Các vụ vượt ngục táo tợn
Chế độ trong nhà tù khắc nghiệt đến mức hầu hết mọi tù nhân đều muốn trốn tù. Cai ngục đầu tiên là ông James Johnston, người đã áp đặt kỷ luật tuyệt đối nghiêm ngặt và rất cứng nhắc cho tù nhân Alcatraz.
Trong vài năm đầu nhà tù đi vào hoạt động, tù nhân không được nói chuyện với nhau trừ những lúc đặc biệt. Họ phải ăn uống trong im lặng. Ai nói to sẽ bị phạt ở trong hầm tối hoặc ở khu D, tức là khu dành cho tù nhân phạm kỷ luật.
Luật lệ này khiến cho sự im lặng trở thành một mặt trong cuộc sống của tù nhân Alcatraz, làm họ như hóa điên. Cuối cùng, do không chịu dựng được sự im lặng, các tù nhân đồng loạt nói để thách thức cai ngục vì họ nhận thấy nhà tù không có đủ phòng biệt giam để phạt tất cả. Cuối cùng, lệnh cấm nói chuyện đã được nới lỏng.
Lối đi mà tù nhân Alcatraz gọi là Broadway
Tù nhân không được tiếp cận tin tức về thế giới bên ngoài và không được đọc các loại sách về tình dục và tội ác. Dao cạo, dao, đồ bằng bạc không được xuất hiện trên đảo.
Tại thời điểm nhà tù còn hoạt động, nhiều người đã phản đối cách đối xử vô nhân đạo với tù nhân ở Alcatraz. Sau đó, nhà tù đã phải cải cách dần dần, bỏ một số biện pháp trừng phạt tàn bạo nhất.
Nhà tù Alcatraz trong giai đoạn tù nhân nổi loạn năm 1946
Mọi tù nhân ở Alcatraz đều được đối xử như nhau, cho dù họ có nổi tiếng cỡ nào. Trùm tội phạm Al Capone từng được đối xử dễ dãi ở nhà tù trước đó và đã lập hẳn một đế chế tội phạm sau chấn song. Nhưng khi hắn bị đưa đến Alcatraz, mọi thứ khác hẳn với kỳ vọng của hắn. Hắn không được “trọng đãi” và không khác các tù nhân khác.
Dù an ninh nghiêm ngặt nhưng không phải mọi chuyện lúc nào cũng êm thấm ở Alcatraz. Hòn đảo này đã chứng kiến một số tù nhân âm mưu vượt ngục. Tù nhân Joseph Bowers bị bắn chết khi trèo rào năm 1936. Hai tù nhân tìm cách trốn tù năm 1937 nhưng bị chết đuối. Năm sau, 3 tù nhân đã tấn công và giết một cai ngục để trốn thoát. Một tên bị giết chết, một tên bị thương và tên còn lại đầu hàng.
Video đang HOT
Trốn khỏi đảo Alcatraz không phải là việc dễ dàng
Âm mưu vượt ngục năm 1939 trên đảo Alcatraz đã trở thành cảm hứng cho bộ phim “Murder in the First”, trong đó diễn viên Kevin Bacon thủ vai tù nhân Henri Young. Trong thực tế, Young tìm cách trốn tù cùng 3 người khác. Họ bị bắt trên bờ biển, trong đó 1 người bị bắn chết, một người bị thương, còn Young và tù nhân Rufus McCain gần như bị tê cứng khi ở dưới nước biển lạnh. Một năm sau, Young đâm chết Mccain trong xưởng làm việc ở nhà tù. Vụ xét xử Young khiến dư luận chú ý tới điều kiện khủng khiếp trong các phòng biệt giam ở Alcatraz – nơi Young bị nhốt trong một thời gian dài. Chính vì phải ở trong điều kiện như vậy nên bản án của Young được giảm nhẹ.
