“Cái nôi” đào tạo những thủ lĩnh Taliban tương lai ở Pakistan
Trường dạy giáo lý Hồi giáo Darul Uloom Haqqania, một trong những chủng viện lớn nhất và lâu đời nhất của Pakistan, là nơi đào tạo ra nhiều thủ lĩnh Taliban hơn bất kỳ trường học nào trên thế giới.
Một lớp học tại chủng viện Darul Uloom Haqqania hồi tháng 10 (Ảnh: New York Times).
Hiện các cựu sinh viên của trường Darul Uloom Haqqania đang nắm giữ các vị trí quan trọng trong chính quyền Afghanistan.
Darul Uloom Haqqania, tọa lạc ở tây bắc Pakistan, cách biên giới Afghanistan khoảng 90 km. Cơ sở này có ảnh hưởng lớn ở Pakistan và Afghanistan. Các cựu sinh viên của chủng viện đã thành lập phong trào Taliban và cai trị Afghanistan vào những năm 1990.
Cái tên gây chú ý nhất là Sirajuddin Haqqani, 41 tuổi, một lãnh đạo của Taliban và đang bị FBI truy nã gắt gao và treo thưởng 5 triệu USD cho bất cứ ai có thể cung cấp thông tin giúp bắt giữ. Ông này hiện giữ chức quyền Bộ trưởng Nội vụ mới của Afghanistan và là một cựu sinh viên chủng viện.
Amir Khan Muttaqi, tân Bộ trưởng ngoại giao của Taliban, và Abdul Baqi Haqqani, Bộ trưởng giáo dục đại học cũng vậy. Bộ trưởng Tư pháp, Chánh văn phòng Bộ Điện – Nước Afghanistan và nhiều thống đốc, chỉ huy quân sự và thẩm phán cũng đã từng học ở chủng viện Haqqania.
Video đang HOT
“Chúng tôi cảm thấy tự hào với các sinh viên của chúng tôi ở Afghanistan. Thật vinh dự cho madrasas (trường dạy giáo lý Hồi giáo) khi các sinh viên tốt nghiệp của trường hiện đã trở thành bộ trưởng và giữ các vị trí cao trong chính phủ Taliban”, Rashidul Haq Sami, phó hiệu trưởng của chủng viện, cho biết.
Nhiều cựu sinh viên lấy cái tên Haqqania như một biểu tượng của niềm tự hào. Mạng lưới Haqqani, cánh quân sự của Taliban, thường mở những cuộc tấn công đẫm máu chống lại các lực lượng NATO do Mỹ đứng đầu và chính phủ Afghanistan được đặt theo tên chủng viện này và vẫn giữ được các mối liên hệ với trường.
Hơn 4.000 học sinh, hầu hết là từ các gia đình nghèo, theo học tại trường này, nằm ở khuôn viên rộng lớn với các tòa nhà bê tông nhiều tầng trong một thị trấn nhỏ ven sông, ngay phía đông thành phố Peshawar. Các khóa học bao gồm từ việc học Kinh Quran đến văn học Ả Rập.
Với trường này và sinh viên ở đây, chiến thắng của Taliban là niềm tự hào lớn. Abdul Wali, một sinh viên 21 tuổi, cho biết: “Taliban cuối cùng đã đánh bật Mỹ sau gần 20 năm vật lộn và cả thế giới chấp nhận sự thật này. Nó cũng cho thấy tầm nhìn xa trông rộng và cam kết của các giáo viên và cựu sinh viên của chúng tôi về Afghanistan”.
Pakistan từ lâu đã có mối quan hệ không dễ dàng với các madrasas như Haqqania. Các nhà lãnh đạo từng coi các chủng viện này là nơi có nhiều ảnh hưởng đến các sự kiện ở Afghanistan và hiện xem chúng là nguồn gốc của xung đột trong nội bộ Pakistan. Nước này cũng chứng kiến sự bùng nổ phong trào Taliban còn gọi là Taliban Pakistan (TTP), tổ chức đã gây ra hàng loạt vụ tấn công bạo lực trong những năm gần đây. Hai bên đã đạt được một lệnh ngừng bắn trong tháng này.
Những người chỉ trích ngôi trường gọi đây là “trường đại học thánh chiến” và cáo buộc trường này góp phần gây ra bạo lực khắp khu vực.
Tuy nhiên, giới chức Darul Uloom Haqqania cho biết, mọi việc đang thay đổi và lập luận rằng, Taliban nên được tạo cơ hội để chứng tỏ đã khác so với thời kỳ nắm quyền ở Afghanistan cách đây 20 năm. “Thế giới đã chứng kiến năng lực điều hành đất nước thông qua những chiến thắng trên cả mặt trận ngoại giao và trên chiến trường của Taliban”, phó hiệu trưởng Sami nói.
Trong bối cảnh còn nhiều lo ngại về chính quyền của Taliban như tình trạng bạo lực gia tăng, các báo cáo về các vụ giết người trả đũa, kiểm soát việc cho trẻ em gái đi học và cấm tự do ngôn luận…, ông Sami lập luận rằng cuộc chiến giành chính quyền của Taliban còn đẫm máu hơn nên họ “sẽ không lặp lại những sai lầm của những năm 1990″.
