Cái chết bi thảm của danh tướng “Gia Định tam hùng”
- Là người có tài và dũng cảm hơn thiên hạ nhưng cuối cùng Đỗ Thanh Nhơn đã phải chết dưới chính tay chúa Phúc Ánh.
Đỗ Thanh Nhơn (chưa rõ năm sinh, mất năm 1781) là một danh tướng cuối thế kỷ XVIII, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh. Cùng với Võ Tánh, Châu Văn Tiếp, ông được người đương thời xưng tụng là “Gia Định tam hùng”. Là người có tài và dũng cảm hơn thiên hạ nhưng cuối cùng Đỗ Thanh Nhơn đã phải chết dưới chính tay chúa Phúc Ánh.
Chúa Nguyễn Phúc Ánh.
Đỗ Thanh Nhơn là người huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên. Ông là người có công lớn phò tá Định vương Nguyễn Phúc Thuần khi bị quân Tây Sơn truy đuổi (năm 1775). Chuyện kể rằng, cùng với các danh tướng khác, Đỗ Thanh Nhơn họp binh ở Ba Giồng (Tam Phụ) được hơn 3.000 người, xưng là “Đông Sơn thượng tướng quân” để cứu giá.
Do lập được đại công, Đỗ Thanh Nhơn được chúa Nguyễn cho giữ chức chưởng dinh, phong tước Phương quận công. Tướng sỹ quân Đông Sơn đều được ban thưởng theo thứ bậc. Năm 1777, tướng Nguyễn Huệ đem quân đánh chiếm Gia Định, Nguyễn Phúc Thuần và một số quan lại bị bắt và giết năm đó.
Không thể để ngôi chúa bỏ trống, đầu năm Mậu Tuất (1778), Nguyễn Phúc ánh, cháu chúa Nguyễn Phúc Thuần, khi này mới 17 tuổi được các tướng tôn làm Đại nguyên súy Nhiếp quốc chính. Kể từ đó, Đỗ Thanh Nhơn phò tá Phúc ánh. ông được phong làm Ngoại hữu phụ chính Thượng tướng quân, tước Quận công.
Đúng một năm sau, Thanh Nhơn đã bị Nguyễn Phúc Ánh giả bệnh gọi đến chầu rồi ngầm sai võ sỹ giết chết. Xung quanh cái chết của Nhơn còn nhiều ý kiến. Một số sử gia cho rằng, chúa Phúc ánh đã nghe lời gièm pha rồi giết chết Nhơn… Trong khi đó, cuốn “Gia Định thông giám” đã cố bào chữa cho họ Nguyễn về cái chết này: Họ bảo Nhơn đã quá cậy công, đã có ý thông đồng với Tây Sơn để làm phản, không tuân theo nghi lễ của triều đình, tự chuyên mọi việc…
Video đang HOT
Sử của người âu châu cho rằng, cái tội của họ Đỗ chỉ là do lập được nhiều công lớn, uy thế lừng lẫy làm lu mờ cả địa vị ông chúa trẻ tuổi (lúc này Nguyễn Phúc ánh mới 18 tuổi). Trước tình thế đó, chúa Phúc ánh đã nghe lời sàm tấu của một số quan lại mà trừ khử Thanh Nhơn.
Luật nay: Chúa Nguyễn Phúc Ánh đã phạm tội giết người
Việc chúa Nguyễn Phúc Ánh giả bệnh mời Đỗ Thanh Nhơn vào chầu rồi sai người giết chết là hoàn toàn chính xác, tuy nhiên, nguyên do dẫn đến cái chết này hiện còn nhiều tranh cãi. Nhiều sử gia nghiêng về ý kiến cho rằng, vì nghe theo lời gièm pha của đám cận thần, Phúc ánh đã khép Nhơn vào tội cậy có công lao, lại có ý thông đồng với nghĩa quân Tây Sơn để làm phản… mà xuống tay giết hại.
