Cải thiện năng suất lao động qua kinh tế số
Trong bối cảnh những động lực tăng trưởng hiện có đang trở nên dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số (KTS) sẽ mang lại cho Việt Nam cơ hội để cải thiện mạnh mẽ mức năng suất lao động (NSLĐ) tổng thể nền kinh tế.
Nhận định trên được đưa trong ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2019: Cải thiện NSLĐ trong bối cảnh kinh tế số” vừa được trường Đại học kinh tế quốc dân (ĐHKTQD) công bố.
Đây là nghiên cứu đầu tiên của một tổ chức trong nước định lượng tác động của KTS đến NSLĐ các ngành, khu vực của nền kinh tế và dự báo tác động của KTS đến NSLĐ tổng thể đến năm 2020.
Năng suất lao động khu vực kinh tế nhà nước có xu hướng tăng dần
Báo cáo nêu rõ, mặc dù NSLĐ của Việt Nam đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua nhưng vẫn còn thấp và có khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực.
Theo GS,TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHKTQD, trong ba khu vực lớn của nền kinh tế, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn dẫn đầu về mức NSLĐ, khu vực kinh tế nhà nước (KTNN) ở vị trí thứ hai và khu vực kinh tế ngoài nhà nước có mức NSLĐ thấp nhất.
Cụ thể, năm 2010, NSLĐ của khu vực kinh tế FDI đạt 186,23 triệu đồng/lao động, gấp 1,4 lần khu vực KTNN và gấp 8,6 lần khu vực ngoài nhà nước. Năm 2018, NSLĐ của khu vực kinh tế FDI đạt 225,12 triệu đồng/lao động gấp khoảng 1,3 lần khu vực KTNN và gấp 6,9 lần khu vực ngoài nhà nước. Nhưng đặc điểm của khu vực FDI là NSLĐ tăng, giảm không ổn định và liên tục giảm từ năm 2016.
NSLĐ của khu vực KTNN có xu hướng tăng dần, do đó khoảng cách về NSLĐ tuyệt đối với khu vực kinh tế FDI ngày càng thu hẹp. Những cải thiện đáng kể về NSLĐ của khu vực KTNN (từ mức 132,46 triệu đồng/lao động năm 2010 lên 175,37 triệu đồng/lao động năm 2018) đạt được chủ yếu là nhờ đẩy mạnh sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước và dựa vào ưu thế trong việc phân bổ nguồn lực, được ưu đãi hơn trong việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất.
Khu vực kinh tế ngoài nhà nước có mức NSLĐ thấp nhất. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân có mức NSLĐ đạt 44,58 triệu đồng/lao động, thấp hơn khu vực kinh tế tập thể, khu vực KTNN và khu vực kinh tế FDI, nhưng cao hơn so với khu vực kinh tế cá thể và mức NSLĐ tổng thể nền kinh tế.
Dù được coi là một động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn là những DN nhỏ và siêu nhỏ nên gặp hạn chế trong việc nâng cao NSLĐ. Nguyên nhân do khó tiếp cận và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiếp cận tín dụng chính thức hạn chế, thiếu lao động có kỹ năng, khó tham gia, học hỏi từ chuỗi giá trị do các DN FDI dẫn dắt, hòa nhập chậm chạp vào chuỗi giá trị toàn cầu và không khai thác được hiệu quả kinh tế nhờ lợi thế về quy mô…
Khu vực kinh tế cá thể có mức NSLĐ thấp nhất, đạt 17,83 triệu đồng/lao động năm 2010 và tăng lên mức 27,52 triệu đồng/lao động năm 2018, chưa bằng 1/2 NSLĐ tổng thể. Nhưng đây là khu vực kinh tế quan trọng vì tạo ra hơn 70% việc làm của nền kinh tế.
Vì vậy, dịch chuyển lao động từ khu vực kinh tế cá thể sang các khu vực tiên tiến có quy mô lớn hơn diễn ra thuận lợi thì NSLĐ tổng thể sẽ tăng lên rất nhanh. Do đó, việc tạo môi trường để DN phát triển lên quy mô lớn hơn là bài toán cốt lõi để nâng cao NSLĐ của toàn nền kinh tế.
