Cái chết của BlackBerry
Sự ra đi của những chiếc di động BlackBerry cũng có sự đóng góp của Apple và Google bên cạnh thành công của họ trong quá khứ.
Sẽ giống như việc kể những câu chuyện ngày xửa ngày xưa của làng di động, lúc đó, smartphone đẳng cấp nhất người dùng có thể sở hữu là một chiếc BlackBerry.
Trước khi iPhone xuất hiện, bản mẫu đầu tiên của điện thoại Android đơn giản là bản nhái của BlackBerry. Quay lại những năm 2006, Apple hay Google chẳng có mối quan hệ nào với các nhà mạng. Họ cũng không có tập khách hàng doanh nhân trung thành đến khó tin. Họ càng không đưa ra được giải pháp nhập liệu tốt nhất cho một thiết bị bỏ túi.
BlackBerry sở hữu những chiếc điện thoại gắn liền với giới doanh nhân, người dùng doanh nghiệp. Ảnh: Foxbusiness.
BlackBerry – còn được biết đến với cái tên Research in Motion (RIM) – làm được những điều trên. Nhưng vì những lợi thế to lớn ở trên mà tuần vừa rồi, hãng công bố dừng việc thiết kế và sản xuất smartphone.
Cái chết của điện thoại BlackBerry là câu chuyện trường kỳ, dai dẳng từ năm 2012 đến nay. Tất nhiên, cái tên BlackBerry vẫn sẽ tồn tại bởi họ chỉ khai tử mảng phần cứng, tập trung cho phần mềm và hỗ trợ doanh nghiệp. Dù vậy, trong mắt người dùng phổ thông, thêm một nhà vua đã băng hà, theo gót những Nokia hay Palm trước đây.
Sự sụp đổ của BlackBerry trong khoảng thời gian 10 năm có thể xem là cuốn sách giáo khoa về việc một doanh nghiệp có thể bị đánh bại bởi những người mới hơn nếu không cố gắng.
Thành công BlackBerry có được một thập kỷ trước biến họ thành một kẻ bảo thủ và tự mãn, theo The Verge.
Khi iPhone và Android đến, cả ngành công nghiệp di động rầm rộ chuyển sang những chiếc smartphone cảm ứng màn hình lớn. Đó là xu hướng tiến hóa của công nghệ.
Apple hay sau này là Samsung, HTC chỉ là những kẻ vào cuộc đúng thời điểm. Hầu hết các nhà sản xuất Android – cụ thể là những công ty như Samsung, LG, Sony hay HTC chẳng làm gì ngoài việc điên cuồng chạy đua cung cấp cấu hình mạnh nhất cho smartphone của họ.
BlackBerry vừa công bố ngừng thiết kế và sản xuất smartphone. Họ sẽ tập trung cho mảng phần mềm. Ảnh: Getty Images.
Video đang HOT
Trong thế giới điên cuồng và hỗn loạn đó, BlackBerry thờ ơ đứng ngoài, chỉ muốn bảo vệ những gì nó đã có, thay vì chinh phục những miền đất mới. Đây là điều dễ hiểu.
Hầu hết các doanh nghiệp lớn, tổ chức chính phủ tin tưởng vào khả năng bảo mật đỉnh cao và hệ thống email của BlackBerry. Symbian của Nokia có thể chiếm thị phần cao nhất nhưng BlackBerry thống trị tại Mỹ – nơi được xem là trung tâm công nghệ của thế giới. Đó là một chỗ ngồi yên ấm.
Tập trung vào chục triệu khách hàng có sẵn, BlackBerry đánh mất hàng tỷ khách hàng tiềm năng
Rất khó để nói rằng BlackBerry nên quẳng miếng bánh thơm ngon trong tay đi để làm lại từ đầu với smartphone màn hình lớn.
Tuy nhiên, bảo thủ và hài lòng với lượng khách hàng hiện có chỉ là một nửa của vấn đề. BlackBerry còn cho thấy sự ngạo mạn của mình.