Tuy nhiên, vụ vượt ngục năm 1962 mới là vụ nổi tiếng nhất. Anh em nhà Clarence và John Anglin cùng Frank Morris đã mất hàng tháng trời tính toán kế hoạch vượt ngục. Chúng dùng thìa cạo từng lớp bê tông mủn quanh tấm lưới bịt lỗ thông gió trên nóc phòng giam. Chúng dùng bìa các tông vẽ một miếng lưới giống y hệt để che giấu công việc đang làm. Khi cái lỗ đủ rộng, chúng có thể di chuyển vào khu vực bảo trì của nhà giam, nơi có chứa nhiều ống và cáp điện. Tại đó, chúng tự làm áo phao cứu sinh và làm một cái bè bằng áo mưa mà chúng tích được.
Hàng đêm, sở dĩ chúng có thể lẻn qua ống thông hơi để chuẩn bị vượt ngục mà cai ngục không ai hay vì chúng dùng giấy bồi làm thành một cái đầu giả đặt lên trên gối đánh lừa cai ngục. Cuối cùng, khi mọi việc đã xong, bộ ba tù nhân trèo lên nóc nhà tù qua ống thông hơi, nhảy qua hàng rào và thoát ra vịnh San Francisco. Về sau, người ta tìm thấy một số vật dụng cá nhân của một tên trôi dạt trong một cái túi nhựa và các cai ngục cho rằng chúng đã bị chết đuối. Không ai nghe tin tức hay nhìn thấy 3 tên tù nhân này nữa mặc dù người ta đồn chúng đã vượt ngục thành công tới đảo Angel gần đó và được một con thuyền đợi sẵn đón.
Sau này, chương trình truyền hình MythBusters đã thử thực hiện kế hoạch vượt ngục của anh em Anglin và Morris và họ đã vào bờ thành công. Dù thí nghiệm này không chứng minh rằng vụ vượt ngục năm 1962 thành công nhưng nó chỉ ra một điều rằng về mặt kỹ thuật, vẫn có thể thoát khỏi Alcatraz.
Không chỉ phải đối phó với một số vụ vượt ngục, Alcatraz còn phải xử lý các vụ bạo loạn, biểu tình của tù nhân. Những năm 1950, các tù nhân da trắng phân biệt chủng tộc đã nổi loạn vì xuất hiện tù nhân da màu trong khu phòng giam của họ. Vụ bạo loạn đẫm máu nhất trong lịch sử Alcatraz xảy ra năm 1946. Khi đó, một nhóm 6 tù nhân đã khống chế một cai ngục và tìm cách kiểm soát toàn bộ nhà tù. Một số cai ngục bị khóa trái cửa và bị bắn. Cai ngục từ nhà tù San Quentin gần đó cùng binh sĩ đã phải dùng vũ lực chiếm lại Alcatraz. Hai cai ngục thiệt mạng, 3 tù nhân khơi vụ bạo động cũng chết. Hai tên còn lại bị hành quyết trong phòng khí độc ở San Quentin
Về sau, nhà tù Alcatraz bị đóng cửa vì nhiều lý do. Thứ nhất, mọi thứ trên đảo đều phải chuyển từ đất liền vào, từng bữa ăn, từng quyển tạp chí hay từng bao thuốc lá. Điều này khiến cho chi phí hoạt động Alcatraz tốn kém hơn các nhà tù trong đất liền. Ngoài ra, các tòa nhà bằng bê tông cũ kỹ ngày càng xuống cấp do tiếp xúc liên tục với nước muối, khiến chính quyền tốn hàng triệu USD để sửa chữa. Sau vụ vượt ngục năm 1962, người ta tự hỏi hoạt động nhà tù này để làm gì khi thực sự vẫn có tù nhân có thể thoát khỏi Alcatraz. Năm 1963, nhà tù bị đóng cửa vĩnh viễn.
Năm 1973, đảo Alcatraz trở thành một phần trong khu vực giải trí quốc gia Cầu Cổng vàng. Nhà tù Alcatraz ngày nay vẫn đứng đó, đón hàng triệu du khách lên khám phá một phần lịch sử của nước Mỹ.
Theo Thùy Dương/baotintuc.vn
Hòn đá giữa biển nước
Bao quanh là các bức tường bê tông và thép kiên cố, cộng với vị trí nằm trên một hòn đảo giữa biển nước mênh mông với các "cai ngục" tự nhiên là đàn cá mập trắng, Alcatraz là nhà tù liên bang có an ninh cao nhất nước Mỹ, là nơi mà không ai có thể trốn thoát.
