Cách làm giò thủ ngon tại nhà với bí quyết xào và gói giò
Bởi vì hương vị dai dai, giòn giòn và ăn không ngấy như các loại giò khác nên giò xào được rất nhiều người yêu thích.
Thực hiện theo cách làm giò thủ dưới đây, bạn có thể thưởng thức món ngon này ngay tại nhà mà không cần phải ra chợ hoặc siêu thị.
MỤC LỤC
Hướng dẫn cách làm giò xào ngon
Cách làm giò thủ chay
Cách làm Giò bò xào
Giò thủ (hay còn gọi là giò xào) là món ăn truyền thống của Việt Nam với thành phần chính là thịt thủ (phần thịt ở đầu con lợn), xào chín cùng một số nguyên liệu khác rồi gói và nén chặt. Giò thường được các gia đình làm trong dịp lễ Tết cổ truyền như một nét văn hóa ẩm thực. Đĩa giò đầy đặn tượng trưng cho sự trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà.
Nguyên liệu làm giò thủ
- Tai heo: 500 g
- Lưỡi heo: 500 g
- Thịt chân giò: 300 g
- Nấm mèo: 50 g
- Nấm hương: 100 g
- Hành tím: 2 củ
- Lá chuối (hoặc khuôn inox, chai nhựa)
- Gia vị: hạt nêm, nước mắm, hạt tiêu
Những nguyên liệu chính để làm món giò thủ
Hướng dẫn cách làm giò xào ngon
Bước 1: Sơ chế nguyên vật liệu
- Rửa sạch tai heo, lưỡi heo và thịt chân giò với nước muối loãng. Sau đó cho tất cả vào luộc sơ qua, bỏ thêm vào một thìa muối và một thìa giấm (không nên luộc riêng từng bộ phận mà nên luộc chung với nhau, sẽ ngon và đậm vị hơn. Nếu luộc riêng, thịt dễ bị nhạt). Khi nước sôi thì tắt bếp, vớt tất cả ra ngâm với nước lạnh để thịt không bị thâm.
- Ngâm nấm mèo trong nước nóng khoảng 10 phút để nở hoàn toàn. Sau đó, đem cắt bỏ chân, rửa sạch và thái sợi nhỏ. Cách làm tương tự đối với nấm hương.
- Hành tím bóc vỏ, rửa sạch, đập dập và cắt nhỏ.
Sơ chế các nguyên liệu để làm món giò thủ
Bước 2: Ướp và xào thịt
- Thái nhỏ tai heo, lưỡi heo và thịt chân giò thành miếng vừa ăn rồi tiến hành tẩm ướp với 1 thìa hạt nêm, 1 thìa nước mắm, thìa đường, 1 thìa hành tím băm nhỏ và 1 thìa hạt tiêu. Trộn đều cho thịt ngấm vị. Để khoảng 30 phút là được.
- Đặt chảo lên bếp, cho vào một thìa dầu ăn. Đợi cho dầu sôi thì bạn cho vào một thìa hành tím băm nhỏ vào phi thơm.
- Khi hành đã dậy mùi thơm thì cho tất cả thịt heo vào xào, cho thêm một chút hạt nêm và nước mắm sao cho phù hợp với khẩu vị. Bạn cần đảo đều tay để thịt ngấm gia vị và chín đều. Sau khi thịt heo đã săn lại thì cho nấm mèo và nấm hương vào xào cùng.
Lưu ý: Đun lửa vừa cho đến khi thịt heo ra mỡ và nấm thấm gia vị thì tắt bếp. Không nên xào quá chín sẽ khiến giò bị khô, cứng.
Bước 3: Cách gói giò thủ
Ở bước này, bạn có thể lựa chọn gói giò bằng khuôn, bằng lá chuối hoặc bằng chai nhựa:
Gói giò thủ bằng chai nhựa:
- Bạn rửa sạch chai nhựa, đem phơi ráo nước rồi cắt bỏ phần đầu chai. Đục vài lỗ nhỏ ở đáy chai để giò có chỗ thoát khí.
- Khi thịt vẫn còn nóng, bạn bắt đầu cho vào chai và nén thật chặt để thịt lấp đầy chai, không có kẻ hở (có thể dùng chày để nén cho chặt). Sau đó dùng túi nilon hoặc lá chuối bọc phần miệng chai lại.