Họ ra mắt tablet PlayBook mà không có sẵn ứng dụng email. Họ nhấn mạnh, Flash sẽ là tương lai của nội dung trên di động và trì hoãn việc ra mắt smartphone cấu hình bom tấn để chờ đợi một con chip đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu của Flash. BlackBerry tin rằng người dùng sẽ kiên nhẫn chờ đợi siêu phẩm của họ bởi vì họ là BlackBerry.
Nó hơi giống với cách Apple làm hiện nay, chẳng hạn việc một mình loại bỏ giắc cắm tai nghe 3,5mm. Chỉ khác là BlackBerry bán được khoảng chục triệu thiết bị mỗi năm trong khi Apple bán gấp đôi ba lần số đó trong mỗi quý.
Nói cách khác, BlackBerry tin rằng thị trường vẫn có chỗ cho những sai lầm của họ. Đó là BlackBerry – công ty tự biết mình có rất nhiều tài sản và lợi thế, từ đó thay đổi một cách chậm chạp và miễn cưỡng.
BlackBerry tin rằng họ còn nhiều thời gian để phạm sai lầm.
Công bằng mà nói, hầu hết những sai lầm của BlackBerry đều là chí mạng.
Chẳng hạn như việc họ khư khư giữ BBM cho riêng thiết bị của mình trong một thế giới mà ứng dụng nhắn tin đa nền tảng WhatsApp được bán với giá 19 tỷ USD hay việc họ ra mắt một chiếc smartphone nửa nạc nửa mỡ như Priv và chào bán với giá cao ngất ngưởng.
Vì điều đó, giờ đây họ lặng lẽ rời bỏ thị trường di động – thứ mà họ từng dày công kiến tạo. Họ tiếp tục mang đến bài học nhãn tiền cho những công ty có dưới 1 tỷ người dùng: Dù bạn đã từng làm tốt đến đâu, bạn luôn có thể tốt hơn và nếu bạn không sẵn sàng thay đổi và làm điều mạo hiểm, sẽ có người khác làm điều đó. Thay đổi hoặc là chết.
Thành Duy
Theo Zing
Thăng trầm của BlackBerry qua 10 dòng sản phẩm
Thương hiệu điện thoại Canada một thời khuấy đảo thị trường di động với các sản phẩm đình đám nhưng dần đi xuống trước áp lực cạnh tranh và chậm thay đổi.
John Chen, Giám đốc điều hành của BlackBerry chính thức thông báo công ty sẽ chấm dứt mảng sản xuất phần cứng và thuê đối tác ngoài. Hãng điện thoại đình đám một thời sẽ chuyên tâm vào phần mềm và dịch vụ.
Quyết định của BlackBerry đã khép lại chương quan trọng của một trong những biểu tượng lớn của làng di động thế giới. Thương hiệu "Dâu Đen" từng khiến người dùng "mê mệt" nhưng cũng có chiến lược và sản phẩm khiến BlackBerry mất bóng trên bản đồ di động.
Dưới đây là 10 dòng thiết bị đáng chú ý của BlackBerry:
Dấu ấn đột phá đầu tiên của BlackBerry được Wired ghi nhận là vào năm 2003 với dòng Quark. Những thiết bị của RIM khi đó nổi bật bởi khả năng đàm thoại, kết hợp email, web và BlackBerry Messenger... Hiện nay, không ít người vẫn tìm mua, sưu tầm loạt sản phẩm này.
"Dâu Đen" khéo léo đánh chiếm thị trường tiêu dùng phổ thông bằng việc ra dòng Pearl, điện thoại thông minh dành cho tất cả mọi người. Khác với các mẫu BlackBerry quen thuộc dùng bàn phím full QWERTY, dòng Pearl nhỏ gọn nhờ bàn phím thu gọn. Đây cũng là mẫu BlackBerry đầu tiên có camera, kèm trackball giúp việc sử dụng dễ dang hơn.
BlackBerry Curve được coi là sản phẩm phát triển dựa trên dòng Pearl. Máy có trackball nhưng thiết kế mạnh mẽ hơn, các tính năng được cập nhật, kết hợp cùng màn hình độ phân giải cao. Curve đánh dấu bước ngoặt của công ty Canada bởi sau đó làng di động có nhiều thay đổi khi có sự xuất hiện của Apple iPhone.