Chiếu theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, chúa Nguyễn Phúc ánh đã phạm tội giết người được quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009). Theo đó, hành vi giết người là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người, chấm dứt sự sống của họ. Hậu quả của hành vi trái luật này là hậu quả chết người. Như vậy, tội giết người chỉ được coi là tội phạm hoàn thành khi có hậu quả chết người.
Căn cứ theo những tình tiết trong vụ việc, Nguyễn Phúc ánh đã dựng lên “kịch bản” từ trước, giả bệnh để vời Đỗ Thanh Nhơn vào chầu. Sau khi Nhơn “mắc bẫy”, chúa Phúc Ánh đã sai người bao vây và giết chết ông ta. Như vậy, hành vi giết người của Nguyễn Phúc ánh đã tương đối rõ ràng, được lên kế hoạch từ trước và hoàn thành hậu quả. Trong xã hội ngày nay, nếu cơ quan điều tra chứng minh được hành vi phạm tội của Phúc ánh, ông ta sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Từ sự việc trên mới hay rằng, trong lúc loạn lạc, vua lại không sáng, bề tôi không hiền, mà toàn là những kẻ ghen ăn, tức ở thì kẻ trung thành và người có công lại trở thành tội đồ. Đỗ Thanh Nhơn trong giai thoại trên là một minh chứng. Vậy, xin đừng ai quên điều này, phải biết người, biết ta và cái gì đã không phải của mình thì đừng bao giờ cố tham.
ANH VĂN
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Cái chết đáng ngờ của vị phụ chính đại thần
- Từng lãnh sứ mệnh nhận di chiếu của vua Tự Đức và chịu trách nhiệm việc lập vua mới. Thế nhưng, chính công việc này đã dẫn đến cái chết đầy bí ẩn của Trần Tiễn Thành.
Trần Tiễn Thành (1813 - 1883) sinh ra và lớn lên tại huyện Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Nhờ thông minh, hiếu học, năm 1838 dưới thời vua Minh Mạng, ông tham dự thi Hội và đỗ Tiến sỹ. Cũng từ đó, hoạn lộ của ông ngày một thênh thang. Cuối thời Tự Đức, Trần Tiễn Thành cùng với Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết là ba bậc đại thần có quyền uy lớn trong triều đình lúc bấy giờ, từng lãnh sứ mệnh nhận di chiếu của vua Tự Đức và chịu trách nhiệm việc lập vua mới. Thế nhưng, chính công việc này đã dẫn đến cái chết đầy bí ẩn của ông.
Sách "Đại Nam chính biên liệt truyện" có viết: Vào tháng 6 năm Quý Mùi (1883), di chiếu của vua Tự Đức để lại cho Hoàng tử trưởng là Thụy Quốc Công nối nghiệp. Vì vua Tự Đức không có con trai, nên Thụy Quốc Công (con nuôi) được tôn lên ngôi, lấy hiệu là Dục Đức. Với tư cách là Phụ chính đại thần, Trần Tiễn Thành được lựa chọn để đọc di chiếu.
Thế nhưng, trong di chiếu của Tự Đức có đoạn nhận xét về tính cách vị tân vương không tốt lắm, đọc đến đoạn này, Trần Tiễn Thành khẽ tiếng rồi húng hắng ho. Tôn Thất Thuyết bèn giả bộ ngạc nhiên đến lạ lùng và chờ cho Trần Tiễn Thành đọc xong thì vặn hỏi. Thành lựa lời đáp rằng: "Lão phu lúc đó bị ho nên hụt hơi, khiến cho tiếng bị nhỏ".
Muốn nhổ cái gai trong mắt, Tôn Thất Thuyết liền xui một số đại thần dâng tấu biểu nói rằng Trần Tiễn Thành đã cố tình đọc sai di chiếu. Vua Dục Đức đành phải giao Trần Tiễn Thành cho triều đình bàn nghị. Đình thần khép ông vào tội phải đánh bằng gậy và cách chức, nhưng vua Dục Đức cho là bậc cựu thần của bốn triều vua, nên chỉ giáng hai cấp và vẫn lưu lại để làm việc.
