Cách đăng ký và nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 trực tuyến
Người dùng có thể đăng ký, nhận lịch hẹn và xem kết quả xét nghiệm Covid-19 bằng mã QR trên nền tảng “ Việt Nam khoẻ mạnh”.
10h ngày 1/10, Quang Thuần, nhân viên giao hàng ở thành phố Thủ Đức, đến cổng chợ đầu mối để làm xét nghiệm Covid-19. Thay vì phải đứng xếp hàng và chờ đến lượt đăng ký như trước, lần này anh mang theo một mã QR lưu trong điện thoại và đến thẳng khu vực tiếp nhận thông tin. Nhân viên y tế quét mã, đối chiếu thông tin với giấy tờ tuỳ thân và hướng dẫn anh các bước làm xét nghiệm. Toàn bộ quy trình diễn ra trong vòng chưa đầy 5 phút.
Thuần cho biết, mã QR anh dùng để đặt trước lịch xét nghiệm được cấp trên hệ thống “Việt Nam khoẻ mạnh” do Cục Công nghệ thông tin – Bộ Y tế vận hành. Toàn bộ thông tin cá nhân, lịch hẹn và kết quả xét nghiệm được số hoá, người dân không cần phải kê khai tại điểm xét nghiệm. Đội ngũ nhân viên y tế không cần thực hiện công đoạn nhập liệu truyền thống. Kết quả xét nghiệm cũng được cập nhật trên mã QR.
Lịch hẹn xét nghiệm được gửi về dưới dạng QR code.
Để nhận mã QR này, người dân có thể truy cập trang vietnamkhoemanh.vn, đăng nhập bằng số điện thoại và xác nhận bằng OTP. Hệ thống cho phép đăng ký xét nghiệm và tiêm chủng. Trong phần đăng ký xét nghiệm, có thể chọn xét nghiệm cá nhân, cho gia đình… Sau khi bấm vào tỉnh thành và quận/huyện nơi mình đang sống, hệ thống liệt kê danh sách các điểm thực hiện xét nghiệm để người dùng chọn, tiếp đến là ngày và khung giờ mong muốn.
Bước tiếp theo là khai báo y tế. Hệ thống cho phép khai hộ người khác hoặc khai cho trẻ dưới 14 tuổi chưa có CMND hoặc CCCD. Trong phần này, người dân cần điền đủ các trường thông tin đánh dấu sao như họ tên, số CMND, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, quốc tịch, địa chỉ thường trú, thông tin dịch tễ và tình trạng tiêm vaccine Covid-19.
Video đang HOT
Giao diện hệ thống Việt Nam khoẻ mạnh. Người dân có thể lựa chọn địa điểm xét nghiệm gần mình trong khung giờ mong muốn.
Sau khi hoàn thành bước hai, hệ thống sẽ chuyển sang phần thanh toán. Ở đây, người dùng có thể lựa chọn loại xét nghiệm với chi phí tương ứng. Sau khi xác nhận thông tin, hệ thống sẽ thông báo hoàn thành và trả về một mã QR kèm các thông tin cá nhân, tình trạng thanh toán, thời gian thực hiện xét nghiệm và địa chỉ đăng ký xét nghiệm. Sau khi xét nghiệm xong, hệ thống trả kết quả qua mã QR trên hệ thống hoặc gửi về địa chỉ email người dùng đăng ký trước đó.
Theo đánh giá của nhiều người dùng, quá trình đăng ký trực tuyến khá đơn giản, dễ dùng. Họ có thể chủ động thời gian, địa điểm mong muốn, biết được nơi nào đang trống lịch để đăng ký thay vì chờ xếp hàng. Ngoài ra, việc mã hóa thông tin trên QR code cũng giúp quy trình thực hiện xét nghiệm diễn ra nhanh hơn, tránh sai sót trong quá trình điền thông tin, nhập liệu.
Ứng dụng đa dạng của QR code trong chống dịch
Từ việc khai báo y tế đến xác nhận tiêm chủng vaccine, mã QR đều được ứng dụng nhằm hạn chế tiếp xúc, hỗ trợ chống dịch Covid-19.
