Cải thiện năng lực cung ứng trong chuỗi giá trị toàn cầu
Với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, trong đó có 14 FTA là cơ hội để Việt Nam kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Các FTA là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu ảnh: đức thanh
Cải thiện năng lực cung ứng
Số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung đã tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018, lên 42 doanh nghiệp; số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018, lên 170 doanh nghiệp vào cuối năm 2020, nhưng sự cải thiện này vẫn còn khá thấp so với tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến và tốc độ tăng xuất khẩu của nền kinh tế.
Còn ở quy mô chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, mức độ tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá còn chậm cải thiện.
Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, năm 2018, Việt Nam chỉ tạo ra được 20,4 tỷ USD thông qua việc tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), xếp thứ 53 trên tổng số 174 quốc gia.
WB đánh giá, mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, nhưng mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…
Ông Nguyễn Hữu Tín, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) dẫn chứng từ Báo cáo Phát triển thế giới (WDR) năm 2020 cho hay, mức độ tham gia của Việt Nam ở cấp độ “chế biến, chế tạo mức hạn chế” và cần tiến lên trong chuỗi giá trị để nâng cao năng suất.
Trong khi một số quốc gia khác trong ASEAN như Malaysia, Thái Lan và Philippines hiện đã ở trình độ “chế biến chế tạo và dịch vụ tiên tiến”, cao hơn một cấp so với Việt Nam.
Theo ông Tín, chuỗi giá trị toàn cầu hiện chiếm tới 66% giao dịch thương mại. Nhưng mức độ nội địa hóa của Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, chỉ đạt 28% trong tổng kim ngạch thương mại, thấp hơn gần 2 lần so với Trung Quốc.
Không chỉ có thế, Việt Nam hiện phụ thuộc quá mức vào một số thị trường, sản phẩm, doanh nghiệp như: 4 sản phẩm hàng đầu (dệt may, điện tử, hóa chất và kim loại) chiếm 2/3; 4 thị trường lớn nhất (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ) chiếm tới 60%; 4 tập đoàn hàng đầu (Samsung, Foxconn, Intel, Panasonic) chiếm 70% kim ngạch thương mại trong GVC.
Báo cáo Phát triển thế giới năm 2020 ước tính rằng, cứ 1% tăng lên trong sự tham gia GVC sẽ làm tăng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 1% (nhiều hơn hai lần so với thương mại truyền thống), do vậy tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào GVC rất quan trọng để thúc đẩy nhanh năng suất và tăng trưởng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia được vào hệ sinh thái và chuỗi giá trị của doanh nghiệp đầu chuỗi và doanh nghiệp nước ngoài.
“Dù một loạt FTA đã đi vào thực thi, gần đây nhất là EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu do năng lực còn hạn chế, chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, gặp khó khăn trong huy động nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và chất lượng nguồn nhân lực. Không ít doanh nghiệp chưa có chiến lược phát triển dài hạn, còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để đầu tư phát triển”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu.
Tận dụng FTA thúc đẩy gia nhập chuỗi cung ứng
Các FTA đã và đang giúp mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, là cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu, góp phần hoàn thiện chính sách theo hướng minh bạch hơn, thuận lợi và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh, với việc 14 FTA đã có hiệu lực, Hiệp định RCEP mới được ký kết, đang đàm phán 2 FTA, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và sự cần thiết của liên kết ngành, các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để phát triển bền vững. Trong khi các doanh nghiệp FDI thường có sẵn hệ sinh thái riêng, có chuỗi cung ứng luôn sẵn sàng nên chưa tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.
Đơn cử, với dệt may, đóng góp kim ngạch xuất khẩu năm cao điểm là 39 tỷ USD, đồ gỗ cũng hơn 12 tỷ USD, giày dép – túi xách lên tới 22 tỷ USD, nhưng những ngành này mới chỉ tham gia được vào các khâu trung gian trong chuỗi giá trị toàn cầu, với giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động, công nghệ trung bình. Trong khi các phân khúc có giá trị gia tăng cao hầu hết vẫn ở nước ngoài như các khâu thượng nguồn (nghiên cứu phát triển, thiết kế sản phẩm; quảng bá sản phẩm, phân phối) và các khâu hạ nguồn (nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị sản xuất).
