Cách thức hoạt động của mô hình đa cấp bán khóa học mang tên BeeGroup
Các học viên nạp tiền để tham gia hệ thống BeeGroup trên web www.beegroup.pro chủ yếu xoay quanh 4 số tài khoản cá nhân là người Việt Nam tại Ngân hàng Vietcombank. Do đó, BeeGroup sẽ phải tuyệt đối tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
BeeGroup lấy tiền của học viên như thế nào ?
Chị N.A ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ,việc đăng ký khóa học dường như chỉ đưa ra để “che mắt” việc kinh doanh khóa học theo kiểu đa cấp đa tầng, nghĩa là giới thiệu càng nhiều người tham gia sẽ càng có nhiều thu nhập.
“Để bán được khóa học thì tôi sẽ phải chuyển tiền mua khóa học với mức giá cao bởi như thế thì tôi mới có quyền bán bằng gói tôi tham gia vào hệ thống hoặc thấp hơn. Thông thường khi giới thiệu, họ hướng khách hàng tham gia gói 1.100 USD”, chị N.A cho biết.
Các khóa học của BeeGroup được giới thiệu sẽ giúp các học viên gia tăng khả năng tạo nguồn thu nhập thụ động bền vững đã đánh vào “lòng tham” và thuyết phục được nhiều người tham gia.
Trên thực tế, khi mới tham gia hệ thống học viên sẽ bỏ ra 55 USD để mua gói thấp nhất, bán được sẽ kích thích học viên đầu tư tiếp và mua lần lượt thêm 5 gói còn lại. Chưa nói đến khoản lợi nhuận thu được thì học viên sẽ phải bỏ ra 8.470 USD (tương đương 203.280.000 đồng – BeeGroup tự quy định tỷ giá quy đổi 1 USD = 24.000 đồng).
Ví điện tử của một học viên BeeGroup
Nếu như học viên mời được một người mua hết các gói đang sở hữu thì lợi nhuận của học viên đó thu lại sẽ là 182.952.000 đồng (tương đương lợi nhuận tới 90% theo như giới thiệu), đồng nghĩa với việc người đó vẫn bị lỗ 20.328.000 đồng và người đó muốn hòa vốn hoặc kiếm được nhiều tiền thì phải ra sức kêu gọi hoặc mời chào người khác tham gia vào hệ thống kinh doanh kiểu “đa cấp” này.
Các học viên càng phát triển hệ thống lớn mạnh thì số tiền thu lợi của BeeGroup lại càng cao và cho đến khi không thể giới thiệu thêm được nữa thì BeeGroup cũng sẽ “đóng cửa”?
Học viên có thực sự được hưởng lợi ?
Điểm đáng quan tâm nhất ở đây chính là dòng tiền của hệ thống BeeGroup sẽ “chảy” như thế nào và ai sẽ là người hưởng lợi ?
Qua tìm hiểu, sau khi đăng ký thành viên tại trang www.beegroup.pro, học viên nếu muốn tham gia khóa học sẽ chọn gói khóa học rồi ấn vào nút “thanh toán ngay”.
Khi đó sẽ có hóa đơn mua hàng ghi rõ tổng tiền, bao gồm số tiền gói khóa học và 10% thuế phí dịch vụ hệ thống. Với học viên đã từng giới thiệu người tham gia thì sẽ có thêm tiền ở số dư ví, còn học viên mới thì số dư ví sẽ bằng 0.
Sau khi ấn nút “nạp tiền ngay”, hệ thống sẽ hiện ra dòng chữ “Xin vui lòng yêu cầu địa chỉ nhận tiền mới” với nút bấm “yêu cầu”.
Thực hiện xong thao tác này, địa chỉ nạp tiền sẽ hiện lên với đầy đủ thông tin như ngân hàng, số tài khoản, tên người hưởng và nội dung chuyển khoản. Trong đó, nội dung chuyển khoản được “mã hóa” bằng một dãy ký tự gồm cả số và chữ cái.
Video đang HOT
Mặc dù được giới thiệu là công ty nước ngoài nhưng BeeGroup đang hoạt động rất rầm rộ tại Việt Nam
Trong giao diện địa chỉ nạp tiền, BeeGroup cũng thiết kế sẵn nút “ sao chép” để học viên có thể thực hiện thao khác chuyển khoản nhanh nhất, không mất thời gian gõ lại các thông tin.
Cùng một tên đăng nhập và các thao tác như nhau nhưng địa chỉ nạp tiền trên máy tính sẽ khác với trên điện thoại. Đáng nói, khi phóng viên đăng nhập thành viên từ nhiều tài khoản khác nhau thì địa chỉ nạp tiền cũng chỉ xoay quanh 4 số tài khoản cá nhân là người Việt Nam tại Ngân hàng Vietcombank.
