Cầm bằng kỹ sư cơ khí về quê nuôi lươn lót bạt, anh Phát phát tài
Thời gian qua, mô hình nuôi lươn trong bể bạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển mạnh và mang lại thu nhập cao cho nhiều nông dân.
Anh Nguyễn Lê Kim Phát (ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ) là một trong những người thành công với phương pháp nuôi trong bể bạt sử dụng giá thể bằng sợi nilon.
Năm 2013, sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Lê Kim Phát về quê đầu tư xây bể xi măng, đan sạp tre làm giá thể, mua 200kg lươn giống từ một cơ sở ở xã Láng Lớn, huyện Châu Đức về thả nuôi. Qua 14 tháng nuôi, anh thu được 1.700kg lươn thịt, giá bán 130.000 đồng/kg, nhưng không có lãi.
Anh Phát đang chăm sóc lươn giống.
Sau lần nuôi thất bại, anh Phát nhận thấy mô hình nuôi lươn bằng bể xây xi măng và giá thể bằng sạp tre khiến lươn bị trầy xước, gây bệnh ghẻ lở, lươn bị còi, chậm lớn, tỷ lệ sống thấp. Ngoài ra, nuôi sạp tre cũng tốn nhiều nước, khó vệ sinh và khó phát hiện lươn bệnh, lươn ăn thịt lẫn nhau, thời gian nuôi dài, thức ăn cá xay trộn với cám viên dễ tan trong nước làm tăng chi phí. Từ đó, anh Phát đã tìm hiểu cách nuôi lươn từ các mô hình trên mạng internet và thay đổi phương pháp nuôi.
Anh chuyển sang thiết kế khung sắt, lót bạt làm bể nuôi, sử dụng sợi nilon làm giá thể cho lươn trú ẩn. Anh Phát cho biết: “Lươn vốn dĩ là loài sống chui rúc, nên cần bố trí đất hoặc các loại giá thể vào hệ thống nuôi, tạo nơi trú ẩn cho lươn sinh sống và phát triển. Sử dụng giá thể bằng sợi nilon, mức nước chỉ cao 10-15cm, giúp tiết kiệm nước, sợi nilon dễ vệ sinh, chi phí lại thấp, chỉ bằng 1/5 so với hình thức cũ.
Việc thiết kế bể nuôi lươn rất đơn giản, một bể bạt có diện tích 3m2 chỉ cần 26m sắt hộp kích thước 2525mm làm khung bao và 2m bạt có khổ 4m, đặt trên mặt nền bằng phẳng, khoét lù thoát nước để vệ sinh”. Với mỗi bể nuôi có diện tích 3m2, anh thả nuôi từ 4.500-5.000 con giống, sau 1,5-2 tháng phân cỡ, tách thành 2 bể, nuôi tiếp khoảng từ 7-8 tháng là thu hoạch. Về nguồn thức ăn cho lươn, anh dùng cám viên có hàm lượng đạm cao trộn với trùn quế theo tỷ lệ 7/3 làm thức ăn cho lươn.
Video đang HOT
Anh Phát cho biết: Ươm lươn giống hiệu quả kinh tế cao, thời gian thu hoạch lại nhanh hơn lươn thương phẩm (khoảng 3 tháng), tuy nhiên việc ươm lươn giống rủi ro cao nên cần nắm rõ kỹ thuật. Thời kỳ sinh sản của lươn từ tháng 2 đến tháng 9, nhưng anh đã nghiên cứu thành công và ươm lươn giống quanh năm, bằng phương pháp làm mưa nhân tạo, nhờ vậy, trang trại của anh thường xuyên có giống để cung cấp thị trường.
Theo kinh nghiệm của anh Phát, để lươn nhanh lớn và phát triển đều, ngoài việc chọn con giống tốt, rõ nguồn gốc, thức ăn đủ lượng, có hàm lượng đạm cao thì nguồn nước nuôi cũng rất quan trọng, nhất là hàm lượng pH trong nước phải được duy trì ổn định từ 6.5-8.
Ngoài ra, lươn là loại sống trong môi trường nước phải đảm bảo không bị ô nhiễm bởi các loại chất công, nông nghiệp và kim loại nặng. Do đó, nguồn nước trong bể nuôi đều lấy từ giếng khoan, sau đó bơm chảy qua bể lọc, dự trữ ở bể lắng rồi mới bơm vào bể nuôi. Bể lọc cơ học gồm cát, đá mi, đá 46 và đá nâng pH.
Đối với những khu vực nước có độ pH nhỏ hơn 5 thì nước phải cho chảy qua 2 bể lọc như vậy mới đảm bảo đúng kỹ thuật để lươn phát triển. Lươn ăn không nhiều nhưng phải đủ chất, thời gian lươn ăn chỉ trong vòng 15 phút là đủ đinh dưỡng cho 24 tiếng hoặc có thể lâu hơn.
Để tránh ô nhiễm do lượng thức ăn dư thừa thời gian lâu, nước cần thay ngay sau mỗi bữa ăn của lươn (trung bình anh Phát cho lươn ăn 2 bữa sáng và tối, nước sẽ được thay sau mỗi bữa ăn 1-2 giờ đồng hồ). Sau 1,5-2 tháng, lươn sẽ được phân cỡ tách đàn nuôi riêng theo kích thước.
Nói về mô hình của gia đình anh Phát, ông Huỳnh Thanh Viễn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Mỹ cho biết: Hội Nông dân đã phối hợp với gia đình anh Phát để hướng dẫn thiết kế bể bạt và quy trình nuôi lươn cho bà con nông dân có nhu cầu đến tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm nhằm nhân rộng mô hình tại địa phương.
