“Cách mạng Tháng Tám” của thời kỳ đổi mới đất nước
Một dân tộc đã tự giải phóng mình, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám “long trời, lở đất” không có lẽ gì không làm nên “Cách mạng Tháng Tám của thời kỳ đổi mới”.
Đã 69 năm trôi qua nhưng hào khí của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn luôn vang vọng trong lòng dân tộc Việt Nam và bạn bè Quốc tế. Bởi lẽ, Cách mạng Tháng Tám không chỉ làm nên một lịch sử chói lọi mà còn là cuộc cách mạng “long trời, lở đất” lật đổ chế độ thực dân, đế quốc gần trăm năm; xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, thiết lập nền dân chủ cộng hòa, đưa nước Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Những ai đã từng là thân phận nô lệ rên xiết dưới ách thống trị của đế quốc, thực dân và chế độ phong kiến, đã từng chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, lầm than, đói khổ, của nỗi nhục mất nước thì mới thấm hết những giá trị cao quý của độc lập và tự do; cũng như mới đánh giá được thành quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cách mạng Tháng Tám là sự kết tinh, thừa hưởng những giá trị về tư tưởng và thực tiễn của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới được vận dụng và thể hiện một cách sinh động, linh hoạt vào hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam. Tinh thần, hào khí và những thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám luôn là sức mạnh, là động lực to lớn cổ vũ toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, dựng xây đất nước.
Đất nước ta đã trải qua 39 năm độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và gần 30 năm của sự nghiệp đổi mới. Tự hào với lịch sử hào hùng của dân tộc, chúng ta càng phải quyết tâm xây dựng ý chí, sức mạnh, trí tuệ cũng như nội lực để làm nên cuộc “Cách mạng Tháng Tám của thời kỳ đổi mới” đưa đất nước bước vào kỷ nguyên công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ phát triển nhanh, mạnh, vững chắc.
Câu hỏi đặt ra là: Đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, những giá trị truyền thống đã và đang được phát huy, các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhưng nước ta vẫn còn nghèo, vẫn thua kém nhiều mặt so với những nước có hoàn cảnh lịch sử gần giống chúng ta?
Ở một góc độ nào đó, nước ta có những lợi thế vượt trội so với một số nước. Ví như ưu thế về địa chính trị, địa kinh tế; rồi thế mạnh của rừng, biển và khoáng sản; đặc biệt chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, lao động cần cù, sáng tạo và đang ở thời điểm “dân số vàng”… Những tiềm lực đó chính là sức mạnh vô cùng quan trọng để có thể làm nên “cuộc cách mạng” cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Mỗi một nhiệm kỳ Đại hội Đảng hay mỗi một kỳ họp Trung ương, họp Quốc hội, nhân dân cả nước đều dõi theo, mong mỏi và kỳ vọng. Nghị quyết ra đúng rồi nhưng chuyển biến thì chậm, có chỗ, có nơi còn ì ạch, thậm chí nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng… Vậy thì cần phải “cách mạng” ở khâu nào, phải chăng mũi nhọn “đột phá” hiện nay là ở khâu tổ chức thực hiện?, đặc biệt là ở cấp vĩ mô khi đưa ra các chính sách và giải pháp sao cho sát với thực tiễn cuộc sống và ở cấp vi mô, tức là ở các đơn vị cơ sở và ở xã, phường cần có đội ngũ cán bộ và điều kiện làm việc đủ mạnh để hàng ngày có thể trực tiếp giải quyết mọi vấn đề của xã hội và của người dân ở đó.
Nhìn lại những mốc lịch sử trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, chúng ta có nhiều kinh nghiệm và sáng tạo để tổ chức thực hiện thành công những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, vì vậy đã làm nên những dấu son của lịch sử đất nước mà điển hình là “cách mạng Tháng Tám”. Thực tiễn cho thấy, khi đã có đường lối đúng thì phương châm hành động là: nghị quyết 1, quyết tâm phải 10 và tổ chức thực hiện phải 20 thì mới đem lại kết quả thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước phương châm hành động đó vẫn hoàn toàn không cũ; một số bộ, ngành, địa phương đang tích cực, quyết liệt trong khâu tổ chức thực hiện đã đem lại những kết quả rõ rệt.
