Cảm động chuyện chị dâu lấy em chồng
Mới bước chân về nhà chồng chưa đầy 3 năm, Dủ thành góa phụ. Tuyệt vọng trước mất mát quá lớn, đêm đêm, Dủ trốn gia đình ra bìa rừng bứt nắm lá ngón xanh mượt, có hoa vàng chóe nơi góc rừng rồi lần ra mộ chồng định kết liễu cuộc đời.
Rất may, có một chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái biết chuyện, đã dùng những lời lẽ chân thành khuyên bảo khiến Dủ tỉnh ngộ và thấy cuộc đời này không gì đáng trân trọng hơn cuộc sống. Cuộc đời của Lý Thị Dủ bước sang một trang mới sau buổi nói chuyện đó.
20 tuổi đã thành góa phụ
Lý Thị Dủ là người dân tộc Mông ở bản Thào Sua Chải, xã Nậm Có của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Dủ sinh ra đã không được may mắn như những cô gái khác trong bản Thào Sua Chải. Bố mẹ cô quá nghèo lại đông con nên chẳng bao giờ Dủ và các em được một bữa no mèn mén. Đang học dở lớp 5 thì Dủ phải nghỉ ở nhà lao động để nhường cho các em mình cắp sách tới lớp. Con gái Mông trên Thào Sua Chải hiếm ai được ra trường huyện học cao hơn vì cái nghèo, cái đói đã bao đời dai dẳng bám chặt mấy chục nóc nhà trên mảnh đất này. 17 tuổi Dủ về làm dâu nhà ông Trang A Củ, tưởng cuộc đời cô rồi đây sẽ khác bởi chồng cô là người chăm chỉ, sáng tối chỉ biết vác cày lên nương.
Nhưng rồi số phận nghiệt ngã đã cướp đi người chồng yêu quý khi Dủ vừa bước vào tuổi 20. Căn bệnh trầm kha đã kéo chồng cô về đất, để lại 2 đứa con trai thơ dại cho người vợ trẻ. Một đứa đang tập bò, đứa kia thì vẫn còn tranh bầu sữa của em. Cô thương con, thương người chồng đoản mệnh. Ba năm chung sống cùng nhau, khoảng thời gian đó chưa phải là nhiều nhưng cũng sâu nghĩa, nặng tình. Dủ nhớ mình đã đắm say điệu khèn ngay từ lần đầu gặp anh dưới chợ phiên Tú Lệ. Nhà anh ấy nghèo song bố mẹ hiền lành, chất phác, cuộc sống đầm ấm. Gia đình không nhiều ngô nhưng nhìn vào cái bờm con ngựa buộc ngoài gốc cây lê cũng biết đàn ông nhà này rất chăm chỉ.
Lý Thị Dủ đã được hồi sinh sau mối tình với người em chồng
Đời con gái Mông như cái cày vác trên vai, người tốt thì vác mãi, kẻ xấu thì kéo lê… nghĩ thế nên Lý Thị Dủ đã giấu cái cười vào sau tay áo khi người con trai ấy tấu lên một bản nhạc trong điệu khèn hôm xuống chợ phiên. Anh ấy sau này là chồng Dủ. Nhưng ông trời đã bắt tội để 2 người phải chia đàn, sẻ nghé khi hơi ấm vợ chồng còn chưa truyền hết cho nhau. Dủ kể: “Anh đi đúng hôm trời trở đông, lạnh cóng. Chồng Dủ ốm lâu ngày nhưng gia đình không cho đi viện mà nhờ người đến tiêm. Sáng hôm sau Dủ vào gọi không thấy chồng thưa, người thì lạnh toát, không thở…”.
Video đang HOT
Qua đêm ở nghĩa địa
Từ ngày chồng mất, Dủ sinh ra lầm lũi. Thấy con dâu quá đau buồn, ông Trang A Củ, bố chồng của Dủ bảo: “Ầy dà, con dâu ơi mày khổ quá. Bố mẹ già cũng chẳng giữ được đâu. Nếu có ai thương thật lòng thì cứ đi làm dâu mới con ạ. Bố chẳng trách, chồng mày cũng chẳng trách”. Dủ không nói mà chỉ nghĩ đến cái chết. Con gái Mông là thế, khi cuộc sống đã vào bế tắc người ta chỉ nghĩ đến cái chết. Mà cái chết ở vùng cao không khó, một nắm lá ngón cho vào miệng là xong. Thào Sua Chải lá ngón nhiều như lá rừng. Đã bao nhiêu lần ông Trang A Củ giật nắm lá ngón từ đôi bàn tay của cô con dâu. Ông thương nó nhưng cũng chẳng thể làm khác để giúp nó nguôi ngoai phần nào nỗi đau. Có những hôm Dủ bỏ gia đình đi đâu mấy ngày không về, ai hỏi cô cũng không nói. Nhiều đêm bố mẹ đốt đuốc đi tìm, mọi người thấy Dủ đờ đẫn đứng chỗ đoạn đường khuất nơi dẫn vào mộ chồng. Ông Trang A Củ vẫn còn nhớ rõ một chuyện, ông kể: Hôm ấy trời lất phất mưa, nó bỏ nhà đi từ tối, khuya không thấy về, 2 đứa nhỏ thì khóc thét đòi mẹ. Gia đình hốt hoảng đốt đuốc đi tìm và thông báo cho bộ đội ở gần nhà. Đội trưởng Nguyễn Hồng Giang cử chiến sĩ Giàng A Pao giúp mọi người đi tìm. Cuối cùng thấy Dủ đang đứng bên mộ chồng, trên tay vẫn cầm một nắm lá ngón non. Dủ bảo cô phải được ngủ bên chồng và muốn đi theo chồng.
Giàng A Pao cũng là dân tộc Mông, sinh ra ở vùng quê Mù Cang Chải nên anh được chứng kiến quá nhiều những cảnh ngộ như thế. Pao rất hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của Dủ. Anh bảo: Đã 4 lần mình giật nắm lá ngón từ tay nó ra rồi đấy. Lần nào Dủ bỏ đi Pao đều bí mật bám theo, chính vì thế mà anh biết Dủ thường xuyên ra mộ chồng ngồi khóc. Một lần giật nắm lá ngón trên tay cô, anh bảo: Nếu Dủ chết thì còn hai đứa con ai sẽ chăm sóc chúng, ai sẽ nấu mèn mén cho chúng nó ăn khi đói bụng, lại còn đêm đông lạnh giá? Trẻ con có thể thiếu mọi thứ nhưng không thể thiếu hơi ấm của mẹ. Vừa mới chiều qua đứa con trai út của Dủ tìm mẹ khóc lăn lộn trên nền đất, bò ra thềm cửa cạnh cầu ao. Nếu Dủ ăn lá ngón thì nó còn biết ở với ai… Nghe chưa hết câu nói của Pao, Dủ lao vội về nhà rồi ôm con vào lòng khóc như mưa.
Lại làm dâu nhà chồng
Em chồng của Dủ là Trang A Chứ chạy lại dỗ dành, thay chị dâu ẵm cháu. Chứ kém chị dâu 3 tuổi. Nhìn đứa con thiu thiu ngủ trên tay em chồng, Dủ lại nghĩ về một mái ấm gia đình, nghĩ về đời người con gái vùng cao, ước mơ về những đứa con có một tổ ấm, được nằm trong vòng tay yêu thương của người thân.
Một chiều, Lý Thị Dủ vẫn đều tay xe lanh, cô làm mà như không làm, đường lanh rối bời Dủ cũng chẳng biết. Trang A Củ lại gần con dâu, ông nhẹ nhàng đặt bàn tay gân guốc lên đôi vai gầy mỏng manh của nó: “Con ạ, nhà ta không thể tìm đâu được một người con dâu tốt hơn con. Hãy nghĩ lại đi, ở lại làm dâu nhà bố mẹ thêm một lần nữa nhé? Thằng A Của đã làm khổ con rồi, nó bỏ vợ con, cha mẹ mà đi. Bố thấy thằng Trang A Chứ cũng tốt mà… nếu nó và con… được không Dủ… đừng trách bố mẹ và nó nhé…”. Dủ lặng im như một cái bóng. Câu nói đó thì bộ đội Pao cũng có lần nói với Dủ như thế. Dủ nhớ anh Pao bảo: Người Mông ta vẫn thường nói như người Kinh dưới xuôi là: “Sẩy cha còn chú” em ạ. Nếu mình lấy người khác thì chắc gì họ yêu thương những đứa con của Dủ.