Các bước gói giò thủ bằng chai nhựa
Gói giò thủ bằng lá chuối
- Lá chuối rửa sạch, đem phơi khô.
- Trước khi gói, để làm lá chuối mềm hơn và giúp việc cuốn thịt dễ dàng, bạn hơ nhanh lá chuối trên lửa nhỏ.
- Trải lá chuối ra, đổ hết phần thịt đã xào lên. Gói lá chuối lại rồi dùng dây lạt hoặc dây nilon để cột chặt giò thủ để định hình cho cây giò thẳng, không bị méo.
Lưu ý: nên gói giò khi giò còn nóng để có độ kết dính. Gói lá chuối thật chặt để thành phẩm sau khi hoàn thành tròn đều, đẹp mắt.
Các bước gói giò thủ bằng lá chuối
Gói giò xào bằng khuôn inox
- Chuẩn bị một chiếc khuôn inox đã được rửa sạch.
Video đang HOT
- Lót nilon vào đáy khuôn hình trụ. Sau đó, nhồi thật chặt phần nguyên liệu giò thủ vừa xào vào khuôn. Nếu có thể, đặt một vật nặng phía trên để nén chặt giò xào bên trong.
Gói giò thủ bằng khuôn
- Sau khi gói xong, đợi thịt đã nguội thì cất giò vào trong ngăn mát tủ lạnh, khoảng 8 tiếng thịt đông lại là dùng được. Có thể bảo quản được trong vòng 1 tuần. Khi ăn, bạn chỉ cần cắt khoanh ra, vô cùng thuận tiện.
Giò thủ sau khi đã hoàn thành
Giò thủ sau khi hoàn thành
- Giò thủ có màu hơi hồng, màu mỡ đông xen kẽ với màu nâu của nấm.
- Ăn miếng giò có vị giòn, ngọt, béo, thơm mùi của thịt cũng như nấm và tiêu.
MỘT SỐ CÁCH LÀM GIÒ THỦ KHÁC
Áp dụng cách làm tương tự như đối với giò thủ truyền thống, bạn cũng có thể làm một số loại giò thủ khác như sau:
Cách làm giò thủ chay
Nguyên liệu làm giò thủ chay:
- Mộc nhĩ: 70g
- Váng đậu: 2 miếng
- Nấm tuyết: 1 cái
- Mì căn: 1 bát
- Bột rau câu: gói
- Ngũ vị hương: nửa gói nhỏ
- Gia vị: nước mắm, gia vị, mì chính, hạt tiêu…
Hướng dẫn làm giò thủ chay:
- Sau khi sơ chế và cắt nhỏ các nguyên liệu, bạn đem ướp hỗn hợp với ngũ vị hương, mì chính, mắm, hạt tiêu rồi để khoảng 1-2 giờ cho ngấm vị.
- Cho các nguyên liệu lên xào, nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
- Đun sôi 2 bát con nước, cho bột rau câu vào và khuấy đều trong 5 phút rồi tắt bếp.
- Trộn đều nước bột rau câu với các nguyên liệu đã xào, tiến hành gói giò rồi sau đó để vào tủ lạnh khoảng 4 – 5 tiếng là có thể thưởng thức.
Cách làm Giò bò xào
Nguyên liệu:
- Bắp bò: 700g
- Hành tây: 1 củ
- Da heo: 300g
- Gừng: 5 lát
- Gia vị: nước mắm, đường trắng, bột ngọt, hạt tiêu
Cách làm giò bò xào:
- Sơ chế, rửa sạch các nguyên liệu.
- Nấu 1 nồi nước sôi cùng với vài lát gừng và 1 củ hành tây. Cho thịt bắp bò và da heo vào luộc cỡ 10 phút.
- Cho thịt bắp bò và da heo đã luộc vào thau nước đá, ngâm cho nguội hẳn. Đem nguyên liệu ra cắt thật mỏng. Ướp với nước mắm, bột ngọt , đường, tiêu trong khoảng 30 phút.
- Sau đó, cho nguyên liệu vừa ướp lên chảo xào chín thật khô, khi nào thấy da heo bám vào thành nồi thì tắt bếp.
