Cách tiêu tiền thưởng của chủ nhân giải Nobel
Từ ngày 8/10 đến 14/10, giải thưởng Nobel 2012 đã được công bố tại Stockholm, Thụy Điển.
Ngoài vinh danh, tôn vinh các công trình nghiên cứu mới của các nhà khoa học, Ủy ban quản lý giải Nobel còn trao tặng mỗi giải thưởng số tiền không nhỏ, khoảng 1,2 triệu USD. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái kinh tế, số tiền này không phải là nhỏ và nó sẽ giúp cho các cá nhân đoạt giải thực hiện được những mơ ước hoặc sở thích của mình.
Theo tin từ hãng LiveScience, do kinh tế thế giới khó khăn nên giá trị giải thưởng Nobel của năm nay đã giảm từ 1,4 triệu USD xuống còn 1,2 triệu USD. Dẫu vậy, đây vẫn là số tiền lớn, là niềm mong ước của nhiều người. Dĩ nhiên, các nhân vật đoạt giải Nobel có toàn quyền sử dụng khoản tiền thưởng theo ý mình.
Và vì thế, trong 62 năm trao thưởng qua, rất nhiều nhà khoa học đã sử dụng tiền thưởng của mình vào các mục đích hoàn toàn khác nhau. Có người dành cho các hoạt động từ thiện có người đi mua sắm thỏa thích có người không biết tiêu gì cứ để vào sổ tiết kiệm để khi xuống suối vàng thì số tiền thuộc về con cháu họ cũng có người đưa hết tiền cho vợ hoặc cho mẹ…
Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, số tiền thưởng của giải Nobel không bị tính thuế. Chỉ riêng có Mỹ là quốc gia đánh thuế giải thưởng này kể từ sau cải cách thuế thập niên 80 của Tổng thống Ronald Reagan. Vì thế, sau khi nhận được tiền thưởng từ giải Nobel Hóa học 2012, hai nhà khoa học người Mỹ Robert Lefkowitz và Brian Kobilka chắc chắn sẽ phải nộp ít nhất 30% trong tổng số tiền của giải thưởng vào ngân sách quốc gia. Số tiền còn lại, hai nhà khoa học sẽ tự chia đôi theo thỏa thuận của họ.
Hai nhà khoa học Robert Lefkowitz và Brian Kobilka chắc chắn sẽ phải nộp ít nhất 30% số tiền thưởng vào ngân sách quốc gia
Video đang HOT
Điều tra của hãng Live Science cho hay, phần lớn các nhà khoa học sau khi nhận giải đều phải dành một số tiền không nhỏ để tổ chức tiệc mừng với gia đình, người thân và bạn bè. Nhà vật lý học đoạt giải năm 2004 Frank Wilczek cho biết, ông đã tổ chức một bữa tiệc tối ăn mừng ở Stockholm (Thụy Điển). Kết quả là số tiền ông nhận được chẳng còn là bao bởi ông còn phải chi tiền mua sắm trang phục cho vợ con đi dự buổi lễ trao giải, trả tiền vé máy bay, tiền ở khách sạn và tiền tổ chức tiệc. Vì không còn nhiều tiền nên dù ban đầu cả gia đình dự định đi du lịch, nghỉ ngơi ở nước ngoài nhưng sau đó, ông Frank Wilczek quyết định gửi số tiền còn lại vào tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng.
Nhà văn Nga Aleksandr Solzhenicyn, người đoạt giải Nobel năm 1970 cũng như vậy. Ông đã chuyển toàn bộ số tiền của giải thưởng vào các ngân hàng ở Châu Âu. Khi sang Mỹ sinh sống, ông rút số tiền này ra để mua một trang trại ở bang Vermont.
Một số nhà khoa học khác lại quan điểm phải hưởng thụ ngay thành quả mình đạt được. Như nhà sinh hóa Richard Roberts, đoạt giải Nobel Vật lý/Y học năm 1993 chẳng hạn. Ngoài việc mua quần áo đẹp, hàng hiệu, ông còn tự xây cho mình một sân croquet. Nhà văn Nga Mikhail Sholokhov, giải Văn học Nobel năm 1965, thì dùng tiền thưởng để cùng gia đình đi du lịch khắp thế giới. Theo lời kể lại của con gái nhà văn là Svetlana, ông muốn cho con cái tận mắt nhìn thấy Châu Âu và Nhật Bản.
