Cách giáo dục giới tính cho trẻ
Có phải dạy con mình kiến thức về giới tính hay không, dạy lúc nào là phù hợp, và nên bắt đầu như thế nào?…Đó là những băn khoăn của không ít bậc phụ huynh.
Giáo dục giới tính là vấn đề mà hiện nay các bậc phụ huynh cũng như xã hội đặc biệt quan tâm. Tuy nhên, đa số các bậc phụ huynh cảm thấy băn khoăn về việc phải có cách nhìn như thế nào mới đúng về việc có phải dạy con mình kiến thức về giới tính hay không, dạy lúc nào là phù hợp, và nên bắt đầu như thế nào?…
Tại nhiều nước khác trên thế giới, giáo dục giới tính thường được tích hợp vào nhiều bài học bắt buộc, chủ yếu như một phần của các bài giảng về sinh học (ở các lớp thấp) và sau đó trong các bài giảng liên quan tới các vấn đề sức khoẻ nói chung, vấn đề quan hệ tình dục. Họ dành nhiều giờ học và thậm chí là cung cấp bao cao su cho các học sinh ở lớp tám và lớp chín.
Riêng Việt Nam thì được đánh giá là một xã hội bảo thủ, tỷ lệ giáo dục giới tính trong trường học rất thấp (chỉ có khoảng 0.3% trường Trung học phổ thông có đưa giáo dục giới tính vào giảng dạy cho học sinh.) Kết quả là trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 80-90% là học sinh, sinh viên, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ I thế giới. Tuy nhiên, không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho nhà trường và xã hội, mà mỗi bậc phụ huynh phải tự thân lo cho con mình, nếu không muốn chúng sai lầm và lãnh hậu quả.
Có một số người chủ trương rằng tình dục là chuyện thoải mái, tự nhiên, thanh niên có thể tự do khám phá, vấn đề là phải biết cách phòng tránh thai và các bệnh lây lan qua đường tình dục. Trong khi đó, một số người dường như cự tuyệt với vấn đề này vì đó là chuyện “phàm trần, tục tĩu, chuyện kín giấu”…Văn hoá của người Việt cũng khiến cho không ít bậc phụ huynh xấu hổ khi mở miệng nói với con những vấn đề về giới tính.
Nếu như quý vị không chịu dạy cho con mình, thì chúng sẽ tự tìm hiểu, và internet, video sex, bạn bè chúng sẽ dạy chúng, và bạn không thể nào kiểm soát được những gì con bạn lĩnh hội, bao nhiêu phần trăm là đúng và bao nhiêu phần trăm là sai, và cách chúng đáp ứng với những gì nghe, thấy là thế nào.
Vậy thì khi nào nên dạy?
Phải dạy rất sớm!
Có thể bắt đầu dạy trẻ về giới tính từ lúc lên 3, 4 tuổi. Bạn có thể cho rằng như thế là quá sớm, nhưng thống kê cho thấy đối tượng bị quấy rối nhiều nhất trong nhóm trẻ dưới 12 tuổi là… trẻ 4 tuổi!
Ở tuổi này trẻ đã biết tiếp thu những gì xảy ra xung quanh, các em hiểu nhiều hơn những gì người lớn nghĩ. Ví dụ khi tắm cho trẻ, hãy chủ động nói với trẻ về “vùng riêng tư” nơi mà ba mẹ em có thể nhìn và chạm khi giúp em tắm, nhưng bất kì ai khác cũng không được phép.
Video đang HOT
Đây cũng là vấn đề liên quan đến nếp sống của mỗi gia đình, đến giá trị, lòng tin, thái độ và nhất là hành vi, hình thành nhân cách của mỗi con người để có một cuộc sống hạnh phúc về sau. Vì thế phải bắt đầu từ nhỏ, rồi qua thời gian sẽ củng cố thêm dần dần khi trẻ lớn lên. Nhưng tất cả phải theo nguyên tắc và niềm tin của người dạy cho trẻ. Chẳng hạn tính dục là một phần tự nhiên và lành mạnh của đời sống con người. Tính dục không đơn thuần là chuyện giao hợp. Với con người, tính dục bao hàm sinh học, đạo đức, xã hội, tâm linh, tâm lý, cảm xúc… Nói đến tính dục không thể chỉ nói chuyện giao hợp, hay dùng bao cao su, thuốc tránh thai mà phải dạy về thể chất, đạo đức, xã hội, tâm linh, tâm lý, cảm xúc.
