Các tỉnh phía Nam trước nguy cơ bùng dịch Covid-19 và bài học từ TPHCM
Đầu tháng 11, khi tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM – điểm nóng của đợt bùng phát dịch thứ 4 – đã dần hạ nhiệt, hầu hết hoạt động cần thiết đã được khôi phục lại, thì những địa phương khác thuộc khu vực phía Nam phải đổi mặt với những nỗi lo mới.
Từ những ngày đầu tháng 11, một số tỉnh, thành phố thuộc khu vực Nam Bộ đã trở thành những địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất cả nước mỗi ngày theo báo cáo của Bộ Y tế. Trong đó, tình hình dịch bệnh của khu vực Đông Nam Bộ đã nóng lên khi Đồng Nai và Bình Dương đều ghi nhận khoảng 1.000 ca mắc mới mỗi ngày.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
Tại khu vực Tây Nam Bộ, hàng loạt địa phương như Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Đồng Tháp có tốc độ gia tăng ca mắc Covid-19 ở mức cao với hàng trăm F0 được ghi nhận trong vòng 24 giờ. Một số địa bàn đã nâng cấp độ phòng, chống dịch, thực hiện phong tỏa cục bộ tại một số khu vực để ngăn chặn nguồn lây.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, chia sẻ với việc nới lỏng các biện pháp giãn cách, mở cửa lại các hoạt động, việc số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng ở một số tỉnh, thành là điều sẽ xảy ra. Vấn đề chính của các tỉnh, thành phía Nam là phải đánh giá, dự báo được diễn biến dịch Covid-19 và có biện pháp cụ thể theo từng địa bàn, từng nhóm nguy cơ.
Nguy cơ từ cả bên trong và bên ngoài
“Khi các hoạt động được mở cửa, đi lại tăng lên thì sự tiếp xúc, giao lưu giữa người với người cũng tăng. Trong bối cảnh dịch bệnh ở nhiều địa phương còn phức tạp, sự di chuyển của người dân từ tỉnh này về tỉnh khác tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19″, PGS. TS Trần Đắc Phu nhận định.
Ông Trần Đắc Phu phân tích, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 vừa qua, nhiều địa phương có dịch Covid-19 đã ngấm sâu, lan rộng trong cộng đồng. Nhiều trường hợp F0 không triệu chứng, không biết mình đã mắc Covid-19 nên vẫn di chuyển về địa phương khác và gây lây lan dịch bệnh.
Việc di chuyển của người dân từ tỉnh này về tỉnh khác tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 (Ảnh: Hải Long).
“Việc kiểm soát người di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa có thể làm được, tuy nhiên đối với đường bộ lại là vấn đề lớn. Thời gian qua, chúng ta đã thấy nhiều người di chuyển bằng đường bộ về địa phương không chịu cách ly, không khai báo gây ra những vấn đề bất cập trong phòng, chống dịch”, ông Trần Đắc Phu dẫn chứng.
Bên cạnh nguồn lây từ bên ngoài, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đề cập tới những nguồn lây đã có sẵn trong từng địa phương chưa được phát hiện. Khi chưa nhận diện, ngăn chặn nguồn trong thời gian giãn cách xã hội, các F0 sẽ âm thầm phát triển và có điều kiện để bùng phát khi nới lỏng các biện pháp giãn cách.
“Một yếu tố chủ quan tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 là nhiều người cho rằng đã tiêm vaccine Covid-19 là an toàn, nên cứ vô tư đi lại, tiếp xúc. Đây là quan điểm sai và gây khó khăn trong công tác kiểm soát dịch tại các địa bàn”, PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý.
Nhiều người di chuyển bằng đường bộ về địa phương không chịu cách ly, không khai báo gây ra những vấn đề bất cập trong phòng, chống dịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu
Video đang HOT
Đối với các tỉnh, thành khu vực phía Nam, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng nhìn nhận, các địa phương sẽ gặp nhiều thách thức bởi y tế cơ sở có những khó khăn, tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 còn thấp. Đặc biệt, ông Trần Đắc Phu bày tỏ lo ngại về tốc độ ứng phó đối với các tỉnh, thành chưa xảy ra dịch Covid-19 trước đó, nên chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống phức tạp.
Việc phong tỏa để ngăn chặn nguồn lây vẫn cần thiết
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, hiện tại, các địa phương vẫn phải thực hiện chiến lược “Ngăn chặn – phát hiện – cách ly – khoanh vùng – dập dịch và điều trị hiệu quả”. Trong tình hình mới, các địa phương chỉ thay đổi từng biện pháp cụ thể của chiến lược trên cho phù hợp.
“Công tác phát hiện bao gồm cả xét nghiệm và truy vết, các bước thực hiện cần làm sớm nhất có thể để không cho dịch lây lan rộng, bùng phát mạnh. Đôi khi chỉ chậm một nhịp, dịch Covid-19 đã diễn biến phức tạp hơn nhiều”, ông Trần Đắc Phu phân tích.