Dủ lại úp mặt vào hai bàn tay. Dủ không biết mình khóc vì cái gì nữa. Càng khóc lại càng muốn khóc nhiều thêm. Thực ra cô cũng biết ý định đó của gia đình từ rất lâu. Trang A Chứ không nói ra nhưng trong lòng anh cũng rất thương chị dâu, thương những đứa cháu của mình. Vừa mới chiều qua khi Dủ đang nấu nồi cám lợn, Trang A Chứ cũng đứng bên cạnh từ rất lâu, trên môi có một cây khèn. Anh thổi: “Nước chảy được, nước chảy/ Đất không chảy được đâu/ Em ơi nước chảy được nước chảy/ Đất không chảy được thì đất ở lại/Anh đi được anh cứ đi/ Em không đi được thì em ở lại cùng đất…”. Dủ về thông báo cho cha mẹ đẻ của mình, mẹ Dủ mừng quá rót rượu cho chồng say mềm cả đêm.
Thế là lại thêm một lần nữa Lý Thị Dủ làm dâu nhà ông Trang A Củ. Vợ chồng cô vừa sinh thêm một đứa con. Ba năm qua Trang A Chứ đã thay anh trai chăm sóc cho các cháu đúng nghĩa là một người cha thực thụ. Các con của Dủ không còn cô đơn, Dủ cũng thấy cuộc đời mình như được hồi sinh. Cô nhận ra rằng, trên cuộc đời này có những điều huyền diệu được lấy ra từ cái vô vọng.
Theo GiađinhNet
Cậu bé đến trường bằng đôi nạng gỗ
"Sinh ra tôi vẫn khỏe mạnh bình thường, nhưng chỉ sau một đêm, tôi đã trở thành người khuyết tật. Số phận nghiệt ngã đã cướp đi đôi chân lành lặn của tôi, nhưng nó sẽ không làm tôi gục ngã. Tôi sẽ đứng lên bằng chính đôi chân tật nguyền này".
Đó là những dòng nhật ký buồn nhưng đầy quyết tâm của em Nguyễn Văn Duy, cậu sinh viên lớp Công nghệ thông tin và truyền thông K12, Trường ĐH Hồng Đức, Thanh Hóa. Duy là con út trong gia đình có ba chị em. Bố là giáo viên Trường sỹ quan phòng hóa ở Sơn Tây đã về hưu, mẹ em ở nhà chăm sóc ông bà, nuôi các con ăn học với mấy sào ruộng.
Duy sinh ra vốn khỏe mạnh và khôi ngô. Niềm vui của gia đình cứ quấn quýt bên cậu con trai bé bỏng. Khi chưa tròn 8 tháng tuổi, Duy bị sốt cao, lên cơn co giật rồi biến chứng sang teo cơ, dần dần bị liệt nửa người bên trái. Gia đình đưa em đi khắp nơi, hễ nghe nơi nào có thuốc tốt là mẹ em lại lặn lội tìm đến, nhưng tất cả những nỗ lực của gia đình đều trở nên vô vọng. Nửa người bên trái của em đã bị liệt hoàn toàn, chân và tay phải cũng yếu đi. Các bác sĩ cho biết em bị ảnh hưởng bởi chất độc từ người bố di truyền sang. Bởi bố Duy làm việc trong môi trường thí nghiệm hóa học độc hại.
Hàng ngày Duy đến giảng đường ĐH Hồng Đức bằng đôi nạng gỗ.
Sau khi phát bệnh, sức khỏe của Duy yếu đi rất nhiều, em đau ốm triền miên và phải đi viện như cơm bữa. Cứ trái gió trở trời là bệnh tật của em lại tái phát, các cơ trong cơ thể cứ rút dần rồi teo lại. Năm lên 7 tuổi, Duy được mẹ đưa ra lớp đi học, nhưng thầy cô giáo không nhận với lý do sức khỏe em quá yếu. Nhưng khát khao được đi học cứ thôi thúc Duy, ngày nào em cũng đến đứng trước cửa lớp nhìn các bạn học bài với ánh mắt thèm thuồng. Sự kiên trì và quyết tâm của em khiến các thầy cô giáo cảm động và cho em vào học.