Từ đó, Trần Tiễn Thành ngày nào cũng bị Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết bức bách nên đành viện cớ bị bệnh xin về quê an dưỡng tuổi già. Sẵn mưu phế đế, Tường và Thuyết tìm cách mua chuộc Trần Tiễn Thành nhưng ông quyết không nghe theo. Ngay đêm đó, Trần Tiễn Thành đã bị kẻ cướp giết chết.
Khi đó, quần thần trong triều đều ngờ là có kẻ sai khiến làm nên chuyện ấy, nhưng không dám nói ra. Về sau, điều tra mới biết, chính Tường và Thuyết đã sai bọn tay sai ám sát Trần Tiễn Thành do lo sợ âm mưu phế đế bị bại lộ.
Tôn Thất Thuyết - một trong ba vị phụ chính đại thần
Luật nay: Giết người là tội ác không thể dung thứ
Dưới thời phong kiến, việc vua này qua đời sẽ có vua khác lên thay theo di chiếu hoặc sự sắp đặt của hoàng tộc. Hành động phế đế của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã phạm vào tội đại nghịch bất đạo. Ngoài ra, việc Tường và Thuyết sai bọn tay sai ám sát đại thần Trần Tiễn Thành là hành vi giết người, cần phải bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã cấu thành tội giết người, được quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự. Không những thế, hành vi giết người được thực hiện nhằm mục đích che giấu tội phạm khác. Hình phạt cao nhất cho tội danh này là chung thân hoặc tử hình.
Theo tiến trình của vụ án, do Tường và Thuyết đã có sẵn âm mưu phế vua cũ, lập vua mới nên không ít lần tìm cách hãm hại Trần Tiễn Thành. Đầu tiên là việc xui các đại thần sàm tấu với nhà vua, cố tình đổ tội cho Thành không đọc chi tiết quan trọng trong di chiếu. Hậu quả của âm mưu này là Trẫn Tiễn Thành bị giáng hai chức quan. Chưa dừng lại ở đó, cả hai thường xuyên o ép, bức bách đến mức Trần Tiễn Thành phải xin từ quan về quê.
Không chịu buông tha, Tường và Thuyết tìm cách mua chuộc để Trần Tiễn Thành ký vào bản đồng ý phế đế. Thế nhưng, vốn tính khẳng khái của một bậc đại trượng phu, Thành kiên quyết không đồng ý. Để che đậy âm mưu của mình, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã sai người ám sát Thành, sau đó đổ lỗi cho bọn trộm cướp. Mãi đến sau này, đến khi vụ án được làm sáng tỏ thì Tường và Thuyết cũng đã ở sâu dưới 10 tấc đất.
Thời kỳ đó, một số đại thần đã tỏ ý nghi ngờ, thế nhưng, vào cái thời mà vận nước đang hồi nghiêng ngả, xã tắc đang dần rơi vào tay ngoại bang, triều đình nhà Nguyễn lại hết sức nhu nhược nên chẳng ai dám đứng ra tố cáo việc làm sai trái của Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Thế mới hay rằng, trong triều đình nhà Nguyễn giai đoạn suy vi, tuy các vị đại thần đều là những bậc khoa bảng, nhưng chẳng mấy ai là kẻ sỹ, mà chỉ là những kẻ hám quyền lực, tham chức sắc và bổng lộc...
ANH VĂN
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Chú rể sắp cưới bị hàng xóm phá cửa xe ô tô "cuỗm" gần 300 triệu đồng Công an huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, cho biết, đã làm rõ vụ trộm cắp tài sản gần 300 triệu đồng trong xe ô tô, xảy ra tại xã Mường So, huyện Phong Thổ. Ngày 6-8, anh Hà Văn Hữu, 26 tuổi thường trú tại Tây Sơn, xã Mường So, huyện Phong Thổ, đến cơ quan Công an trình báo về việc...