Cái Tết đầu tiên của dâu mới
Bước chân đã chạm đến bậc thang cuối cùng, cái đầu vốn sáng suốt là thế của Hà vẫn chưa nghĩ ra cách gì. Tim cô đập thình thịch ngày một to hơn trong khi bước chân cứ tiến gần lại mâm cỗ cúng. Mẹ chồng đang sốt sắng hết nhìn xuống phía cầu thang lại nhìn lên tivi xem màn pháo hoa.
Hà bối rối đi đi lại lại trong phòng ngủ, hết lục tung cả mấy ngăn kéo bàn lại bấm điện thoại toay toáy ra chiều sốt ruột. Tất cả các cuộc gọi đều không thực hiện được vì nghẽn mạng. Giờ này chồng cô đang ở đâu đó chờ giờ để về xông nhà. Trên tầng thượng, mẹ chồng đang gọi như hò đò giục giã: “Nhanh lên Hà ơi, lên khấn đi sắp đến giao thừa rồi”, Hà cuống quít ra khỏi phòng, run run bước từng bậc cầu thang, lòng thầm mong giờ khắc này sớm trôi qua chỉ trong một cái chớp mắt.
Hà vốn là con gái một, quen được nuông chiều nên từ khi về làm dâu nhà Tiến, đúng dịp cái Tết đầu tiên, cô con dâu trưởng cứ như ngồi trên đống lửa. Trước Tết một tuần, được sự hậu thuẫn của chồng, Hà nói dối là đi công tác, lánh về nhà ngoại để tập huấn những công việc đơn giản nhất cần làm cho một cái Tết ở nhà chồng. Toàn những việc chưa làm bao giờ, từ cắt tiết gà đến bầy biện, nấu nướng vài món truyền thống Hà đều phải tập tành trong lóng ngóng, vụng về. Một tuần trôi qua, Hà vẫn chưa thôi lo lắng vì những kiến thức mẹ trang bị cho cứ vào tai này lại ra tai kia một cách phũ phàng. Hà nảy ra một sáng kiến. Mẹ nói gì, Hà nhanh tay ghi hết vào một cuốn sổ nhỏ như thời còn đi học, thậm chí là cả bài khấn đêm giao thừa, Hà cũng đã chép lại cẩn thận vào đó, coi như bảo bối.
Video đang HOT
Nỗi lo lắng của Hà dường như hơi thái quá. Mẹ chồng được cái cũng tâm lý, sợ con dâu chưa làm quen nên không bắt Hà phải vào bếp phụ trách một món cỗ nào. Không những thế lại còn bắt cậu con trai đi làm gà. Nhìn con gà còn đang sống sờ sờ phút chốc đã được Tiến nhổ lông và tạo dáng đẹp đẽ, Hà mắt tròn mắt dẹt thầm thán phục chồng lắm. Bao nhiêu việc linh tinh nhặt rau, rửa hành thì do Hà phụ trách. Hà thở phào cuối cùng cũng trót lọt qua cửa ải đầu tiên là cửa ải nấu cỗ.
Nhìn Hà đi ra đi vào trong phòng ngủ, miệng lẩm nhẩm “nam mô” như trẻ con học thuộc lòng, Tiến phì cười bẹo mũi vợ trêu ghẹo: “Vợ anh đáng yêu thật đấy. Mà ngày xưa em học có giỏi không thế. Có mỗi cái bài khấn mà em khấn đi khấn lại, các cụ chắc điếc tai vì em mất thôi!”, Hà đang lừ mắt nhìn chồng thì mẹ chồng gõ cửa rồi bước vào. Luống cuống sợ bị mẹ chồng bắt quả tang, Hà đem cuốn sổ nhỏ giúi vội vào túi áo chồng treo trên mắc áo. Mẹ chồng đi rồi, Tiến bật cười thành tràng khoái trá. Hà đỏ mặt xô chồng ngã lăn ra giường…
Lúc tỉnh dậy cũng đã gần 11 giờ rưỡi. Vội vã, Tiến ra khỏi nhà không quên hôn chụt vào má vợ, tay làm động tác cổ vũ khiến Hà cũng bật cười vui vẻ. Gần đến lúc trả bài, bài khấn Hà đã học đến thuộc làu không biết vì quá hồi hộp và lo lắng hay sao mà tự dưng bay biến ra khỏi đầu như bong bóng xà phòng. Hà lục tung đồ đạc để tìm cuốn sổ, mãi mới nhớ ra đã quên nó ở trong túi áo khoác của chồng. Gọi điện thì không được. Hà run rẩy nghĩ cách đối phó.
