Cải cách lao động: Người tiến, kẻ lùi
Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 nền kinh tế lớn ở Châu Á vừa có những động thái cải cách lao động theo những chiều hướng khác nhau.
Người lao động trong một nhà máy ở Ansan, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Hàn Quốc giảm giờ làm việc “bất hợp lý”
Người lao động Hàn Quốc mỗi năm làm việc 2.069 giờ, cao thứ 2 trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chỉ sau Mexico. Ở Mỹ, con số này là 1.783 giờ. Giờ làm việc kéo dài ở Hàn Quốc song hành với nền kinh tế bùng nổ của nước này trong những năm 1980-1990. Nhưng trong suốt thời gian những giờ làm việc đó, năng suất lao động của Hàn Quốc thấp, tăng trưởng dân số cũng thấp, và Hàn Quốc trở thành nước có tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới.
Vì vậy, trong tuần này, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua 1 dự luật nhằm khôi phục chất lượng cuộc sống, bằng cách cắt giảm giờ làm việc tối đa mỗi tuần từ 68 xuống 52 giờ. Theo luật sửa đổi được thông qua hôm 28.2, thời gian làm việc hàng tuần tại Hàn Quốc kéo dài 40 tiếng chính thức và tối đa 12 tiếng làm thêm. Lao động dưới 18 tuổi bị giới hạn làm việc tối đa 35 tiếng/tuần, và chỉ có 5 ngành trong đó có vận tải và y tế, sẽ được miễn giới hạn mới.
“Trong nhiều năm, chúng tôi đã bỏ qua thủ phạm thực sự của vấn đề, đó là bất bình đẳng về giới tính và thời gian làm việc kéo dài bất hợp lý” – Bộ trưởng Bộ Gia đình Chung Hyun Back nói với AFP. Một khảo sát gần đây cho thấy, 68% sinh viên nữ trong trường đại học có ý định kết hôn, so với 80% nam sinh. Hàn Quốc cũng có khoảng cách lớn về thu nhập theo giới tính.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lo lắng, việc giảm giờ làm có thể dẫn đến giảm lương của người lao động. “Giờ làm việc ngắn hơn là cần thiết vì hạnh phúc, nhưng cũng cần được thảo luận cùng với cách thức tăng năng suất lao động” – Kim Tai-gi, giáo sư kinh tế tại Đại học Dankook ở Jukjeon – nói với Bloomberg. “Không có năng suất cao hơn sẽ dẫn đến tác dụng phụ như, giảm thu nhập của người lao động và tăng gánh nặng chi phí cho người sử dụng lao động”.
Giảm giờ làm là 1 cam kết trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Moon Jae-in vào năm ngoái. Ông Moon cũng thúc đẩy mức lương tối thiểu tăng thêm 16%, 1 động thái được người lao động có lương thấp và công đoàn hoan nghênh, nhưng theo một số báo cáo, việc này đã khiến một số chủ doanh nghiệp phải sa thải nhân viên.
“Tình trạng làm việc quá mức không được phép kéo dài trong xã hội chúng ta. Không thể có cuộc sống hạnh phúc khi làm việc kéo dài và quá sức trở thành thông lệ. Chính phủ sẽ chú trọng vào giảm giờ làm và đảm bảo rằng, mọi người có thể kết thúc công việc đúng giờ” – ông Moon Jae-in nói hồi tháng Giêng. Ông hứa hẹn, chính phủ sẽ cùng gánh vác trách nhiệm chăm sóc trẻ em bằng cách, cho cha mẹ các bé dưới 5 tuổi 1 khoản trợ cấp hàng tháng và thành lập 450 nhà mẫu giáo mới. “Chính phủ sẽ cố gắng phấn đấu để xây dựng 1 xã hội nơi người phụ nữ có thể theo đuổi những giá trị của riêng mình khi họ kết hôn, sinh con và nuôi dạy con cái” – ông Moon Jae-in từng cam kết.
Nhật Bản nhượng bộ
Trong khi đó, ở nước láng giềng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa phải từ bỏ kế hoạch cải cách luật lao động chủ chốt nhằm tăng năng suất sau khi thừa nhận rằng, dữ liệu được sử dụng để phục vụ cho việc thay đổi bị phát hiện có sai sót.
Thủ tướng Abe đã cam kết thông qua gói cải cách luật lao động để tăng tính linh hoạt của thị trường và cho phép phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn – một phần cốt lõi trong học thuyết kinh tế Abenomic. Nhưng, sau nhiều tuần bảo vệ những cải cách về luật trước phe đối lập, chính phủ thừa nhận, một số dữ liệu hỗ trợ có sai sót. Ngày 1.3, ông Abe cho biết, đã bỏ một trong những phần gây tranh cãi nhất của gói cải cách.