Vâng, một dân tộc đã tự giải phóng mình khỏi ách thống trị đế quốc, thực dân đưa đất nước từ thuộc địa – phong kiến trở thành nước độc lập, tự do, dân chủ; một dân tộc đã làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám “long trời, lở đất” không có lẽ gì không làm nên “Cách mạng Tháng Tám của thời kỳ đổi mới”. Đó chính là tâm nguyện của nhân dân, của dân tộc Việt Nam mong muốn xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc. Đó cũng chính là hào khí của cách mạng Tháng Tám-1945 vang mãi âm hưởng đến bây giờ.
Video đang HOT
Theo N hà báo Nguyễn Đăng Tiến
VOV
Cách mạng Tháng Tám - Kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam
Cách mạng Tháng Tám là một trong những sự kiện trọng đại nhất, oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Trong một thời gian ngắn, với khí thế cách mạng sôi sục và trào dâng chưa từng có, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong cả nước.
Fermat và Định lý Lớn thách đố suốt 4 thế kỷ Chiến thắng Vạn Tường một chiến công chói lọi Sinh ra như để cuộc đời có thêm nụ cười Cách mạng Tháng Tám là một trong những sự kiện trọng đại nhất, oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Trong một thời gian ngắn, với khí thế cách mạng sôi sục và trào dâng chưa từng có, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong cả nước.
Đánh chiếm Bắc Bộ Phủ Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội tháng 8/1945. Ảnh: Tư liệu - TTXVN
* Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước
Từ ngày 13 đến 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào, Tuyên Quang, nhận định cơ hội cho nhân dân Việt Nam giành quyền độc lập đã tới, những điều kiện cho cuộc khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Hội nghị chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Hội nghị nêu rõ đường lối đối nội, đối ngoại của cách mạng Việt Nam trong tình hình mới; thành lập Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc, do ông Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng phụ trách. Ngay trong đêm 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 cho đồng bào và chiến sĩ cả nước nhanh chóng vùng dậy giành quyền độc lập.
Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) thông qua Mười chính sách lớn của Việt Minh; thông qua Lệnh tổng khởi nghĩa; quyết định Quốc kỳ nền đỏ ở giữa có sao vàng năm cánh; chọn bài Tiến quân ca làm Quốc ca và bầu ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng Trung ương tức Chính phủ lâm thời do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, t3, tr554).
Nhân dân Sài Gòn nổi dậy giành chính quyền ( 8-1945). Ảnh: Tư liệu - TTXVN
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu nhân dân Việt Nam từ Bắc đến Nam đồng loạt đứng lên tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa, giải phóng toàn bộ đất nước.
Ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 10 vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội tưng bừng khí thế đấu tranh xuống đường vũ trang thị uy, tổ chức mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, thành phố Hà Nội đỏ rực cờ cách mạng. Cuộc mít tinh khổng lồ của nhân dân trở thành khởi nghĩa giành chính quyền.
Lực lượng quần chúng nhanh chóng chiếm phủ khâm sai, toà thị chính thành phố, trại bảo an binh và các công sở quan trọng khác. Khiếp sợ trước lực lượng quần chúng, bọn cầm đầu chính quyền tay sai Nhật ở Bắc Bộ vội vã đầu hàng. Khi đoàn người kéo đến Tòa thị chính, thị trưởng thành phố đã mở cửa, sẵn sàng trao lại chính quyền cho cách mạng.
Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa đã hoàn toàn thắng lợi ở thủ đô Hà Nội. Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế. Ngày 25/8/1945, khởi nghĩa giành chính quyền tại Sài Gòn.
Như vậy, chỉ trong 12 ngày đêm, chính quyền của bọn đế quốc, phong kiến và tay sai thống trị gần 100 năm bị đập tan và chế độ quân chủ tồn tại hàng nghìn năm bị xóa bỏ vĩnh viễn, chế độ thuộc địa nửa phong kiến sụp đổ. Lần đầu tiên, chính quyền cả nước thật sự thuộc về tay nhân dân ta. Cách mạng Tháng Tám thành công.