Đầu tháng 8, mã QR đăng ký tiêm vaccine có hình khủng long được lan truyền trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của nhiều người. Đại diện UBND phường 2, quận 8, TP HCM cho biết mã QR này không chỉ hỗ trợ người dân điền thông tin nhanh, mà còn khiến nhiều người cảm thấy thư giãn trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp.
"Việc triển khai mã QR giúp người dân dễ dàng đăng ký ngay tại nhà, hạn chế ra ngoài, đảm bảo giãn cách an toàn. Đội ngũ y tế từ đây cũng tiếp cận nhanh thông tin của người dân. Dữ liệu cũng được hệ thống một cách nhanh chóng, chính xác hơn các phương pháp truyền thống", ông Tăng Xuân Phong, Chủ tịch UBND phường 2 đánh giá.
Tại Việt Nam, ngay từ những ngày đầu chống dịch, công nghệ QR code đã được ứng dụng ở nhiều nơi và trong nhiều lĩnh vực, phổ biến nhất là trong y tế và giao thông và thanh toán không tiền mặt.
Từ đầu năm 2020, để thuận tiện cho người dùng và hỗ trợ công tác truy vết, mã QR được triển khai khắp các điểm công cộng. Người dân chỉ cần smartphone, quét mã QR để khai báo y tế. Dữ liệu này sau đó sẽ được chuyển về Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống Covid-19 và bóc tách khi xuất hiện ca lây nhiễm cộng đồng.
Người dân quét mã QR khai báo y tế điện tử khi qua chốt kiểm soát tại quận Gò Vấp, TP HCM hồi tháng 6.
Sau thời gian đầu chống dịch, công nghệ QR code tiếp tục được ứng dụng nhiều trong các ứng dụng khai báo y tế, "di biến động" dân cư, xác nhận đăng ký và chứng nhận tiêm chủng.... Trên các ứng dụng "quốc dân" như VHD, Ncovi, Sổ sức khỏe điện tử, mỗi người dân sẽ được cấp một mã QR. Sau khi khai báo về tình hình sức khoẻ, dịch tễ, lộ trình di chuyển... thông tin sẽ được cập nhật trực tiếp vào mã QR. Cơ quan chức năng chỉ cần quét QR code này để kiểm tra các thông tin thay vì phải dùng giấy và đối chiếu như phương pháp truyền thống.
Song song với lĩnh vực y tế, QR code cũng được ứng dụng trong ngành giao thông vận tải. Những phương tiện thuộc "luồng xanh" sẽ được dán một mã QR. Khi đi qua các chốt kiểm dịch, cán bộ kiểm soát chỉ cần quét mã QR là biết tình trạng sức khoẻ của tài xế, loại nhu yếu phẩm đang chở, lộ trình di chuyển...
Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó phòng CP08 cho biết việc dán mã QR cho các xe trong "luồng xanh" và người dân chủ động khai báo "di biến động" từ nhà, chỉ cần mang theo kết quả QR code đã giúp giảm đáng kể lượng phương tiện ùn ứ ở cửa ngõ thành phố, đảm bảo thông xuất đường xá, hạn chế tập trung đông người tại các điểm kiểm soát.
Trong lĩnh vực kinh doanh, QR code cũng sớm được áp dụng để thanh toán không tiền mặt tại các cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, trung tâm thương mại... Từ trước khi giãn cách xã hội, nhiều nhà hàng, khách sạn cũng chủ động dùng QR code thay cho menu truyền thống. Thay vì cầm, lật các trang thực đơn, khách hàng chỉ cần mở điện thoại, quét mã QR để chọn món. Người dùng sau khi dùng bữa cũng có thể thanh toán bằng mã QR qua ví điện tử để hạn chế tối đa tiếp xúc, đảm bảo an toàn trong mùa dịch.