- Gói giò, đợi cho nguội rồi cho vào tủ lạnh để thịt đông lại là được.
Giò gà xào nấm
Bạn có thể thay thế thịt chân giò lợn bằng thịt gà để nấu món giò thủ. Với món ăn này, bạn lọc gà chỉ lấy phần thịt để làm giò. Áp dụng cách làm tương tự như món giò thủ thông thường, bạn đã có một món giò thủ lạ miệng nhưng rất thơm ngon.
Với cách làm giò thủ thơm ngon mà chúng tôi cung cấp, hy vọng bạn sẽ có thêm được một món ăn Việt truyền thống để thêm vào mâm cơm gia đình.
Theo eva.vn
Cuối tuần nấu 5 món ăn ngon này khiến cả nhà chẳng ai muốn ra ngoài hàng nữa
Chắc chắn với những món ăn hấp dẫn bạn chế biến này chồng, con nào còn thích thú với cơm quán nữa.
TAI HEO CUỘN NGÂM CHUA NGỌT
Nguyên liệu:
- 1 cái tai heo (khoảng 400g)
- Gia vị: 2/3 bát con ăn cơm nước mắm, 2 bát con nước lọc, 1 - 2 thìa ăn phở dấm, 3 thìa đường.
- 1 củ tỏi; 2-3 quả ớt; 1 thìa hạt tiêu
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế và luộc tai heo
- Tai heo mua về làm sạch, xát muối rồi rửa lại. Cuộn bắt đầu từ đầu nhọn của tai cho đến hết thành 1 cuộn tròn chặt rồi dùng dây chỉ hoặc dây gai bó lại.
- Cho tai vào chần qua nước sôi rồi rửa lại cho sạch.
Đổ nước cho ngập tai. Đun sôi, luộc tai khoảng 15 - 20 phút cho tai chín.
Vớt tai ra để cho nguội.
Bước 2: Pha nước ngâm chua ngọt
- Gia vị có thể nếm thử rồi gia giảm độ mặn, ngọt cho phù hợp khẩu vị từng nhà.
- Lọ thủy tinh rửa sạch, tráng nước sôi để nguội rồi lau khô.
- Pha 2/3 bát con ăn cơm nước mắm với 2 bát con nước lọc, 1 - 2 thìa ăn phở dấm, 3 thìa đường. Khuấy tan, đun sôi rồi để nguội.
Bước 3: Làm tai heo ngâm chua ngọt
- Cho vào đó 1 củ tỏi thái lát, 2-3 quả ớt thái lát, 1 thìa hạt tiêu. Cho tai vào lọ, đổ nước ngâm ngập tai, đậy kín nắp rồi cho vào ngăn mát tủ lạnh.
- Ngâm tai 1 - 2 ngày là có thể ăn được.
- Nếu muốn nhanh có thể tăng thêm lượng nước mắm, dấm, đường và làm tai nhỏ thì 1 ngày đã ăn được.
Thưởng thức
- Khi nào ăn mới cắt dây buộc để tai được dính và cuộn tròn.
- Chấm tai heo cuộn ngâm chua ngọt với tương ớt rất ngon.
CHẠO CHÂN GIÒ
Nguyên liệu:
- Thịt chân giò: 500g
- Riềng: 150g
- 4-5 củ sả
- 3-4 quả khế chua
- 20g vừng
- 4-5 cái lá chanh
- Ớt, tỏi, muối, đường, chanh
- Rau ăn cùng: lá sung, lá đinh lăng hoặc các loại lá khác như lá mơ, rau thơm các loại.
Cách làm:
Thịt chân giò rửa sạch, để ráo sau đó đem thui vàng. Ngon nhất là bạn thui bằng rơm, nếu không có rơm bạn có thể quấn giấy xung quanh miếng thịt rồi thui hoặc cho lên bếp lửa thui vàng các mặt cũng được.
Thịt sau khi thui, rửa lại cho sạch rồi cho vào áp chảo cùng với vài lát riềng, sả lót dưới đáy chảo. Đun với lửa liu riu khoảng 15-20 phút, khi thịt chín có màu vàng sậm, mùi thơm của thịt quyện cùng mùi thơm của sả của riềng.
