Cám ơn những người truyền cảm hứng vĩ đại!
Tình cờ dự lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam tại trường THCS Nguyễn Trường Tộ, (Q.Đống Đa, Hà Nội) tôi thấy sống mũi cay cay khi có một học trò cũ về thăm các thầy cô đã chân thành tâm sự: “Con không thể quên những giọt nước mắt vui mừng của thầy cô khi nghe tin chúng con đỗ cao trong kỳ thi học sinh giỏi. Là do các thầy cô đã truyền cảm hứng học tập cho chúng con, những người truyền cảm hứng vĩ đại.”
Quả đúng vậy, nếu chỉ đơn giản là dạy học trò những kiến thức trong sách vở, thì đó chỉ là những người thầy bình thường, nhưng với tôi, hay bất cứ thế hệ học sinh nào, luôn trong lòng có ít nhất một người thày truyền cảm hứng học tập và vươn lên trong cuộc sống, đó là những người thầy vĩ đại.
Các học trò cũ tặng thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thắng bó hoa tri ân
những người truyền cảm hứng cho các em trong những năm học cấp 2…
Còn nhớ năm tôi học lớp 6, khi cô giáo ra đề văn, hãy nói về cảm nghĩ của em về người mẹ, tôi đã thực sự tự tin khi làm bài. Một bài văn dài, lưu loát, chữ viết bay bướm như nhiều bài văn khác của tôi với những điểm 8 cao nhất lớp. Khi trả bài, như thường lệ, cô giữ lại một bài văn mẫu, điểm cao nhất lớp để đọc cho cả lớp nghe, và tôi tin chắc đó là bài văn của mình. Nhưng khi cô giáo bắt đầu đọc những dòng đầu tiên, tôi chợt nhận ra, đó là bài của bạn Ngọc Sâm, ngồi gần tôi, nhà cùng trong khu tập thể, thoáng ngạc nhiên vì đã bao giờ Sâm vượt tôi môn văn đâu?
Video đang HOT
Cô giáo đọc những lời văn giản dị, chân thành, bạn Sâm kể về mẹ bạn, như bao người khác như khi mẹ bạn cho bạn đi chơi công viên Lê-nin, gội đầu cho bạn khi trời trở gió… Có điều, đó chỉ là những chi tiết tưởng tượng, khi cuối bài là lời tâm sự vì mẹ bạn đã mất từ khi bạn còn rất nhỏ, khi bạn chưa kịp nhớ đến điều gì… Cả lớp lặng đi, và tôi còn nhớ mắt cô giáo và bao bạn cùng lớp đỏ hoe. Và cô giáo văn đã truyền cho chúng tôi tình yêu thương, chân thành và cảm xúc thật khi đưa vào một bài văn trên lớp. Kỷ niệm đó làm tôi nhớ mãi không bao giờ quên.
Hoạt động mừng Ngày nhà giáo Việt Nam tại trường THCS Nguyễn Trường Tộ
Khi tôi nhớ lại kỷ niệm xưa, thì cô học trò Trà My, một học sinh cũ về thăm trường có nhắn nhủ các em học trò khóa dưới: “Chị biết có những lúc các em chán nản, thất vọng trong học tập, nhưng các em hãy nhớ, đó là những điều bình thường, và sau này, chúng ta sẽ hiểu, đó là những kỷ niệm không thể quên trong đời học sinh. Đằng sau các em, luôn có những thầy cô chia sẻ và truyền lửa cho các em, như chị đã từng được như thế. Em không thể quên khi vào phòng thi thầy giáo viết vào sau tấm ảnh hai chữ “cố lên” và giơ lên cho chúng em nhìn thấy, chúng em đã quên đi nỗi lo lắng để làm bài thi thật tốt…” Những lời tâm sự giản dị, chân thành của các em học trò khi về thăm lại trường xưa thực sự làm bao phụ huynh cũng như các thầy cô và học sinh xúc động.
Tôi nhớ lần vào thi vào đại học, thầy giáo dặn tôi, con cứ làm bài thi hết sức vì thầy tin là con làm được. Và bao năm, tôi vẫn mang trong lòng niềm tin ấy của thầy, và mỗi khi vấp ngã, gặp sóng gió trong cuộc đời lại đứng lên vì trong tôi luôn có niềm tin mà các thầy cô đã truyền cho từ thủa học trò. Cám ơn các thầy cô, những người truyền cảm hứng vĩ đại cho các thế hệ học trò!
Theo ANTD
Cân nhắc khi mời gia sư
Một trong các công việc làm thêm được nhiều sinh viên đăng ký nhất hiện nay là gia sư bởi dễ tìm được khách hàng, đặc biệt kể từ khi việc dạy thêm ở bậc tiểu học do các giáo viên tổ chức không được hoạt động. Tuy nhiên, chất lượng của dịch vụ này rất khó kiểm soát, ảnh hưởng lâu dài đến năng lực tư duy của học sinh.
