Các sự cố với bom nguyên tử của quân đội Mỹ
Một phi cơ Mỹ mất tích trên biển Địa Trung Hải vào năm 1956 khi chở nhiều lõi đầu đạn hạt nhân. Do va chạm với chiến đấu cơ, một máy bay khác phải thả bom nguyên tử xuống biển.
Quả bom rơi trúng ngôi nhà của Walter Gregg khiến 6 người bị thương. Ảnh: The Sun News
Mars Bluff là một thị trấn nhỏ thuộc hạt Florence, bang South Carolina. Nhưng thị trấn ấy nổi tiếng bởi một sự kiện động trời vào năm 1958. Hôm đó Không quân Mỹ vô tình thả bom nguyên tử xuống đây.
Phi cơ Boeing B-47E-LM Stratojet xuất phát từ căn cứ không quân Hunter ở thành phố Savannah, bang Georgia vào ngày 11/3/1958 để tới Anh. Chuyến bay là một phần của Chiến dịch Snow Flurry. Trong chiến dịch, các máy bay ném bom tới Anh để thực hiện bài tập ném bom giả để kiểm tra độ chính xác. Theo The Sun News, Mark 6 là tên quả bom mà phi cơ mang theo. Nó không thể hoạt động nhưng vẫn chứa hàng nghìn tấn thuốc nổ.
Trong lúc kiểm tra quả bom, cơ trưởng vô tình tóm chốt mà người ta chỉ sử dụng khi thả khẩn cấp. Thao tác của cơ trưởng khiến quả bom rơi khỏi máy bay.
Quả bom rơi trúng nhà của Walter Gregg, một người dân. Gregg và 5 thành viên trong gia đình ông bị thương vì bom nổ. Sau đó Gregg kiện Không quân Mỹ và tòa án yêu cầu Không quân bồi thường cho các nạn nhân 54.000 USD, tương đương 500.000 USD ngày nay.
Vô tình đưa tên lửa mang đạn hạt nhân lên máy bay
Nếu bạn nghĩ rằng những sự cố với bom nguyên tử chỉ xảy ra trong quá khứ thì bạn đã nhầm. Một trong những vụ mới nhất từng xảy ra vào năm 2007, tại căn cứ không quân Minot ở bang North Dakota.
Video đang HOT
Quân nhân Mỹ lắp vũ khí dưới cánh máy bay. Ảnh: Washington Post
Sau 9h sáng hôm 29/8/2007, một nhóm quân nhân vào hầm chứa tên lửa trong căn cứ không quân Minot. Nhiệm vụ của họ khá đơn giản: Mang một số tên lửa hành trình AGM-129 ACM tới “nghĩa địa vũ khí” để biến chúng thành phế liệu, Washington Post đưa tin. Họ đưa 12 tên lửa lên một phi cơ B-52 và đặt 6 quả ở mỗi bên máy bay.
Viên sĩ quan giám sát quá trình đưa tên lửa lên máy bay nhìn rất nhanh 6 tên lửa ở bên phải rồi ký biên bản. Nếu nhìn sang bên trái, có lẽ viên sĩ quan sẽ phát hiện một điều thú vị: Tất cả 6 tên lửa bên trái vẫn mang đầu đạn hạt nhân, Washington Post cho hay. Mỗi đầu đạn có sức công phá tương đương 10 quả bom mà Mỹ từng thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945.
Chẳng ai biết sự thật đáng sợ trong 36 giờ tiếp theo. Trong khoảng thời gian ấy, những quả tên lửa bay qua nhiều bang để tới bang Louisiana và phi hành đoàn không áp dụng những biện pháp an toàn dành cho hoạt động vận chuyển vũ khí hạt nhân.
May mắn thay, chuyến bay diễn ra trót lọt. Nhưng khi công chúng biết vụ việc, họ cảm thấy rất sốc và không hiểu nguyên nhân khiến 6 tên lửa cực kỳ nguy hiểm có thể lên máy bay do một sơ xuất quá đơn giản.
Máy bay chở bom hạt nhân va chạm với chiến đấu cơ
Quả bom mang tên Mark 15 có khối lượng lên tới 3,5 tấn. Ảnh: Washington Post
Vào ngày 5/2/1958, các quân nhân Mỹ đưa quả bom nguyên tử Mark 15 (có khối lượng 3.500 kg) lên một phi cơ ném bom B-47 để diễn tập. Nhưng trong quá trình diễn tập, chiếc B-47 va chạm với một chiến đấu cơ F-86 khiến cánh của nó hư hại nặng. Để có thể hạ cánh khẩn cấp, phi hành đoàn buộc phải thả quả bom xuống biển. Bom rơi xuống vùng biển gần thành phố Savannah, bang Georgia.
Phi hành đoàn sửng sốt vì quả bom không nổ khi nó rơi xuống biển. Phi công điều khiển B-47 hạ cánh an toàn xuống một căn cứ không quân gần nhất. Sau đó quân đội Mỹ trao huân chương Chữ thập cho viên phi công vì sự bình tĩnh và khéo léo trong quá trình cứu máy bay. Nhưng người ta vẫn không thể trả lời câu hỏi: Quả bom khổng lồ nằm ở đâu?
