Cách “khai màn” G20 đầy bất ngờ của Putin
Trong một cách được cho là không mấy khôn khéo để bắt đầu một hội nghị của các nhà lãnh đạo thế giới, ngày 4/9, ngay trước khi chủ trì hội nghị G20 ở St Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc chính quyền Obama nói dối Quốc hội Mỹ.
Ông bình luận rằng các nhà lập pháp Mỹ đang bị hút vào việc ủng hộ một cuộc tấn công quân sự chống lại Syria.
“Chúng ta nói với những người này. Chúng ta cho rằng họ tử tế. Nhưng ông ấy nói dối”, Putin nói về Ngoại trưởng Mỹ John Kerry. “Và ông ấy biết mình dối trá. Thật không hay”.
Những bình luận này được đưa ra ngay trước thềm một cuộc bàn thảo cấp thiết toàn cầu về cách thức phản ứng trước cáo buộc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô thủ đô Damascus ngày 21/8. Ít nhất về vấn đề này, giọng điệu của ông Putin đã để lại rất ít chỗ trống cho hy vọng về một sự thỏa hiệp tại hội nghị G20 hoặc bên lề của sự kiện này.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn tỏ vẻ cứng rắn khi ông lên đường tới St Petersburg hôm 4/9, tiếp tục giữ một chút lạc quan về triển vọng Kremlin sẽ thay đổi lập trường đối với vấn đề Syria.
“Liệu tôi có hy vọng rằng ông Putin sẽ thay đổi quan điểm về một số vấn đề hay không ư? Tôi luôn hy vọng, và tôi sẽ tiếp tục thuyết phục ông ấy”, Tổng thống Obama cho biết tại một cuộc họp báo ở Thụy Điển, nơi ông đang thăm trước khi tiếp tục lên đường tới Nga.
Những ngày qua đã chứng kiến nhiều căng thẳng nghiêm trọng giữa Nhà Trắng và Kremlin. Tháng trước, Obama đã hủy một cuộc gặp với Tổng thống Putin dự kiến diễn ra trước hội nghị G20, lần đầu tiên một sự kiện như vậy giữa hai nhà lãnh đạo Nga Mỹ bị hủy trong 53 năm.
Viện dẫn bế tắc về nhiều vấn đề, từ nhân quyền tới hạn chế vũ khí hạt nhân, và cả việc Nga đồng ý cho người tiết lộ bí mật quốc gia Mỹ Edward Snowden tị nạn hồi tháng 7, Tổng thống Obama tuyên bố chính quyền của ông đang nhấn nút “tạm ngừng” trong quan hệ với Nga.
Video đang HOT
Ông chủ Nhà Trắng còn nói thêm rằng thái độ ủ dột của Putin trong các cuộc gặp trước đó của họ giống như của một “đứa trẻ buồn chán ở phía sau lớp học”.
Trong nhiều tuần, nhà lãnh đạo Nga tránh né phản pháo. Kremlin chỉ bình luận họ “thất vọng” trước quyết định của Obama.
Ngày 3/9, Ông Putin dường như còn đưa ra một tín hiệu hòa giải. Trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin AP, Putin cho biết ông không “loại trừ” việc Moscow ủng hộ một cuộc tấn công quân sự chống lại Syria, một đồng minh lâu năm của Nga. Tuy nhiên, ông đưa ra một “điều kiện cực kỳ nguyên tắc” cho một hành động như vậy – Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nơi Nga có quyền phủ quyết, phải được trình bằng chứng không thể chối cãi rằng cuộc tấn công gần Damascus là do chính phủ Syria thực hiện, như Nhà Trắng cáo buộc.
Bất kỳ một cuộc tấn công bên ngoài nào nhằm vào Syria mà không được Liên Hợp Quốc chấp thuận, theo ông Putin, thì “không khác gì một cuộc xâm lược”.
Thông điệp chung của cuộc phỏng vấn – trong đó Putin khuyên Mỹ “không bực mình, hãy kiên nhẫn một chút và nỗ lực hướng tới tìm ra các giải pháp” – để ngỏ cánh cửa cho một sự hòa hợp tại G20.
Tuy nhiên, ngay hôm sau, tín hiệu đó dường như đã tan biến. Tại một cuộc gặp với hội đồng nhân quyền ở Kremlin, Tổng thống Putin cho biết ông đã xem Ngoại trưởng Mỹ Kerry trình bày lý do cho một cuộc tấn công chống Syria với các nhà lập pháp Mỹ, những người dự kiến sẽ bỏ phiếu ủng hộ hành động quân sự trong những ngày sắp tới.
“Tất nhiên ông ta đã nói dối. Và điều đó không hay lắm”, ông Putin bình luận.
Trong khi nhiều đại biểu sẽ bị rối trí trong cuộc tranh luận về Syria ở bên lề hội nghị, nghị trình chính thức của G20 đặt ra một mục tiêu toàn cầu về cách thức chống gian lận thuế, tạo việc làm và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế thế giới. Trách nhiệm khiến các đại biểu chú ý đến những mục tiêu này sẽ chủ yếu đè lên vai Ksenia Yudaeva, đại diện của Nga ở G20.
