Cai nghiện game khó như cai ma tuý
Nơi duy nhất của cả nước tổ chức cai nghiện game online là Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam (TTNMN) đã chính thức bỏ cuộc, không nhận học viên nữa. Trong khi đó, mỗi ngày đều có hàng chục phụ huynh tìm đến đây cầu cứu, nhờ giúp con em mình thoát ra khỏi thế giới ảo.
Bức bách chẩn trị
Khoảng 5 năm về trước, tình trạng học sinh, sinh viên bỏ bê trường lớp, thay đổi tính tình ngày càng nhiều. Lúc đầu, phụ huynh lơ mơ chưa hiểu nguyên nhân từ đâu. Sau một thời gian theo dõi, tìm hiểu, người ta mới biết “quý tử” của họ trở nết như vậy là do dành quá nhiều thời gian ở tiệm internet với những trò đâm chém bằng bàn phím và con chuột.
Những người cha xúc động khi thấy con mình cai nghiện game thành công ở Trung tâm TTNMN
Khi Trung tâm TTNMN (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM) mở chương trình “Học kỳ quân đội”, lúc đầu phụ huynh có con nghiện game đưa con mình tham gia như một biện pháp cách ly với thế giới ảo. Thấy cán bộ Trung tâm TTNMN nhiều tâm huyết và kỹ năng, họ đã khẩn thiết đề nghị mở lớp cai nghiện game online. Năm 2008, Trung tâm TTNMN đã xây dựng và tổ chức chương trình “Cai nghiện game online” (ban đầu có tên là “Tự kiểm soát bản thân trước game online và internet”).
Nhiều phụ huynh trên toàn quốc, từ Tuyên Quang, Hà Nội, Thanh Hóa đến Đà Nẵng, TPHCM, Tây Ninh, Cần Thơ… đã đưa con em mình đến Trung tâm TTNMN với niềm mong mỏi duy nhất là làm sao cho chúng “cắt cơn, giải độc”, đưa game bạo lực ra khỏi đầu óc. Tất cả 4 lớp cai nghiện game online mà Trung tâm TTNMN thực hiện đều bế giảng trong nước mắt và những cái ôm siết chặt đầy tin tưởng giữa học viên và cha mẹ.
Bước ra khỏi thế giới ảo internet sau 10 ngày tham gia, các bạn trẻ trở về thực tại và chợt nhận ra mình đã gây quá nhiều đau khổ cho người thân. Để đưa được một “con nghiện” đến lớp đã khó, việc “cắt cơn” và chống tái nghiện càng khó khăn hơn. Đối với mỗi một học viên, cán bộ Trung tâm TTNMN phải kiên trì tiếp xúc, tác động ngay tại tư gia của “con nghiện” và theo suốt cho đến khi cai nghiện thành công. Có gia đình hợp tác tốt nhưng cũng không ít bậc phụ huynh lơ là, ỷ lại vào trung tâm khiến công sức của các điều phối viên có khi đổ sông đổ bể.
Đuối sức với game online
Các đường dây điện thoại của Trung tâm TTNMN thường xuyên trong tình trạng “ nóng” với hàng loạt cuộc gọi của phụ huynh. Tuy nhiên, sau 4 năm, Trung tâm TTNMN chỉ tổ chức được 4 lớp. Theo bà Trần Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Trung tâm TTNMN, dù kết quả cai nghiện thành công đạt 80-90% nhưng cơ quan đành phải gác lại chương trình có ý nghĩa này vì không đủ lực để tiếp tục. “Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều mô hình giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên nhưng không có công việc nào cực khổ như việc cai nghiện game online. Nếu so với chương trình “Học kỳ quân đội” thì nó khó gấp 10 lần” – bà Liên nói.
