Cách làm bạch tuộc nướng sa tế cay nồng, không tanh khi trời lạnh
Bạch tuộc nướng sa tế với vị cay của sa tế cùng vị ngọt, giòn của bạch tuộc rất thích hợp lai rai cùng bạn bè vào những ngày gió lạnh.
Nguyên liệu làm bạch tuộc nướng sa tế
Bạch tuộc: 1 con khoảng 500 gr
Tỏi : 3 tép
Gừng: 1 nhánh nhỏ
Hành tím: 3 củ
Sả: 3 nhánh
Ớt: 4 trái
Sa tế: 3 thìa cà phê
Gia vị ướp nướng: 1 thìa cà phê. Bạn có thể mua gia vị ướp nướng tại siêu thị hoặc các cửa hàng tạp hóa đều có bán
Màu dầu điều: 3 thìa cà phê
Đường: 1 thìa cà phê
Hạt nêm: 1 thìa cà phê
Ớt bột: 1/2 thìa cà phê
Bạch tuộc nướng sa tế vị cay đậm đà, khó quên (Ảnh: Ngoisao)
Các bước làm bạch tuộc nướng sa tế
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Bạch tuộc mua về làm sạch ruột, rửa sạch rồi dùng chanh chà xát lên khắp mình bạch tuộc, rửa sạch lại với nước.
Video đang HOT
Hành tím, tỏi, sả, gừng, ớt cắt nhỏ rồi xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố. Nếu không có cối xay bạn có thể bằm nhuyễn cũng được.
Bước 2: Ướp bạch tuộc
Lấy các nguyên liệu gồm sa tế, gia vị ướp nướng, đường, ớt bột, hạt nêm, màu dầu điều tất cả trộn chung với hành, tỏi, sả, gừng, ớt đã xay nhuyễn ở trên trộn đều rồi tiến hành ướp bạch tuộc.
Dùng giấy thấm bớt nước ở bạch tuộc sau đó đổ hỗn hợp ướp vào bạch tuộc. Bạn đeo bao tay trộn hỗn hợp ướp thật đều. Ướp bạch tuộc trong vòng 30 phút rồi đem nướng.
Bước 3: Nướng bạch tuộc
(Ảnh: Dienmayxanh)
Bạn nướng trên bếp nướng điện, khi nướng lật giở liên tục để bạch tuộc không bị cháy.
Bạch tuộc chín bạn cắt khúc vừa ăn, bày ra đĩa ăn kèm dưa leo, rau răm. Chấm bạch tuộc với tương ớt hoặc muối ớt xanh đều ngon.
Hoàng Ly
Những quán nướng hấp dẫn ở Hà Nội
Những địa chỉ dưới đây sẽ là những điểm đến thú vị trong ngày đông Hà Nội.
Quán nướng lụi phố Phạm Ngọc Thạch
Quán này nằm trong một con ngõ của phố Phạm Ngọc Thạch nhưng rất dễ tìm. Quán có mặt tiền khá lớn với khoảng vỉa hè rộng rãi thoáng đãng, lý tưởng cho ăn lẩu nướng ngoài trời. Buổi trưa và tối là lúc đông khách nhất. Đặc biệt, mỗi loại thức ăn cô có một cách tẩm ướp khác nhau. Chẳng hạn ba chỉ hơi ngòn ngọt, bạch tuộc thì chua cay còn thịt bò lại đậm đà, rất thơm... Nhưng giá cả mới là điểm khiến khách "giật mình" nhất. Ở đây bán theo set 250.000 đồng với hai đĩa lớn, rất đầy đặn với khoảng 7-8 món như thịt bò, thịt lợn ba chỉ, nầm, thịt gà, bạch tuộc, hàm heo... Chưa kể có 2 chiếc bánh mì bơ ăn kèm, nên set nướng này đủ cho 3-4 khách no nê, thoải mái. Chủ quán cũng linh động, nếu đi ít người bạn có thể gọi set 200.000 đồng, định lượng ít hơn.