Bước chân đã chạm đến bậc thang cuối cùng, cái đầu vốn sáng suốt là thế của Hà vẫn chưa nghĩ ra cách gì. Tim cô đập thình thịch ngày một to hơn trong khi bước chân cứ tiến gần lại mâm cỗ cúng. Mẹ chồng đang sốt sắng nhìn pháo hoa bắt đầu sáng bừng cả không gian phía xa xa, thì vừa hay thấy cô con dâu đang lò dò chậm chạp đến gần.
Luống cuống vì bị giục giã, Hà run run chắp tay, mạnh dạn khấn thật to mấy câu: “Nam mô a di đà phật, nam mô a di đà phật, nam mô a di đà phật…”, vừa hay lúc đó tiếng trẻ con hò nhau nhộn nhạo, rồi chạy rầm rập ngoài đường át đi tiếng lí nhí lẩm nhẩm của Hà tiếp sau độc mấy câu “nam mô” còn sót lại trong trí nhớ. Bên cạnh, mẹ chồng cô căng tai ra vẫn chẳng thể biết Hà đang khấn cái gì. Xong đâu đấy, Hà vái lấy vái để rồi quay sang mẹ chồng đang ngơ ngác, cô dõng dạc: “Xong rồi mẹ ạ”. Đang định bụng quay gót xuống nhà, thì mẹ chồng hét toáng lên: “Ôi con ơi, quên không thắp hương mà đã khấn à!”. Hai mẹ con nhìn nhau chằm chằm, Hà cúi mặt nhíu mày chờ nghe một câu mắng mỏ. Ai dè, mẹ chồng cô cười như nắc nẻ nhìn cô con dâu đứng như trời trồng với bộ mặt ngây thuỗn. Mẹ chồng nhẹ nhàng kéo tay Hà lại, nhỏ nhẹ: “Thôi, không sao con ạ, quên là chuyện bình thường. Bật lửa đi, mẹ con mình thắp hương”.
Những giọt mưa xuân bắt đầu lun phun vương trên mái tóc hai mẹ con đang đứng chìm đắm trong cái không khí rất riêng của đêm Giao thừa. Mẹ chồng khoác tay Hà đi xuống nhà dưới, vừa đi vừa chuyện trò rôm rả. Xen giữa câu chuyện về những ngày Tết cũ, mẹ chồng vui vẻ hỏi Hà: “À, mà vừa nãy con khấn gì mà nhanh thế, lại khấn nhỏ nữa, mẹ chẳng nghe thấy gì. Lần sau nên khấn to lên con nhé!”, Hà tẽn tò đỏ mặt “dạ” một câu lí nhí. Dưới phòng khách, Tiến ló đầu lên nhìn vợ, tay dứ dứ cuốn sổ nhỏ như trêu chọc… Hà thở phào nhẹ nhõm, trong lòng lâng lâng một cảm giác hạnh phúc ngập tràn, Hà tự nhủ: “Làm dâu như thế này thì mình cứ làm dâu cả đời cũng được!”.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Đằng sau bóng tối
Chị bước dần từng bước, từng bước khó nhọc. Con đường mà mọi người bình thường chỉ mất chưa đầy năm phút đi qua thì chị phải bỏ ra gần tiếng đồng hồ. Nhìn bước chân của mọi người, bất giác nước mắt chị trào ra "sao ông trời lại bắt tội chị như vậy!".