Hoạt động của BeeGroup là kinh doanh và thu nhiều lợi nhuận nhưng các giao dịch chuyển khoản tiền lại sử dụng tài khoản cá nhân với nội dung chuyển khoản đã được “mã hóa”. Dường như nó sẽ giúp các lãnh đạo của BeeGroup “lách” được thuế cho dù có lợi nhuận “khủng”.
Lạ là, trong quá trình thanh toán, BeeGroup cũng ghi thêm việc thu 10% thuế phí dịch vụ hệ thống. Vậy 10% thuế phí mà BeeGroup đang thu của các học viên có được đóng vào Ngân sách Nhà nước (NSNN) không?
Trên thực tế, dù được giới thiệu xuất phát từ nước ngoài nhưng BeeGroup hiện đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam nên sẽ vẫn phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra hiện nay: Sau khi các học viên chuyển khoản vào các tài khoản cá nhân trên thì dòng tiền sẽ tiếp tục chảy đi đâu? Có hay không dấu hiệu “lách thuế” của các lãnh đạo BeeGroup?
Chiêu trò “ Lách luật”
“Chương trình đào tạo trực tuyến của công ty Beegroup rất giống các chương trình kiểu “lừa đảo ponzzi” trước đây, công ty thành lập thì chính là người Việt Nam tạo ra nhưng đăng ký mở công ty hoặc trang web thì mở ở một nước khác với mục đích tạo niềm tin cho khách hàng rằng đây là công ty của nước ngoài.
Điều đặc biệt đối với những công ty này chủ yếu thành lập ở nước ngoài là mục đích trốn thuế và thường là hoạt đồng phi pháp hoặc khi phạm pháp thì tránh được các cơ quan chức năng Việt Nam sờ gáy”, chị T.H tại quận Thanh Xuân chia sẻ.
Hệ thống của BeeGroup có sự tham gia của nhiều Leader nổi tiếng và cả “tai tiếng” trong giới kinh doanh đa cấp, trong đó có V.H.L (là cổ đông của Công ty cổ phần Modern Tech). Người này đã từng được báo chí nhắc đến nhiều trong vụ vỡ đường dây tiền ảo iFan với giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng hồi năm 2018.
Được biết, cuối năm 2017, công ty cổ phần Modern Tech đã tổ chức nhiều sự kiện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để huy động vốn kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo iFan kèm theo lời cam kết sẽ chia sẻ lợi nhuận 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Nếu lôi kéo thêm nhà đầu tư mới, sẽ được hưởng thêm 8% số tiền từ người mới tham gia.
Sau khi các học viên chuyển khoản vào các tài khoản cá nhân trên thì dòng tiền sẽ tiếp tục chảy đi đâu? Có hay không dấu hiệu “lách thuế” của các lãnh đạo BeeGroup?
Sau khi thu được số tiền lớn, iFan tuyên bố quy đổi hình thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số. IFan quy định giá công bố là 5 USD/đồng tiền số. Trong khi giá thực tế của đồng tiền số này trên thị trường thời điểm đó chỉ là 0,01 USD/đồng.
Vậy nhưng khát vọng làm giàu “siêu tốc” đã khiến hơn 32 nghìn người tham gia vào hệ thống của iFan. Số tiền vốn mà iFan đã huy động được lên đến hơn 15 nghìn tỷ đồng. Điều đáng nói, tất cả các chủ đầu tư từng được iFan hứa hẹn lợi nhuận “khủng” sau đó không hề được nhận bất cứ lợi nhuận thực tế nào.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Ngọc Bảo – Nguyên Vũ
Theo Báo PLVN
Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại: Thế hệ mới cần nền giáo dục mới
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là chặng đường dài. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại, GS.TS Hồ Ngọc Đại - người đã dày công xây dựng công nghệ giáo dục từ hơn 40 năm nay cho hay, ông luôn thực hiện 3 điều cốt lõi.
Dạy cho mỗi cá nhân trở thành chính mình
Thưa GS, những ngày qua, sau khi sách giáo khoa (SGK) Tiếng việt và Toán lớp 1 - tài liệu Công nghệ giáo dục của ông không được Hội đồng thẩm định SGK mới thông qua, đã có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Ông có thể nói rõ hơn 3 điều cốt lõi được thực hiện trong dạy học theo công nghệ giáo dục?
