Cách làm nước cốt dừa ngon và đơn giản tại nhà
Nước cốt dừa là một trong những phụ gia được sử dụng nhiều trong các món ăn. Vị thơm ngọt béo ngậy, làm tăng hương vị của món ăn. Ngoài ra đây là thứ không thể thiếu trong các món chè.
Cách làm nước cốt dừa ngon và đơn giản tại nhà tuy qua nhiều công đoạn nhưng lại khá đơn giản, không cần phải quá khéo léo bạn cũng có thể làm được. Dưới đây là hướng dẫn công thức làm nước cốt dừa từng bước để các bạn tham khảo, hãy cùng thực hiện với hom nay an gi nhé.
Hướng dẫn cách làm nước cốt dừa ngon
Nguyên liệu
- 2 trái dừa
- 600ml nước sôi
Cách làm
- Dừa sau khi mua về, đục lỗ nhỏ ở phần đầu quả dừa rồi trút hết nước dừa ra bát sạch.
Video đang HOT
- Sau đó tách đôi quả dừa và hơ trên lửa cho nóng trong 10 phút hoặc cho trái dừa vào lò vi sóng nướng khoảng 15 phút để dễ tách vỏ, 1 lúc sau khi làm nóng ta sẽ thấy cùi dừa co lại và vỏ khô đi. Dùng dao lách quanh phần vỏ để tách lấy phần thịt dừa ra.
- Phần cùi bên trong vẫn bọc lớp áo lụa màu nâu, lấy dao bào để bào bỏ hết phần vỏ nâu còn dính trên thịt dừa.
Các bước làm nước cốt dừa ngon:
Bước 1: Cho phần nước dừa vào nồi đun nóng gần sôi thì tắt bếp, hoặc bạn có thể cho vào lò vi sóng hâm nóng.
Bước 2: Rửa sạch phần thịt dừa đã gọt vỏ và cắt nhỏ thành miếng nhỏ.
Bước 3: Cho tất cả phần thịt dừa, nước dừa vừa đun và 600ml nước sôi vào máy xay sinh tố xay mịn.
Cách làm nước cốt dừa đặc thơm ngon hấp dẫn
Bước 4: Đổ tất cả phần dừa đã xay qua rây lọc, chắt lấy phần nước lọc từ đó ra chúng ta sẽ thu được phần nước màu sữa đó chính là cốt dừa đã hoàn thành, cho vào cốc sạch hoặc chai thủy tinh, cất vào tủ lạnh để dùng dần.
Lưu ý :
- Bạn nên chọn quả dừa đã già hẳn và khi nâng quả dừa lên cảm thấy nặng tay, nghe rõ tiếng nước dừa bên trong.
- Bạn có thể cho một chút sữa tươi và một chút muối vào sẽ thơm và đậm hơn.
- Ngoài cách dùng rây để lọc, bạn nên dùng một miếng vải mỏng để lọc như vậy sẽ được mịn hơn. Nếu muốn tận dụng phần bã này để làm cơm dừa thì không cần vắt kỹ quá. Phần bã dừa còn lại có thể sấy khô để dùng dần, hoặc làm những món ăn khác.
- Để có vị thơm đặc biệt thì có thể xay thêm vào vài chiếc lá dứa, hoặc đun sôi với lá dứa rồi tắt bếp.
Nước cốt dừa có thể sử dụng để kho thịt, đồ xôi hoặc làm một số món như chiên với hải sản, đặc biệt là gia vị không thể thiếu khi nấu chè hoặc kết hợp với các loại hoa quả khác để chế biến sinh tố cực ngon và bổ dưỡng. Chúc các bạn thực hiện thành công với cách làm nước cốt dừa ngon và đơn giản tại nhà này nhé !
Theo Homnayangi
Đậm đà hương quê
Có lẽ, chẳng ai rảnh rỗi ngồi ngẫm nghĩ giữa thành phố ở tỉnh nhỏ này có bao nhiêu quán trà sữa? Người ta cứ đổ xô ồ ạt đầu tư vào các cửa hàng kinh doanh trà sữa để kịp phục vụ món thức uống thời thượng cho giới trẻ.
Những hàng quán sang trọng, lộng lẫy, đồ uống đầy sắc màu pha trộn trong các bình ly thiết kế kiểu cách. Còn tôi lại vẩn vơ nghĩ về những hàng chè bình dân của các bà, các mẹ đậm đà hương vị quê.
