Cải thiện chiều cao nhờ vi chất dinh dưỡng
Thiếu vi chất dinh dưỡng được gọi là ‘nạn đói tiềm ẩn’ do khó phát hiện. Thanh toán được thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em.
Bữa ăn cần đa dạng thực phẩm cung cấp các chất thiết yếu cho trẻ
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc thiếu một số vi chất dinh dưỡng quan trọng như: vitamin A, sắt, folate, kẽm dẫn đến mù lòa, tổn thương não, thai chết lưu, tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong ở phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, giảm năng suất lao động ở người trưởng thành. Tình trạng này ảnh hưởng bất lợi đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ. Thiếu sắt và iốt làm giảm chỉ số thông minh (IQ) ở trẻ em từ 10 – 15 điểm.
Ở VN, thiếu vitamin A, thiếu máu thiếu sắt và thiếu kẽm vẫn là các vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Theo điều tra năm 2014 – 2015 của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi là 27,8%; tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai là 32,8% và tỷ lệ này ở phụ nữ không có thai là 25,5%. Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13%, Tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi rất cao (69,4%). Tỷ lệ thiếu kẽm ở phụ nữ có thai trên toàn quốc đặc biệt cao ở mức 80,3%, và ở miền núi là 87%, ở nông thôn là 80,1%, ở thành phố là 70,8%…
PGS-TS Trần Thúy Nga, công tác tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết nguyên nhân của tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng do khẩu phần ăn của người dân không đảm bảo cung cấp đủ các vi chất dinh dưỡng quan trọng cho nhu cầu cơ thể, đặc biệt trong một số giai đoạn quan trọng như phụ nữ đang mang thai, cho con bú, trẻ em đang tuổi lớn.
Thay đổi thói quen tiêu dùng
Bổ sung vitamin A góp phần giúp trẻ phát triển khỏe mạnh
Video đang HOT
Theo điều tra khẩu phần của Viện Dinh dưỡng, khẩu phần ăn của người dân Việt Nam hầu hết không đáp ứng đủ 100% nhu cầu về các vitamin và chất khoáng. Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, uống bổ sung vi chất dinh dưỡng là một giải pháp ngắn hạn quan trọng có thể giúp cải thiện được ngay tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng.
Chương trình uống bổ sung vitamin A cho trẻ em đã được triển khai trên toàn quốc. Nhờ chương trình này, trẻ em VN từ 6 tháng – 36 tháng tuổi được uống bổ sung viên nang vitamin A liều cao một năm 2 lần vào ngày 1.6 và ngày 1.12. Người dân cần tích cực mang con tham gia ngày vi chất dinh dưỡng để được sử dụng vitamin A, chủ động mua và sử dụng viên sắt, viên đa vi chất hoặc bột bổ sung đa vi chất theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm trong đó các thực phẩm như muối, nước mắm, nước tương (xì dầu), hạt nêm, dầu ăn, bột mì… được bổ sung iốt, sắt, kẽm, vitamin A là một giải pháp trung hạn có tính ưu việt cao do có sự tham gia của cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân. “Người dân chủ động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng nâng cao sức khỏe cho bản thân và cho gia đình bằng cách thay đổi thói quen tiêu dùng, tìm mua và sử dụng các thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng theo khuyến nghị của ngành y tế và các cơ quan quản lý liên quan”, TS Nga lưu ý.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa bữa ăn sử dụng nhiều loại thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày, phòng bệnh truyền nhiễm, tẩy giun định kỳ theo hướng dẫn của cán bộ y tế… là giải pháp tự nhiên nhất nhằm cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể, giúp ngăn chặn “nạn đói tiềm ẩn”, ngăn chặn nguy cơ ảnh hưởng tới tầm vóc và trí tuệ người VN.
Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, trước tiên cần quan tâm đến chăm sóc dinh dưỡng ngay từ tuổi vị thành niên, đặc biệt là giai đoạn mới kết hôn, chuẩn bị làm mẹ. Dinh dưỡng hợp lý trong 1.000 ngày vàng (đầu đời) tức là từ khi bà mẹ bắt đầu mang thai đến khi trẻ 2 tuổi đóng vai trò hết sức quan trọng. Đảm bảo dinh dưỡng cho phụ nữ trong thời gian mang thai để giúp thai nhi phát triển tốt và bà mẹ có đủ dự trữ các chất dinh dưỡng để nuôi con sau này.
Viện Dinh dưỡng quốc gia
Theo thanhnien
Cho bé ăn dặm đúng cách để tránh suy dinh dưỡng thấp còi
Bé cần bú mẹ đến 2 tuổi, chỉ ăn dặm khi tròn 6 tháng, bữa ăn đa dạng thực phẩm, bổ sung vi chất dinh dưỡng đầy đủ.
Sai lầm khi cho bé ăn dặm
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, có 23,8% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi. Nguyên nhân chủ yếu do khẩu phần ăn chưa đa dạng, cân đối và không đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về một số vi chất quan trọng cho những năm đầu đời như vitamin A, vitamin D, canxi, sắt, kẽm...
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mẹ chỉ nên cho bé ăn dặm từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, thực tế nhiều phụ huynh lại cho con ăn dặm quá sớm với suy nghĩ trẻ sẽ cứng cáp, dễ nuôi hơn.