Thế thì bắt đầu như thế nào đây?
Nói về các bộ phận riêng tư
Hãy bắt đầu tìm cơ hội nói chuyện với trẻ ở một địa điểm thoải mái với cả bạn và trẻ, một nơi vui vẻ, giàu tình cảm để trẻ lắng nghe bạn tốt hơn. Không cần căng thẳng, hệ trọng.
Ví dụ khi tắm cho trẻ, khi ngủ với nhau,…Hãy nói tên các bộ phận này cho trẻ, tên đúng của chúng chứ không phải các tên ngộ nghĩnh bạn bịa ra.
Khi nói về chuyện này, điều quan trọng nhất là bạn không nên tạo ra cảm xúc kỳ thị, khó chịu, xấu hổ về các bộ phận này. Chỉ cần nhấn mạnh rằng đó là vùng đặc biệt và rất riêng của trẻ, không phải bất cứ ai khác.
Tìm cơ hội gần gũi trò chuyện với con (ảnh minh hoạ)
Nói về những trường hợp trẻ có thể cho phép đụng chạm vào vùng riêng tư của cơ thể
Cần hướng dẫn trẻ nếu gặp những tình huống bị xâm phạm thì phải biết làm gì, nếu vậy, khi có người xâm phạm, trẻ sẽ biết nói: “Dừng lại! Con thấy khó chịu!” và nói lại với cha mẹ mình ngay lập tức.
Chỉ khi cần thiết như khám bệnh và vệ sinh mới cho phép người có trách nhiệm chạm vào. Đây cũng là cách nói giúp từng bước phát triển suy nghĩ khỏe mạnh về giới tính cho trẻ, thích hợp cho việc nói chuyện về tình dục giai đoạn trẻ lớn hơn.
Bên cạnh “nguyên tắc đụng chạm”, trẻ cần biết mình cần che vùng riêng tư khi đi bơi nơi công cộng, giữ gìn vùng này vệ sinh, sạch sẽ và khỏe mạnh.
Theo Gotonext
Cách dạy kiến thức giới tính hiệu quả nhất cho con: Hãy nói thẳng!
Bố mẹ không chỉ là người bảo vệ mà còn là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất để dạy con cách tự bảo vệ và phòng chống xâm hại từ khi con còn nhỏ.
Các phụ huynh chia sẻ tại buổi nói chuyện "Con an toàn, cha mẹ ở ngay đây"
Cần biết cách dạy kiến thức giới tính cho con
Trên thực tế, không phải bố mẹ nào cũng biết cách nói chuyện và tương tác với con trước các tình huống con nói về giới tính và làm cách nào để tránh xâm hại trẻ em.
Nhiều phụ huynh tâm sự không biết bắt đầu từ đâu và thế nào để nói với con về những vấn đề "nhạy cảm", chứ chưa nói đến việc thực hành, giả định tình huống để hướng dẫn con cách xử lý".
Tại buổi trò chuyện "Con an toàn, bố mẹ ngay ở đây" do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và NGO Fontana (Đan Mạch) tổ chức, hầu hết bố mẹ tham gia trò chuyện cảm thấy bối rối và thường bỏ qua các câu hỏi của con hoặc trả lời giữa chừng các câu hỏi: "Con được sinh ra từ đường nào?", "Sao con trai và con gái lại khác nhau ở chỗ đó?", "Sao ngực mẹ to hơn bố?", "Sao con không nên ngồi lên đùi khách đến chơi nhà?"...
Thậm chí, có bố mẹ còn mắng khi con đề cập đến vấn đề nhạy cảm này bởi vì... con còn bé.
Chị Nguyễn Thị Thảo (Đống Đa, HN) chia sẻ, con gái chị năm nay 4 tuổi. Chị chưa có ý định nói với con về chủ đề giới tính vì luôn nghĩ con còn bé. Cho đến khi chị nhìn thấy con và các bạn trai bằng tuổi có những hành động như người lớn như nhìn bộ phận sinh dục của nhau, hoặc thơm má nhau..., chị mới giật mình.