Phụ huynh không nên giao việc học tập của con cho gia sư
"Học đại học chẳng nhẽ không dạy được tiểu học"
Tìm hiểu tại một trung tâm gia sư tại phố Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội thì chủ trung tâm này cho biết, thời gian gần đây trung tâm nhận được khá nhiều đơn đặt hàng tìm gia sư. Đáng chú ý là nhu cầu thuê gia sư cho học sinh tiểu học tăng mạnh, đặc biệt có từ học sinh lớp 1 đến lớp 5. "Nhu cầu khá nhiều nên sinh viên không phải đợi học sinh như trước đây, chỉ cần chờ vài ngày là có thể kiếm ngay được một chỗ dạy thích hợp" - chị Hiền cho biết.
Đắt khách nhất phải kể đến những địa chỉ trung tâm gia sư gần trường ĐH Sư phạm Hà Nội với niềm tin đơn giản của các phụ huynh là sinh viên trường sư phạm đã được đào tạo đủ các kỹ năng dạy học. Thắc mắc về việc kiểm soát ra sao với chất lượng gia sư sinh viên này, chị Mai Thu Huệ, có con học tại trường Tiểu học Đại Kim cho rằng: "Mình thuê sinh viên của ĐH Sư phạm Hà Nội vì đúng chuyên môn của các bạn. Với lại dạy tiểu học thì chẳng nhẽ sinh viên đại học lại không dạy nổi với mấy bài luyện chữ, toán cộng trừ, nhân chia".
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, chị Huệ chắc sẽ không còn tin tưởng như vậy vào sự lựa chọn của mình.
Một sinh viên ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội cho biết, "khi tôi tìm đến một trung tâm gia sư đóng tại gần trường ĐH Sư phạm Hà Nội, người của trung tâm chỉ hỏi qua loa học trường gì, năm thứ mấy, muốn dạy môn gì, dạy được lớp mấy rồi ghi hồ sơ và tìm lớp. Ngoài ra trung tâm cũng dặn các gia sư, khi nhận lớp thì không được nói mình học báo chí mà phải nói mình học sư phạm" - sinh viên này cho biết. Thực tế, không phải trung tâm gia sư nào cũng chặt chẽ trong khâu tuyển sinh viên bởi, với mức thu dịch vụ 50% tháng lương đầu tiên của mỗi sinh viên được nhận làm gia sư (tương đương khoảng 600.000 đồng) thì càng nhiều sinh viên có việc làm, trung tâm càng có lợi.
Gia sư hay là người làm bài hộ?
Nguyễn Minh Phương, học sinh lớp 3 trường Tiểu học Nhật Tân, quận Tây Hồ kể: "Chị Nhàn, gia sư của cháu thường xuyên viết bài hộ, nhất là bài tập làm văn. Vì thường nghĩ ra một bài văn rất mất thời gian nên để tiện cả đôi đường, chị Nhàn thường làm hai bài văn rồi bảo Phương và bạn học cùng Phương mỗi người chép một bài cho nhanh. Nếu chép xong sớm, chị Nhàn sẽ thưởng. Có buổi học cả ba chị em cháu chỉ ngồi ăn uống rồi chị cho nghỉ sớm".
Thực tế, vì không yên tâm với gia sư sinh viên nên nhiều gia đình đã cất công mời bằng được cô giáo tiểu học kèm cho con, tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện kinh tế khi mức giá của sinh viên là 100.000 đồng/buổi thì thù lao cho gia sư là giáo viên lên đến 200.000 đồng/buổi. Hiện nay, khá nhiều giáo viên tiểu học cũng đã nhận các nhóm kèm thêm kiểu gia sư này vì không được trực tiếp mở lớp học thêm. Một giáo viên tiểu học cho biết, với lớp 1, dù chỉ là luyện chữ và học đánh vần thì cũng đòi hỏi giáo viên có kinh nghiệm chứ không thể "dạy bừa". Gia sư sinh viên chỉ phù hợp với những học sinh THPT đã có ý thức tự học và chủ yếu rèn kỹ năng làm bài để phục vụ cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Các gia sư này cũng chủ yếu khai thác kinh nghiệm cá nhân trong quá trình luyện thi của mình và kiến thức về các chương trình THPT cũng còn nhớ tương đối. Còn với tiểu học, THCS, với kiến thức và phương pháp dạy mới, việc phụ trợ của gia sư sinh viên nhiều khi lệch hướng, không đúng phương pháp.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh đã khẳng định, gia sư và "osin" là hai "mối nguy" với giới trẻ hiện nay. Đây là nguồn gốc của việc lười lao động, lười suy nghĩ, phụ thuộc vào người khác thay vì tự vận động chân tay cũng như trí óc. Việc trông chờ vào gia sư giải hộ bài, thậm chí làm hộ bài khiến học sinh không có tinh thần tự học, tự khám phá và kiến thức trở thành vay mượn, không có gốc. Việc khoán hẳn chuyện học tập, rèn luyện ở nhà của con em mình cho gia sư là việc các bậc phụ huynh nên cân nhắc kỹ lưỡng hơn.
Theo ANTD
Chiêm tinh gia Huỳnh Liên chuyên xem vận mệnh, tướng số tử vi lại tái sinh? Những năm 1960, đất Sài Gòn - Chợ Lớn có một ông thầy tướng số nổi danh. Đó là thầy Huỳnh Liên hay người đời thường gọi là chiêm tinh gia Huỳnh Liên. Không chỉ nổi danh về tài tướng số, ông là một trong những người soạn nhiều sách tướng số, tử vi, cũng như sách xem bói các loại. Hiện nay...