Cách giúp bạn “đánh bật” những nốt mụn khó ưa trên lưng và cơ thể
Một số bước đơn giản có thể giúp bạn loại bỏ được những nốt mụn khó ưa trên lưng, ngực và cánh tay, trả lại một làn da khỏe mạnh, mịn màng.
Mụn lưng là vấn đề nhiều người gặp phải. (Ảnh: iStock)
Mụn không chỉ xuất hiện trên mặt mà chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng trên cơ thể, đặc biệt là lưng, ngực và hai cánh tay.
Đây là vấn đề rất nhiều người gặp phải, không chỉ gây khó chịu mà còn khiến nhiều người tự ti với làn da của mình.
Nguyên nhân gây ra mụn trên lưng và cơ thể
Bất cứ ai cũng có thể xuất hiện mụn ở lưng, ngực và cánh tay. Mụn thường xuất hiện ở dạng mụn đỏ, mụn đầu trắng, u nang, mụn đầu đen, mụn viêm hay mụn trứng cá.
Nguyên nhân gây mụn là bởi các tuyến dầu nằm dưới lớp da (ngoại trừ lòng bàn tay và lòng bàn chân), trong một số điều kiện nhất định, chúng sẽ tiết ra quá nhiều bã nhờn và dẫn đến những nốt mụn khó ưa.
Chức năng chính của sợi bã nhờn là bảo vệ da, nhưng khi tiết ra quá nhiều (do căng thẳng, mất cân bằng nội tiết tố hoặc yếu tố di truyền), làn da trở nên bóng nhờn và dễ bị lên mụn.
Các nang lông bít tắc tạo điều kiện cho vi khuẩn “ẩn náu” và phát triển trên bề mặt da, dẫn đến viêm nhiễm ở khu vực xung quanh và gây ra mụn trứng cá.
Vi khuẩn rất dễ tích tụ ở lưng và ngực vì những vùng này trực tiếp tiếp xúc với quần áo bị bẩn, đặc biệt là mồ hôi, nếu bạn ở nơi có khí hậu nóng hoặc sau khi tập thể dục.
Mụn trên cơ thể không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ. (Ảnh: iStock)
Không chỉ vi khuẩn, nhiễm trùng nấm men trong nang lông cũng là tác nhân gây ra “sự bùng phát mụn.”
Nấm men là một loại nấm thường thấy trên da, nhưng chỉ gây ra mụn khi nấm phát triển ở mức bất thường, được gọi là viêm nang lông pitrosporum hoặc “mụn trứng cá do nấm” (về mặt y học, đây là một tình trạng da khác không phải là mụn trứng cá)
Mụn trứng cá do nấm không giống như mụn trứng cá do nhiễm vi khuẩn và có hướng điều trị khác, thường là dùng thuốc chống nấm theo kê đơn của bác sỹ.
Tuy bề ngoài có vẻ giống mụn trứng cá nhưng mụn do nấm sẽ gây ngứa. Nếu nghi ngờ rằng bản thân bị mụn trứng cá do nấm, bạn cần tham khảo ý kiến bác sỹ da liễu ngay lập tức.
Theo chuyên gia Eileen Tan tại Phòng khám da liễu Eileen Tan Skin (Singapore), nhiều bã nhờn và tế bào da chết trên da gây bít tắc lỗ chân lông, khiến làn da con người bị viêm nhiễm.
Mụn trên cơ thể có thể không nổi nhiều như trên mặt, nhưng nếu không điều trị dứt điểm sẽ để lại sẹo và vết thâm trên da.
Cách ngăn ngừa và điều trị mụn trên cơ thể
Video đang HOT
Nếu bạn đang gặp vấn đề với những nốt mụn ở lưng, ngực hoặc vai thì dưới đây là một số giải pháp để giảm bớt vấn đề về mụn trên cơ thể. Tất nhiên, bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sỹ da liễu nếu trường hợp mụn của bạn nghiêm trọng.