Về đóng góp của tăng năng suất các khu vực và chuyển dịch cơ cấu lao động đến tăng trưởng NSLĐ, trong giai đoạn 2011-2018, khu vực kinh tế cá thể có đóng góp lớn nhất, chiếm 31% cho tăng trưởng NSLĐ toàn nền kinh tế. Khu vực kinh tế FDI có đóng góp lớn thứ hai, chiếm khoảng 30% và ngày càng quan trọng đối với tăng trưởng NSLĐ tổng thể. Khu vực KTNN có đóng góp lớn thứ ba, chiếm khoảng 22%, chủ yếu là do NSLĐ của khu vực tăng lên trong giai đoạn vừa qua.
Đóng góp trung bình 7%-16,5% trong tốc độ tăng trưởng năng suất lao động
Video đang HOT
Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu, ở kịch bản gốc, đến năm 2020, NSLĐ theo giá năm 2010 của Việt Nam là 71,87 triệu đồng và có thể tăng lên 126,5 triệu đồng vào năm 2030. Tốc độ tăng NSLĐ bình quân là 5,7%/năm (giai đoạn 2020 – 2025) và 5,9%/năm (giai đoạn 2025 – 2030).
Nếu phát triển kinh tế số theo bốn kịch bản chuyển đổi số từ mức chậm đến các mức gia tăng ứng dụng công nghệ số khác nhau, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình thấp nhất là 6,25%, cao nhất là 6,97%.
Tính cho cả giai đoạn 2020 – 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng KTS đóng góp từ 7% cho đến 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng NSLĐ tổng thể. Theo đó, có thể thấy đóng góp của KTS là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế, và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng NSLĐ.
Kết quả dự báo cho tất cả các kịch bản đều cho thấy KTS có ảnh hưởng lớn nhất đến tăng trưởng NSLĐ của khu vực kinh tế FDI, tiếp đến là khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi đó, đóng góp của KTS đến tăng trưởng NSLĐ ở khu vực kinh tế nhà nước còn rất hạn chế.
Trong thập niên tiếp theo, khu vực kinh tế FDI sẽ có đóng góp lớn nhất (khoảng 46%) cho tăng trưởng NSLĐ tổng thể; khu vực kinh tế tư nhân có đóng góp lớn thứ hai (khoảng 29%); vị trí thứ ba là khu vực kinh tế cá thể với tỷ trọng đóng góp khoảng 15%.
KTS có tác động nhiều nhất đến NSLĐ ở các ngành liên quan đến khoa học công nghệ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, kinh doanh bất động sản; công nghệ thông tin truyền thông; đóng góp thấp nhất ở ngành nông lâm thủy sản và ở mức khiêm tốn đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ngoài ra, KTS có tác động thúc đẩy gia tăng NSLĐ nội các ngành này hơn là tác động đến chuyển dịch cơ cấu lao động.
PGS,TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường ĐHKTQD nhận định: NSLĐ của Việt Nam liên tục gia tăng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế – xã hội của đất nước. Vẫn còn khoảng cách khá lớn về mức NSLĐ giữa các ngành top đầu với các ngành còn lại trong nền kinh tế.
Do chỉ có khoảng hơn 2% lao động trong nền kinh tế làm việc trong top 4 ngành có mức NSLĐ cao nhất nên có thể nhận định rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến mức NSLĐ tổng thể của nền kinh tế thấp là hầu hết việc làm tập trung trong những ngành có mức NSLĐ thấp.
Trong quá trình phát triển kinh tê – xã hôi, NSLĐ chính là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 4-2-2020 về giải pháp thúc đẩy tăng năng suất quốc gia.
TÔ HÀ
Tăng trưởng kinh tế quý 2 sẽ chịu tác động mạnh từ dịch COVID-19
Các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam dự báo vào khoảng 2% so với cùng kỳ và thậm chí còn thấp hơn nếu xảy ra kịch bản xấu.
Sản xuất sợi tại Công ty Cổ phần Đồng Phát (Hà Nội). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Nhiều chuyên gia kinh tế cùng nhận định, tăng trưởng kinh tế quý 2/2020 sẽ không còn khả quan như quý 1 do kinh tế Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn từ dịch COVID-19.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch COVID-19 đang diễn biến khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Các doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Các ngành thương mại, du lịch, vận tải và hoạt động xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Trước những khó khăn đối với kinh tế trong nước, mới đây, các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam dự báo vào khoảng 2% so với cùng kỳ và thậm chí còn thấp hơn nếu xảy ra kịch bản xấu.
Xuất khẩu của Việt Nam dự báo cũng giảm khoảng 25% trong quý 2 và phục hồi về mức giảm 15% trong các quý sau của năm 2020.