Đảo Alcatraz, nơi nhà tù siêu an ninh Alcatraz tọa lạc trên đảo này từng là một pháo đài, một ngọn hải đăng, nơi bị người Mỹ bản địa chiếm đóng, một công viên quốc gia, - đã thay đổi qua nhiều thế kỷ, phản ánh sự thay đổi trong lòng xã hội Mỹ.
Hòn đảo Alcatraz ở vịnh San Franciso hầu như không có mấy bóng cây. Alcatraz trông giống một hòn đá khổng lồ bao quanh là nước. Sinh vật duy nhất không ngại hòn đảo là loài cá mập trắng lởn vởn dưới làn nước lạnh ngắt. Ngoài các biện pháp an ninh trong nhà tù, bản thân hòn đảo đã khiến cho không tù nhân nào có ý định dại dột muốn trốn thoát.
Toàn cảnh nhà tù Alcatraz
Cái tên Alcatraz từng đại diện cho những thứ tồi tệ nhất trong xã hội Mỹ, là nhà của những tên tội phạm nguy hiểm nhất, cứng đầu nhất, phạm những tội ác tày trời nhất. Thậm chí có tin đồn rằng một số tay anh chị còn muốn tới Alcatraz để tăng cường ảnh hưởng của mình trong giới tội phạm.
Từ lâu, vịnh San Francisco là một khu vực nguy hiểm trên biển do sương mù dày đặc, thậm chí là vào ban ngày. Vào ban đêm, hầu như rất khó để định hướng đường đi. Năm 1854, người ta xây một ngọn hải đăng cao hơn 12 m trên đảo Alcatraz. Ngoài ngọn hải đăng, đảo còn có một cái chuông dùng để cảnh báo tàu thuyền.
Đảo Alcatraz thực ra là đỉnh của một ngọn núi, còn vịnh San Francisco từng là một thung lũng cách đây cả chục nghìn năm. Khi mực nước biển dâng thung lũng này trở thành vịnh. Do đó, hòn đảo hầu như không có mấy đất, chỉ toàn đá. Hầu như không có cây cối mọc tự nhiên trên đảo mà phần lớn đều là do con người mang lên trồng trong quá trình xây dựng nhà tù. Vùng nước quanh đảo Alcatraz rất lạnh, chỉ khoảng 16 độ C và dòng nước rất mạnh.
Nhà tù Alcatraz nhìn từ trên cao
Nhà tù Alcatraz được xây năm 1912 và ban đầu là nhà tù quân sự. Năm 1934, nhà tù được tổ chức lại và trở thành nhà tù công nghệ cao nhất nước Mỹ thời bấy giờ. Nhà tù có sức chứa 600 tù nhân nhưng thực ra chỉ chứa tối đa 300 người. Một số khu nhà giam của nhà tù quân sự cũ bị niêm phong bằng dây thép gai và không được sử dụng.
Thiết kế ban đầu năm 1912 của nhà tù là một thiết kế mang tính đột phá. Bản thân hòn đảo là một rào cản cho những ai muốn trốn thoát. Rào cảo thứ hai là các bức tường bê tông dày cộp và các cửa sổ có chấn song. Bên trong, nhà tù có các khu phòng giam không có điểm kết nối với các bức tường ở vòng ngoài. Mỗi phòng giam lại là một nhà tù bên trong nhà tù.
Một phòng giam trong nhà tù Alcatraz
Năm 1934, khi nhà tù được tổ chức lại, toàn bộ song sắt đã được thay thế bằng thép cứng - loại thép mà không cái cưa kim loại nào có thể cắt được. Chi phí thay thế chấn song là 200.000 USD. Tại thời điểm năm 1934, con số này cao hơn chi phí xây dựng cả nhà tù Alcatraz năm 1912.
Chấn song phòng giam không phải là công nghệ mới duy nhất trên hòn đảo. Người ta còn cho thay hệ thống khóa cũ kỹ của nhà tù. Thay vì mỗi phòng giam có một chìa khóa và phải mở riêng lẻ, các cai ngục có thể mở cửa một số phòng giam cùng lúc từ xa nhờ hệ thống khóa bằng máy chỉ bằng một động tác kéo đòn bẩy tại bảng điểu khiển. Các máy phát hiện kim loại vốn là một công nghệ tương đối mới năm 1934 cũng được lắp đặt tại nhà tù.