Giữ gìn vệ sinh cá nhân
Giữ vệ sinh cá nhân là điều vô cùng quan trọng nếu bị mụn trên cơ thể hoặc viêm nang lông pitrosporum, bởi nếu không, tình trạng bị mụn sẽ trở nên trầm trọng hơn do sự phát triển của vi khuẩn và các vi sinh vật khác trên da.
Nhiệt độ, mồ hôi và mặc quần áo chật đều có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. “Đôi khi rất khó để tránh những điều này, nhưng hãy hạn chế ở mức tối đa,” bác sỹ Tan cho biết.
Hãy lựa chọn trang phục rộng rãi, thoáng khí để tạo điều kiện cho da được “thở’ và thấm hút mồ hôi tốt hơn. Tránh mặc quần áo bó sát với các chất liệu như nylon, polyester,… bởi chúng sẽ khiến da bí bách.
Cảnh giác với những đồ dùng chung ở phòng tập
“Hãy tắm rửa sạch sẽ sau khi tập thể dục để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn, đồng thời nên thay một bộ quần áo sạch sẽ sau khi tập luyện.”
Chuyên gia da liễu lưu ý mọi người không nên vào phòng xông hơi sau khi tập luyện đổ mồ hôi, bởi nhiệt độ cao cũng như vi khuẩn sống trong môi trường ẩm sẽ khiến mụn trứng cá trên cơ thể nghiêm trọng hơn.
“Tốt nhất bạn nên sử dụng khăn cá nhân thay vì khăn chung khi đến phòng gym,” bác sỹ Tan nói.
Một lưu ý khác là nên mặc áo phông bên ngoài áo tập khi tập luyện nhằm bảo vệ làn da tránh tiếp xúc với vi khuẩn, đặc biệt là vùng lưng, ngực hoặc vai tiếp xúc với thảm tập chung hoặc dụng cụ tập thể dục.
Sử dụng loại sữa tắm trị liệu
Thay vì sử dụng xà phòng hay sữa tắm thông thường, hãy lựa chọn các sản phẩm làm sạch cơ thể dành riêng cho da mụn.
Sử dụng sữa tắm đặc trị. (Ảnh: iStock)
Những loại sữa tắm đặc trị chứa hoạt chất benzoyl peroxide, giúp tiêu diệt vi khuẩn trên bề mặt da và trong nang lông, đồng thời có tác dụng chống viêm đối với những nốt mụn đang “hoành hành.”
Axit salicylic là một thành phần khác được sử dụng để điều trị mụn trứng cá, làm giảm vấn đề tắc nghẽn trong nang lông, ngăn ngừa mụn trứng cá hình thành và phát triển.
Thuốc xịt trị mụn cơ thể
Bôi thuốc trị mụn là điều bắt buộc, nhưng để bôi vào các vùng đằng sau như lưng là rất khó, trừ khi bạn đã quen hoặc có người giúp đỡ. Thuốc xịt trị mụn là một cách giải quyết nhanh chóng, tiện lợi mà bạn có thể cân nhắc.
“Có thể thử dùng các loại thuốc có thành phần như benzoxyl peroxide hay axit salicylic để điều trị mụn trứng cá vì các sản phẩm đó luôn có sẵn ở hiệu thuốc. Tuy nhiên, sau 4-6 tuần mà không thấy hiệu quả, tôi khuyên bạn nên đi khám. Trong những ca ‘khó nhằn’ như vậy, bác sỹ da liễu có thể kê cho người bệnh thuốc kháng sinh và sản phẩm chứa retinoids,” bác sỹ Tan chia sẻ.
Tẩy da chết cơ thể thường xuyên
Tẩy da chết nhẹ nhàng bằng sản phẩm tẩy tế bào chết AHA hoặc BHA nhẹ có thể hữu ích để điều trị mụn trứng cá trên cơ thể hoặc các vết thâm do mụn để lại.
Bác sỹ Tan giải thích: “Tẩy da chết nhẹ có thể làm giảm mụn trứng cá và làm nhạt màu những vết sẹo mụn trứng cá để lại.”