Nền kinh tế Việt Nam dự kiến bắt đầu phục hồi từ quý 3/2020.
Tuy nhiên, con số dự báo này cũng chỉ là tương đối bởi các chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, dịch bệnh COVID-19 đã gây nên khủng hoảng kinh tế chưa từng có trong nhiều năm qua và điều nguy hiểm của khủng hoảng này là diễn biến của dịch rất bất ngờ, khó dự báo.
Dự báo trong các tháng tiếp theo, kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, như khả năng hấp thụ gói tín dụng 285.000 tỷ đồng từ năng lực sản xuất và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước; rủi ro về tác động lây lan của suy giảm thương mại và sản xuất toàn cầu đối với tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư của doanh nghiệp trong năm 2020.
Đó là chưa kể, vốn FDI có xu hướng giảm do dịch COVID-19 làm các doanh nghiệp FDI hoạt động cầm chừng và tạm hoãn lại việc tăng vốn đầu tư trong thời gian tới khi tình hình dịch bệnh tại nhiều nước chưa có những biến chuyển tích cực.
Bên cạnh đó, nhu cầu tín dụng thấp vẫn được dự báo đến hết quý 2 và sức ép tỷ giá gia tăng.
Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng đưa ra dự kiến ba kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Kịch bản 1 dự kiến dịch COVID-19 kết thúc trong quý 2/2020, kịch bản hai dự kiến dịch COVID-19 kết thúc trong quý 3/2020 và kịch bản 3 được xây dựng với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020 đạt 6,8%.
Với kịch bản 1, GDP quý 2 dự kiến sẽ giảm khoảng 2,79%, quý 3 giảm 1,13%, quý 4 giảm 0,1% và cả năm giảm 1,47% so với dự báo trong điều kiện bình thường.
Với kịch bản 2 dự kiến GDP quý 2 sẽ giảm khoảng 2,79%, quý 3 giảm 1,44%, quý 4 giảm 0,69% và cả năm giảm 1,77% so với tốc độ dự báo trong điều kiện bình thường.
Cả hai kịch bản này tăng trưởng GDP cả năm 2020 đều ước đạt trên 5%.
Nhận định về kinh tế quý 2, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, khác với quý 1, sang quý 2, toàn bộ nền kinh tế đều chịu tác động bởi đại dịch COVID-19.
Từ du lịch, hàng không, tiêu dùng, xuất nhập khẩu... đều bị tác động mạnh cả từ hai phía cung và cầu.
Nếu như nguồn cung vẫn tiếp tục bị gián đoạn bởi dịch bệnh thì về phía cầu (thế giới cũng như trong nước) đều giảm do giãn cách toàn xã hội và điều này tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế.
"Tuy nhiên, chúng ta mới bắt đầu bước vào quý 2 và vì diễn biến của dịch biến đổi khôn lường nên còn quá sớm để dự báo GDP của quý này," ông Hiếu cho biết.
Ông Hiếu cũng cho rằng, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu dịch bệnh không được kiểm soát sớm. Nếu đến cuối quý 2 dịch COVID-19 không được khống chế, thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ sụt giảm xuống mức rất thấp do độ mở của kinh tế Việt Nam là rất lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, tính chất của dịch COVID-19 lần này cho thấy, việc dự báo tác động của dịch đến nền kinh tế Việt Nam diễn ra trong thời gian bao lâu là rất khó.
Mức độ kết nối rất lớn của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu và các biện pháp giãn cách xã hội do các nước áp dụng dẫn đến việc đại dịch nếu được kiểm soát ở Việt Nam cũng không thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay nếu nó vẫn tiếp diễn ở các quốc gia khác.
Điều này đòi hỏi phải xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam và ở các quốc gia khác trên thế giới.
Để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước tiên, cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; đồng thời, nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng...
Bên cạnh đó, hình thành sớm các kịch bản "vực dậy" nền kinh tế, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch.
"Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát. Cùng với đó, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững," Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.
Thúy Hiền
Ba kịch bản tăng trưởng và đề xuất hỗ trợ nền kinh tế Dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp khiến kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam đảo lộn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu dịch bệnh kéo dài đến hết quý 2, Chính phủ cần có biện pháp "giải cứu" nền kinh tế như bơm thêm tiền cho hệ thống ngân hàng, mua lại nợ của doanh nghiệp, tránh sự...