Cách mạng công nghiệp làm tăng nhu cầu lao động tay nghề cao
Theo PGS. TS Đỗ Thị Bích Loan ( Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), cuộc cách mạng công nghiệp sẽ làm giảm nhu cầu đối với đội ngũ lao động có kỹ năng trung bình, do máy móc dễ làm thay công việc của họ. Trong khi đó, nhu cầu đối với lao động tay nghề cao lại tăng lên.
Để tạo ra và phát triển nguồn nhân lực, đầu tư vào giáo dục trung học và đại học có chất lượng tốt, là điều kiện tiên quyết.
Thu hẹp thị trường lao động kĩ năng trung bình
Báo cáo đánh giá quốc gia Việt Nam 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB) phân tích cho thấy, trình độ đào tạo của người lao động có mối tương quan chặt chẽ với xác suất khả năng tìm thấy việc làm hưởng lương, đặc biệt là việc làm hưởng lương ở khu vực chính thức, nơi thường trả lương cao hơn.
Cụ thể, nhóm lao động trình độ cao, có cơ hội việc làm tốt hơn. Với lao động có trình độ đại học, xác suất có việc làm hưởng lương là 56,1%; trình độ cao đẳng là 49,9%.
Tỷ lệ này giảm dần đối với các lao động được đào tạo qua trường dạy nghề chuyên nghiệp (41,5%), trung học chuyên nghiệp (29,4%), trung học phổ thông (6,7%). “Điều này minh chứng rằng, giáo dục là con đường để có việc làm tốt hơn và tạo điều kiện nâng cao trình độ đào tạo cho lực lượng lao động là con đường dẫn đến phát triển đồng đều và bền vững”, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan nói.
Bà cho biết thêm, theo báo cáo đánh giá quốc gia Việt Nam 2016 của WB, việc thiếu hụt lao động có kỹ năng là một trong ba hạn chế hàng đầu để phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam.
Nhóm lao động trình độ cao, có cơ hội việc làm tốt hơn. (Ảnh: Minh hoạ).
Dù số lượng lao động tốt nghiệp đại học của Việt Nam tăng lên đáng kể nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường đối với nguồn nhân lực này.
Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp tục làm tăng nhu cầu về lao động có tay nghề cao, đồng thời thu hẹp thị trường việc làm của những lao động có kỹ năng trung bình, như thợ đứng máy, nhân viên bán hàng… do máy móc sẽ thay thế.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lao động phải lành nghề, có tay nghề – kỹ thuật cao, làm chủ được công nghệ hiện đại đang ngày càng phát triển. Đây sẽ là thách thức rất lớn trong tìm kiếm việc làm đối với những lao động không được qua đào tạo hoặc được đào tạo ở những trình độ thấp”, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan nói.
Trước những yêu cầu mới của cuộc cách mạng công nghiệp, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan – đồng thời cũng là Chủ nhiệm đề tài “Giải pháp phân luồng học sinh sau THCS” cho rằng, Việt Nam cần kiến tạo hệ thống giáo dục thích ứng, đặc biệt ở cấp trung học và sau trung học (học nghề và cao đẳng, đại học), nhằm cung cấp các kỹ năng và trình độ phù hợp với nhu cầu luôn thay đổi của thị trường lao động.
Trong hệ thống đó, việc chú trọng đầu tư vào giáo dục trung học và giáo dục đại học có chất luợng tốt là điều kiẹn tiên quyết.
Chú trọng đầu tư vào giáo dục trung học và giáo dục đại học có chất luợng tốt là điều kiẹn tiên quyết. (Ảnh: Minh hoạ).
Phân luồng giúp định hướng phát triển nguồn nhân lực
Mỗi giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và trong thời đại công nghiệp 4.0 nói riêng, luôn đặt ra những đòi hỏi khác nhau về cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo.
Để đáp ứng những đòi hỏi đó và có được đội ngũ lao động kĩ thuật đồng bộ về cơ cấu ngành nghề, trình độ, theo PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan, việc phân luồng trong giáo dục đóng vai trò quan trọng. “Phân luồng trong giáo dục tạo sự phát triển cân đối về cơ cấu trình độ và ngành nghề của nguồn nhân lực quốc gia, đáp ứng chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, PGS Bích Loan nói.