Tẩy da chết hóa học nhẹ nhàng hơn so với tẩy tế bào chết dạng hạt và ít gây kích ứng da bị mụn trứng cá .Nhưng hãy lưu ý chọn sản phẩm dành cho da nhạy cảm để không có nguy cơ làm tình trạng da trở nên tồi tệ hơn.
Tóc, dây đeo túi, đồ trang sức cũng có thể là tác nhân gây mụn
Đối với những người có mái tóc dài và thường xuyên để tóc xõa chạm vào vùng lưng, vai hoặc ngực có thể lây lan vi khuẩn đến những vùng này, gây kích ứng da và khiến tình trạng mụn trầm trọng hơn. Nếu bạn bị nổi mụn ở những vùng da này, hãy buộc tóc gọn lên.
Đồ trang sức, dây đeo túi và balô cũng mang vi khuẩn và gây ra mụn trứng cá do sự ma sát và kích ứng da. Nếu bị mụn cơ thể, hãy ngưng đeo đồ trang sức để tránh tiếp xúc với các vùng bị ảnh hưởng.
Đeo túi xách, ba lô là điều không tránh khỏi, tuy nhiên việc mặc quần áo ít nhất sẽ che phủ những khu vực dễ lên mụn và tạo “hàng rào bảo vệ” làn da./.
Dấu hiệu da thiếu vitamin C và cách bổ sung
Vitamin C là một vi chất cần thiết đối với cơ thể. Khi thiếu vitamin C, không chỉ ảnh hưởng đến một số chức năng của cơ thể mà còn có các biểu hiện xấu ở ngoài da.
Vậy da thiếu vitamin C có dấu hiệu gì trên da và nên bổ sung như thế nào?
Da sần sùi khi thiếu vitamin C
Vitamin C là một thành phần quan trọng trong quá trình tổng hợp và sản xuất collagen. Hơn nữa vitamin C còn giúp việc hấp thụ và kết dính các sợi collagen lại với nhau bền vững hơn. Collagen là một loại protein có nhiều trong các mô liên kết như tóc, da, khớp, xương và mạch máu. Do đó vitamin C chính là một vi chất gián tiếp có tác dụng giúp làm da mịn màng, chống lão hóa.
Khi mức vitamin C trong cơ thể thấp hơn bình thường, ngoài việc khiến da khô nẻ, móng và tóc dễ bị khô xơ còn khiến tình trạng dày sừng nang lông phát triển. Khi bị dày sừng nang lông, da sẽ trở nên sần sùi do tích tụ keratin bên trong lỗ chân lông.
Vitamin đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể.
Tình trạng dày sừng nang lông liên quan đến quá trình mọc lông. Các sợi lông có thể bị bít tắc khó trồi lên dẫn đến viêm nang lông. Hoặc hình dáng sợi lông mọc lên ở dạng uốn cong hoặc cuộn lại.
Uống bổ sung vitamin C có thể điều trị triệu chứng này trong vòng hai tuần.
Tình trạng dày sừng nang lông, viêm nang lông... xảy ra do thiếu vitamin C là một quá trình từ từ, sau vài tháng cơ thể liên tục không được bổ sung đầy đủ vitamin C. Nhưng các tình huống này cũng có nhiều nguyên nhân khác gây ra, do đó nếu gặp tình trạng này thì nên đi khám da liễu để biết được nguyên nhân và điều trị. Nếu là do thiếu vitamin C thì chỉ cần bổ sung đủ trong một thời gian từ 2 tuần đến 1 tháng tình trạng này sẽ hết.
Thiếu vitamin C nguy hiểm thế nào?
Da khô nhăn và dễ bị tổn thương khi thiếu vitamin C
Vitamin C - chất chống oxy hóa, giúp làn da khỏe mạnh bằng cách bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím, các chất ô nhiễm từ môi trường như khói thuốc lá, khói bụi... Vitamin C thúc đẩy sản xuất collagen, do đó giữ cho làn da đầy đặn và trẻ trung.