Những hàng chè bình dân không có bảng hiệu rực rỡ, chỉ có vài cái ghế gỗ, ghế nhựa. Thậm chí có những cái ghế đã cũ kỹ hoặc sứt mẻ đôi chút vẫn được người chủ tận dụng. Giá bình dân, nên những hàng chè cũng chẳng nằm ở vị trí đắc địa. Có quán chè lại khép mình dưới tán cây to bên vỉa hè. Có hàng chè nằm ở đầu hoặc cuối chợ. Có những hàng chè ước chừng cũng hơn chục năm chẳng có tên, vậy mà khách cứ quen chân lại tìm về.
Hàng trăm thứ chè chứ chẳng ít nhưng mỗi loại có hương vị đặc trưng. Chè muốn ăn nóng lạnh gì đều được. Hấp dẫn nhất là có thể thưởng thức tất cả các hương vị trong ly chè thập cẩm, thêm một ít nước cốt dừa trắng tinh, kèm đậu phộng rang, đập đá nhỏ cho vào. Tất cả hòa quyện với nhau vị thơm ngọt, bùi, béo béo. Ăn xong ly chè mát cũng là lúc bụng vừa no, còn cơn khát đã tan biến.
Khách đến với những hàng chè bình dân cũng chẳng cầu kỳ về chỗ ngồi của mình, cứ thế tựa lưng vào những chiếc ghế cũ hay ngồi trên những miếng ván gỗ bắc ngang rồi nhâm nhi chén chè nóng bốc khói thơm lừng. Trên cái bếp lò than đỏ hồng, những nồi chè to nhỏ xếp ngay ngắn. Chè có đủ loại, chủ yếu được chế biến từ những nguyên liệu quen thuộc. Vậy nhưng, không phải ai nấu chè cũng ngon, hầu như những quán chè lâu năm đều gắn liền với bóng dáng siêng năng cần mẫn, tần tảo của người chủ mới chế biến và gìn giữ hương vị thơm ngon của riêng mình.
Chè là món ăn dân dã, bình dị gắn bó với ký ức nhiều người. Hẳn rằng ai cũng đã từng trải qua tuổi thơ với những buổi sáng ngồi chờ mẹ đi chợ về, đón đợi những bịch chè quê đầy hấp dẫn. Hay có đôi lúc đi trên đường chợt thèm vị chè liền dừng xe ghé vào quán chè quen. Nào là chè đậu xanh, chè bắp, chè đậu ván, chè hạt sen, chè chuối...
Cũng thật kỳ lạ, bao nhiêu năm rồi mặc kệ sự thay đổi của phố phường, những hàng chè bình dân cũng vậy. Chè vẫn giữ hương vị cũ, cũng những nguyên liệu ấy, công thức chế biến như trước. Những hàng chè bình dân vẫn lặng lẽ nằm bên góc đường, hay có quán chè chỉ đợi khi phố lên đèn mới lục tục dọn hàng ra. Người chủ quán vẫn múc chè vào vài cái chén, cái ly đơn giản không hoa văn cầu kỳ. Khách đến ăn chè, đã quen mặt với chủ quán, đôi khi còn ngồi thảnh thơi trò chuyện cùng chủ quán. Không hóa đơn tính tiền, ăn bao nhiêu thì đưa bấy nhiêu tiền, vì chè cũng chẳng lên giá, chỉ vài nghìn đồng một ly chè.
Đôi lúc tôi tự hỏi những món ăn bình dân từng một thời chứng kiến bao thăng trầm của đời sống, rồi sẽ về đâu khi những hàng ăn, thức uống thời thượng ngày càng mọc lên. Những hàng chè bình dân ấy khiêm nhường nép qua một bên hay vẫn âm thầm tỏa hương như hàng chục năm qua? Nhưng chắc rằng, dẫu có bao nhiêu sự chọn lựa, thay đổi đi chăng nữa, người ta sẽ vẫn tìm về những hàng quán bình dân quen thuộc. Ở đó, không chỉ là thưởng thức những món ăn yêu thích mà còn là tìm về không gian cũ, với những ký ức chẳng thể phai nhòa.
Theo baoquangngai
Bánh canh cua nước cốt dừa Cà Mau Bánh canh cua nước cốt dừa Cà Mau là một món ăn quen thuộc của người dân sông nước, mang đậm hương vị tình cảm quê nhà. Sợi bánh canh mềm hòa trong nước dùng đậm đà và béo ngậy, thơm lừng cốt dừa làm ai ăn rồi cũng nhớ mãi. Điều đầu tiên ấn tượng với thực khách khi nhìn thấy tô...