Đến tận ngày nay quân đội Mỹ vẫn chưa tìm thấy quả bom. Các chuyên gia chỉ có thể nhận định rằng nó nằm ở một chỗ nào đó dưới đáy biển và “ẩn náu” bên dưới lớp phù sa dày.
Phi cơ chở lõi đầu đạn hạt nhân mất tích trên biển
Ảnh minh họa: redorbit.com
Vào ngày 10/3/1956, một phi cơ ném bom B-47 Stratojet cất cánh từ căn cứ không quân MacDill ở bang Florida, Mỹ cùng nhiều lõi của đầu đạn hạt nhân. Họ để những lõi đó trong các thùng kín có hình dạng giống viên thuốc con nhộng. Theo kế hoạch, phi cơ bay tới căn cứ không quân Ben Guerir ở Morocco.
Trong quá trình bay, B-47 phải nhận nhiên liệu trên không trung hai lần. Lần thứ nhất diễn ra trót lọt. Nhưng trong lần thứ hai, theo Huffington Post, phi công trên máy bay chở nhiên liệu không thấy B-47. Sau đó Hải quân Mỹ, quân đội Pháp và Morocco không thể tìm thấy máy bay dù đã rà soát rất kỹ khu vực xung quanh vị trí cuối cùng của nó. Phi cơ mất tích mà không để lại dấu vết trên biển Địa Trung Hải. Giới chức Mỹ chỉ có thể đưa ra một lời giải thích duy nhất: Có thể B-47 rơi xuống một nơi gần Port Say, một làng ven biển trên lãnh thổ Algeria. Lầu Năm Góc tuyên bố máy bay và các lõi đầu đạn hạt nhân mất tích trên biển, còn các quân nhân hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ.
Theo Tri Thức
Trung Quốc sở hữu tên lửa liên lục địa di động đầu tiên
Quân đội Trung Quốc mới đây đã phóng thử thành công tên lửa liên lục địa DF-31B từ một bệ phóng di động, đặt Mỹ vào tình trạng phải cảnh giác do tên lửa này có thể vượt Thái Bình Dương, báo giới Trung Quốc đưa tin.
Một bệ phóng DF-31B di động (Ảnh: Internet)
Thông tin được tờ Thời báo Hoàn cầu đăng tải. Theo đó, đây là loại tên lửa khó phát hiện và đánh chặn, và có thể vươn tới các mục tiêu bên kia bờ Thái Bình Dương.
Theo các chuyên gia Nga, Trung Quốc sẽ sớm thay thế Pháp trở thành cường quốc hạt nhân thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga, do năng lực tấn công hạt nhân của nước này ngày một tăng.
Đô đốc hải quân Mỹ Cecil D Haney từng bày tỏ lo ngại về các tên lửa Đông Phong 31B (DF-31B), vốn có tầm bắn 11.200km, do nó có thể thay đổi thái độ của Mỹ đối với năng lực hạt nhân của Trung Quốc.
Loại tên lửa vận hành bằng nhiên liệu rắn này có thể mang nhiều đầu đạn, và giúp Trung Quốc có được năng lực đáp trả một cuộc tấn công hạt nhân, truyền thông Nga nhận định.
Trong cuộc thử nghiệm, tên lửa được phóng đi từ một xe chuyên dụng 4 cửa, 16 bánh trông giống các loại xe chở tên lửa của Nga. Một cựu quan chức Nga phụ trách nghiên cứu vũ khí hạt nhân cho biết, Trung Quốc đang tiệm cận bộ ba năng lực hạt nhân của Mỹ và Nga, gồm các máy bay ném bom chiến lược, tên lửa hạt nhân liên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Thông số chi tiết về DF-31B vẫn chưa được tiết lộ, nhưng vị chuyên gia Nga cho biết lợi thế lớn nhất của nó là thời gian triển khai phóng ngắn. Chỉ mất 5 phút tên lửa này có thể rời bệ phóng và đi vào quỹ đạo, khiến việc phát hiện của các vệ tinh do thám Mỹ trở nên khó khăn. Tên lửa cũng có khả năng tránh được bị đánh chặn do nó có quỹ đạo bay cong gấp khúc hình chữ S.
Đây là tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên của Trung Quốc có khả năng phóng từ bệ phóng di động. Sự kết hợp này có ý nghĩa quan trọng Trung Quốc, bởi tên lửa có thể được triển khai trên một vùng rộng lớn, khiến vị trí phóng khó bị phát hiện, Viktor Yesin, cựu tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược của Nga phân tích.
Bản báo cáo khẳng định Mỹ sẽ không thể phát hiện DF-31B dù có 21 vệ tinh do thám. Số lượng tên lửa đạn đạo di động Trung Quốc sở hữu có thể đạt 140 trong năm nay, trước khi vượt con số 240 của Pháp.
Thanh Tùng
Theo Dantri/ Want China Times
Thương mại hạt nhân Hoa Kỳ Việt Nam sẽ thuận lợi hơn Việc sửa đổi được Bộ Năng lượng/Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Hoa Kỳ bắt đầu năm 2011. Bộ Năng lượng/Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Hoa Kỳ đã cập nhật qui định Liên bang (Phần 810 trong Bộ Các quy định Liên bang số 10, gọi tắt là Phần 810) chi phối việc trợ giúp và xuất khẩu...