Riềng rửa sạch, thái lát sau đó cho vào cối giã nhỏ hoặc cho vào máy xay, xay nhỏ. Khế rửa sạch, gọt bỏ viền xung quanh, bỏ hạt, lõi sau đó thái lát mỏng. Tỏi bóc vỏ, rửa sạch, bằm nhỏ. Ớt rửa sạch, xắt nhỏ. Lá chanh rửa sạch, thái nhỏ. Vừng rang chín.
Thái thịt thành những miếng mỏng. Thịt sau khi thái mỏng, trước hết đem bóp cùng với khế chua ở trên sao cho vị chua của khế ngấm vào thịt. Tiếp đến cho riềng đã giã nhỏ ở trên cùng vài lát ớt, chút gia vị nêm nếm cho vừa miệng. Cuối cùng rắc chút vừng, lá chanh và vài lát sả trộn đều là được.
Chạo chân giò ăn kèm với các loại lá như lá sung, lá lộc vừng, lá đinh lăng hoặc thêm chút lá mơ, rau thơm các loại. Chấm cùng tương bần hoặc nước mắm chua ngọt. Khi ăn mùi thơm của thịt nướng quyện cùng mùi thơm của riềng, sả, lá chanh tạo nên hương vị đậm đà, hấp dẫn cho món ăn này.
ỐC NẤU CHUỐI ĐẬU
Nguyên liệu:
- Ốc nhồi hoặc ốc vặn: 1kg
- Thịt ba chỉ: 200gr
- Đậu phụ: 3 bìa
- Chuối tiêu xanh: 8 quả
- Mẻ: 1/2 bát con ăn cơm
- Bì lợn: 100gr
- Rau thơm: hành lá, tía tô, lá lốt
- Nếu ăn mắm tôm: 1/2 thìa cà phê
- Hành, tỏi: mỗi thứ một củ
- Nghệ tươi: 1 củ
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế ốc
- Ốc mua về rửa sạch, ngâm nước vo gạo thả vào vài lát ớt để ốc nhả chất bẩn. Rửa sạch lại ốc, chặt phần đuôi ốc, đem luộc qua nước sôi, khêu lấy phần thịt ốc, bỏ phần phân ốc.
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu khác
- Thịt ba chỉ thái con chì hoặc thái miếng vừa ăn đem đảo cho vàng ruộm.
- Chuối xanh đem tước vỏ, ngâm nước muối, bổ đôi thái miếng vát chéo, đem luộc qua với một thìa mẻ nghệ để làm giảm độ thâm của chuối. Sau đó cho dầu ăn vào chảo chiên sơ qua chuối cho săn lại khi nấu chín mềm mà không bị nát.
- Đậu phụ thái miếng nhỏ rán vàng đều hai mặt, không nên rán non khi nấu sẽ bị nát.
Bước 3: Làm ba loại nước sốt
- Sốt mẻ nghệ: Đem xay nghệ tươi với mẻ, mẻ sẽ làm giảm đi mùi hăng của nghệ.
- Sốt bì lợn: Luộc chín mềm, thêm chút nước xay thật mịn, đem lọc lại qua rây. Sốt bì sẽ làm cho nồi chuối đậu thêm béo ngậy, tạo độ sánh.
- Sốt chuối: Luộc 4 quả chuối với chút mẻ nghệ để làm giảm độ thâm của chuối cho chín mềm. Bóc phần vỏ đã tước, lấy phần thịt chuối bên trong xay mịn làm sốt.
Vậy là có ba bát nước sốt: chuối xay nhuyễn, bì lợn xay mịn, mẻ nghệ là bí quyết làm món ốc nấu chuối đậu thêm ngon hơn.
Bước 4: Hoàn thiện món ăn
- Phi thơm hành tỏi băm nhỏ ,cho ốc vào đảo qua, tiếp đến là thịt ba chỉ, chuối thái miếng chiên sơ qua. Rồi nêm mắm tôm, một thìa canh hạt nêm ,đảo cho ngấm gia vị.
- Tiếp đến cho 3 thìa canh mẻ nghệ, sốt chuối xay nhuyễn, sốt bì, cho nước xâm xấp, tạo thành hỗn hợp hơi ngả vàng om đến khi chuối chín mềm và phần nước sền sệt.