Đối với những nhà khoa học có cuộc sống dư dả, khoản tiền thưởng của giải Nobel được họ sử dụng trong các công trình nghiên cứu tiếp theo. Có người thì lại chia số tiền nhận được cho các đồng nghiệp, những người đã cùng họ học tập, nghiên cứu trong nhiều năm. Nhà vật lý George Smoot của Đại học California, Berkeley (Mỹ) là một người như vậy. Sau khi cùng cộng sự John Mather đoạt giải Nobel vật lý 2006, ông George Smoot quyết định tặng khoản thưởng của mình cho một quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên và các nghiên cứu sinh. John Mather thì tặng tiền thưởng cho “Quỹ Khoa học và Nghệ thuật của John và Jane Mather” – cũng là một quỹ trợ giúp sinh viên, nghiên cứu sinh.
Vào năm 2001, nhà hóa học người Nhật Ryoji Noyori sau khi nhận được giải Nobel đã chuyển toàn bộ số tiền này cho Đại học Nagoya. Các nhà khoa học Nga cũng luôn có quan điểm phát triển khoa học từ khoản tiền mà họ nhận được từ giải Nobel. Nhà sinh học Ivan Pavlov năm 1904 đã xây dựng Viện Nghiên cứu sinh lý học mà ông liên tục làm Giám đốc cho đến năm 1936. Một nhà khoa học người Nga khác là Ilya Mechinikov, sau khi được trao giải Nobel vào năm 1908 đã dùng khoản tiền thưởng nhận được để phát triển Viện Pasteur ở Paris, nơi ông đứng đầu một phòng thí nghiệm.
Thực tế cho thấy, việc sử dụng tiền thưởng vào mục đích phát triển khoa học chỉ có ở những người đoạt giải trong các lĩnh vực khoa học cơ bản. Một số nhân vật đoạt giải khác (chủ yếu là những người đoạt giải Nobel Hòa bình) sử dụng khoản tiền thưởng nhận được vào mục đích từ thiện. Gần đây nhất, Tổng thống Mỹ Barack Obama thì góp hết 1,4 triệu USD của giải Nobel Hòa bình năm 2009 cho gần 10 tổ chức từ thiện.
Theo 24h
'Nobel Hòa Bình cho EU là một sai lầm'
Báo chí châu Âu xuất bản ngày 13/10 hoài nghi về quyết định trao giải Nobel Hòa bình 2012 cho EU.
EU nhận giải Nobel Hòa bình 2012
Theo trang web Francetv Info (Pháp), các báo đều thừa nhận 67 năm qua không có xung đột ở châu Âu, tuy nhiên EU (Liên minh Châu Âu) đang rơi vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng chưa từng thấy.
Ở Đức, báo Berliner Zeitung đánh giá giải được công bố vào thời điểm tệ hại nhất của châu Âu.
'Giải Nobel Hòa bình là phần thưởng dành cho phép lạ và khuyến khích tiếp tục nên tin vào phép lạ', báo Die Welt bình luận.
Báo Daily Mail gọi đó là 'giải Nobel Hòa bình dành cho hành động ngu ngốc'.
'Giải được trao rất đáng ngạc nhiên vào một trong những thời điểm khó khăn nhất trong tiến trình hòa nhập châu Âu', báo La Stampa ở Ý phê.
Tại Na Uy, theo điều tra của báo Aftenposten, trong bốn người được hỏi thì chỉ có một người ủng hộ quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho EU.
Theo hãng tin RIA Novosti, Tổng thống Vaclav Klaus của Cộng hòa Czech tuyên bố EU được trao giải Nobel Hòa bình là một sai lầm quá nghiêm trọng.
Tương tự, cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa tuyên bố rất ngạc nhiên và thất vọng.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội châu Âu Martin Schulz nhận định:
'Chúng ta không thể sống trong một liên minh mà ở nước này thì có người quá giàu..., còn ở nước khác lại có giáo sư đại học phải lục thùng rác để kiếm cái ăn.
Vậy nên không xứng đáng để EU nhận giải Nobel Hòa bình'.
Theo Tinngan
Ăn nhiều sô-cô-la, dễ giật giải Nobel? Một nghiên cứu vừa được công bố cho thấy mối liên hệ giữa vấn đề tiêu thụ sô-cô-la với lượng người đạt giải Nobel ở các nước. Điều đó có thể nói lên mối quan hệ nào đó giữa chất ngọt và hoạt động của não. Nghiên cứu thú vị này vừa được đăng trên tạp chí y học nổi tiếng New England....