Các website phim lậu ‘chết’ dần tại Việt Nam
Chất lượng phim kém, quảng cáo tràn lan, vi phạm bản quyền… khiến các dịch vụ xem phim lậu bị nhà cung cấp Internet siết chặt, người dùng quay lưng.
Ngày 20/6, website chia sẻ phim lậu lớn nhất Việt Nam bị chặn tên miền. Tuy nhiên trước đó, nhiều website phim lậu khác đã gặp tình trạng truy cập chập chờn, khiến các đơn vị đứng sau phải ngừng hoạt động. Số liệu thống kê từ Similarweb cho thấy, lượng truy cập vào các trang này liên tục giảm từ đầu năm đến nay.
Người dùng quay lưng vì trải nghiệm kém
Thanh Huyền (Hà Nội) nhiều năm xem phim trên phimmoi, cho biết cô không thể tiếp tục xem phim tại trang web này nữa vì ngày càng nhiều quảng cáo rác. “Một tập phim dài khoảng 40 phút, nhưng có gần 10 quảng cáo. Đầu phim là 2 đoạn, giữa 2 đoạn và mỗi lần tua lại có”, Huyền nói. “Nhiều khi xem xong 2 đoạn quảng cáo mới phát hiện phim bị lỗi không xem được”. Từ đó cô chuyển sang các dịch vụ có tính phí nhưng trải nghiệm tốt hơn.
Nhiều trang phim lậu còn lừa người dùng bằng cách gắn mác “độ nét cao” cho các phim chất lượng thấp. Nhiều bộ phim mới ra rạp được thông báo là “bản HD”, nhưng thực chất là bản quay lén với chất lượng hình ảnh và âm thanh rất tệ. Nhiều phim dù đã bị xóa vì lý do bản quyền, vẫn xuất hiện “poster” trên trang để dụ người dùng bấm vào.
Trang phimmoi bị chặn tên miền, không thể truy cập từ Việt Nam.
Trái ngược với dịch vụ phim lậu, các dịch vụ phim chính thống ngày càng hoàn thiện về chất lượng và nội dung, đồng thời giá thuê bao ngày càng dễ tiếp cận. Chẳng hạn, Netflix cung cấp phim với độ phân giải tối đa 4K, có thể xem phim liền mạch ngay cả khi chuyển đổi thiết bị và không có quảng cáo với giá 260 nghìn đồng một tháng. FPT Play cung cấp phim trên HBO Go cùng nhiều chương trình thể thao bản quyền với cước phí khoảng 80 đến 100 nghìn đồng một tháng.
Theo ông Vũ Anh Tú, Phó tổng giám đốc FPT Telecom, một trong những lợi thế của dịch vụ bản quyền so với các dịch vụ lậu là chất lượng nội dung. “Từ năm 2018, FPT Play box đã cung cấp dịch vụ xem phim chuẩn 4K 60 khung hình/giây và hầu hết các phim điện ảnh, phim nhiều tập trên FPT Play đều ở chất lượng 1080p”, ông Tú cho biết. Trong khi đó, hầu hết dịch vụ phim lậu đều 480p hoặc 720p.
Về tốc độ cập nhật phim mới, nhiều dịch vụ phim chính thống đã làm việc với các nhà phân phối, phim điện ảnh để đưa phim về sớm nhất. Ví dụ với FPT Play, thời gian phim ra rạp tới khi phim xuất hiện trên hệ thống của họ hiện là 3 đến 6 tháng, trong khi một năm trước là từ 6 đến 12 tháng.
Bị chặn vì vi phạm bản quyền
Phimmoi, HDonline, Phimbathu… nằm trong danh sách 83 website “có dấu hiệu vi phạm bản quyền nội dung chương trình truyền hình”, theo thông tin từ Cục Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử. Phần lớn chúng đăng ký tên miền và dịch vụ lưu trữ ở nước ngoài, gây khó khăn cho công tác quản lý. Ông Nguyễn Hà Yên, Cục phó Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cho biết, với các website dạng này, Cục sẽ phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet, dùng các biện pháp kỹ thuật để kiểm soát.
Hiện tại, nhiều website phim lậu tại Việt Nam đã bị chặn tên miền. Người dùng khi truy cập vào tên miền cũ sẽ nhận được thông báo “website không hoạt động” hoặc “không tìm thấy”.