Video đang HOT
Ngoài nhọc nhằn trên, cán bộ Trung tâm TTNMN còn chịu nhiều sức ép khác. Bà Trần Thị Kim Liên không ít lần bị khủng bố bằng tin nhắn, điện thoại và cả những vụ đụng xe bất ngờ ngoài đường. Có tin nhắn nặc danh đe bà Liên: “Chơi game phát triển trí thông minh, tại sao lại phải cai. Coi chừng bị cắt gân đó” (!).
Theo bà Trần Thị Kim Liên, với thực trạng nghiện game online tràn lan như hiện nay, Nhà nước phải thực sự vào cuộc để thành lập các cơ sở cai nghiện. “Một đơn vị hạn chế về tài chính và nhân lực như chúng tôi không thể nào cáng đáng được mà chỉ có làm thí điểm. Nếu ở đâu thành lập đơn vị tương tự, Trung tâm TTNMN sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp tài liệu và tư vấn kỹ năng”- bà Kim Liên khẳng định.
Các nước cai nghiện game ra sao?
Tại châu Âu, Trung tâm Trị liệu Smith & Jones ở Amsterdam, Hà Lan là trung tâm đầu tiên nhận bệnh nhân có triệu chứng nghiện game. Mở cửa từ tháng 6/2006, trung tâm này có tỉ lệ điều trị thành công rất cao cho các con nghiện game. Tại Mỹ, Tổ chức Online Gamers Annonymous, thành lập vào năm 2002, tổ chức nhiều hoạt động gặp mặt, chat online và nói chuyện để cải thiện tình trạng của các thành viên. Tháng 7/2009, tổ chức ReSTART cũng được thành lập tại Fall City, Washington, với phương thức tư vấn và hỗ trợ tại gia. Bệnh viện McLean Hospital tại Massachusetts cũng đã mở dịch vụ dành cho các đối tượng nghiện game và máy tính.
Tại Hàn Quốc, Quỹ Văn hóa Game (GCF) lần đầu tiên khai trương một trung tâm cai nghiện game tại Bệnh viện Đại học JoongAng ở Seoul vào tháng 6-2011. Tại Trung Quốc, gần đây, một phóng viên của nhật báo Mỹ The Christian Science Monitor đã đến thăm một trung tâm cai nghiện game được đặt tại một căn cứ quân sự ở Bắc Kinh cai nghiện game thông qua một khóa huấn luyện kỷ luật quân đội 3 tháng. Tại Trung Quốc hiện có hơn 300 trung tâm cai nghiện game.
Theo Dân Trí
Game bạo lực và bi kịch
"Ai cứu con tôi, ai cứu con tôi..." là tiếng kêu cứu tuyệt vọng của một người cha khốn khổ có con nghiện game. Được sự đồng ý của gia đình, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc một bi kịch điển hình có ảnh hưởng từ game bạo lực
P.M.L đứa con trai út khôi ngô, học giỏi ngày nào giờ đây đã biến thành nỗi khổ tâm cùng cực của gia đình ông P.M.K. Trong chuỗi ngày M.L bị hút sâu vào thế giới ảo đầy bạo lực của game, vợ chồng ông K. đi từ lo lắng, đau khổ, hoang mang, đầy nước mắt, để cuối cùng là cảm giác tuyệt vọng và sợ hãi.
Tan nát một gia đình
Ở Bình Dương, gia đình ông P.M.K là một gia đình có tiếng. Không chỉ có tiệm may lớn, uy tín lâu năm, vợ chồng ông còn được người trong vùng quý trọng bởi cả 3 người con đều rất khôi ngô, xinh đẹp và học giỏi.
Con trai đầu của ông K. từng đoạt giải 3 học sinh giỏi toán cấp quốc gia; con gái giữa nhiều năm liền là học sinh xuất sắc toàn diện; còn con trai út M.L thì luôn dẫn đầu trường tiểu học về điểm số các môn khoa học tự nhiên.
Vợ ông K. từng đạt giải nhất hội thi "Ông, bà, cha, mẹ nuôi dạy con theo phương pháp khoa học" do thị xã tổ chức. Thế nhưng, kể từ ngày M.L dấn sâu vào thế giới game online bạo lực, bao niềm tự hào của gia đình này bị sụp đổ. Cả nhà luôn sống trong trạng thái ngột ngạt.