Theo Kim Hồng (Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)
Nuôi lươn đồng, từ phận nghèo "số khổ" thành triệu phú Hậu Giang
Từ một nông dân nghèo khó, nhưng với mong muốn vươn lên thoát nghèo, anh Lê Hoàng Vũ, ở ấp 8, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), đã thành công từ mô hình nuôi lươn đồng, nhân giống lươn đồng, với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Có được như ngày hôm nay, anh Vũ phải trải qua nhiều tháng ngày vất vả và cũng không biết bao lần thất bại từ con lươn đồng. "Gian nan không nản", sau nhiều lần thất bại từ việc nhân giống lươn đồng, anh Vũ cố công đi học hỏi thêm kinh nghiệm nuôi lươn đồng ở một số chủ trang trại nuôi lươn giống ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp...
Còn ở quê nhà, anh Vũ không bỏ lỡ một cuộc tập huấn chăn nuôi nào của cán bộ khuyến nông. Anh còn thường xuyên tham khảo, trau dồi thêm tài liệu chăn nuôi lươn đồng qua sách, báo.
Anh Vũ đang làm vệ sinh, thay nước bồn nuôi lươn bố mẹ.
Đúc kết kinh nghiệm học hỏi được, anh mạnh dạn đầu tư chuyển từ mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm chuyển sang nuôi lươn đẻ, bán con giống. Nhưng nguồn con lươn giống tự kiếm không đáp ứng đủ nhu cầu nuôi nên buộc lòng anh phải thu mua thêm con lươn giống ở chợ.
Và rồi lại một lần nữa anh Vũ gánh thêm thất bại, bởi lươn giống chết hàng loạt, do con giống mua trôi nổi bên ngoài. Nhất là tập tính lươn đồng còn hoang dã chưa thích nghi với môi trường nuôi trong hồ. Quan trọng hơn là kích cỡ, trọng lượng con lươn giống không đồng đều cũng khó chăm sóc.
Rủi ro lớn nhất là lươn giống anh Vũ mua bị đánh bắt bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có cả bằng xung điện, mồi thuốc nên tỷ lệ hao hụt lớn, hiệu quả nuôi không cao.
Không nản chí, anh Vũ tiếp tục thực nghiệm lại quy trình cho lươn đẻ và qua những tài liệu nghiên cứu, kết hợp với kinh nghiệm theo dõi mùa vụ sinh sản của lươn đồng trong môi trường tự nhiên, anh tiến hành thiết kế bể nuôi lươn đẻ.
Mỗi năm, anh Lê Hoàng Vũ xuất bán hơn 1 triệu con lươn giống, lươn giống giá bán trung bình từ 3.000-3.500 đồng/con, sau khi trừ các khoản chi phí, anh còn lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm.
Chia sẻ thêm về kỹ thuật nuôi lươn sinh sản, anh Vũ cho biết để đạt được hiệu quả cao, người nuôi lươn cần cho lươn bố mẹ ăn đầy đủ dưỡng chất thì trứng mới phát triển tốt. Lươn bố mẹ phải đạt trọng lượng từ 200-250 gram/con thì mới có khả năng sinh sản hiệu quả.
Theo lối nuôi này, cứ cách nhau 10 ngày, anh Vũ thu hoạch trứng lươn một lần, mỗi lần từ 300-500 trứng/ổ/con. Sau đó, anh đem trứng lươn vào bể ấp từ 7-8 ngày trứng nở thành con. Qua thời gian nuôi dưỡng 1-2 tháng, anh xuất bán lươn con.
Anh Vũ cũng cho biết thêm, đặc tính lươn nuôi thường hay mắc bệnh về đường tiêu hóa, vì vậy người nuôi lươn cần phải chia đều các cử ăn của lươn để có sức đề kháng.
Một số hộ dân nuôi lươn đồng trong ấp cho biết ngoài việc sản xuất và bán con giống, anh Vũ còn là người hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn, chia sẻ kinh nghiệm nuôi lươn giúp đỡ bà con một cách tận tình. Đặc biệt là mô hình nuôi lươn thịt trong bể không bùn, người nuôi có thể tận dụng chuồng trại nuôi heo cũ, ốp lót thêm gạch men, hoặc tô hồ dầu láng để tránh lươn bị trầy xước là có thể nuôi được.
Ngoài ra, nếu hộ ít đất, có thể dùng bạt cao su tạo thành bể nuôi lươn với diện tích vài mét vuông, gắn thêm ống nhựa để tiện cho việc thay nước. Bởi lươn nuôi thích nghi môi trường thoáng mát, nguồn nước phải sạch, cho lươn ăn cũng phải đúng giờ, thức ăn phải đảm bảo vệ sinh, trong bể đặt thêm vài chùm dây ni-lông đen làm ụ cho lươn trú ẩn.
Ông Chiêm Hữu Phước, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Viễn A, cho biết hiện nay mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt đang được bà con trong xã nhân rộng. Bởi mô hình nuôi lươn trong bể không bùn là cách làm hay, chi phí đầu tư thấp, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên được nhiều hộ dân áp dụng, góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Theo Quang Hải (Báo Hậu Giang)
Đưa hoạt động Hội Nông dân đáp ứng xu thế mới Ngày 27/9, tại Bắc Ninh, Trung ương Hội Nông dân việt Nam (T.Ư Hội NDVN) tổ chức hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện 3 nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN (khóa VII) cho các cấp lãnh đạo Hội ND của 11 tỉnh, thành thuộc cụm thi đua số 3. Cụm thi đua số 3 gồm...