- Xử lý một vấn đề giáo dục phải có 3 nhân tố, đó là lịch sử, triết học và nghiệp vụ sư phạm. Từ những năm 1970, tôi đã nhận thấy sự thay đổi về nhận thức của thế hệ thanh niên, đến năm 8x bắt đầu lộ rõ, 9x càng bộc lộ ra những cái mới. Và, trẻ em thế kỷ XXI sinh từ ngày 1/1/2001 đã có những nhận thức và tư duy mới mà các thế hệ trước chưa có. Khi một thế hệ chưa hề có trong lịch sử rất cần có một nền giáo dục mới, chính là căn bản và toàn diện.
Một nền giáo dục mới phải được xây dựng trên cơ sở triết học. Nền giáo dục ấy là dạy cho các cá nhân, thay hẳn cho triết lý của Khổng Tử đó là sự phục tùng. Và tôi đã đưa ra khẩu hiệu "Mỗi cá nhân học tập để trở thành chính mình, để xứng đáng với chính mình".
"Trẻ em hiện đại, ăn cơm hiện đại, uống nước hiện đại, hít thở không khí hiện đại, các em phải hưởng những thành tựu hiện đại nhất trong các lĩnh vực có được." - GS Hồ Ngọc Đại
Bởi thực sự trong cuộc sống không có ai giống ai, mà phải noi gương, phấn đấu được như người này, người khác là làm khổ cá nhân. Hãy để cho mỗi cá nhân trở thành chính mình và xứng đáng với chính mình. Vì là phạm trù cá nhân nên mọi người đều có quyền như nhau nhưng quan hệ với nhau trên cơ sở hợp tác, phân công.
Và trong hoàn cảnh đó, nghiệp vụ sư phạm của tôi là dành cho các cá nhân. Theo đó, mỗi cá nhân phải tự làm lấy mọi việc để trở thành chính mình, xứng đáng với chính mình. Ai làm nhiều thì có giá trị nhiều, làm ít có giá trị ít. Muốn vậy, mỗi cá nhân phải tự học, tự làm. Nghiệp vụ sư phạm của giáo viên lúc này hoàn toàn khác với những năm 1970, mang khẩu hiệu "thầy không giảng, trò không cần cố gắng".
Mọi người đã phản ứng thế nào với khẩu hiệu "thầy không giảng, trò không cần cố gắng" hết sức vô lý này?
- Đúng là lúc đó mọi người thấy vô lý và hoang mang quá. Người ta học miệt mài, ra sức mãi còn chưa đạt kết quả tốt, thế mà tôi lại lấy khẩu hiệu "Không cần cố gắng". Lý do hết sức đơn giản thế này: Khi cô đi bộ thì phải cố gắng, ra sức. Còn khi cô ngồi trên ô tô, máy bay không cần cố gắng.
Tôi đã thay nghiệp vụ sư phạm thầy giảng trò ghi nhớ trước đây bằng "thầy giao việc, trò làm việc". Thầy giáo giao việc, học trò tự làm ra sản phẩm cho chính mình, mỗi sản phẩm học trò làm ra chính là xác thực cá nhân. Trong xã hội hiện đại, chúng ta phải thừa nhận những cái mang dấu ấn cá nhân, không ai theo ai.
Và kết quả thu nhận được thế nào, thưa GS?
- Kết quả tốt hẳn. Học trò của tôi bất kể là ai, dân tộc nào, có hay không đi học mẫu giáo, nói tiếng Việt hay không, cứ 6 tuổi đến trường học theo phương pháp giáo dục của tôi, chỉ cần một năm là đọc thông, viết thạo, viết đúng chính tả, không thể tái mù.
Đến bây giờ mọi người đã thấy, lúc đầu, tôi đưa ra khẩu hiệu "Mỗi cá nhân học tập để trở thành chính mình, để xứng đáng với chính mình", nhiều người cho là ảo tưởng. Họ cho rằng học hay làm công việc gì cũng cần phải cố gắng. Nhưng không phải thế. Khi trẻ em làm điều gì đó một cách tự nhiên sẽ rất say sưa, háo hức. Còn khi cố gắng, ra sức làm do bị cưỡng ép thì chúng không hào hứng, mất đi sự sáng tạo của trẻ, nhiều khi chúng làm như một cái máy đã được hướng dẫn, sắp đặt sẵn.
Người thầy quyết định đổi mới giáo dục
Năm học 2020 - 2021, ngành giáo dục đang thực hiện thay đổi chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. Theo ông, từ kinh nghiệm trên 40 năm làm công nghệ giáo dục, sự thay đổi nên theo hướng nào?