Nhắc đến BlackBerry, người yêu công nghệ sẽ không thể quên dòng Bold, sản phẩm được coi là đỉnh cao của thương hiệu "Dâu Đen". Bold hội tụ tinh hoa phần cứng và cả phần mềm lúc bấy giờ, là sản phẩm cao cấp giúp BlackBerry chiếm 50% thị phần tại Mỹ thời điểm đó, cao gấp 5 lần so với iPhone.
Storm là điện thoại thông minh đầu tiên của BlackBerry dùng màn hình cảm ứng hoàn toàn. Sự chuyển mình sang một thiết bị giải trí đa phương tiện đã làm mất "chất Dâu Đen", máy lược bỏ vòng xoay, bi lăn hay trackpad. Thậm chí BlackBerry Storm khá tệ khi một chiếc smartphone năm 2008 lại không có kết nối Wi-Fi.
Trước khi ra mắt mẫu Torch vào năm 2010, Giám đốc điều hành BlackBerry lúc bấy giờ Jim Bastille đã gọi sản phẩm là "bước nhảy vọt so với phần còn lại". Mặc dù khéo léo kết hợp bàn phím QWERTY đầy đủ bằng cách trượt lên và màn hình cảm ứng, doanh số "lẹt đẹt" của sản phẩm là bằng chứng rõ nhất cho sự thất bại. Lúc này, thị phần của BlackBerry sụt xuống dưới 5%.
Sự trở lại của BlackBerry đánh dấu rõ rệt bằng việc hãng giới thiệu một hệ điều hành hoàn toàn mới, BB10. Tuy nhiên, điều này đến khá muộn màng và nhiều người tự hỏi "Dâu Đen" đã làm những gì trước năm 2013. BlackBerry Z10 là thiết bị đầu tiên chạy BB10. Máy có phần cứng tốt nhưng thiếu sự hỗ trợ của các nhà phát triển phần mềm nên không thể thay đổi cục diện của thị trường di động ngày càng được định hình rõ rệt.
BlackBerry lao dốc nhưng không thể phủ nhận những cố gắng của họ và câu trả lời được đưa ra vào năm 2014 với mẫu Passport. Smartphone hình vuông tạo khác biệt so với phần còn lại của thế giới, phần cứng tốt nhưng điều đó không đủ vực dậy một tượng đài ngày càng sụt lún. Nhiều người yêu BlackBerry, nhưng là yêu để đó, họ đã quen với iPhone, với Android vì phải chờ đợi một chiếc điện thoại tốt từ quá lâu.
Nối tiếp Passport, BlackBerry tung mẫu Classic như để làm thỏa lòng các tín đồ "Dâu Đen". Máy có hơi hướng của dòng Bold vang danh một thời, kết hợp cùng phần cứng và các công nghệ hiện đại. Doanh số sản phẩm ở mức khá so với những gì BlackBerry còn lại, song chừng đó là chưa đủ.
Có nhiều điều để nói về Priv, mẫu smartphone được BlackBerry ra mắt năm ngoái. Đây là điện thoại thông minh đầu tiên của "Dâu Đen" chạy nền tảng Android, máy bóng bẩy với màn hình cong tràn viền, bàn phím trượt. Tuy nhiên, mọi cố gắng lúc này dường như đã muộn, chưa kể giá thiết bị ở mức quá cao.
Đình Nam
Theo VNE
BlackBerry đã bỏ cuộc BlackBerry tiếp tục gây thất vọng với mẫu điện thoại DTEK50 vừa ra mắt, dường như họ đã bỏ cuộc với những sản phẩm thuần dâu đen. BlackBerry cơ bản đã bỏ cuộc, tờ Gizmodo thốt lên. Hãng này cố gắng tung ra chiếc smartphone Android thứ hai của mình, sau những lời thúc giục từ các nhà đầu tư. Nhưng CEO John...