Chia sẻ trong tọa đàm CTO Talks ngày 16/7, ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch công ty DTT và Tổ phó Tổ thông tin đáp ứng nhanh phục vụ phòng chống dịch Covid-19, đánh giá QR code đã sớm phát huy tác dụng khi các ứng dụng truy vết chưa phát triển kịp. Các mã QR về khai báo y tế, lịch trình di chuyển... đã giúp số hoá thông tin người dùng và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi đến nơi công cộng. "Ban đầu, việc bắt buộc mỗi người nước ngoài nhập cảnh vào nước ta phải có một QR code rất khó. Giải pháp được đưa ra là các nhà hàng, khách sạn sẽ dán mã QR của từng địa điểm, những người này chỉ cần có smartphone, quét mã QR để khai báo là xong", ông Trung nói.
Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ truy vết, chống dịch Covid-19, Chính phủ còn đặt mục tiêu mỗi người dân sẽ có danh tính số kèm mã QR vào năm 2025. Khi đó, người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số thông qua mã QR với mục tiêu cá thể hóa suốt cuộc đời, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng và không giấy tờ.
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế, cho biết việc xây dựng hệ thống cho phép cấp mỗi người một mã QR đã được hoàn thiện khoảng 80%. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất trong việc triển khai mã QR cho mỗi người dân là liên thông dữ liệu. Hiện nay, nhiều ứng dụng đang tạo ra các QR khác nhau. Nhưng trong thời gian tới, khi dữ liệu được liên thông, các mã này sẽ được gộp thành một.
Đánh giá về độ bảo mật, ông Nam cho biết mã QR có độ an toàn cao, các cơ quan chức năng hoặc bộ phận chuyên trách sẽ được phân quyền đọc theo từng mức thông tin đã được mã hóa trên đó. Điều này nhằm đảm bảo thông tin cá nhân của mỗi người dân luôn được riêng tư.
QR Code (Quick Response Code - mã phản hồi nhanh) là dạng mã vạch hai chiều (2D), gồm các điểm đen và ô vuông nằm trong ô vuông trên nền trắng. Mã này có thể đọc bằng máy đọc mã vạch hay smartphone với camera có hỗ trợ đọc mã. QR code được tạo ra bởi Denso Wave, công ty con của Toyota, năm 1994. Ban đầu, mã QR được chuộng trong giới marketing và các nhà quảng cáo bởi sự khoa học và tính tiện dụng so với công nghệ mã vạch trước đó. Thời gian gần đây, loại mã này đã được ứng dụng ở nhiều lĩnh vực hơn.
Ở Trung Quốc, mã QR được xem là vũ khí chống dịch khi Covid-19 bùng phát. Người dân nước này khi tham gia hoạt động công cộng sẽ dùng ứng dụng theo dõi y tế trên nền mã QR. Điện thoại cảnh báo mức độ an toàn của người đó qua màu sắc QR: màu xanh - được phép, vàng hoặc đỏ - bị cấm.
Tiếp bước Trung Quốc, nhiều nước khác cũng dùng QR code trong đại dịch. Từ năm ngoái, Singapore tung ra ứng dụng di động theo dõi tiếp xúc, cho phép các nhà chức trách xác định những người bị phơi nhiễm với ca Covid-19. Thành phố Moskva của Nga cũng ra mắt hệ thống theo dõi dựa trên nền tảng QR khi nước này ban hành lệnh phong toả năm ngoái. Nhật Bản triển khai hệ thống QR tại các địa điểm nhiều người đến và yêu cầu người dân cần quét và xác nhận rằng mình đã đến địa điểm đó, giúp việc truy vết diễn ra nhanh nếu có ca dương tính với Covid-19.
Cuộc đua triển khai 'hộ chiếu vaccine' tại Mỹ Với tốc độ bao phủ vaccine nhanh, nhiều bang tại Mỹ đang triển khai "hộ chiếu vaccine" nhằm xác minh tình trạng tiêm chủng và xét nghiệm Covid-19 của người dân. Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đang đe dọa đẩy nước Mỹ trở lại một vòng lặp cách ly xã hội khác. Chính quyền các bang, địa phương và...