* Kỷ nguyên mới của dân tộc
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở đường đưa dân tộc ta tiến hẳn vào kỷ nguyên mới trong lịch sử của mình: Kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Kỷ nguyên mới đánh dấu bước nhảy vọt của đất nước ta. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà nước công nông ra đời ở Việt Nam, nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
Nước Việt Nam từ một nước thuộc địa và nửa phong kiến trở thành một nước độc lập tự do và dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng lãnh đạo một nhà nước độc lập, một quốc gia-dân tộc, và như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 năm tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc" (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 6, tr.159.).
Sau cách mạng, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản được khẳng định; toàn dân tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào một cuộc trường chinh mới với những biến đổi cách mạng lớn lao và sâu sắc.
Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu - TTXVN
Kỷ nguyên mới của dân tộc là kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập thống nhất và phục hưng đất nước, kỷ nguyên kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, mà chủ thể của sự nghiệp vĩ đại này không có ai khác là con người Việt Nam, là cộng đồng dân tộc Việt Nam luôn mang trong mình khí phách quật cường của mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước.
Cách mạng Tháng Tám mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nước Việt Nam của người Việt Nam. Người Việt Nam thực sự trở thành người làm chủ vận mệnh của đất nước và của chính bản thân mình; thời đại dân tộc Việt Nam đứng trên vũ đài của hành tinh với tư cách một nước, một quốc gia độc lập ngang hàng và hội nhập với các quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế.
Thời đại mới ở Việt Nam mang tên người con vĩ đại của dân tộc, từ người đi tìm đường cứu nước đã trở thành lãnh tụ anh minh, người dẫn đường cho dân tộc giành được thắng lợi thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Từ Cách mạng Tháng Tám, những tiếng Việt Nam Hồ Chí Minh đã gắn liến với nhau và trở thành quen thuộc, thiêng liêng trong trái tim những người chính trực trên thế giới.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam mới nước Việt Nam độc lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thay mặt nhân dân Việt Nam, Người trịnh trọng tuyên bố trước thế giới: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do...
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Độc lập, tự do, hạnh phúc, những nội dung ấy được Hồ Chí Minh nêu lên đã gắn bó quyền của dân tộc với quyền con người. Đó là tư tưởng bất hủ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra đối với cả thế giới, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời và đứng vào hàng ngũ các dân tộc tiên phong.
Cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, sự sáng lập Nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam là sự đổi đời vĩ đại không chỉ trong lịch sử Việt Nam mà cả lịch sử đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Đó là một nhà nước kiểu mới gắn bó mật thiết với nhân dân, mang tính nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Dân tộc Việt Nam đã được độc lập, thống nhất, có chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, có quân đội chính quy, có địa vị hợp pháp trên trường quốc tế. Trong quá trình phát triển của dân tộc, đó là bước nhảy vọt vĩ đại nhất, một đóng góp có ý nghĩa lịch sử cực kỳ to lớn.
Đối với lịch sử dân tộc ta, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự mở đầu cho những giai đoạn phát triển thắng lợi tiếp theo của Cách mạng Việt Nam. Tinh thần và ý chí quật cường cùng những bài học lớn từ Cách mạng Tháng Tám tiếp tục soi đường, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, tạo nên những biến đổi to lớn, sâu sắc trong đời sống xã hội, đưa đất nước vững bước tiến vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo Vietbao
Cuộc sống cơ cực của "ông vua nhạc sến" Vinh Sử Nổi tiếng với danh hiệu "ông vua nhạc sến" là vậy, nhưng giờ đây nhạc sĩ Vinh Sử đang trải qua những tháng ngày lận đận trong "căn nhà" vỏn vẹn hơn 5 mét vuông. Căn bệnh ung thư với 4 lần phẫu thuật càng khiến cho cuộc sống của ông thêm phần cơ cực. Đến thăm nhạc sĩ Vinh Sử trong một...