Các địa phương vẫn phải thực hiện chiến lược “Ngăn chặn – phát hiện – cách ly – khoanh vùng – dập dịch và điều trị hiệu quả” (Ảnh: Hải Long).
Công tác xét nghiệm không chỉ giúp ngành y xác định được F0, xác định ổ dịch mà còn là cơ sở để đánh giá nguy cơ, đưa ra biện pháp đáp ứng phù hợp, tránh ảnh hưởng đến kinh tế và an sinh xã hội. Ngoài ra, việc lấy mẫu phải làm theo chỉ định dịch tễ, trả kết quả trong ngày mới tạo hiệu quả, “bắt trúng được ca bệnh, ổ dịch” và đánh giá được chính xác các nguy cơ tiềm ẩn.
Đối với việc ngăn chặn nguồn lây, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, từ việc đánh giá được mức độ dịch bệnh, từng địa phương, từng khu vực cần đưa ra phương án theo nhóm nguy cơ. Việc phong tỏa cần thực hiện trong phạm vi càng hẹp càng tốt, nguy cơ đến đâu, phong tỏa đến đó, tránh tình trạng “trong chặt, ngoài lỏng”.
Đôi khi chỉ chậm một nhịp trong xét nghiệm, truy vết, dịch Covid-19 đã diễn biến phức tạp hơn nhiều.
PGS.TS Trần Đắc Phu
Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cũng chỉ rõ, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã đưa ra các phương án kiểm soát dịch theo từng nhóm nguy cơ. Bên cạnh đó, việc mở lại các hoạt động cũng cần xem xét hạn chế, mở lại có điều kiện, không thể “buông lỏng, thả trôi”.
Ông Trần Đắc Phu nêu rõ, một điều tất cả địa phương cần hướng đến trong việc phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay là giành được thế chủ động. Nếu để xảy ra việc bị động trước dịch bệnh, các phần việc khác sẽ trở nên rất khó khăn.
Việc phong tỏa cần thực hiện trong phạm vi càng hẹp càng tốt, nguy cơ đến đâu, phong tỏa đến đó (Ảnh: Hải Long).
Thế chủ động đó sẽ đòi hỏi các địa phương phía Nam cần có kịch bản, kiểm tra, đánh giá năng lực ngành y tế dựa trên các dự báo về tình hình dịch Covid-19. Năng lực từ xét nghiệm, điều trị, y tế cơ sở cho đến hệ thống cán bộ cần dự trù cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
“Mục tiêu mấu chốt khi nới lỏng các biện pháp giãn cách trong bối cảnh không Zero F0 là không để có bệnh nhân chuyển nặng, không quá tải hệ thống y tế, số ca tử vong ở mức thấp nhất”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Vỡ trận y tế dự phòng sẽ dẫn đến vỡ trận y tế điều trị
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ở các tỉnh, thành phía Nam diễn biến phức tạp, năng lực hệ thống y tế còn hạn chế và độ bao phủ vaccine thấp, một số ý kiến lo ngại tình trạng vỡ trận hay quá tải điều trị sẽ diễn ra ở khu vực này. PGS.TS Trần Đắc Phu chỉ ra bài học kinh nghiệm của TPHCM trong việc nhiều F0 chưa được hệ thống y tế cơ sở tiếp cận kịp thời và cho rằng, đây là điều các tỉnh, thành phía Nam cần tránh.
Một trong những phần việc trọng tâm của các tỉnh, thành phía Nam trong bối cảnh hiện nay là tăng cường năng lực của hệ thống y tế. Hệ thống điều trị cần tính toán số lượng giường điều trị, tiếp nhận, giường hồi sức, cung ứng oxy và số cán bộ, nhân viên y tế đủ để can thiệp ngay đối với những F0 có nhu cầu.
Các địa phương cần tránh việc nhiều F0 chưa được hệ thống y tế cơ sở tiếp cận kịp thời (Ảnh: Hải Long).
Hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng cần đảm bảo để tiếp cận người bệnh trong thời gian sớm nhất, làm giảm nguy cơ chuyển nặng, nguy cơ tử vong và giảm áp lực lên hệ thống điều trị tuyến trên.
“Theo kinh nghiệm của tôi, khi hệ thống y tế dự phòng vỡ trận sẽ dẫn đến vỡ trận hệ thống điều trị. Số ca mắc tăng cao đến mức không kiểm soát được sẽ khiến hệ thống y tế thêm bị động, gia tăng số ca chuyển nặng, ca tử vong”, PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý.
Ông Trần Đắc Phu cho rằng, việc dịch bệnh ở từng địa phương sẽ diễn tiến theo mức độ nào phụ thuộc vào khả năng đáp ứng, khả năng kiểm soát và đặc điểm dịch tễ từng nơi. Để không bị động, các tỉnh, thành cần đánh giá được hệ thống y tế có thể chống chịu ở mức độ nào, tình hình dịch Covid-19 hiện tại ở mức độ lớn hay nhỏ, tập trung một nơi hay rải rác nhiều khu vực.
