Cái chết của bệnh nhân Covid-19
Hơn 2,5 triệu người đã chêt vi Covid-19, nhưng con sô không mô tả hết nỗi giay vo khung khiêp ma bênh nhân phai chiu đựng trươc khi lìa đơi.
“Phần lớn những gì tôi chứng kiến diễn ra sau tấm màn kín. Công chúng thường không thấy được cảnh này, thậm chí cả gia đình bệnh nhân. Như thế cũng may vì nhiều người không phải nhìn bộ mặt tồi tệ nhất căn bệnh này”, bác sĩ Todd Rice, chuyên gia về phổi và chăm sóc tích cực của Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), cho hay.
nCoV tấn công hai lá phổi khiến bệnh nhân càng lúc càng khó hấp thụ oxy. Do đó, họ phải thở mỗi lúc một nhanh hơn, từ mức trung bình 14 lần/phút lên đến 30 hoặc 40 lần. Nhịp thở dồn dập càng làm người bệnh hoảng loạn.
“Hãy tưởng tượng bạn đang thở qua một chiếc ống hút bé. Bạn có thể làm vậy trong 15-20 giây nhưng thử kéo dài trong 2 giờ mà xem, thậm chí nhiều ngày hoặc nhiều tuần”, bác sĩ Jess Mandel, chuyên gia phổi và chăm sóc tích cực của Bệnh viện UC San Diego Health, cho biết.
Theo lời kể của ônng Kennedth Remy, giáo sư trợ lý chuyên về thuốc dùng trong cấp cứu tại Đại học Washington, bệnh nhân cảm thấy phổi như bị lửa đốt hoặc hàng nghìn con ong châm chích. Có người bị tràn dịch màng phổi nên cảm giác như đang thở trong bùn, trong khi người khác thấy như bị bóp nghẹt. “Sự hành hạ dữ dội tới mức nhiều người muốn được chết ngay vì cảm giác quá kinh khủng”, ông Remy kể.
Bác sĩ Rice còn nhận thấy bệnh nhân Covid-19 có cảm giác cái chết sắp đến nhiều hơn những người khác ông từng điều trị. Ông cho rằng căn bệnh có một điều gì đó khiến người ta dễ có cảm giác như vậy.
Bác sĩ Meilinh Thi, Trung tâm y khoa Đại học Nebraska, cũng có ý kiến tương tự: “Rất nhiều bệnh nhân, bất kể tuổi tác, cảm nhận được cái kết ở rất gần. Điều đáng sợ là những người đó cuối cùng đều qua đời”.
Video đang HOT
Covid-19 không chỉ tàn phá cơ thể người bệnh mà còntra tấn tinh thần. Khi một người nhập viện vì nhiễm virus, họ bị tách khỏi môi trường quen thuộc. Phần đông các trường hợp tử vong do Covid-19 xảy ra tại bệnh viện, số người chết tại cơ sở dưỡng lão là 10%, ở nhà là 6%, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.
“Nhiều bệnh nhân nói rằng họ thấy rất cô đơn”, bác sĩ Thi chia sẻ. Họ rơi vào trầm cảm, sợ hãi vì mắc căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người và những nỗi đau cứ thế chồng lên nhau.
“Nằm viện trong hai, ba tuần, liên tục thở gấp, không được ở bên gia đình là những điều cực kỳ áp lực và đáng sợ”, bác sĩ Remy nhận xét.
Phải nằm phòng hồi sức cấp cứu (ICU) vì bất kỳ lý do gì cũng làm tăng đáng kể nguy cơ bị mê sảng – một trạng thái bối rối có thể dẫn đến kích động, sợ hãi và tức giận. Các loại thuốc an thần hoặc giảm đau, gián đoạn giấc ngủ và việc theo dõi sức khỏe liên tục là những nguyên nhân gây ra tình trạng này. Ước tính tỷ lệ người lớn mắc Covid-19 bị mê sảng trong phòng ICU rơi vào khoảng 65%. Ngoài ra, nhân viên y tế – những người duy nhất bệnh nhân được gặp – đều trang bị đồ bảo hộ kín mít, khiến họ trông càng xa lạ.