Tuy vậy, vì đây là món mới nên đồ nướng chỉ được phục vụ sau 17h hàng ngày.
Địa chỉ: 101B - B2 khu tập thể Trung Tự, Hà Nội (vào ngõ 46A đường Phạm Ngọc Thạch khoảng 50m, rẽ trái).
Quán ngói 13
Đây là một quán chuyên về các món nướng ngói và lẩu Thái tuy mở chưa lâu nhưng cũng đã thu hút được khá nhiều bạn trẻ vì giá cả hết sức hữu nghị mà chất lượng thì khá là ổn.
Các món ăn được nướng trên ngói khá lạ và theo anh chị chủ quán giới thiệu thì nướng trên ngói sẽ tạo vị ngon hơn cho các món ăn, mà vừa tránh được khói than lại vừa không bị ngấm dầu ăn.
Tuy nhiên quán lại có một vài điểm trừ là quán mới mở nên nhân viên phục vụ hơi chậm, và nướng trên ngói thì phải chờ ngói nóng nên hơi lâu lúc ban đầu một chút, địa điểm quán lại nằm phía dưới cầu vượt Bạch Mai - Phố Huế nên hơi khuất. Bù lại thì anh chị chủ quán ở đây lại cực kỳ nhiệt tình.
Quán mực nướng phố Mã Mây
Con phố Mã Mây (Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với những hàng nướng nhưng giờ đây dường như phố nướng này đã quá tải. Hàng nào cũng đông nghìn nghịt khách, đi từ đầu phố, mùi bơ, mùi khói đã nghi ngút.
Hiện tại, hầu hết các hàng đều sử dụng bếp cồn nhưng trên phố Tuệ Tĩnh, có hàng Lẫn Quán phục vụ khách bằng bếp than hoa. Khác với bếp cồn có thể điều chỉnh lửa dễ dàng bằng cần gạt, bếp than hoa đòi hỏi mất chút ít công sức của cả chủ hàng và người ăn.
Ở Lẫn Quán cũng có đủ các món nướng chế biến từ thịt lợn, thịt bò, mực, bạch tuộc... Ở đây, chủ vận dụng sự sáng tạo để đặt ra những cái tên món ăn câu khách như răng mực nướng mọi, lẫn quán, sườn Đại Hàn, nấm tươi nướng sốt Lẫn, kong kong nướng, nhồng hoang nướng bơ tỏi, bạch tuộc baby nướng bơ tỏi, zai zai cơ trai... Tuy nhiên, không phải lúc nào các món có trong thực đơn đều sẵn sàng đáp ứng..
Giá mỗi đĩa nguyên liệu để nướng khoảng 40.000 - 50.000 đồng.
Phố chân gà nướng Lý Văn Phúc
Chân gà nướng là món ăn đơn giản. Bí quyết chủ yếu chính là kĩ năng tẩm ướp khéo với mật ong và các loại gia giảm Sao cho ngấm, sau đó nướng trên than hoa đến khi bên trong chín đều, còn bên ngoài vàng ươm, ăn giòn tan và thơm lựng.
Ăn món này thú vị ở chỗ bạn phải chịu khó nhẩn nha "gặm nhấm" thật kĩ thì mới tận hưởng được hết cái cảm giác giòn giòn, dai dai, ngòn ngọt của món ăn.
Hơn nữa thực đơn khá rẻ: chân gà 5.000 đồng/xiên, cánh gà 15.000 đồng/xiên nên ở đây thực khách có thể mặc sức ngồi lai rai cả buổi tối, rôm rả với bao câu chuyện thú vị.
Nhắng nướng phố Đại Cồ Việt
Gọi là phố nướng có lẽ hơi "ngoa", vì dọc Đại Cồ Việt chỉ có đôi ba quán Nhắng. Tuy nhiên, nơi đây là mảnh đất đầu tiên cho ra đời món ăn độc đáo này ở Hà Nội.