Các dấu hiệu mới của chủ nghĩa cấp tiến trong madrasas đã xuất hiện, đặc biệt là kể từ khi Taliban lên nắm quyền. Sinh viên đã tổ chức các cuộc mít tinh ủng hộ Taliban. Tại Nhà thờ Hồi giáo Đỏ ở Islamabad, Pakistan, nơi xảy ra cuộc đột kích chết chóc của nhân viên an ninh cách đây 14 năm, cờ của Taliban đã được kéo lên.
Muhammad Israr Madani, một nhà nghiên cứu về các vấn đề tôn giáo tại Islamabad, cho biết tính hữu dụng của madrasas đã giảm khi các quan chức Pakistan gần đây đã đóng vai trò trực tiếp hơn trong các vấn đề của Afghanistan.
Thủ lĩnh Taliban lần đầu lộ diện, cầu cứu quốc tế
Lần xuất hiện đầu tiên kể từ khi Taliban nắm quyền ở Afghanistan, thủ lĩnh Mullah Mohammad Hassan Akhund, Thủ tướng lâm thời Afghanistan, kêu gọi quốc tế hỗ trợ và cam kết không can thiệp các nước.
Thủ tướng lâm thời Afghanistan, thủ lĩnh Taliban, Mullah Mohammad Hassan Akhund (Ảnh: AFP).
"Chúng tôi đảm bảo với tất cả các nước rằng chúng tôi sẽ không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của họ và chúng tôi mong muốn có quan hệ kinh tế tốt đẹp với tất cả các nước", RT dẫn lời người đứng đầu chính quyền lâm thời Afghanistan và là đồng sáng lập Taliban Mullah Mohammad Hassan Akhund nhấn mạnh trong bài phát biểu đầu tiên được phát sóng trên truyền hình ngày 27/11.
Trong bài phát biểu kéo dài 30 phút này, ông Hassan nói rằng, Taliban đang "nỗ lực nhất có thể để giải quyết các vấn đề của nhân dân Afghanistan". Thủ lĩnh Taliban đổ lỗi cho chính quyền của cựu Tổng thống Ashraf Ghani gây ra những vấn đề này.
"Chúng tôi kêu gọi tất cả các tổ chức từ thiện quốc tế không rút lại các viện trợ, mà sẽ giúp đất nước chúng tôi", ông Hassan nói. Ông cũng kêu gọi giới chức Mỹ giải phóng khối tài sản khoảng 10 tỷ USD mà Washington đang đóng băng của Afghanistan.
Lời kêu gọi trên được đưa ra ngay trước các cuộc đàm phán vào tuần tới giữa chính quyền Taliban và Mỹ ở thủ đô Doha của Qatar. Taliban trước đó cho biết sẽ hối thúc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công nhận chính quyền Taliban, đồng thời kêu gọi Mỹ hỗ trợ tái thiết Afghanistan.
Afghanistan đang đối mặt thảm họa nhân đạo với một nửa trong số 38 triệu dân trên bờ vực đói nghèo. Lạm phát ở Afghanistan tăng phi mã, vượt tầm kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt, bởi dịch bệnh và bởi quốc tế rút viện trợ sau khi Taliban lên nắm quyền. Trước kia, viện trợ quốc tế chiếm tới 75% ngân sách của chính quyền Afghanistan cũ.
Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan hồi giữa tháng 8 năm nay và lập ra chính phủ lâm thời. Tuy nhiên, Mỹ không công nhận chính quyền Taliban và đã lập tức đóng băng khối tài sản khoảng 9,5 tỷ USD của ngân hàng trung ương Afghanistan.
Chính quyền Taliban hiện phải đối mặt vô vàn thách thức trong đó có vấn đề khủng hoảng kinh tế, tài chính, khủng hoảng di cư. Theo một báo cáo của Hội đồng Tị nạn Na Uy, mỗi ngày có khoảng 5.000 người Afghanistan vượt biên trái phép sang Iran. Kể từ tháng 8 đến nay, khoảng 300.000 công dân Afghanistan đã vượt biên sang Iran. Hơn 3 triệu người Afghanistan hiện tị nạn ở Iran, trong khi 1,5 triệu người tị nạn ở Pakistan.
Đây không phải lần đầu tiên Taliban kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế. Giữa tháng này, ông Amir Khan Muttaqi, Ngoại trưởng lâm thời Afghanistan do chính quyền Taliban bổ nhiệm, đã gửi thư cho quốc hội Mỹ đề nghị hợp tác.
Ông Muttaqi hối thúc Mỹ "mở cánh cửa cơ hội cho quan hệ hai nước trong tương lai", kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt và đầu tư vào lĩnh vực khai mỏ, nông sản và sản xuất của Afghanistan. Ông cũng khẳng định, Taliban không gây mối đe dọa với thế giới và sẵn sàng hợp tác với các nước.
Tình hình Afghanistan: Ngoại trưởng được chỉ định của Taliban thăm Pakistan Ngày 10/11, Ngoại trưởng được chỉ định của chính quyền Taliban tại Afghanistan, ông Amir Khan Muttaqi bắt đầu chuyến thăm Pakistan để thảo luận các quan hệ thương mại và nhiều lĩnh vực khác. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Taliban đang tìm cách để được quốc tế công nhận và dỡ bỏ phong tỏa tài sản của Afghanistan ở nước...