Chị mới bước qua tuổi 40 được ít hôm thì cơn bạo bệnh ập tới, khiến toàn thân chị không thể cử động được. Khuôn mặt căng mọng, cân đối bỗng méo xệch, còn giọng nói thì ngọng nghịu như đứa trẻ lên 2. Bác sĩ nói chị mới bị xuất huyết lần đầu nhưng thuộc thể nặng. Hầu như mọi hoạt động của chị đều phải nhờ cậy vào người khác. May mà bộ não của chị chưa bị tổn thương nặng nhưng như thế chị lại càng nhận thấy rõ hơn sự bất hạnh của mình. Nhiều lúc chị tự nhủ, hay là mình chết quách đi cho rảnh nợ đời, đỡ bắt chồng, con phải khổ sở. Thế nhưng nhìn thấy hai đứa con lần nào vào bệnh viện thăm cũng vừa xoa bóp cho mẹ, vừa nói trong nước mắt "mẹ đừng bỏ chúng con mà đi mẹ nhé" lại khiến chị không đành lòng. Và quan trọng, chị vẫn còn rất yêu cuộc sống. Trong đầu chị bắt đầu có kế hoạch trở lại với cuộc sống. Rồi những ngày nằm viện cũng qua đi, chị trở về nhà trên chiếc xe đẩy.
Ngay hôm sau, chị đã nhờ chồng đưa mình tới góc công viên- nơi trước đây chị vẫn đi bộ mỗi tối - để tập đi. Những bước đi đầu tiên cực hình. Cảm giác tê buốt chạy khắp toàn thân. Có chồng giúp từng bước mà chưa đầy 10 mét, cả người chị gần như đổ gục xuống. Những người đi bộ ngang qua, họ không nhìn thẳng nhưng chị biết đó là những ánh mắt đầy ái ngại và thương hại. Nước mắt lại dàn dụa chảy. Ý nghĩ buông xuôi lại quay trở lại. Nhưng chồng chị mỗi sáng đều thức chị dậy, đẩy xe đưa chị ra chỗ tập. "Muốn người ta không thương hại thì mình phải tự đứng lên thôi. Mà em cũng đừng nghĩ rằng người ta đang coi thường mình". Anh cùng chị tập luyện đều đặn. Sự có mặt của chị ở góc công viên giờ đã quen thuộc với những người tập thể thao nơi đây.
Chị bắt đầu bước được những bước đầu tiên không cần dựa vào chồng hay chiếc xe đẩy. Thế nhưng, một giờ đồng hồ cho hơn trăm mét, nhiều buổi chị cũng thấy nản. Một lần, khi chị đang lê từng bước chậm chạp thì một chị có tuổi bước tới. "Chị đi khá lên nhiều lắm. Thật tuyệt. Chị cố gắng lên nhé. Ở chỗ tụi này có một chị còn nặng hơn chị nhiều, vậy mà giờ đã có thể khiêu vũ rồi đấy. Tụi này đợi chị đấy nhé!". Chị vui hẳn và những bước chân tự nhiên mạnh mẽ hơn, vững chắc và nhanh nhẹn hơn. Những ngày sau, chị luôn gặp lại người phụ nữ đó. Lúc nào chị ta cũng cười vui vẻ cổ vũ. Có lần chị ta còn nói nhỏ vào tai chị: "Đằng sau bóng tối là ánh sáng đấy" rồi dúi vào tay chị một gói xôi còn nóng hổi. Tự nhiên, cuộc sống lấp lánh sắc màu, thật đáng quý. Chị bỗng thấy mình cần phải cố gắng thêm nhiều nữa để có thể trở lại với cuộc sống, mà nâng niu cuộc sống và lại có thể sống vì gia đình, chồng con và vì mọi người.
Theo Bưu Điện Việt Nam
Dâu mới giả sảy thai vì sợ về nhà chồng ăn Tết Chỉ vì sợ đối diện với mẹ chồng trong ngày Tết mà Lành đã phải giả bộ sảy thai để lừa cả nhà chồng. Bao năm nay, nghĩ đến việc lấy chồng, Lành đã không muốn lắm rồi. Nhưng vì "cái tuổi nó đuổi xuân đi" nên Lành đành phải vu quy theo lệnh của cha mẹ. Người Lành lấy cũng là người...