Hơn nữa, quán khai sinh ra món "Nhắng nướng" giờ đây đã phát triển và chuyên nghiệp tới mức khiến người ta tưởng tượng như quán trải dài khắp phố Đại Cồ Việt.
Bạn có thể ghé thăm địa chỉ 81 Đại Cồ Việt. Vào tầm 20h-21h tối, bạn sẽ chứng kiến cảnh bao thanh niên ngồi chật kín từng centimet khu vỉa hè rộng lớn, bất chấp cái nóng nực bên bếp than hoa, bất chấp cái khói cay xè mắt, họ ngồi ăn nhậu với nhau hàng tiếng đồng hồ mà vẫn không muốn dừng câu chuyện.
Để hỏi "nhắng" là con gì thì không ai cắt nghĩa được vì đây chỉ là tên chung của các loại đồ mướng rất phong phú như thịt ba chỉ, lòng, tràng, nầm, bò, bạch tuộc... Có lẽ chủ quán nghĩ ra cái tên này cũng để thu hút sự chú ý của thực khách.
Mực nước Hàng Bồ
Khác với những con phố trên, phố mực nướng chỉ sống về đêm, tức là khoảng 21h-22h trở đi. Lúc này, mọi sạp hàng chuyên bán phụ liệu may mặc của phố Hàng Bồ đã đóng cửa hết, các chủ quán mực nướng vỉa hè mới có dịp "tung hoành".
Chỉ với một cái bếp than hoa nhỏ, một mẹt mực khô, 5-7 chiếc chiếu, thế là bất cứ nơi đâu trên con phố này đã có thể mọc lên một tiệm mực nướng.
Quán nướng 5 trong 1
Các món này được bày trong 1 khay to thay cho những chiếc đĩa đơn lẻ. Nhìn rất hấp dẫn bởi đủ màu sắc nào là màu vàng của bắp ngô ngọt, màu nâu nâu của những chiếc nấm rơm, màu trăng non nà của nấm kim châm hay màu đỏ ửng của thịt đà điều, màu đen đen của cay cay của trai...
Tất nhiên món "sở trường" của quán vẫn là bạch tuộc nướng, bạch tuộc to mà giá chỉ có 50k một đĩa thôi. Sau khi tẩm ướp bằng những gia vị độc đáo, miếng bạch tuộc to chín tới tỏa ra một vị thơm khó tả dưới lớp than hồng, sần sật, giòn giòn trong miệng.
Địa chỉ: Quán nướng 5 trong 1, số 5 Hoàng Tích Trí, Đống Đa, Hà Nội
Phố lòng nướng Korean ở Gầm Cầu
Phố Gầm Cầu nổi tiếng được biết đến là địa chỉ của những quán nướng quen thuộc trong giới trẻ ở Hà Nội. Tại đây có món lòng, dạ dày, tràng, cổ hũ, bò, nầm... nướng. Nầm là món dễ ăn nhất ở quán lòng nướng gầm cầu. Món ăn này vừa mềm lại vừa giòn, ăn rất dễ vào.
Dãy quán ăn này thường bắt đầu vào khoảng 5, 6 giờ chiều và mãi đến tối muộn mới đóng cửa. Món ăn chủ đạo của những dãy hàng này là món nướng. Bạn có thể gọi một suất bò để tự nướng trên bếp với giá 70.000 đồng/suất, hoặc gọi riêng từng đĩa thức ăn đã nướng sẵn (sẽ đắt hơn).
Theo Saoonline
Bạch tuộc - món ngon Sài Gòn hấp dẫn giới trẻ Bạch tuộc có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như hấp gừng, làm gỏi, nướng sa tế... Thời gian gần đây, những món ăn cuốn hút từ bạch tuộc đã có mặt ở khắp các quán ăn từ sang trọng đến bình dân tại Sài Gòn. Đây là những món ăn đặc sản rất quen thuộc của người dân miền biển...