"Có thể các con học theo những hành động của người lớn, hoặc trong các câu chuyện của người lớn cũng thường khuyến khích các con thơm má nhau... nên các con coi đó là hành vi bình thường" - chị Thảo nói.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD cho rằng, dù đã ý thức được việc phòng chống xâm hại trẻ em bằng cách dạy con về giới tính, nhưng thực hành của bố mẹ về vấn đề này, đặc biệt là vấn đề giáo dục và đồng hành cùng con là chuyện "tưởng dễ mà không dễ chút nào".
"Bố mẹ cần học cũng để lấp đầy những "lỗ hổng" kiến thức về giáo dục giới tính và phòng tránh xâm hại . Và đây là một quá trình dài, liên tục và cần nỗ lực của bố mẹ. Bên cạnh tài liệu, sách liên quan đến chủ đề, việc học trực tiếp từ kinh nghiệm của nhau ở các buổi nói chuyện, câu lạc bộ cha mẹ hay từ chuyên gia cũng sẽ hỗ trợ các bố mẹ trong việc tìm kiếm phương pháp dạy con để phòng tránh xâm hại " - bà Linh nói.
Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
Một vấn đề nữa là nhiều bố mẹ còn ngại ngùng khi nói chuyện với con về giới tính và phòng tránh xâm hại . Lý do là vì thiếu kiến thức, không biết nói với con như thế nào cho phù hợp và độ tuổi thích hợp để bắt đầu.
Bà Lê Thị Khánh Vân, Chuyên gia về trẻ em nhấn mạnh: "Đa số bố mẹ đợi đến lúc con dậy thì mới nói về xâm hại . Nhưng đến lúc đó thì đã quá muộn bởi kẻ xâm hại trẻ em có thể là bất kỳ ai và không ai lường trước được thời gian và thời điểm xảy ra".
Một bài học nền tảng mà bố mẹ cần dạy con chính là tầm quan trọng của cơ thể cũng như quyền tự chủ của trẻ với cơ thể mình.
Trong các buổi nói chuyện, thay vì dùng các ngôn ngữ dễ thương kiểu trẻ con như "chim", "bướm" để nói về bộ phận sinh dục của bé trai, bé gái, cha mẹ cần nghiêm túc và gọi đúng tên bộ phận sinh dục của con. Nhờ vậy, trẻ có thể giao tiếp rành mạch nếu chẳng may bị đụng chạm một cách không phù hợp.
Bố mẹ cũng hãy giúp con hiểu con có quyền tự quyết định cơ thể mình như trẻ có thể cho phép hay không cho phép người khác đụng chạm đến mình bằng các việc làm như: cha mẹ có thể xin phép con trước khi ôm, hôn hay thay bỉm tã cho con. Khi muốn con bày tỏ cảm xúc với mình, cha mẹ hãy hỏi ý kiến con...
Theo thống kê của Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018, cả nước đã xảy ra 682 vụ xâm hại, trong đó xâm hại trẻ em chiếm 84%. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi trên thực tế, hầu hết những hành vi, vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em bị phát hiện, xử lý chỉ khi đã chạm ngưỡng hình sự.
Điều đáng nói là trẻ em gái bị xâm hại bởi người thân quen trong gia đình (như bố ruột, bố dượng, chú, bác, anh, em họ...) chiếm 28%, thầy giáo và nhân viên nhà trường chiếm 3% và hàng xóm, người quen chiếm 54,9%. Trẻ em gái, trẻ em trai đều có thể là nạn nhân của xâm hại .
Theo GD&TĐ
Giáo dục kiến thức giới tính cho vị thành niên, càng thẳng thắn càng hiệu quả Học sinh lứa tuổi THCS đang ở tuổi dậy thì và trong quá trình phát triển mạnh mẽ về tâm sinh lý. Chuyên đề "Giáo dục giới tính tuổi Vị thành niên" được Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức trong giờ sinh hoạt đầu tuần tại trường THCS Xuân La, với sự tham gia diễn thuyết của các chuyên gia...