Trước 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ rất non nớt và không có khả năng chuyển hóa những thức ăn dạng đặc hoặc phức tạp hơn sữa mẹ. Khi ăn quá sớm sẽ làm trẻ bú ít đi, bỏ phí nguồn dinh dưỡng và kháng thể tốt nhất, làm sự tiết giảm sữa giảm dần. Lúc này hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu, dễ bị tiêu chảy và các bệnh khác.
Một sai lầm khác là cho bé ăn quá nhiều bữa trong ngày vì sợ đói hay "ăn càng nhiều càng bổ dưỡng". Khi không có cảm giác thèm ăn nhưng mẹ vẫn cố ép dễ dẫn đến bệnh biếng ăn, đầy hơi, ợ nóng, nôn trớ do hệ thống tiêu hóa của con không sản xuất đủ enzym để tiêu hóa khối lượng thực phẩm quá lớn.
Nhiều mẹ lại sợ trẻ béo phì nên không cho trẻ ăn dầu mỡ, tuy nhiên mỗi bữa ăn trẻ cần 5-10ml dầu ăn tùy theo độ tuổi để cung cấp năng lượng và các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K.
Sai lầm của mẹ có thể khiến trẻ sợ ăn.
Ăn dặm đúng cách phòng suy dinh dưỡng thấp còi
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, hầu hết các trường hợp suy dinh dưỡng thấp còi xảy ra trước khi trẻ 3 tuổi là hậu quả của việc không nhận đủ thức ăn và chất lượng thức ăn không đảm bảo. Để có hiệu quả tốt nhất, các can thiệp phòng chống tình trạng này cần được tiến hành sớm, tốt nhất là trong giai đoạn trong bụng mẹ và 2 năm đầu đời, đặc biệt là giai đoạn ăn dặm.
Giai đoạn 6-12 tháng tuổi, sữa mẹ chỉ cung cấp 60% năng lượng mỗi ngày cho bé, vì vậy bên cạnh việc bú mẹ, trẻ cần được ăn bổ sung. Khẩu phần ăn bổ sung mỗi ngày gồm bữa chính và bữa phụ; đủ 4 nhóm chất: đường bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất; chế biến phù hợp theo nhu cầu cũng như độ tuổi. Bữa chính gồm bột, cháo cơm...; bữa phụ là bánh quy, hoa quả, sữa chua, trứng (chiếm 5-10% năng lượng trong ngày).
Bữa ăn dặm khuyến nghị cho trẻ. Nguồn: Viện Dinh dưỡng.
Khi lên thực đơn, mẹ cần đảm bảo bữa ăn cho trẻ đa dạng các loại thực phẩm, nên sử dụng các thức ăn giàu đạm động vật như thịt, trứng, tôm, cua, cá... Tăng năng lượng, hóa lỏng bữa ăn bổ sung bằng cách thêm dầu, mỡ; giá đỗ hoặc men tiêu hóa. Cho bé ăn nhiều các loại quả tươi giàu vitamin và thực phẩm giàu canxi như cá, tôm, cua (nấu nhừ để ăn cả xương hoặc giã vỏ lọc lấy nước sẽ hấp thu được nhiều canxi).
Ngoài ra, nhóm các vi chất dinh dưỡng cũng rất cần thiết và có tác động tích cực đến chiều cao, thể chất của trẻ. Các vi chất dinh dưỡng tác động đến sự phát triển của trẻ là vitamin A, sắt, acid folic, kẽm, iốt, canxi... Bổ sung đa vi chất sẽ giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng và tăng hệ miễn dịch, phòng chống bệnh tật. Viện Dinh dưỡng khuyến cáo trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cần được bổ sung vitamin A (6-59 tháng tuổi) và kẽm (12-59 tháng tuổi).
Duy trì niềm vui ăn uống sẽ giúp bé hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Nếu quá bận rộn và không có nhiều thời gian để chuẩn bị bữa ăn cho trẻ, phụ huynh có thể tham khảo các bí quyết như lên thực đơn cho một tuần, chủ động chuẩn bị nguyên liệu và sơ chế sẵn. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, rã đông trong ngăn mát để giữ lại đầy đủ chất dinh dưỡng. Lưu ý, mẹ nên nấu sẵn cháo trắng rồi mới thêm các nguyên liệu khác vào sau, tránh việc cho bé ăn một loại cháo nấu đi nấu lại nhiều lần vì lúc này dưỡng chất đã bị mất đi, trẻ cũng không cảm nhận được vị ngon và giảm sự thèm ăn.
Mẹ cũng có thể xen kẽ thực phẩm tự nấu với sản phẩm ăn dặm chế biến sẵn khi cần bữa ăn nhanh chóng, tiện lợi. Cần chú ý lựa chọn các sản phẩm đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng với 4 nhóm đường bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất; đầy đủ thành phần rau củ, hoa quả tự nhiên nhằm cung cấp chất xơ, giúp trẻ không bị táo bón.
Hoài Nhơn
Theo VNE
Trẻ em dễ thiếu hụt canxi do ăn quá mặn Thói quen ăn mặn, nhiều đạm và đồ uống kích thích khiến trẻ thiếu hụt canxi dẫn đến còi xương, thấp còi. Tiến sĩ Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam trong ba thập kỷ từ 1985 đến 2014 đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng,...