Nhà tù Alcatraz có ba khu nhà giam, A, B và C nằm song song với nhau. Khu A ngắn nhất, còn khu B và C chạy dọc theo chiều dài của tòa nhà. Mỗi phòng giam rộng 1,5 m, cao 2,7 m, có một giường, một bồn rửa mặt, một nhà vệ sinh và một bàn nhỏ để viết. Hai giá đựng đồ dùng cá nhân nằm dọc bức tường phía trong phòng giam. Ba mặt tường trong phòng giam làm bằng bê tông đặc, mặt còn lại là chấn song thép cứng. Mỗi tù nhân bị giam ở một phòng riêng.
Tù nhân Alcatraz phần lớn thời gian đều ở trong phòng giam. Mỗi tuần họ chỉ có một tiếng tập thể dục ngoài trời. Những kẻ vi phạm quy tắc liên tục có thể bị tống vào một nơi gọi là "hố" - một trong năm phòng giam đặc biệt có cửa bằng sắt che mọi ánh sáng bên ngoài. Ngoài ra, Alcatraz có một phòng giam dành cho những tù nhân tồi tệ nhất trong những tù nhân tồi tệ nhất. Phòng này không có nhà vệ sinh, chỉ có một cái hố trên sàn. Tù nhân nào bị nhốt trong này sẽ không được mặc quần áo, không có chăn, thức ăn thì đạm bạc. Trước đây, tù nhân vi phạm kỷ luật bị đưa vào hầm tù, nơi có một loạt phòng giam cũ ở tầng hầm.
Dù thế, các khu vực trong nhà tù Alcatraz vẫn được tù nhân đặt cho những cái tên mỹ miều. Ví dụ, lối đi trung tâm được gọi là Broadway, có lối đi lại được đặt tên là Đại lộ Công viên, Đại lộ Michigan. Khu vực giữa sảnh và khu phòng giam được gọi là Quảng trường Thời đại.
Đảo Alcatraz không chỉ có tù nhân. Cai ngục và gia đình họ cũng sống trên đảo. Con cái họ rời đảo bằng thuyền để tới trường hàng ngày. Trẻ em trên đảo không được chơi súng đồ chơi để tránh trường hợp tù nhân có thể lấy và dùng để uy hiếp cai ngục. Do trên đảo không có gì nên mọi thứ cho các gia đình cai ngục và tù nhân đều phải được mua ở đất liền.
Đối với tù nhân tại Alcatraz, cuộc sống cũng giống như ở các nhà tù khác ở Mỹ thời bấy giờ, dù không dễ chịu nhưng cũng không đến mức như địa ngục mà nhiều bộ phim đã khắc họa. Sáng sáng, tù nhân tự dọn dẹp phòng sạch sẽ, thay quần áo và đứng sẵn sàng để điểm danh. Sau đó, họ xếp hàng đi ra sảnh để ăn sáng trước khi di chuyển ra khu khu vực làm việc tại bến cảng, khu giặt là hoặc một trong các tòa nhà trên đảo. Tù nhân cũng có thể đọc sách trong thư viện. Sau bữa ăn tối, tù nhân trở lại phòng giam và đèn tắt lúc 21 giờ 30.
Dù an ninh cao như vậy nhưng cũng có những tù nhân Alcatraz táo tợn tìm cách vượt ngục để rồi đều chịu kết cục bi thảm.
(Đón đọc kỳ cuối: Các vụ vượt ngục táo tợn)
Theo Thùy Dương/baotintuc.vn
Toàn cảnh nhà tù khét tiếng một thời Alcatraz của Mỹ Là 1 trong 10 điểm du lịch hút khách nhất thế giới, nhà tù Alcatraz có kỷ luật hà khắc nhưng lại nhìn ra một quang cảnh tuyệt đẹp - TP San Francisco lộng lẫy. Nhà tù Alcatraz nằm trên đảo Alcatraz ở vịnh San Francisco, Mỹ từ lâu đã nổi tiếng là nhà tù có an ninh nghiêm ngặt nhất nước Mỹ...