“Việc chặn tên miền là một bước tiến rất lớn của các cơ quan liên quan, tuy không triệt để nhưng hiệu quả rất rõ ràng. Cho dù có tạo một tên miền mới, người dùng sẽ mất thời gian để làm quen lại, lượng truy cập giảm mạnh, nguồn thu của đơn vị cung cấp sẽ giảm”, ông Phan Thanh Giản, Giám đốc điều hành ClipTV nhận định.
Theo ông Giản, các dịch vụ lậu trước đây sống dựa trên quảng cáo, với lượng người dùng đông đảo, chi phí mua bản quyền gần như bằng không. Các dịch vụ này còn ‘lách’ để sử dụng các hệ thống CDN (mạng phân phối nội dung) lớn như của Google, Facebook với chi phí thấp. Hiện nay, việc bảo vệ bản quyền đã được làm quyết liệt hơn, các đơn vị mua quảng cáo cũng thận trọng khi đặt quảng cáo trên các website không chính thống, trong khi các dịch vụ lưu trữ cũng thắt chặt chính sách, vì vậy dịch vụ phim lậu sẽ khó phát triển.
Nhiều phim lậu được giới thiệu là chất lượng HD, nhưng thực tế chỉ là bản quay lén.
Video đang HOT
Theo các chuyên gia, việc ngăn chặn phim lậu triệt để hiện vẫn bất khả thi, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới. Để các website phim lậu không thể phát triển cần sự tham gia của nhiều đơn vị, chẳng hạn: cơ quan quản lý tăng mức phạt với các vi phạm bản quyền; các nhà quảng cáo không đặt quảng cáo trên trang phim lậu, người dùng được khuyến khích xem phim từ các dịch vụ chính thống, báo cáo vi phạm DCMA để Google, Facebook gỡ nội dung…
Cộng đồng người xem phim bản quyền đang liên tục tăng về số lượng, còn các website phim lậu giảm mạnh về lượt truy cập. Trang Phimmoi có lượt truy cập trong tháng 3/2020 đạt trên 100 triệu nhưng trong hai tháng gần đây đã giảm khoảng 25% mỗi tháng. Bilutv từng đạt gần 10 triệu lượt truy cập vào cuối năm 2019, nay chỉ còn khoảng 2 triệu. Phimbathu cũng giảm từ 900 nghìn xuống dưới 300 nghìn truy cập, theo thống kê từ Similarweb.
Nhiều trang phim lậu có lượng truy cập giảm mạnh từ đầu năm đến nay. Ảnh: Similarweb
Cách nhận biết email lừa đảo và website không an toàn
Mục tiêu chính của những email lừa đảo là trục lợi từ việc bán thông tin, truy cập vào các hồ sơ cá nhân, hoặc trộm tiền từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Do vậy, trước khi làm theo yêu cầu trong email bất kỳ, bạn nên kiểm tra tính xác thực của email đó. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách nhận diện những email lừa đảo, cũng như các website không an toàn chỉ sau vài phút.
Cách nhận biết email lừa đảo
1. Kiểm tra tên miền của địa chỉ email
Việc đầu tiên bạn cần lưu ý là, không có bất kỳ công ty nào liên lạc với bạn từ một tên miền công cộng như "@gmail.com", "@yahoo.com", hay "@outlook.com",...
Hầu hết các công ty, tập đoàn, hay tổ chức đều có tên miền email và các địa chỉ email riêng. Chẳng hạn, Google hoặc nhân viên của Google sẽ không bao giờ gửi email cho bạn từ các địa chỉ như "xyz@gmail.com". Thay vào đó, họ sẽ sử dụng tên miền riêng của hãng, ví dụ "@google.com".
Bởi vậy, nếu bạn thấy tên miền sau ký tự "@" trong một địa chỉ email trùng khớp với tên miền của trang web chính thức của công ty, tập đoàn, hay tổ chức nào đó, email đó là email chính thức từ công ty, tập đoàn, hoặc tổ chức đó và ngược lại.
2. Kiểm tra các mục Mailed-by, Signed-by, và Security
Tin tặc có thể sử dụng các máy chủ giả mạo để làm giả địa chỉ email dạng "xyz@google.com" hoặc tương tự. Tuy nhiên, chúng không thể làm giả những thông tin chứng nhận khác chẳng hạn như mailed-by (được gửi bởi), signed-by (xác thực bởi), và security (bảo mật).
