Cách bảo quản chuối tươi lâu
Vài bí quyết đơn giản dưới đây sẽ giúp bạn giữ được chuối tươi lâu hơn bình thường. Bạn hãy cùng tham khảo nhé!
1. Bảo quản chuối ở nhiệt độ bình thường trong phòng (khoảng 25C)
Để chuối tươi lâu hơn trong điều kiện bình thường, hãy mua chuối vẫn còn tươi hoặc chỉ mới vừa chín tới (khi phần cuống của chúng vẫn còn xanh), lớp vỏ của trái chuối không có vết trầy xước hoặc dập nát. Những trái chuối như vậy có thể bảo quản được trong khoảng một tuần nếu bạn thực hiện đúng các bước sau:
- Treo chuối trên giá, móc hoặc để chúng trong thố, đĩa đựng trái cây, nơi không khí có thể lưu thông tốt.
- Đặt giá treo, móc hoặc thố, đĩa đựng chuối tránh xa ánh nắng mặt trời và hơi nóng.
2. Bảo quản chuối trong tủ lạnh
Nếu chuối đã chín đều, bạn hãy cho chúng vào tủ lạnh để có thể kéo dài thời gian “sử dụng” thêm khoảng 4 ngày. Để giữ cho chuối tươi lâu trong tủ lạnh, hãy thực hiện theo những hướng dẫn sau:
- Chọn lấy những quả chuối chín vàng.
- Cho chúng vào túi nhựa có khóa kéo (loại chuyên dùng để bảo quản thực phẩm, trái cây trong tủ lạnh, có bán ở các siêu thị).
- Cho túi đựng chuối vào ngăn mát của tủ lạnh.
- Điều chỉnh nhiệt độ trong tủ lạnh ở mức khoảng 3 độ C.
Video đang HOT
- Sử dụng chuối đã được để lạnh chỉ trong vòng 4 ngày.
3. Bí quyết giữ những quả chuối đã ăn dở
Những quả chuối đã ăn dở không thể bảo quản ở nhiệt độ thường quá vài giờ. Tuy nhiên, có thể cho chúng vào tủ lạnh để chuối tươi lâu hơn bằng những bí quyết sau:
- Dùng lớp vỏ chuối để bọc kín phần chuối đã ăn dở.
- Cho chúng vào túi nhựa đựng trái cây.
- Hàn kín miệng túi và giữ lạnh trong ngăn mát của tủ lạnh.
4. Bí quyết giữ cho chuối tươi và chín đều
- Nếu đã mua loại chuối còn xanh, chưa chín, bạn có thể làm cho chuối chín nhanh hơn bằng cách cho chúng vào trong túi giấy và cột kín lại. Chuối sẽ chín trong vòng từ một đến hai ngày.
- Khi mua chuối, cần kiểm tra kỹ phần cuống để đảm bảo chúng vẫn còn nguyên vẹn. Nếu chuối không dính chắc vào cuống, chúng sẽ bị hỏng trước khi kịp chín.
Theo Tapchiamthuc
7 cách bảo quản dưỡng chất trong thức ăn
Những bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn thực hiện những thay đổi nhỏ trong cách nấu nướng, nhằm giúp cơ thể hấp thu các chất dinh dưỡng một cách tốt nhất!
1. Chất liệu xoong, chảo
Chúng ta thường sử dụng xoong, chảo chống dính vì chúng giúp hạn chế lượng dầu ăn trong quá trình nấu nướng nên sẽ an toàn hơn cho sức khỏe so với những chất liệu khác. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến một bất lợi đó là sự gia tăng của tình trạng thiếu máu và thiếu hụt chất sắt. Trong khi đó, việc sử dụng xoong, chảo bằng sắt, đặc biệt là với những người đang ăn chay, có thể giúp khắc phục rắc rối này.
Nấu nướng trong những dụng cụ bằng sắt giúp tăng hàm lượng chất sắt trong thức ăn. Biện pháp lý tưởng nhất là nên luân phiên sử dụng xoong, chảo chống dính và xoong, chảo bằng sắt để cơ thể được hưởng lợi từ cả hai loại chất liệu này.