- Có 3 lĩnh vực để thay đổi căn bản giáo dục, đó là khoa học, nghệ thuật và đạo đức. Mỗi lĩnh vực lại có nghiệp vụ sư phạm riêng. Tiếng Việt và Toán thuộc lĩnh vực khoa học, cốt lõi là khái niệm. Môn Tiếng Việt có 4 khái niệm, lớp 1: Chữ cái, ngữ âm; lớp 2: Từ và câu; lớp 3: Ngữ; lớp 4: Bài; lớp 5: Tổng hợp. Môn Toán có 4 khái niệm về số bao gồm: Số, số tự nhiên, số thập phân, phân số. Về phép Toán tiểu học có: Đếm, đo, cộng, nhân (trừ và chia là phép ngược của cộng và nhân).
Cô và trò trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa trong giờ học. Ảnh: Phạm Hùng.
Vì mỗi cá nhân học sinh là một thực thể khác nhau nên mỗi em lại có khả năng riêng. Chẳng hạn, khi xem một vở kịch, có em khóc rưng rức nhưng em khác thấy bình thường. Đó là cuộc sống của học sinh nên mình tôn trọng những cái khác của cá nhân và không lấy ai làm mẫu cho ai. Và, thầy không được lấy mình làm mẫu và càng không thể lấy học trò này làm chuẩn cho em khác. Đó chính là nghệ thuật.
Việc dạy đạo đức cho học sinh cũng được xử lý qua việc làm. Trước hết là cách cư xử của người lớn trong gia đình; người thầy trong lớp học, trường học phải chuẩn mực. Giáo dục đạo đức trong nhà trường thì thầy tôn trọng trò, trò kính trọng thầy, các bạn học sinh tôn trọng lẫn nhau.
Thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của T.Ư thì yếu tố nào quan trọng nhất, thưa ông?
- Trước hết, tôi muốn khẳng định, nếu ngành giáo dục làm đúng như Nghị quyết 29 thì quá tuyệt vời, đất nước đi lên. Nhưng trong trường hợp mượn Nghị quyết 29 để vụ lợi thì hoàn toàn ngược lại.
Với 7 năm nghiên cứu công nghệ giáo dục, 40 năm thực hiện giảng dạy theo hướng này, tôi nhận thấy: Người thầy đóng vai trò quyết định trong đổi mới giáo dục. Nếu không có thầy hướng dẫn, trò không làm tốt, có sản phẩm. Thành bại trong giáo dục là do người thầy quyết định, học sinh là trung tâm. Chứ không phải như Bộ GD&ĐT lấy thi, kiểm tra, đánh giá là khâu quyết định để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Để giúp cho người thầy làm tốt vai trò của mình, mỗi cuốn SGK Toán và Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục của học trò, chúng tôi thiết kế một quyển sách dành cho giáo viên. Trong cuốn sách ấy, chúng tôi hướng dẫn cho giáo viên cách làm trong từng tiết học. Cụ thể, trong sách học sinh là sản phẩm giả định, nhưng khi các em làm ra là sản phẩm thật. Sách cho giáo viên sẽ hướng dẫn biến sản phẩm giả định thành sản phẩm thật. Với cách làm này, giáo viên vẫn có sự sáng tạo một cách linh hoạt.
Thưa GS, với việc Hội đồng thẩm định GSK lớp 1 không thông qua sách Toán và Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục, sau những ngày suy nghĩ, ông có dự tính điều chỉnh theo những góp ý của họ?
- Tôi đã trả lời với họ là sẽ không điều chỉnh gì. Hai bộ sách Toán và Tiếng Việt lớp 1 là sản phẩm công nghiệp đã tương đối hoàn chỉnh. Tôi đã mất 7 năm để thảo ra công nghệ giáo dục và hơn 40 năm dùng công nghệ giáo dục để dạy học trò. Từng năm qua tôi đã có sự điều chỉnh và cách đây 2 năm thì hoàn thiện bộ sách này.
Việc các thành viên Hội đồng thẩm định nhận xét sách của tôi thiếu sót, kiến thức vượt trình độ, nhận thức của học sinh đấy là theo cách hiểu của họ. Nếu họ nói "cao quá" nhưng trẻ con chấp nhận được, học tốt và phát triển tư duy tốt, sao gọi lại là cao?
Tôi muốn nói lại: Tôi đã hoàn thành công việc của mình. Bây giờ là việc của Bộ GD&ĐT, nhà trường phải xử lý hơn 900.000 học sinh đang học SGK lớp 1 công nghệ giáo dục sao cho thỏa đáng.
Xin cảm ơn GS!
Theo kinhtedothi
Khách hàng mua dự án của Alibaba liệu có mất trắng quyền lợi? Ngày 19.9, tức sau một ngày Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TPHCM khởi tố vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Cty Cổ phần Địa ốc Alibaba và các công ty có liên quan, đồng thời bắt giữ Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Luyện, Giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh, hàng trăm khách hàng trót xuống tiền...