Để kiểm tra những tính xác thực của những thông tin này, bạn bấm lên mũi tên hướng xuống nằm bên dưới địa chỉ email của người gửi. Bây giờ, bạn sẽ thấy các thông tin chi tiết bao gồm mailed-by (được gửi bởi), signed-by (xác thực bởi), và security (bảo mật).
Các mục mailled-by và signed-by cho biết email đã được xác thực SPF, đồng thời có chữ ký DKIM tương ứng.
Theo Wikipedia:Sender Policy Framework (SPF), xuất phát từ kỹ thuật ngăn chặn thư rác (spam), là phương pháp xác thực địa chỉ người gửi (email address). Kỹ thuật này giúp người nhận nhận ra địa chỉ của người gửi là thật hay giả, từ đó có thể ngăn chặn được việc phát tán thư rác hay lừa đảo trực tuyến (phishing).
DomainKeys Identified Mail (DKIM) là phương pháp phát hiện địa chỉ email giả mạo. Nó cho phép người nhận kiểm tra xem một email có xuất xứ từ một miền cụ thể có thực sự được ủy quyền bởi chủ sở hữu của tên miền đó.
Ngoài ra, mục security cho biết email có được mã hóa bằng chuẩn mã hóa TLS hoặc SSL trong suốt quá trình gửi hay không. Các chuẩn mã hóa này đảm bảo không có bất kỳ bên thứ ba nào có thể nghe trộm hay làm xáo trộn email trong suốt quá trình gửi.
Email từ các tập đoàn, công ty, tổ chức hoặc ngân hàng sẽ luôn luôn có các trường mailed-by, sign-by cùng với tên miền chính thức, kèm theo chuẩn mã hóa. Trong khi đó, phần lớn các email lừa đảo đều không sử dụng kết nối bảo mật, cũng như không có bất kỳ chứng nhận, hay phương thức mã hóa nào. Ngay cả khi có những thông tin này, chúng thường chỉ là các thông tin chung chung và không liên quan đến tên miền chính thức.
3. Nhận diện liên kết, nút bấm lừa đảo trong email
Trước khi nhấp lên bất kỳ liên kết hay nút bấm nào trong email, bạn nên rê con trỏ chuột lên nó.
Ngay lập tức, bạn sẽ thấy địa chỉ thực liên kết hay nút bấm chuyển đến ở phía dưới góc trái của trình duyệt. Thao tác này giúp bạn kiểm tra xem các đối tượng này có đưa bạn đến trang web giả mạo, chứa mã độc, hoặc một trang web hoàn toàn không liên quan đến trang web chính thức hay không.
4. Kiểm tra lỗi chính tả và ngữ pháp trong email
Nghe có vẻ hài hước nhưng thực tế đây là biện pháp hiệu quả trong việc phòng tránh email lừa đảo.
Các email lừa đảo thường có cách trình bày cẩu thả và xấu xí, cũng như thường xuyên mắc các lỗi chính tả ngớ ngẩn. Bởi vậy, bạn hãy kiểm tra nội dung email xem nó có dính bất kỳ lỗi chính tả, hay ngữ pháp nào không. Ngoài ra, bạn cần kiểm tra xem trong email có sử dụng các từ khóa bạn thường thấy trong các email rác bạn đã từng nhận trước đây hay không. Nếu mắc một hay tất cả những lỗi kể trên, đó chắc chắn là email giả mạo.
5. Kiểm tra file đính kèm
Đừng mở file đính kèm từ những người gửi bạn không biết trừ khi bạn chắc chắn nó an toàn. Trong nhiều trường hợp, file đính kèm thường là file chứa mã độc và nó có thể lây nhiễm virus vào máy tính hoặc cả hệ thống mạng khi người dùng nhấp chuột lên nó.
Bởi vậy, nếu một email có file đính kèm, bạn hãy kiểm tra xem nó có dấu hiệu bất thường hay không. Ngoài ra, hãy luôn luôn trang bị phần mềm anti-virus cho máy tính cá nhân hoặc công ty.