Khi cơ thể thiếu hụt vitamin C có thể làm tăng tình trạng da khô và nhăn cả ở người bình thường và người có sẵn các bệnh lý ngoài da như viêm da cơ địa...
Ngoài tác dụng thúc đẩy sản xuất collagen giúp quá trình tái tạo và sửa chữa các tổn thương da tốt hơn thì vitamin C còn giúp bạch cầu trung tính hoạt động tốt. Hơn nữa, nó còn giúp các mạch máu khỏe mạnh và quá trình đông máu tốt hơn. Vì vậy khi cơ thể thiếu vitamin C không chỉ các vết thương ngoài da chậm lành mà các triệu chứng khác như da dễ bị bầm tím, dễ chảy máu, máu khó đông hơn...
Móng tay giòn, dễ gãy
Vitamin C đóng vai trò quan trọng đối với quá trình hấp thu sắt của cơ thể. Hơn nữa, trong thành phần của móng tay, móng chân thì collagen là một protein rất quan trọng cấu tạo nên. Do đó khi thiếu vitamin C khiến cơ thể thiếu máu do thiếu sắt và quá trình tổng hợp collagen bị hạn chế dẫn đến móng phát triển chậm hơn thông thường.
Móng tay, móng chân khi thiếu vitamin C sẽ có dạng hình thìa, lõm vào trên bề mặt móng. Móng thường mỏng, giòn và dễ gãy.
Cách bổ sung vitamin C mỗi ngày
Vitamin C là một vi chất rất quan trọng nhưng cơ thể không tự sản xuất được. Hơn nữa, là một vitamin tan trong nước, nên nó rất dễ bị đào thải qua đường tiểu. Do đó việc bổ sung vitamin C phải thông qua thực phẩm mỗi ngày.
Vitamin C được cơ thể hấp thụ chủ yếu tại ruột non, khoảng 90mg đối với nam giới và 75mg đối với nữ giới.
Với người thường xuyên hút thuốc được khuyến nghị tăng 35mg mỗi ngày. Do thuốc lá làm giảm sự hấp thụ vitamin C của cơ thể.
Đối với phụ nữ mang thai thì nhu cầu sử dụng vitamin C cũng cao hơn mức khuyến nghị trên. Người càng cao tuổi nhu cầu cung cấp vitamin C càng tăng.
Bổ sung vitamin C đầy đủ giúp làn da sáng mịn.
Cách bổ sung vitamin C tốt nhất là qua đường thực phẩm. Do đó, trong chế độ ăn hằng ngày cần tăng cường những thực phẩm giàu vitamin C vào bữa ăn. Rất đa dạng các nhóm rau củ quả giàu vitamin C như: Măng tây, bông cải xanh, cà chua, cần tây, dứa, táo, ổi, cam, quýt, bưởi...
Vitamin C cũng có trong các loại thực phẩm chức năng, thuốc dạng viên nén, viên nang, dạng viên sủi, dạng lỏng... Tuy nhiên, chỉ bổ sung ở dạng này khi cơ thể gặp phải vấn đề hấp thu vitamin C hoặc chế độ dinh dưỡng không thể cung cấp đủ.
Mặc dù nhanh chóng được đào thải qua bài tiết, nhưng nếu cơ thể nạp quá nhiều vitamin C trong một thời gian cũng gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể như làm tăng nguy cơ đau dạ dày, tiêu chảy, sỏi thận... Do đó không nên lạm dụng các thực phẩm chức năng và thuốc để cung cấp vitamin C.
Những mỹ phẩm nên và không nên dùng cùng nhau Nhiều người có thói quen sử dụng nhiều loại mỹ phẩm để chăm sóc da. Tuy nhiên, nếu sử dụng các loại mỹ phẩm không tương thích với nhau sẽ làm giảm hiệu quả, thậm chí có thể xảy ra bất lợi cho người dùng. Mỗi sản phẩm mỹ phẩm thường có một mục tiêu cụ thể, như làm dịu da, chống lão...