Buổi đầu đến lớp, Duy gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại, những ánh mắt tò mò, cười cợt của bạn bè khiến em bị tổn thương. Việc đi học và sinh hoạt của em cũng không dễ dàng. Tay em không cầm được ô hay tự lái chiếc xe lăn đi học nên phải nhờ đến bố mẹ. Nhưng không vì thế mà Duy nản chí, em luôn tự nhủ với bản thân "mình không đứng được thì phải học được, chỉ có học mới khẳng định được bản thân, thay đổi số phận và không muốn là gánh nặng của gia đình, xã hội".
Những nỗ lực của em bắt đầu từ việc tập luyện đi lại và sinh hoạt bình thường. Hôm nào bố mẹ bận việc, Duy tự cắp sách tới trường trên chiếc nạng gỗ. Về nhà Duy chăm chỉ luyện tập. Nhiều lần được bạn chở đi học nhưng do trời mưa, đường trơn nên Duy bị té ngã. Mặc dù rất đau nhưng Duy vẫn gắng cười để bạn thấy yên tâm.
"Khó khăn nhất là mỗi lần phải leo lên cầu thang của lớp học, hay những hôm trời mưa to không ai đưa đi là em phải nghỉ học. Mỗi lần như vậy em thấy rất buồn và càng quyết tâm hơn để sau này không bị phụ thuộc vào ai nữa", Duy tâm sự.
Thay vì kêu ca phàn nàn và than thở, Duy đã biết chấp nhận số phận và luôn phấn đấu trong học tập. 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, Duy đều đạt học sinh giỏi, học sinh xuất sắc của lớp. Năm nào Duy cũng được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi về các môn Toán, Anh, Vật Lý... nhưng do sức khỏe yếu nên em phải bỏ cuộc giữa chừng.
Duy luôn nỗ lực, cố hắng và chăm chỉ trong học tập.
Tuấn, người bạn cùng phòng với Duy, chia sẻ: "Tuy là một người khuyết tật nhưng Duy luôn cố gắng để không bị phụ thuộc vào ai. Ở phòng Duy tự nấu cơm và giặt giũ quần áo, chúng em bảo giúp nhưng Duy chỉ mỉm cười và nói "mình tự làm được mà". May mắn hơn bạn ấy là em được lành lặn, nhưng những gì Duy đã làm được thật đáng để chúng em phải suy nghĩ".
Vượt qua sự nghiệt ngã của số phận với nửa người bị liệt, Duy trở thành một sinh viên khoa Công nghệ thông tin và truyền thông của trường ĐH Hồng Đức. Năm 2009, em được nhận bằng khen của Hội Bảo trợ người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa trong chương trình "Biểu dương những tấm gương có hoàn cảnh khó khăn trong học tập - lao động - sản xuất giỏi". Duy còn được nhận quà của UBND tỉnh Thanh Hóa trong chương trình "Những tấm lòng nhân ái' dành cho người khuyết tật vượt lên số phận". Duy có sở thích đặc biệt với môn vẽ và chơi đàn. Lớp 1 Duy đã đoạt giải nhì cấp tỉnh môn vẽ.
Hàng ngày, mọi người vẫn thường thấy thấp thoáng bóng dáng cậu sinh viên bước đi khập khiễng bên chiếc nạng gỗ dưới sân trường.
"Ngồi nhìn các bạn chơi đá bóng trên sân trường, em luôn ước mình có thể chạy nhảy như các bạn. Mỗi lần như vậy em đều thấy buồn và tủi thân. Nhưng giờ em đã hiểu và biết chấp nhận số phận để phấn đấu. Em sẽ tự đứng lên bằng nghị lực với đôi chân tật nguyền này", Duy chia sẻ.
Theo Dân Trí
Số phận nghiệt ngã của cậu bé mê bóng đá "Con còn chân không hả mẹ ?". Nghe tiếng con hỏi mà chị cảm thấy cổ họng như đắng lại. Biết nói thế nào đây trước sự thực quá phũ phàng. Khi cậu bé vừa mở mắt ra, những đau đớn của thân xác không làm cậu buồn bằng ánh mắt của mẹ. Một nỗi lo mơ hồ khi cậu không tài nào...