Bà Loan cũng cho rằng, phân luồng học sinh sau THCS không làm triệt tiêu các cơ hội học lên của học sinh mà còn đa dạng hoá phương thức học, luồng học, tạo điều kiện học tập suốt đời cho mọi người, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Hơn nữa, phân luồng học sinh còn có tác dụng tích cực đến chất lượng giáo dục trên bình diện cá nhân của từng học sinh, cũng như môi trường giáo dục nói chung; nhằm thực hiện các mục tiêu công bằng xã hội; giúp cho hệ thống giáo dục gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội.
Trên bình diện cá nhân, phân luồng trong giáo dục tạo cơ hội thuận lợi cho mỗi người lao động được phát triển nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường và hoàn cảnh của cá nhân.Trên bình diện quốc gia , phân luồng học sinh nhằm điều chỉnh sự phân bố nguồn nhân lực của quốc gia cho phù hợp với yêu cầu của đất nước trong từng giai đoạn phát triển, để sử dụng một cách có hiệu quả nhất nguồn nhân lực. “Phân luồng học sinh hợp lí là một chiến lược phát triển nhân lực của các quốc gia”, PGS. TS Đỗ Thị Bích Loan nói.
Phân luồng học sinh hợp lí là một chiến lược phát triển nhân lực của các quốc gia. (Ảnh: Minh hoạ).
Chuyên gia cao cấp về lĩnh vực phân luồng, liên thông và phát triển nguồn nhân lực – GS.TS Phan Văn Kha (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam ) khẳng định việc phân luồng học sinh, cụ thể là phân luồng sau THCS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Nó góp phần cung ứng nguồn nhân lực với cơ cấu ngành nghề và cơ cấu trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế, tạo cơ hội được học tập suốt đời cho mọi người, hướng tơí xây dựng xã hội học tập.
Việc phân luồng này có mục tiêu là định hướng phân bổ tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS hướng vào các luồng để tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động, tùy thuộc vào năng lực, sở trường, nguyện vọng của bản thân mỗi em và điều kiện thực tế, nhu cầu nhân lực của xã hội.
Theo đánh giá của hai chuyên gia trên, chủ trương phân luồng học sinh sau THCS sau nhiều năm thực hiện đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
Để thực hiện thành công và hiệu quả việc phân luồng này, trước hết đòi hỏi mỗi học sinh, phụ huynh, cộng đồng, xã hội phải thay đổi nhận thức về nghề nghiệp và vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực.
“Để thực hiện thành công phân luồng học sinh sau THCS đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của ngành Giáo dục đào tạo và Lao động thương binh xã hội, mà của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và toàn xã hội”, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam – GS. TS Phan Văn Kha nói.
Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 14/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng khẳng định mục tiêu: “… Bảo đảm cho học sinh có trình độ THCS có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THCS…”.
Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025″ ban hành theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu đến năm 2020 có”ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%”. Đến năm 2025, con số này được xác định là ít nhất 40%; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
Quỳnh Nguyễn
Theo dantri
Lãng phí các trung tâm giáo dục thường xuyên-dạy nghề vì tư duy có dự án có tiền
Bên Giáo dục có thầy thì không có thiết bị máy móc, bên Dạy nghề có thiết bị máy móc để mạng nhện phủ đầy thì lại không có thầy, vậy thì ghép nó vào.
Ngày 22/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc Tọa đàm "Khó khăn, lãng phí và xu hướng phổ thông hóa các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề".
Đến dự và phát biểu, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết:
"Tôi cũng làm về vấn đề Giáo dục thường xuyên, trong thời gian còn làm việc thì tôi có làm thư ký cho Ban chỉ đạo Quốc gia và đào tạo các nhu cầu xã hội do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân thời gian đó là Phó thủ tướng làm trưởng ban.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu tôi lập một đề án, cùng phối hợp với anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, sát nhập các trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên từ năm 2009, nhưng thực ra là 2 bộ vấn chưa có tiếng nói chung, vậy nên rất khó.
Bên Dạy nghề thì theo mạch quản lý của ngành Lao động, bên Giáo dục lại theo mạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau này thì Chính phủ làm kiên quyết hơn và có Luật Giáo dục Nghề nghiệp nên làm khá mạnh. Tôi nói lại lịch sử một chút như vậy."