Video đang HOT
Những thay đổi trong luật lao động có thể mở rộng hệ thống “lao động tùy ý”, nơi nhân viên được xem là những người làm việc theo một số giờ nhất định và được trả 1 mức lương cố định, bất kể họ làm việc thực sự trong bao lâu. Dữ liệu sai sót chủ yếu liên quan đến khía cạnh này. “Chúng tôi quyết định gỡ bỏ mọi yếu tố liên quan đến lao động tùy ý khỏi dự thảo luật vào thời điểm này, và để Bộ Lao động nắm bắt tình hình thực tế một lần nữa sau đó sẽ bàn thảo lại” – Reuters dẫn lời Thủ tướng Abe phát biểu tại Ủy ban Ngân sách Thượng viện.
Thủ tướng Abe lên nắm quyền vào tháng 12.2012 với cam kết, khôi phục nền kinh tế bằng 3 mũi nhọn của học thuyết Abenomics, bao gồm chính sách tiền tệ nới lỏng, chi tiêu tài chính và cải cách cơ cấu. Giới phê bình nói rằng, ông tụt hậu ở phần thứ 3 của chương trình nghị sự này là cải cách cơ cấu. “Về mặt kinh tế, cải cách lao động sẽ là yếu tố cốt lõi của cuộc cách mạng năng suất mà ông ấy sẽ làm” – Jesper Koll, giám đốc quỹ WisdomTree Japan nói. “Khi bạn hỏi còn gì nữa không thì câu trả lời là không”.
Một phần khác của gói cải cách sẽ mở rộng các loại công việc có tay nghề cao và được trả lương cao không hạn chế thời gian làm việc. Hiện tại, những thay đổi này vẫn được giữ nguyên, nhưng cũng đã đối mặt với những cuộc tấn công tương tự. Một số thành viên Đảng Dân chủ Tự do của ông Abe cũng ủng hộ bỏ điều khoản này. “Ông Abe đang cố xoay xở theo cách mà ông ấy có thể đổ lỗi cho các quan chức Bộ Lao động, nhưng thực tế là ông ấy bị buộc phải từ bỏ một trong những phần trung tâm của gói cải cách mà ông ấy đã cam kết, và điều đó sẽ gây ra hậu quả lớn hơn là việc ông ấy chấp nhận vào thời điểm này” – ông Koichi Nakano, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia nói. “Điều đó sẽ không chấm dứt sự phản đối, săm soi và chỉ trích của truyền thông”.
Ông Abe cũng bao gồm trong dự luật sửa đổi 1 giới hạn pháp lý về thời gian làm thêm 100 giờ mỗi tháng – nỗ lực để chấm dứt hiện tượng “karoshi” – chết vì làm việc quá sức. Một luồng ý kiến cho rằng, quy định hạn chế về giờ làm thêm sẽ bảo đảm được sức khỏe của người lao động, trong khi một số nhà kinh tế nói, điều này sẽ làm giảm tính linh hoạt trong quản lý.
VÂN ANH
Theo Laodong
Công chúa xinh đẹp, quyền lực một thời giàu có bậc nhất Uzbekistan
Con gái cố Tổng thống Uzbekistan được mệnh danh là công chúa, năm ngoái đã bị tịch thu một phần trong số tài sản khổng lồ lên tới 2 tỷ USD vì cáo buộc tham nhũng.
Gulnara Karimova, con gái cố Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov.
Tahir, một doanh nhân mới nổi ở Uzbekistan từng phải trải qua những trải nghiệm hãi hùng khi dám ngáng đường Gulnara Karimova, người một thời từng là công chúa xinh đẹp và quyền lực bậc nhất đất nước.
Trả lời trên BBC, Tahir hiện đang xin tị nạn tại quốc gia khác, nhớ lại thời điểm mình tự tử bất thành. "Tôi cảm thấy mệt mỏi", Tahir nói, giải thích chuyện muốn tự tử.
Từng là một doanh nhân thành đạt, Tahir rơi xuống vực thẳm khi cảnh sát Uzbekistan đánh sập mạng lưới kinh doanh và tống người đàn ông này vào tù. Tahir dùng số tiền ít ỏi còn lại để hối lộ và đào tẩu khỏi Uzbekistan.
Luật sư của Tahir nói nguyên nhân khiến người đàn ông này rơi vào tình trạng sống dở chết dở chính là vì đụng phải công chúa quyền lực Gulnara Karimova, con gái của cố Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov.
Công chúa xinh đẹp, quyền lực bậc nhất
Đối với đa số người khác, Gulnara Karimova là người thân thiện, gương mặt mới đến từ Uzbekistan. Bà từng theo học Đại học Havard ở Mỹ và được thế giới biết đến trong vai trò là một ngôi sao nhạc pop, một người mẫu thời trang, một nhà ngoại giao, một quý bà thượng lưu
Karimova tham gia vào hầu hết mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, chính trị, giải trí của đất nước Uzbekistan.
Chính Karimova từng nói mình là hiện thân của một vẻ đẹp Uzbekistan siêu phàm. Craig Murray, cựu đại sứ nước Anh tại Uzbekistan, từng miêu tả Gulnara là một nữ phản diện xinh đẹp nhưng nguy hiểm chết người của James Bond:
"Gulnara Karimova là một người phụ nữ đáng gờm. Giàu có hơn cả Paris Hilton, tôi đã gặp cả hai người họ, thậm chí thông minh hơn và quyến rũ hơn nhiều. Là một Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Harvard, chủ nhân của hàng tá doanh nghiệp, đai đen võ thuật, thông thạo bốn ngôn ngữ, nhà thiết kế thời trang chuyên nghiệp, nhà thơ, và ca sĩ thể hiện hàng loạt ca khúc nhạc pop đình đám.
Karimova bắt đầu gặp rắc rối trong một vụ điều tra tham nhũng của châu Âu. Năm 2012, một nhóm nhà báo Thụy Điển phát hiện ra việc công ty viễn thông TeliaSonera chi 300 triệu USD để tiến vào thị trường Uzbekistan.
Khoản tiền này chảy vào túi một công ty nhỏ ở "thiên đường thuế" Gibraltar, do một phụ nữ tên Gayane Avakyan đứng tên.
Nguồn tin trên BBC nói Avakyan chỉ mới ngoài 20, làm việc cho một cửa hàng bán đồ lưu niệm của công chúa Karimova ở thủ đô Tashkent.
Avakyan nhanh chóng trở thành trợ lý cho Karimova và thường xuyên tháp tùng bà đến những buổi trình diễn thời trang.
Khối tàn sản của Karimova ước tính lên tới 2 tỷ USD ở thời đỉnh cao.
Công tố viên Thụy Điển Gunnar Stetler khi đó khẳng định việc TeliaSonera phải hối lộ quan chức Uzbekistan để được kinh doanh ở thị trường này. "Khoản tiền 300 triệu USD chuyển cho Karimova chỉ là phần nổi của tảng băng chìm".
Công chúa Uzbekistan được cho là từng sở hữu 17 bất động sản đắt tiền trên thế giới. Bản thân Karimova nói mình chỉ có một căn nhà ở Geneva, một căn ở Pháp và căn nhà tại Uzbekistan.
Trong vòng giai đoạn những năm 2000, Karimova được cho là nắm quyền kiểm soát Zeromax, tập đoàn lớn nhất của Uzbekistan. Tập đoàn này giải thể một cách bí ẩn vào năm 2010.
"Karimova chi phối cả nền kinh tế Uzbekistan", chuyên gia phân tích chính trị Kamollodin Rabbimov nói. "Bà ấy can thiệp cả vào chuyện mua bán đầu mỏ, khí đốt, xuất khẩu vàng của đất nước".
Sau Zeromax, Karimova lại chuyển sang lĩnh vực khác. Bà từng là đại sứ Tây Ban Nha và đại diện của Uzbekistan ở Liên Hợp Quốc. Bà cũng xây dựng hình ảnh mình là một người đấu tranh vì nhân quyền.
"Giống như bà ấy sở hữu cả một quốc gia vậy", John Colombo, một nhà sản xuất âm nhạc từng hợp tác với Karimova nói. "Bà ấy xuất hiện ở khắp mọi nơi, trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, giải trí, văn hóa của đất nước".
Năm 2012 là quãng thời gian Karimova đạt đến đỉnh cao quyền lực. Bà thậm chí còn được đồn đoán trở thành ứng viên tổng thống tiềm năng. Tài sản khổng lồ của Karimova khi đó ước tính lên tới 2 tỷ USD.
Mất hết tài sản vì không vâng lời cha
Karimova trong thời gian bị quản thúc tại gia.
Karimova tuột dốc không phanh kể từ năm 2013, khi đồng minh của Tổng thống khi đó là Islam Karimov trình lên những bằng chứng chống lại bà. Người cha Karimov vô cùng tức giận khi nhìn thấy con gái cưng của mình chụp ảnh họa báo mà chỉ có vài chiếc lông công che thân.
Đích thân ông ra lệnh giam lỏng con gái và yêu cầu mở cuộc điều tra tham nhũng với Karimova.
Nhà Đông phương học, chuyên gia về Trung Á Alexander Knyazev khẳng định, vụ án Gulnara Karimova được khởi tố theo yêu cầu của cố Tổng thống Islam Karimov. Biện pháp được tiến hành năm 2017 đối với Karimova dựa trên các tình tiết mới đã được chứng minh.
Số tài sản của Karimova bị chính quyền Uzbekistan thu giữ năm 2017 ở Thụy Sĩ ước tính vào khoảng 840 triệu USD. Karimova bị buộc tội rửa tiền, trốn thuế tại ít nhất 12 quốc gia trên thế giới.
Chính quyền Uzbekistan hiện đang cố gắng thu hồi tài sản của Karimova ở Anh, Ailen, Thụy Điển, Pháp, Latvia, Matla, Đức, Tây Ban Nha, Nga, Hong Kong và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Theo Danviet
10 vấn đề "nóng" thế giới phải đối mặt trong năm 2018 Thế giới đã trải qua năm 2017 với nhiều biến động, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống, kinh tế, chính trị toàn cầu. Dưới đây là 10 vấn đề nóng tiềm ẩn mà thế giới sẽ đối mặt trong năm 2018. 1. Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn Một Trung Quốc hùng mạnh và hiện đại dự đoán sẽ có vị...