M.L đang miệt mài chơi game trong tiệm net này nhưng vì lý do tế nhị, chúng tôi không chú thích rõ trong ảnh
Cách đây hơn một năm, báo chí đã viết về trường hợp nghiện game của M.L trong loạt bài "Khổ vì con là game thủ". Một năm sau gặp lại, cả bố mẹ M.L đều già đi trông thấy, riêng ông K. tóc bạc hẳn; trong khi đó, cậu "quý tử" M.L thì gầy rộc, phờ phạc hẳn đi.
Chúng tôi đến nhà ông K. lúc 12 giờ. M.L như không hề quan tâm tới một ai, em mở cửa phòng, đến trước mặt mẹ xin tiền nhưng chỉ nói gọn lỏn một chữ: "Tiền"? Mẹ M.L miễn cưỡng lấy tiền đưa, M.L thản nhiên đưa tay lấy, đút túi ra đi, không nói thêm lời nào khác!
Gần một năm qua, nếp sống của M.L là như thế. Với M.L, trưa ngủ dậy, đi chơi game tới 24 giờ, về nhà ngủ đến 12 giờ hôm sau, rồi lại đi chơi game như một công việc đã được lập trình tự bao giờ. M.L đã bỏ học hoàn toàn, ít ăn uống và rất hạn chế tắm rửa. Cha mẹ rủ du lịch, không đi. Anh chị rủ đi xem ca nhạc, hài kịch để giải trí, tuyệt đối không đi. Ngoài ngủ, thời gian chủ yếu em ngồi lì trước màn hình vi tính ở tiệm net và vùi đầu vào game bất tận.
Mọi phương pháp, biện pháp của cả nhà để đưa M.L trở về với đời thực đều thất bại. M.L vẫn cứ chìm đắm vào thế giới ảo đầy bạo lực. Trong khi chưa tìm thấy "con đường sáng", vợ chồng ông K. buộc phải "sống chung" với một con nghiện game bất trị. "Không cho tiền là có chuyện ngay, nó rất hung tợn. Vả lại nếu để nó không có tiền, rất dễ sinh ra trộm cướp để có tiền chơi game thì càng nguy hiểm hơn. Tình hình quá nghiêm trọng. Bây giờ chúng tôi vô phương. Thôi thì cứ để nó "sống chung" với game, chứ bây giờ dùng biện pháp mạnh, nó chết mất"- ông K. thở dài trong nước mắt.
"Con tôi là nạn nhân của xã hội - game online"
Bất lực, không cách nào cứu được con, người cha khốn khổ P.M.K đành trút nỗi lòng của mình vào những trang nhật ký: "Vợ chồng mình đã sống trong căng thẳng gần một năm nay. Có lẽ đây là thời gian căng thẳng kéo dài nhất. Từ khi hết học kỳ I, con không làm bài và nghỉ học luôn, lao vào cuộc chơi không còn biết gì nữa.
Mọi lời nói từ ba, mẹ, ngoại,Tư ... nhưng chẳng lọt vào tai một từ nào, không còn biết chút gì là sĩ diện. Thương con quá, mình tin nó không phải là một đứa con hư, khó dạy. Nó là nạn nhân của xã hội - game online...". Đó là đoạn đầu cuốn nhật ký mà ông P.M.K lặng lẽ viết trong khoảng thời gian con mình nghiện game. Cuốn nhật ký dày 64 trang thấm đẫm nước mắt và buồn đến não lòng.