Bất kỳ ai nằm phòng điều trị tích cực đều được hỗ trợ bởi nhiều loại máy móc. Khi không thể thở, người bệnh cần đặt nội khí quản. Để làm điều này, bệnh nhân được tiêm thuốc giảm đau và an thần qua đường tĩnh mạch để họ có thể chịu được quá trình. Một đường ống được đưa vào miệng và đi xuống đường thở để máy bơm không khí vào phổi. Ống này sẽ ở trong người nhiều ngày hoặc tuần. Trong thời gian đó, người bệnh bị hôn mê, không thể nói chuyện và cơn mê có thể che giấu những bệnh khác như đột quỵ. Những người sống sót thường không nhớ nổi những gì đã xảy ra trước khi thở máy.
Bác sĩ Thi cho biết phương pháp này ẩn chứa rủi ro. Ví dụ, nếu máy cung cấp quá nhiều không khí, nó có thể gây thêm tổn thương cho phổi. Ống thở chỉ an toàn để sử dụng trong khoảng 2-3 tuần. Khi đó, các bác sĩ có thể phẫu thuật đưa một ống bơm khí vào cổ bệnh nhân, gọi là thủ thuật mở khí quản.
Khi những cách này vẫn chưa đủ, các bác sĩ phải can thiệp bằng ECMO, một hệ thống thiết bị hỗ trợ sự sống, bằng phương pháp “oxy hóa qua màng ngoài cơ thể”. Bệnh nhân phải sử dụng ECMO là những trường hợp nguy kịch, suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Máy ECMO có khả năng thay thế chức năng của tim và phổi, để tim hoặc phổi được nghỉ ngơi, hồi phục.
Nhiều người bị bệnh nặng dẫn tới suy thận. Để cứu bệnh nhân, bác sĩ phải chỉ định lọc máu. Quá trình này có thể gây buồn nôn, chuột rút và ngứa ngáy liên tục. Để bơm máu, hai ống thông sẽ được nối với mạch máu.
Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả số dây dợ trên người bệnh nhân Covid-19. Ngoài một ống để truyền thuốc được đặt vào tĩnh mạch vùng xương đòn hoặc háng, họ còn cần những đường ống khác đưa vào niệu đạo, trực tràng để đào thải nước tiểu và phân.
Nhưng đôi khi, tất cả những quy trình này cũng không thể cứu được bệnh nhân. Một số từ chối các liệu pháp, số khác thì chấp nhận chịu đựng chúng. Với những người kém may mắn nhất – chiếm 1,8% số ca bệnh tại Mỹ – cái chết là điều không tránh khỏi.
Các bác sĩ đang chuẩn bị chuyển một bệnh nhân Covid-19 vào phòng ICU. Ảnh: Bloomberg .
Khi một bệnh nhân cần đến máy thở, cơ hội sống của họ là 40-60%, theo bác sĩ Remy. “Việc anh sống hay chết cũng may rủi như tung đồng xu vậy”.
Khi tình trạng suy hô hấp nặng lên, người bệnh được nói chuyện với người thân, trước khi phải thở máy. Vì một khi được đặt nội khí quản, nếu chẳng may bệnh nhân qua đời, họ không thể tỉnh táo và nói những lời cuối cùng.
Tuy nhiên phần lớn bệnh nhân đều diễn biến rất nhanh nên trước khi gây mê, người cuối cùng họ tiếp xúc trong trạng thái tỉnh táo thường là bác sĩ. “Mặc dù có quy định cách ly nghiêm ngặt, chúng tôi luôn cố gắng không để họ qua đời một mình. Với những ca bệnh chuyển xấu quá nhanh, không đủ thời gian gọi gia đình, bác sĩ và y tá sẽ đứng vây quanh người bệnh”, theo bác sĩ Thi.
Gia đình bệnh nhân giờ đây được phép vào viện để nhìn mặt người thân lần cuối. “Lúc như vậy, chúng tôi chỉ thực hiện những thủ thuật giảm đau và xoa dịu”, Thi nói thêm.
Tuy vậy, các bác sĩ đều cảm nhận cái chết vì Covid-19 thật khủng khiếp. Ông Remy, sau nhiều năm chăm sóc người mắc bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, chỉ biết thốt lên: “Tôi chưa từng thấy căn bệnh nào tàn phá cơ thể và tâm trí con người kinh khủng như thế”.
Có lẽ đó là lý do tại sao một bệnh nhân đã van nài ông khuyên mọi người đeo khẩu trang, trước khi chìm vào hôn mê. Bởi nếu không, Covid-19 sẽ còn gây đau đớn cho hàng nghìn người khác.
Người phụ nữ này đang nắm tay chồng, khi y tá bật ca khúc mà anh yêu thích tại Bệnh viện St. Jude, California. Ảnh: Los Angeles Times