Trước những cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi số lượng FTA mà Việt Nam tham gia ngày càng tăng, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia) cho rằng, chuỗi cung ứng đang dần được rút ngắn, mang tính khu vực rõ ràng hơn và đây là điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, tận dụng cơ hội.
Một năm chống dịch Covid-19, Việt Nam được gì?
Từ việc còn mơ hồ về căn bệnh khi tiếp nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên, Việt Nam trở thành hình mẫu trong phòng, chống đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới.
Ca nhiễm đầu tiên của Việt Nam được phát hiện vào 23/1/2020. Sau một năm với nhiều biến động, Việt Nam ghi nhận 1.548 ca mắc Covid-19, 35 người tử vong. Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định thành tích chống Covid-19 của Việt Nam "độc nhất vô nhị", vào loại hàng đầu thế giới. Các chuyên gia cho biết thành quả này là công sức tổng hòa của toàn xã hội.
Đại dịch lớn nhất trong 100 năm qua
"Một năm kể từ khi tiếp nhận, điều trị cho 2 cha con người Trung Quốc và cũng là bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên tại Việt Nam, thật khó tưởng tượng rằng đó chính là thời điểm mở màn cho cuộc chiến vô cùng gian nan và phức tạp. Đây có lẽ là một năm đáng nhớ nhất trong cuộc đời hành nghề của y của tôi", tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), chia sẻ với Zing .
Theo tiến sĩ Hùng, cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đạt được thành công đáng khích lệ mà nhiều quốc gia trên thế giới ngưỡng mộ.
Hai người đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 tại Việt Nam. Ảnh: Trương Khởi.
Trước tiên, Việt Nam có đợt ra quân quy mô lớn chưa từng có. Sự đoàn kết, chung tay, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cùng thực hiện mới có thể đạt hiệu quả này.
Trong nước, tiến sĩ Hùng ấn tượng bởi ATM gạo cùng rất nhiều hình ảnh đẹp về sự sẻ chia của mọi tầng lớp trong xã hội để cùng nhau vượt qua khó khăn. Điều này cho thấy người Việt Nam luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Bên cạnh đó, sự nhịp nhàng, đồng bộ trong từng giai đoạn phòng, chống dịch cho thấy sự tin tưởng của người dân về đường lối, chính sách của nhà nước.
Với quốc tế, mặc dù có sự giảm sút về kinh tế, Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế dương.
"Sự thành công trong công cuộc phòng, chống đại dịch lần này giúp chúng ta nổi bật trong mắt bạn bè quốc tế về một Việt Nam an toàn trong đại dịch và đang trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều công ty đa quốc gia. Điều đó mở ra tương lai tương sáng trong công cuộc phát triển đất nước", tiến sĩ Hùng nói.
Quân chủng hóa học khử khuẩn đường phố trong đợt bùng phát tại Đà Nẵng. Ảnh: Hoàng Giám.
Nhận định về những điều mà Việt Nam đã làm được trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 trong năm vừa qua, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết chống dịch Covid-19 là cuộc ra trận lớn nhất của toàn xã hội từ trước đến nay trong lịch sử Việt Nam, sau 2 cuộc chiến tranh lớn.
Đợt ra trận này là sự phối hợp của nhiều lực lượng, từ hệ thống chính trị, công an, quân đội, bộ đội biên phòng, các trường đại học y, người dân. Sự phối hợp này từ ý chí quyết tâm, đồng lòng, đoàn kết, hỗ trợ ở nhiều mũi giáp công để có thể đạt được thắng lợi hôm nay.
"100 năm nay chưa có dịch bệnh nào nguy hiểm và lây lan dữ dội như Covid-19. Từ việc ảnh hưởng toàn diện mọi mặt của đời sống, một số nước tiên tiến phải tái áp dụng phong tỏa - biện pháp cuối cùng không ai mong muốn. Thành quả hôm nay của Việt Nam là nỗ lực lao động không ngừng từ đầu năm, thời điểm cập nhật thông tin rời rạc về những ca bệnh đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc)", Thứ trưởng Sơn nói.
