ nhà ra các nơi kết nối với giao thông công cộng. Đồng thời, Sở GTVT cũng đang nghiên cứu xây dựng các xe buýt nhỏ để tăng khả năng tiếp cận với người dân. Tuy nhiên, về lâu dài, giải pháp bao quát và căn cơ là phát triển hệ thống giao thông công cộng, đồng thời hạn chế xe cá nhân. Tất cả nội dung trên đã được Sở GTVT xây dựng trong đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.
Theo đó, đề án này còn có nội dung đáng chú ý là năm 2020 ngành vận tải hàng hóa đường bộ được định hướng sẽ không hoạt động vào ban ngày, mà sẽ chuyển vào ban đêm nhằm hạn chế ùn tắc và tai nạn. Cụ thể, đối với xe khách sẽ có lộ trình quản lý, hạn chế đón khách ở trung tâm TP; chỉ cho xe du lịch đi vào trung tâm; taxi sẽ có sự thiết lập, sắp xếp để được trật tự hơn. Những nội dung này sẽ được Sở GTVT nghiên cứu, lập kế hoạch với lộ trình thực hiện và các giải pháp hỗ trợ cụ thể.
Hiện UBND TP cũng đã cơ bản thống nhất dự thảo của đề án và Sở GTVT đang phối hợp nghiên cứu, bổ sung để hoàn chỉnh trước khi trình HĐND TP.
Từ ngày 18-1, Sở GTVT sẽ tiến hành hạn chế xe tải trên phần đường hỗn hợp để kiềm chế tai nạn. Theo đó, Sở GTVT tiến hành hạn chế ô tô có khối lượng chuyên chở trên 2,5 tấn lưu thông trên phần đường hỗn hợp quốc lộ 1, đoạn đường bị hạn chế là từ xa lộ Hà Nội đến nút giao An Lạc, trong các khoảng thời gian từ 6 giờ đến 8 giờ, từ 11 giờ đến 13 giờ, từ 17 giờ đến 19 giờ.
Sở GTVT giao Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện. Đồng thời, phối hợp với CSGT và thanh tra giao thông khi lắp đặt biển báo, treo băng rôn thông báo thời gian thực hiện.
Sở cũng đề nghị các quận, huyện có tuyến quốc lộ 1 đi qua tuyên truyền, vận động các hộ dân trên tuyến, đặc biệt các hộ kinh doanh vận tải nắm rõ thời gian triển khai thực hiện và tuân thủ nghiêm hệ thống báo hiệu khi lưu thông trên đường.
ĐÀO TRANG
Theo PLO
Tiến tới hạn chế xe cá nhân Kẹt xe là một trở ngại lớn, ảnh hưởng chất lượng sống, cản trở phát triển kinh tế, trở thành nỗi bức xúc với hàng triệu người dân TPHCM. Đây còn là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, tiếng ồn, ô nhiễm không khí. Nhìn ra thế giới TPHCM hiện có khoảng 8 triệu xe máy, hơn 700.000 ô tô. Trung bình...