Cách nhận diện các trang web không an toàn
Các liên kết, nút bấm trong email hoặc trên mạng xã hội có thể chuyển bạn đến một trang web giả mạo trông y hệt như trang web chính thức. Do đó, trước khi nhập bất kỳ thông tin cá nhân, hoặc thanh toán cho bất kỳ thứ gì, việc kiểm tra trang web bạn sắp truy cập có an toàn hay không là điều rất cần thiết.
1. Kiểm tra địa chỉ URL
Như đã nói trên, địa chỉ URL có thể giúp xác định tính hợp lệ của một trang web. Khi bạn truy cập một trang web nào đó, hãy luôn luôn kiểm tra xem nó có phải là trang web chính thức của công ty, tổ chức, hay tập đoàn nào đó không. Chẳng hạn, trang flipart.com là địa chỉ thực chính thức, do đó nếu bạn thấy bất kỳ tên miền nào khác tên miền này, ví dụ flipart.offer24.com, đó chắc chắn là tên miền giả mạo.
2. Kiểm tra xem trang web có mã hóa hay không
Việc tiếp theo bạn cần làm là kiểm tra xem trang web bạn truy cập có sử dụng bất kỳ chuẩn mã hóa nào không. Nếu bạn thấy biểu tượng hình ổ khóa nằm bên cạnh địa chỉ URL của trang web nghĩa là trang web có sử dụng chuẩn mã hóa SSL hoặc TLS. Nếu bạn chưa biết, các trang web sử dụng giao thức HTTPS (HTTP TLS) thường sẽ an toàn hơn các trang web sử dụng giao thức HTTP.
Chuẩn mã hóa SSL đảm bảo thông tin của bạn được truyền tải một cách an toàn và không có bất kỳ bên thứ ba nào có thể nghe lén hay can thiệp vào dữ liệu. Nếu không có SSL, nguy cơ dữ liệu bị nghe lén hoặc đánh cắp sẽ rất cao.
Chính vì lẽ đó, nếu bạn thấy một trang web sử dụng giao thức HTTP hay FTP và không có biểu tượng ổ khóa bên cạnh tên miền, đừng nhập các thông tin nhạy cảm như thông tin thẻ tín dụng, địa chỉ nhà, thông tin tài chính,...
3. Nhận diện trang web lừa đảo dựa trên tên miền
Không phải trang web nào có mã hóa SSL hoặc HTTPS đều là trang web chính thức và an toàn. Tin tặc có thể đánh lừa bạn bằng các tên miền phụ gần giống với tên miền chính.
Chẳng hạn, trang web chính thức của PayPal có tên miền là paypal.com. Do vậy, nếu bạn thấy bất kỳ tên miền nào khác tên miền này, chẳng hạn tên miền trong hình bên dưới, nó đều là địa chỉ giả mạo. Trong trường hợp này, tin tặc đã tạo ra tên miền "paypal.com.confirm-manager-security.com" để đánh lừa thị giác của nạn nhân. Nếu không quan sát kỹ, nạn nhân có thể nghĩ đây là trang web của PayPal vì cụm từ "paypal.com" trong địa chỉ URL.
Bạn cần lưu ý tên miền thật chính là phần nằm phía trước phần ".com". Ví dụ, trong địa chỉ "paypal.com", phần "paypal" chính là phần tên miền. Tương tự, trong địa chỉ "paypal.com.xyz.com", phần "paypal.com.xyz" chính là tên miền.
4. Kiểm tra tên miền trang web bằng dịch vụ Safe Browsing của Google
Công cụ Safe Browsing của Google cho phép người dùng kiểm tra một trang web có phải là giả mạo hay không.
Để sử dụng công cụ này, bạn truy cập vào địa chỉ sau, sau đó nhập địa chỉ trang web bạn nghi ngờ và chờ trong giây lát cho nó phân tích và hiển thị kết quả trong phần Current status.
Đến lượt Samsung quay lưng với Huawei Hãng công nghệ Trung Quốc vẫn chưa tìm được đối tác cung cấp chip mới để thay thế cho TSMC. Vào cuối tháng 5, Mỹ thay đổi quy định và yêu cầu mọi công ty bán dẫn sử dụng công nghệ Mỹ, dù ở Mỹ hay nước ngoài, phải có giấy phép đặc biệt mới được bán hàng cho Huawei. Ngay sau đó,...