Hệ thống y tế dự phòng vỡ trận sẽ dẫn đến vỡ trận hệ thống điều trị.
PGS.TS Trần Đắc Phu
Hiện tại, những việc các địa phương phía Nam cần bắt tay làm ngay là đánh giá tình hình dịch bệnh để đưa ra dự báo dịch Covid-19 có khả năng bùng phát hay không và nếu có thì khả năng chống chịu của hệ thống y tế ra sao. Từ những đánh giá ban đầu đó, từng địa bàn cần xem xét, cân đối để đưa ra phương án ứng phó tùy theo đặc điểm của từng khu vực nhỏ.
Vaccine là biện pháp bền vững nhất nhưng cần thời gian
Bên cạnh các yếu tố dịch tễ, nguồn lực y tế, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đưa ra nhận định, việc xác định dịch Covid-19 có gây quá tải hệ thống y tế ở một địa phương, một khu vực hay không cũng phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng và tỷ lệ tiêm vaccine. Việc tiêm chủng vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra phương án ứng phó với dịch bệnh.
“TPHCM hiện nay vẫn có khoảng 1.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Họ vẫn có thể từng bước mở lại hoạt động, nhưng những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nếu áp dụng phương án này thì dịch sẽ bùng phát rất nặng nên cần tính hướng khác”, ông Trần Đắc Phu dẫn chứng.
Tiêm chủng vaccine đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra phương án ứng phó với dịch bệnh (Ảnh: Nguyễn Quang).
Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cũng khẳng định, vaccine là biện pháp bền vững nhất trong bối cảnh hiện tại để phòng chống Covid-19. Tuy nhiên, việc tiêm chủng cần tối thiểu 14 ngày để phát huy hiệu quả.
Mặt khác, ngay cả khi đạt được độ phủ vaccine Covid-19 ở mức tương đối, các địa phương vẫn cần phát hiện sớm ca mắc trong cộng đồng.
Bên cạnh các phần việc đã nêu là kiểm soát dịch bệnh, tiêm chủng vaccine Covid-19, PGS.TS Trần Đắc Phu cũng đề cập tới một nhiệm vụ trọng tâm nữa là đảm bảo an sinh xã hội. Theo ông, trong trường hợp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nếu công tác an sinh xã hội không được đảm bảo thì các biện pháp về mặt y tế sẽ không phát huy được hiệu quả.
Nếu công tác an sinh xã hội không được đảm bảo thì các biện pháp về mặt y tế sẽ không phát huy được hiệu quả.
PGS.TS Trần Đắc Phu
Qua quá trình quan sát 4 đợt bùng phát dịch Covid-19 từng diễn ra trên cả nước, vị chuyên gia dịch tễ cho rằng, từng đợt dịch đều có đặc điểm, bối cảnh khác nhau. Trên phạm vi cả nước, kinh nghiệm của các đợt dịch trước sẽ giúp giải quyết một số vấn đề cụ thể của đợt sau chứ không áp dụng toàn bộ.
Đối với từng địa phương, mỗi nơi sẽ những đặc điểm về nguy cơ xâm nhập, lây lan, bùng phát, tỷ lệ tiêm chủng không giống nhau. Để đạt được kết quả tốt nhất và giảm thiểu hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống dịch, các địa phương cần hiểu rõ đưa ra cách đáp ứng cụ thể dựa trên tình hình, kinh nghiệm và những vấn đề đặc thù của riêng mình.
Năm ngày tiêm phủ mũi một cho người dân Nam Bộ và Tây Nguyên
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế đảm bảo phủ hết mũi một trong vòng 5 ngày cho người trên 18 tuổi ở các địa phương khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu đảm bảo cung ứng vaccine cho Nam Bộ và Tây Nguyên.
Văn bản nêu rõ, chiều ngày 5/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19, công tác tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch Covid-19.
Sau khi nghe báo cáo của các địa phương, ý kiến phát biểu của lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Công an, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ và các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện phân bổ, chỉ đạo tổ chức tiêm vaccine ở các địa phương khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu đảm bảo phủ hết mũi một trong vòng 5 ngày cho người trên 18 tuổi; trả mũi 2 kịp, đủ; tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi ở các địa phương khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên. Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tổ chức lực lượng hỗ trợ tiêm nhanh nhất.
Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, đảm bảo nguồn thuốc để điều trị sớm ngay từ đầu các trường hợp F0 để giảm thấp nhất các ca chuyển nặng, tử vong.
Quy trình xác thực thông tin trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Y tế Bộ, ngành về việc hướng dẫn Quy trình xác thực thông tin người dân trên Nền tảng Quản lý tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Bảo đảm an toàn...