2. Tạo môi trường a-xít trong khi nấu
Rất nhiều chất dinh dưỡng như sắt, can-xi và một số khoáng chất khác đỏi hỏi phải có môi trường a-xít để những dưỡng chất này được hấp thu tốt hơn. Chính vì vậy, nên cho thêm chanh, cà chua, cam... vào các món ăn khi đang đun nấu, đặc biệt là khi bạn nấu những món có các loại rau có màu xanh đậm.
3. Sử dụng bình xịt dầu ăn
Đây là cách giúp bạn hạn chế tối thiểu việc sử dụng dầu ăn trong khi nấu nướng. Nếu cảm thấy bình xịt dầu không được tiện lợi, hãy dùng muỗng canh để đong rót chính xác lượng dầu cần dùng, không nên rót dầu trực tiếp vào xoong, chảo nhằm đề phòng trường hợp bạn lỡ tay cho quá nhiều dầu vào món ăn.
4. Chọn dụng cụ nấu nướng có đáy bằng phẳng thay vì đáy lõm
Lượng dầu ăn cần dùng khi nấu nướng trong các loại xoong, chảo có đáy bằng phẳng thường rất ít. Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng các vật dụng nấu nướng có kích thước thích hợp với lượng thức ăn cần nấu.
Dùng những chiếc xoong, chảo thật to để nấu lượng thức ăn quá ít sẽ chỉ làm thức ăn thấm nhiều dầu ăn và gia vị hơn so với mức bình thường. Do đó, nếu gia đình ít người, hãy chọn những vật dụng có kích cỡ nhỏ hoặc trung bình để phục vụ cho việc nấu nướng.
5. Không nên dự trữ rau xanh đã cắt, thái sẵn
Nếu có thói quen cắt, thái sẵn rau, củ và dự trữ chúng trong tủ lạnh để tiết kiệm thời gian, bạn nên biết rằng thời gian dự trữ càng lâu thì lượng chất dinh dưỡng trong rau củ bị mất đi càng nhiều. Vì vậy, chỉ nên cắt, thái rau xanh trước khi bắt đầu chế biến món ăn.
Trong trường hợp cần thiết, có thể cắt chúng thành những miếng to và bảo quản chúng trong tủ lạnh để hạn chế tình trạng mất dưỡng chất. Ngoài ra, nên bảo quản những loại rau được dự trữ lạnh trong các túi nhựa hoặc hộp đựng thực phẩm kín không khí. Tuyệt đối không để chúng ở bên ngoài mà không che đậy kỹ.
6. Chú ý đến tỏi
Tỏi có khả năng bảo vệ sức khỏe rất tốt, đặc biệt là việc phòng chống những rắc rối cho tim và những căn bệnh ung thư. Hãy nghĩ cách để tăng cường sử dụng tỏi trong việc chế biến các món ăn hàng ngày.
8. Nấu các món nướng vỉ và xào thay vì món rán nhiều dầu
Mức độ "lành mạnh", có lợi cho sức khỏe của món ăn không chỉ phụ thuộc vào thành phần và dụng cụ nấu nướng mà còn được quyết định bởi phương pháp mà bạn sử dụng để chế biến, nấu nướng ra chúng.
Khi chiên bất kỳ một loại rau nào, lượng calo của món ăn sẽ tăng trong khi lượng dưỡng chất cũng mất đi nhiều hơn. Nướng vỉ và xào sẽ là những lựa chọn tốt trong trường hợp bạn muốn nấu những món ăn ít calo và giàu chất dinh dưỡng.
Theo Tapchiamthuc
Cách chọn mua, bảo quản và chế biến súp lơ Là một loại rau xanh phổ biến và được yêu thích, tuy nhiên để chọn và chế biến được súp lơ sao cho tươi ngon nhất là điều mà không phải bà nội trợ nào cũng biết rõ. Súp lơ - hay ở một số nơi còn được gọi là hoa lơ hay bông cải - là một loại rau khá dễ ăn...