“Ít nhất đôi lần trước, nghị trình tổng thể đã bị đẩy xuống đáy bởi vì điều gì đó bùng nổ”, bà nói. Tại hội nghị G20 năm ngoái, các đại biểu đã hướng sự chú ý vào tình trạng đổ vỡ tài chính ở Hy Lạp. “Năm nay, chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để tránh điều đó”, bà Yudaeva nói thêm.
Nhưng với các tên lửa Mỹ đang ở tư thế hướng vào một đồng minh then chốt của Nga thì việc duy trì trọng tâm vào nghị trình kinh tế G20 có thể sẽ là căn nguyên thất bại. Và mặc dù thời tiết được dự báo là rất đẹp trong tuần này ở St Petersburg thì bầu không khí bên trong Cung điện Konstantin nhiều khả năng sẽ lạnh như mùa đông băng giá của nước Nga.
Theo khampha
Putin "bộc bạch" về Obama
Tổng thống Nga Putin hôm nay 4/9 đã phủ nhận thông tin cho rằng ông có mối quan hệ cá nhân không mấy tốt đẹp với Tổng thống Mỹ Obama và ca ngợi người đồng cấp Mỹ là người thẳng thắn và "thú vị".
Mối quan hệ giữa ông Putin-Obama tại G8 hồi tháng 6 đã bị báo giới cho là lạnh nhạt
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Channel One của Nga trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 tại Saint Petersburg vào ngày mai 5/9, ông Putin đã khen ngợi ông Obama là một đối tác "thẳng thắn, nhanh nhạy". "Tất cả các cuộc nói chuyện của chúng tôi có bản chất xây dựng, rất thiết thực và khá thẳng thắn", ông Putin cho biết trong cuộc phỏng vấn được phát vào ngày hôm nay 4/9.
Tổng thống Nga Putin còn ca ngợi Tổng thống Mỹ là một người đối thoại rất tốt và ông cảm thấy rất "thú vị" khi làm việc cùng ông Obama.
Sau khi ông Putin trở lại điện Kremlin trong nhiệm kỳ ba vào năm ngoái, mối quan hệ với Mỹ đã bị xấu đi nghiêm trọng trước hàng loạt vấn đề, trong đó có cuộc khủng hoảng Syria và nhân quyền. Căng thẳng bị đẩy lên cao độ sau khi Nga cấp giấy tị nạn cho Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo Mỹ, người hé lộ bí mật nghe lén điện thoại, theo dõi internet rộng khắp của chính quyền Mỹ. Động thái của Nga đã khiến ông Obama hủy chuyến công du song phương đã được lên kế hoạch tới Mátxcơva, trước thềm hội nghị G20.
Ông Putin đã thừa nhận ông thất vọng trước quyết định của Tổng thống Mỹ, nhưng nhấn mạnh sự việc không phải là "thảm họa" và ông hiểu một số quyết định của Mátxcơva không thể làm "vừa lòng" chính quyền Mỹ.
"Tôi cho rằng sẽ tốt nếu tất cả chúng ta không nóng giận, kiên nhẫn và tìm ra giải pháp".
Trước đó, Kremlin cho biết không có một cuộc gặp song phương hoặc thậm chí là đàm phán không chính thức nào được lên kế hoạch giữa Obama và Putin tại G20. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga cho biết ông mong đợi được trao đổi với ông Obama.
Cuộc gặp gần đây giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ là tại hội nghị G8 ở BắcIreland hồi tháng 6. Cuộc gặp khi đó giữa hai ông bị xem là lạnh nhạt. Các nhà báo đã "soi" kỹ ngôn ngữ cử chỉ của họ và đánh giá họ có vẻ như không thoải mái với nhau.
Sau đó, ông Obama đã thừa nhận ông Putin thường trông có vẻ như là "đứa trẻ rầu rĩ ngồi phía sau lớp học".
Trong khi đó, ông Putin cho biết ông ngạc nhiên khi nghe các nhà quan sát "dịch" ngôn ngữ cơ thể của họ.
"Đôi khi tôi bất ngờ khi đọc về ngôn ngữ cử chỉ, về việc chúng tôi chán chường thế nào...Ai có thể nói điều gì trong đầu và trong tim chúng tôi ngoại trừ chúng tôi?"
"Dĩ nhiên có một số cử chỉ được hiểu thấy ngay, nhưng không ai từng được chứng kiến ngôn ngữ cử chỉ như thế của tôi đối với ông Obama hoặc của ông Obama với tôi và tôi hi vọng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra", ông Putin cho hay.
"Và phần còn lại chỉ là tưởng tượng bịa đặt".
Theo Dantri
Mỹ kêu gọi sự ủng hộ của Pháp để tấn công Syria Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày hôm qua đã kêu gọi sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Francois Hollande trước khi quyết định tham khảo ý kiến Quốc hội Mỹ về việc can thiệp quân sự vào Syria. Sau khi Quốc hội Anh bác bỏ đề xuất can thiệp quân sự vào...