Bên cạnh thành quả đạt được, các chuyên gia nhận định Covid-19 để lại nhiều vấn đề đáng suy ngẫm.
Để ngăn chặn dịch, Việt Nam đã phải đổ ra nhiều sức người, sức của. Tốc độ tăng tưởng kinh tế sụt giảm đáng kể, kéo theo những ảnh hưởng to lớn về kinh tế của từng ban, ngành, cơ quan công sở cho tới kinh tế của từng gia đình.
Đặc biệt, công tác điều trị Covid-19 gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, nốt trầm buồn nhất là nỗi đau khi 35 người tử vong do tình trạng quá nặng.
Thay đổi và thách thức
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh thời gian qua, chúng ta đã trải qua không ít thăng trầm trong cuộc chiến ngăn chặn đại dịch. Hiện tại, Việt Nam có những điểm tựa quan trọng cho giai đoạn mới trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Những điểm tựa này bao gồm nhân lực, kinh nghiệm thực tế về xây dựng khu cách ly, bệnh viện dã chiến, hoàn thiện phác đồ điều trị, đặc biệt là sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng chia sẻ: "Sau một năm chống dịch, cảm giác của tôi có nhiều đổi khác. Một năm qua là thời gian y bác sĩ, nhân viên y tế chúng tôi tích cực tìm tòi, học tập, trao đổi kinh nghiệm về quản lý, điều trị Covid-19 với đồng nghiệp trong và ngoài nước. Giờ đây, chúng tôi tự tin hơn nhiều so với giai đoạn trước".
Việt Nam sẵn sàng cho những thách thức mới từ đại dịch. Ảnh: Hoàng Giám.
Ông cho biết sự chung tay hỗ trợ của Nhà nước, toàn xã hội cũng giúp ngành y tế có trong tay nhiều thiết bị hiện đại, phù hợp để phòng, chống dịch và điều trị bệnh. Thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy tự xây dựng cho từng chuyên ngành, từng khoa, phòng trong bệnh viện những kịch bản khác nhau để sẵn sàng ứng chiến trong mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.
"Nhân viên y tế đối diện với dịch bệnh trong tâm thế chủ động. Nó hoàn toàn khác với lúc khởi đầu", tiến sĩ Hùng nói.
Ngoài ra, chuyên gia này chia sẻ trong năm qua, sau mỗi đợt dịch, ngành y tế lại nhanh chóng rút ra nhiều kinh nghiệm quý báo để thực hiện việc phòng, chống dịch ngày càng hiệu quả hơn.
Đến nay, Bộ Y tế đã chỉnh sửa, bổ sung 6 lần về quy trình phòng, chống và điều trị bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, các ban, ngành, đoàn thể khác trong toàn xã hội cũng hiểu rõ vai trò của mình và xây dựng những chiến lược hỗ trợ tối đa cho ngành y tế, hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn đại dịch quy mô trên toàn quốc.
Một năm sau đại dịch, Covid-19 vẫn hoành hành khắp thế giới và diễn biến vô cùng nặng nề, phức tạp. Số bệnh nhân nhiễm mới ngày càng gia tăng. Khi khởi đầu vụ dịch, thế giới mất 3 tháng để có một triệu ca bệnh. Hiện nay, cứ 2-3 ngày, chúng ta đã có thêm một triệu ca mắc mới.
Bên cạnh đó, việc virus biến đổi tạo những chủng siêu lây nhiễm đặt ra nhiều thách thức cho thế giới trong việc ngăn chặn, kiểm soát đại dịch. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần thay đổi nhiều hơn để kịp thời ứng phó thách thức mới.
Một năm sau ca mắc Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam.Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), là nơi tiếp nhận, điều trị 2 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên, mở màn cho cuộc chiến trường kỳ chống đại dịch suốt một năm qua.
Hội nhập kinh tế quốc tế - một điểm sáng trong công tác đối ngoại năm 2020 LTS - Nhân dịp năm mới, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả triển khai hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam trong năm 2020 và phương hướng hội nhập kinh tế của nước ta trong giai đoạn mới. Xin trân trọng giới thiệu nội dung trả lời...