- Nêm nếm gia vị cho vừa ăn, độ chua của mẻ có thể điều chỉnh theo sở thích, thêm các loại rau thơm thái nhỏ vào bắc ra ăn nóng.
Lưu ý: Tuỳ vào độ chua của mỗi người mà điều chỉnh phần mẻ. Nếu quá trình nấu nước om bị loãng quá thì hoà thêm chút bột năng với nước đổ vào nồi chuối đậu tạo độ sền sệt.
SƯỜN RANG MUỐI
Nguyên liệu:
- 500gr sườn heo
- 5 củ sả, 3 thìa bột muối
Cách làm:
Sườn rửa sạch và cắt thành miếng hình chữ nhật vừa phải. Sả rửa sạch, thái chỉ mỏng, muối bột có thể mua bán sẵn hoặc tự làm (Làm muối rang bằng 100gr gạo nếp rang, 50gr đậu xanh rang, 100gr muối, tất cả xay nhuyễn thành bột).
Sườn ta chần qua nước sôi và muối.
Cho dầu rán vào chảo nóng và cho sườn vào chiên cho vàng đều hai mặt, khi sườn chín vàng đều, cho sả đã thái chỉ vào chiên cùng đến khi sả chín vàng. Tắt bếp và chắt hết phần dầu rán có trong chảo đi.
Cho một thìa to bột muối vào rang cùng sườn và đảo nhanh đều tay sao cho từng miếng sườn bám đủ gia vị bột muối và rang đến khi sườn có màu vàng và khô.
Tắt bếp, trình bày sườn rang muối ra đĩa. Món sườn ngon quyện lẫn hương sả cùng với bột muối thơm lừng vô cùng thơm ngon và hấp dẫn.
CÁ NƯỚNG RIỀNG MẺ
Nguyên liệu:
- 500g cá rô phi (cá trắm, cá nhụ...)
- Nước mắm vừa đủ
- 200 g riềng xay; 100ml mẻ; 2 thìa nghệ; 1 thìa tiêu; 1 quả ớt hiểm; 2 củ hành khô; 2-3 cây sả
- Hành, thì là
- Gia vị: dầu ăn, dầu hào, mắm, bột canh, đường, mì chính.
Cách làm:
Cá rô phi phi lê rửa sạch, dùng khăn thấm khô và cắt làm 3-4 miếng vừa ăn.
Cho riềng xay vào một cái bát nhỏ trộn với ít sả, hành băm nhỏ, 2 thìa bột nghệ, 1 thìa hạt tiêu, 1 thìa mắm ngon, 1 thìa bột canh, 1 thìa đường, 2 thìa dầu hào và 2 thìa dầu ăn, 100ml mẻ (phần gia vị ước lượng sao cho vừa miệng). Trộn đều hỗn hợp lên.
Cho cá rô phi vào bát sâu lòng, từ từ cho hỗn hợp riềng sả vừa trộn vào, đeo bao tay và chà sát phần gia vị vào từng miếng cá để cá ngấm gia vị. Đậy màng bọc để cá vào ngăn tủ mát khoảng 30 phút.
Sau đó xếp cá lên vỉ nướng, dùng cọ quét thêm lớp dầu để khi nướng cá không bị khô.
Bạn có thể nướng cá bằng than hoa hoặc nếu dùng lò nướng thì nướng cá ở nhiệt độ 250 độ C (thỉnh thoảng lật cá và quét thêm lớp dầu rồi nướng đến khi cá chín).
Xếp cá nướng riềng mẻ ra đĩa thưởng thức khi cá còn nóng. Cá nướng riềng mẻ có thể gói ăn kèm với khế, chuối xanh và các loại rau thơm nhé.
Theo eva.vn
Chủ nhật vào bếp nấu ngay 5 món này đảm bảo chồng con chỉ ở nhà không ra khỏi cửa Với độ hấp dẫn của các món ăn này chắc chắn gia đình bạn sẽ có bữa cơm cuối tuần siêu ngon. BÒ CUỐN LÁ CẢI Nguyên liệu: - Thịt bò thăn - Lá rau cải xanh - Đồ cuốn: Dứa, dưa chuột, cà rốt, chuối xanh, gừng (có thể mua thêm khế chua nếu thích). - Bánh đa nem loại cuốn ăn...