* (Ngày 23-4-2010) "... Kể từ sau Tết âm lịch đến nay, gia đình xuống cấp hết sức trầm trọng, chưa bao giờ có như thời gian này. Tinh thần lúc nào cũng bị căng thẳng, kinh tế hụt hẫng; không khí ảm đạm, buồn bã, chán chường đang trùm lấy ngôi nhà này. Những giọt nước mắt mẹ nó lăn dài, mình cũng nghe nghẹn đắng trong lòng...". Trong nhật ký của ông P.M.K, có rất nhiều ngày được ông viết là "ngày tồi tệ" hoặc "ngày đen tối". Đó là những khi đứa con trai út rời khỏi nhà để phiêu lưu cùng những "kẻ sát nhân" trong tiệm net hay cùng đám bạn lang thang ngoài công viên, sau khi đã đe dọa người mẹ để lấy tiền tiêu xài.
* (16-6-2010) "Không thể tin được những chuyện xảy ra lại là sự thật. Tại sao lại có thứ rác rưởi ấy ở trong ngôi nhà này?". Thời điểm đó, ông P.M.K đem 15 triệu đồng lên đóng học phí cho Trường Dân lập Thanh Bình (quận Tân Bình - TPHCM) để cho M.L học nội trú, vì ông và gia đình nghĩ rằng có vào nội trú như vậy may ra con mình sẽ thoát khỏi thế giới ảo.
Nhưng chỉ được 2 ngày, M.L gom hết đồ đạc bảo bố mẹ đón về nhà và tuyên bố: "Nếu cứ bắt buộc phải trở lên TPHCM học thì hãy sắm sẵn chiếc quan tài"(!). Sau lần này, ông K. xin cho con vào học Trường Dân lập Phan Chu Trinh ở thị trấn Dĩ An, nhưng chỉ được mấy tuần thì gia đình nhận được tin báo M.L bị sùi bọt mép, "chết lâm sàng", nghi bị sốc do dùng chất kích thích. Sau khi được cứu sống tại bệnh viện, M.L rời khỏi nhà trường với một bảng điểm trống trơn trong học bạ và rồi lại tiếp tục hành xác trong tiệm net với game online.
* (28-12-2010) "Game online đã giết chết của mình một đứa con. Giờ này cũng chưa khẳng định được là nó ở trong trạng thái tâm thần hay một người mất nhân cách. Dù bị tâm thần hay mất nhân cách thì cũng vô cùng nan giải, giải quyết thế nào đây? Khó quá, không khéo sẽ vĩnh viễn mất con".
* (30-12-2010) "Quý tử về, không chào hỏi ai một tiếng, đi thẳng ra nhà sau tắm rồi lên nhà dắt xe đạp đi. Mẹ cầm xe giữ lại: "Trời còn mưa mà con đi đâu nữa?". Quý tử nạt nộ: "Thả tay ra", rồi lên xe đạp như bay. Vợ chồng đứng trước cửa nhìn theo. Khi bóng con không còn trong tầm mắt, vợ chồng ngồi phịch xuống thềm nhà. Nước mắt mẹ nó lại lăn dài trên má...".
* (31-12-2010) "Hôm qua thêm một ngày tồi tệ nữa. Buổi chiều mẹ nó khóc hai lần, không khóc thành tiếng, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên khuôn mặt hốc hác. Bên ngoài trời cứ mưa. Mình cũng cố nén nước mắt, nuốt vào lòng. Đúng là thảm cảnh gia đình...".
"Nhìn chiếc áo trắng của con treo đó, nhìn những đứa trẻ trạc tuổi nó tung tăng cắp sách đến trường... sao con mình không đi? Ai không cho nó đi học? Tôi đã thật sự mất con chưa? Vì đâu nên nỗi? Ai cứu được con tôi?...".
Theo Dân Trí
Game sex "quỷ ác dâm"- đến từ thế giới ảo Game sex - một loại hình trò chơi điện tử mang tính chất khiêu dâm, kích dục từ lâu đã âm thầm xuất hiện ở Việt Nam. Nhưng mấy năm trở lại đây, game sex đã phát triển mạnh mẽ nhờ công nghệ 3D với những cốt truyện mô phỏng toàn bộ quá trình quan hệ phòng the giúp người chơi có cảm...