Video: Quan điểm của Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Trở lại vấn đề ngày hôm nay, tôi thấy nội dung mà Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chọn vấn đề hết sức chiến lược, trước những thách thức về nguồn lực, thách thức về công nghiệp 4.0.
Trước những nhu cầu rất lớn và gần 80% lao động chưa được đào tạo, chúng ta đặt một câu hỏi vậy thì tính cần thiết các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên và Dạy nghề không, có cần không?
Thầy Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên nói là có tỉnh nào đó đòi xóa sổ chỗ này, tôi cho việc đó là khác, khi đã có một thiết chế như vậy thì ta phải tìm ra nguyên nhân của nó và tại sao nó lại lãng phí như vậy?
Dẫn đến câu chuyện của chúng ta là tư duy bao cấp từ xưa cứ có dự án là có tiền.
Chúng ta phải đi từ vấn đề cần giải quyết giống như Hà Nội và một số tỉnh có chợ nhưng chưa chắc đã có người đến họp, và đó là chuyện bình thường.
Và bây giờ chúng ta có chuyện là có trường nhưng không có người học, tôi thấy đây là một vấn đề mà chúng ta có tư duy quá hành chính bao cấp.
Trở lại Đề án Xã hội học tập thì Chính phủ đã phê duyệt rồi, chức năng của Giáo dục thường xuyên có mấy nhiệm vụ như xóa mù chữ, phổ cập Giáo dục, đảm bảo không tái mù, đặc biệt chú trọng đến đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc.
Chính sách đề cập đến cái chung nhưng việc thực hiện Chính sách phải đa dạng, điều đó có nghĩa là miền núi cũng thực hiện như miền xuôi, cũng phải có mô hình cấu trúc đa dạng, đã là Chính sách phải thống nhất.
Nhiệm vụ thứ 2 là tin học, ngoại ngữ, cái thứ 3 là nâng cao năng lực trình độ chuyên nghiệp vụ cho lao động công chức, viên chức và tất cả người lao động, cán bộ trong hệ thống.
Có 3 chức năng chính của trung tâm này nên đã rất rõ trong Đề án Xã hội học tập, giải pháp ghi rất rõ là mở rộng quy mô hợp lý, thành lập các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên theo hướng các Trung tâm Giáo dục Thường xuyên các quận huyện.
Hướng tới mỗi huyện có một trung tâm Giáo dục Thường xuyên hướng nghiệp và dạy nghề, tức là hướng tới câu chuyện ghép nó vào.
Nguồn lực của chúng ta đúng là thiếu nhưng thực ra sử dụng không hiệu quả, chủ yếu là do điều phối tài chính quốc gia chưa hợp lý, đó cũng là đặc điểm mạnh ai người đó làm.
Câu chuyện ở đây có mấy nguyên nhân như sau, nhu cầu thì có nhưng chúng ta không đáp ứng được, thứ 2 là không đồng bộ giữa con người và cơ sở vật chất.
Có đồng chí giám đốc trung tâm yêu cầu thêm 3,5 tỷ đồng nữa để trung tâm hoạt động, nhưng tôi nói thật là có thêm 5 tỷ đồng nữa nhưng chưa chắc đã có người học.
Con người với năng lực quản lý như vậy mà lại cứ thích đầu tư thì chết, máy móc thì để mạng nhện phủ đầy.
Bên giáo dục có thầy thì không có thiết bị máy móc, bên dạy nghề có thiết bị máy móc thì lại không có thầy, vậy thì ghép nó vào."
Còn nữa.
Ngày 22/11, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức cuộc Tọa đàm "Khó khăn, lãng phí và xu hướng phổ thông hóa các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề".
Tham dự tọa đàm có bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ đào tạo thường xuyên, Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và xã hội).
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Phú Cường- Chủ tịch Hội đồng Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp Hà Nội.
Ông Đồng Văn Bình - đại diện Vụ giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Ông Bùi Phương Việt Anh - Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty EAS Việt Nam.
Tùng Dương
Theo giaoduc.net
Chủ tịch Quốc hội gặp mặt các trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu Chủ tịch Quốc hội mong muốn các nhà khoa học sẽ là hạt nhân, tấm gương sáng lan tỏa niềm đam mê, say mê khoa học công nghệ để đóng góp cho đất nước. Chiều tối nay (01/11), tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gặp mặt 112 nhà trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu...