Các thuốc và phương pháp điều trị Hội chứng Sudeck
Hội chứng Sudeck là một bệnh ít gặp, ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của bệnh nhân. Đến nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm mà chỉ giúp thuyên giảm triệu chứng.
1. Ai có nguy cơ mắc Hội chứng Sudeck, cách nhận biết như thế nào?
Hội chứng Sudeck hay còn gọi là bằng nhiều tên khác như: Loạn dưỡng giao cảm phản xạ, hội chứng loạn dưỡng thần kinh giao cảm phản xạ, hội chứng vai tay, hội chứng teo Sudeck. Bệnh gặp ở nữ giới nhiều hơn nam, thường trong độ tuổi từ 40-60.
Người có nguy cơ mắc bệnh gồm:
Bệnh nhân mắc hội chứng ống cổ tay.
Người bị chấn thương hoặc bệnh lý vùng cột sống cổ, chấn thương vùng vai.
Người từng bị chấn thương vùng cổ tay, chấn thương xương cẳng tay đoạn 1/3 dưới.
Người đã bị đột quỵ não, nhất là trong 1-6 tháng.
Bệnh nhân mắc các bệnh nội tiết, đái tháo đường, các bệnh tim mạch.
Sau phẫu thuật ung thư vú…
Hội chứng Sudeck ảnh hưởng đến các chi và hạn chế vận động.
Hội chứng Sudeck có thể xảy ra ở tất cả các chi, nhưng ảnh hưởng nhiều nhất là ở bàn tay và khớp vai, thường diễn biến từ nhẹ đến nặng với các biểu hiện:
Video đang HOT
- Đau và sưng tấy: Đau ở chi bị bệnh (mức độ đau nhiều, liên tục, tăng về đêm và khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi). Biểu hiện này tiến triển nhanh và ở chi bị bệnh sẽ xuất hiện dấu hiệu sưng tấy, phù căng, đỏ nóng, da bóng nhẵn, khi sờ vào có cảm giác mạch đập nhanh. Giai đoạn này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, sau đó diễn biến đến giai đoạn nặng hơn.
- Giảm vận động chi: Sau khoảng 1-2 tuần kể từ lúc xuất hiện triệu chứng bệnh, tình trạng đau lúc tăng lúc giảm, phù giảm dần, nhưng da ở phần chi bị bệnh dày lên, chuyển dần sang màu tím. Phần gân, bao khớp co kéo lại làm chi hạn chế vận động. Bệnh tiến triển dần dần khiến các cơ của chi bị teo, làm giảm vận động của chi bệnh so với chi lành.
Nếu không được điều trị kịp thời thì những tổn thương trên có thể không hồi phục.
2. Phương pháp điều trị Hội chứng Sudeck
Trước khi điều trị hội chứng Sudeck, cần phân biệt với các bệnh khác như: Hội chứng cổ vai gáy, viêm khớp dạng thấp, viêm da cơ, gout, bởi các tình trạng này có các triệu chứng gần giống nhau.
Đến nay vẫn chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm hội chứng Sudeck. Việc điều trị nhằm thuyên giảm các triệu chứng cho người bệnh, do đó, cần phát hiện bệnh sớm, điều trị tích cực để hạn chế các tổn thương vĩnh viễn; kết hợp điều trị bằng thuốc và vật lý trị liệu để giảm triệu chứng cũng như giúp bệnh nhân hồi phục sớm.
2.1 Điều trị bằng thuốc
Một số loại thuốc có thể được bác sĩ chỉ định tùy vào triệu chứng:
Thuốc chống viêm không steroid, sử dụng đường uống hoặc đường tiêm tùy tình trạng của bệnh nhân.
Thuốc corticoid điều trị viêm sưng: Ban đầu, có thể chỉ định corticoid liều cao một thời gian ngắn, sau đó giảm liều và ngừng thuốc.
Không được dùng kéo dài vì có nguy cơ gặp các tác dụng phụ.
Dùng các thuốc phong bế gốc chi nhằm làm giảm các triệu chứng rối loạn vận mạch dinh dưỡng bàn tay… giúp giảm đau, giảm phù nề, tím đỏ bàn tay hoặc các thuốc phong bế hạch sao và đám rối thần kinh cánh tay, giúp giảm đau và giảm rối loạn vận mạch dinh dưỡng bàn tay.
Kem gây tê lidocaine.
Thuốc chống trầm cảm, chống co giật.
Thuốc giảm đau từ nhẹ đến trung bình như aspirin, ibuprofen, naproxen… hoặc thuốc giảm đau mức độ nặng hơn như oxycodone, morphine, hydrocodone, fentanyl…
2.2 Vật lý trị liệu
Có thể dùng các phương pháp sau:
- Tại nhà, bệnh nhân có thể áp dụng biện pháp ngâm tay bị bệnh vào nước lạnh 1-2 phút/lần. Mỗi ngày 1-2 lần để giúp giảm đau, giảm phù nề, đỏ, loạn dưỡng tay.
Lúc ngủ và nghỉ nên kê tay cao hơn tim để giảm phù nề. Khi thức, dùng dây treo qua cổ để đỡ tay nhằm giảm phù, đau nhức tay.
Kết hợp dùng thuốc cùng các biện pháp khác để tăng cường hiệu quả điều trị.
- Tại bệnh viện, các phương pháp điều trị nhiệt nóng như sóng ngắn, sóng cực ngắn, vi sóng, paraffin, bức xạ hồng ngoại… có thể áp dụng vào vùng vai và cột sống cổ hoặc bệnh nhân có thể được sử dụng các biện pháp giảm đau bằng dòng điện như điện xung, điện xung dòng TENS, điện di novocain 2%…
Sau khi triệu chứng bệnh ở tay thuyên giảm, bệnh nhân cần cần tích cực thực hiện các bài tập phục hồi chức năng để gây giãn khớp, chống dính khớp, phục hồi chức năng khớp vai.
2.3 Phẫu thuật
Khi áp dụng phương pháp điều trị nội khoa thất bại, có thể sử dụng các biện pháp can thiệp:
Phẫu thuật phong bế và triệt hạch giao cảm cổ.
Phẫu thuật mổ bỏ hạch giao cảm cổ bằng nội soi hoặc mổ hở.
Bệnh xương khớp 'tấn công' người trẻ
Các nghiên cứu trên nhân viên văn phòng cho thấy có tới 37,9% người mắc các vấn đề về xương khớp.
Trong đó, khu vực gặp bất thường nhiều nhất là cổ, vai và lưng.
Chuyên gia tư vấn bệnh nhân mắc bệnh lý cơ xương khớp. Ảnh: BV Việt Đức.
Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) cho hay thời gian qua đã tiếp nhận nhiều người trẻ tuổi đến khám, điều trị phục hồi chức năng, vật lý trị liệu vì đau mỏi vai gáy, đau cột sống, đau xương khớp, thoát vị đĩa đệm... Thậm chí, có những trường hợp mới chỉ 20-22 tuổi đã phải đến khám và kêu ca về tình trạng đau nhức xương khớp. Những cơn đau biểu hiện đặc trưng cho tình trạng thoái hóa khớp sớm.
Theo PGS.TS Lê Mạnh Cường - Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, tỷ lệ người mắc bệnh cơ xương khớp rất cao và đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Hệ vận động hay cơ xương khớp rất ít khi được chú ý cho đến khi xuất hiện các dấu hiệu của lão hóa, người bệnh mới nhận ra bị các vấn đề về xương khớp gây giảm hiệu suất công việc và ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, trong lối sống ngày nay, mọi người thường làm việc ngồi ở một vị trí trong nhiều giờ đồng hồ liền dễ gây ê cổ vai gáy và các khớp vận động trên cơ thể và cột sống.
Bên cạnh đó, ở người trẻ, nhóm tuổi này thường chủ quan, không đi khám sớm cho đến khi bệnh nặng, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Nhiều trường hợp từ chối phẫu thuật, chủ yếu do sợ di chứng, yếu liệt sau này.
TS.BS Lê Văn Tuấn - Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TPHCM) cho biết, ngày càng có nhiều người trẻ làm việc văn phòng mắc các bệnh về xương khớp. Mỗi tháng, Bệnh viện có gần 8 nghìn lượt khám bệnh cơ xương khớp, 60% trong số đó là nhân viên văn phòng dưới 55 tuổi như nhân viên hành chính, kinh doanh, pháp lý, kế toán, công nghệ thông tin, thiết kế, truyền thông, bảo hiểm... Một nghiên cứu được tiến hành từ năm 2017 đến 2020 trên hơn 500 người làm việc văn phòng 20-59 tuổi cho thấy 37,9% người mắc các vấn đề về xương khớp.
BS Tuấn lý giải, việc ngồi nhiều 6 - 8 tiếng mỗi ngày là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về xương khớp ở dân văn phòng. Thói quen này gây căng thẳng, giảm tưới máu và dồn áp lực lên các khớp xương, nhất là cột sống thắt lưng. Từ đó, tăng nguy cơ đau lưng, căng cơ cạnh cột sống, thoái hóa đốt sống, gai xương.
Theo các chuyên gia, tác động của của bệnh lý xương khớp đến mỗi người có thể thay đổi với các triệu chứng nhẹ đến các rối loạn chức năng nghiêm trọng, thậm chí là di chứng tàn tật. Nó gián tiếp làm giảm chất lượng cuộc sống, giảm năng suất lao động, gây mất ngày công lao động và đẩy chi phí y tế tăng lên.
Những trường hợp nặng và lâu ngày có thể gây thoát vị đĩa đệm, hội chứng chùm đuôi ngựa, nguy cơ yếu liệt chân. Ngồi lâu và sai tư thế như cong lưng, ngồi vắt chân, co 2 chân lên ghế, ngồi lệch vai, tay đánh máy không có điểm tựa sẽ càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cơ xương khớp như hội chứng ống cổ tay, đau cổ vai gáy, thoát vị đĩa đệm.
"Ít đứng dậy đi lại trong lúc làm việc, tiêu thụ nhiều đồ ăn nhanh, thừa cân, lười vận động sau tan sở cũng khiến xương khớp của người trẻ, đặc biệt là dân văn phòng bị hư hỏng âm thầm, khởi phát quá trình viêm khớp, thoái hóa khớp" - BS Tuấn nhấn mạnh.
Để phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo, mỗi người nên thường xuyên vận động, ngồi khoảng 15-20 phút cần đứng lên đi lại để thay đổi tư thế, giúp cơ xương khớp linh hoạt, tránh ngồi hay đứng quá lâu, hạn chế làm việc quá sức, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, để giúp cho cơ bắp và xương chắc khỏe hơn, mỗi người cần luyện tập thể dục, thể thao với những bài tập phù hợp như: Bơi, đạp xe, đi bộ, tập thể dục, dưỡng sinh...
Khi thấy xuất hiện các triệu chứng ban đầu của bệnh như đau vùng vai gáy, đau ở thắt lưng, đau vùng gót chân, đau ở các khớp... cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để khám, tránh sử dụng các sản phẩm giảm đau xương khớp một cách tùy tiện. Bởi những sản phẩm này có thể chứa hoạt chất giảm đau, kháng viêm không steroid hay Corticoid, khi sử dụng dài ngày rất nguy hiểm cho gan, thận và dạ dày.
Người mắc hội chứng Sjogren cần lưu ý gì trong tập luyện? Tập thể dục mang lại nhiều lợi ích cho người mắc hội chứng Sjogren, đặc biệt trong việc cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm thiểu một số triệu chứng khó chịu của bệnh... 1. Tập luyện mang lại lợi ích gì cho người mắc hội chứng Sjogren? Hội chứng Sjogren là một bệnh tự miễn mạn tính, không rõ nguyên nhân,...