Các “siêu dự án” lãng phí, thất thoát: Không thể cứ “bắn chỉ thiên” mãi
Đặt vấn đề trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn hẹp, khó khăn nhưng vẫn còn tình trạng nhiều dự án nghìn tỷ, hoạt động không hiệu quả rồi “đắp chiếu”, bỏ hoang, đại biểu Quốc hội cho rằng, phải nêu được đích danh dự án, quy được trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân chứ không thể chỉ nêu chung chung theo kiểu “bắn chỉ thiên”.
Sáng nay (1/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kế hoạch tài chính 5 năm, mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (ảnh: Quochoi.vn)
“Thứ nhất nhà dột, thứ hai nợ đòi”
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TC-NS) về đầu tư công trong giai đoạn vừa qua: “Hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Vẫn còn tình trạng bố trí vốn cho dự án chưa đủ điều kiện; phê duyệt dự án khi chưa cân đối đủ vốn, đủ nguồn lực; bố trí vốn dàn trải, thiếu tập trung, chậm trễ, dẫn đến nhiều mục tiêu trọng tâm chưa hoàn thành, nhiều công trình dở dang, phải đình, giãn, hoãn tiến độ, lãng phí nguồn lực”.
Trong khi đó, “bội chi tăng cao trong nhiều năm, không đạt mục tiêu Quốc hội đề ra; nợ công tăng nhanh, mặc dù vẫn trong giới hạn cho phép nhưng bắt đầu có dấu hiệu rất khó khăn về trả nợ trong ngắn hạn và có biểu hiện không an toàn trong dài hạn”.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) cho rằng, đây là những đánh giá thẳng thắn, “nhìn thẳng vào sự thật” của Ủy ban TC-NS, dù vậy vẫn chưa đầy đủ. Theo đại biểu này, báo cáo của Ủy ban cần phải chỉ ra được những địa chỉ rõ ràng gắn liền với trách nhiệm tập thể, cá nhân.
Theo đó, phải chỉ ra được trên thực tế có bao nhiêu dự án hoạt động không hiệu quả, bao nhiêu dự án sử dụng vốn Nhà nước bị thua lỗ, bao nhiêu dự án gây thất thoát, lãng phí, bao nhiêu dự án cần đề nghị điều tra, truy tố… Có như vậy thì mới quy được trách nhiệm và khắc phục được vấn đề không lặp lại trong tương lai.
Ông Phương điểm danh 5 dự án lớn có tổng vốn đầu tư 30.000 tỷ đồng hoạt động thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản và cần phải chỉ rõ được trách nhiệm. Trong đó, dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đội vốn gấp đôi từ gần 4.000 tỷ đồng lên 8.100 tỷ đồng, Nhà máy bột giấy Phương Nam đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp…
Báo cáo một cách chung chung định hướng theo ông Phương vẫn chỉ là “bắn chỉ thiên”, không quy được trách nhiệm cá nhân.
Ngoài ra, đại biểu tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân vì sao nợ công tăng cao và cho biết phương án khắc phục, làm an lòng đại biểu và nhân dân. Bởi theo ông Phương, tâm lý của người dân vẫn luôn canh cánh nỗi lo nợ công trong bối cảnh chỉ tiêu này càng ngày càng gia tăng mạnh. “Thứ nhất nhà dột, thứ hai nợ đòi”, ông Phương bày tỏ.
Video đang HOT
Vị đại biểu cũng nêu quan điểm, với những địa phương có số thu lớn, thường xuyên vượt thu như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cần chung sức cùng Chính phủ để giải quyết khó khăn với những địa phương khác trong cả nước. Điển hình như Quảng Bình, với tình hình lũ lụt, thiên tai thường xuyên, đời sống sản xuất kinh doanh ngập chìm khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ của ngân sách Trung ương thì sẽ “phá sản”.
Đại biểu Phạm Phú Quốc (ảnh: Quochoi.vn)
Đề xuất mở thêm nguồn thu thừ thuế nhà, thuế cải thiện
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) bày tỏ quan ngại trước tình hình GDP năm nay khó đạt mục tiêu 5,1 triệu tỷ đồng, có khả năng chỉ đạt 4,6 triệu tỷ đồng, thậm chí chỉ đạt 4,1 triệu tỷ đồng nếu tốc độ tăng trưởng có thể chỉ ở mức 6,3% chứ không đạt 6,7% như dự kiến.
Việc số tuyệt đối GDP thu hẹp sẽ ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu vĩ mô khác đặc biệt là tỉ lệ bội chi/GDP, nợ công/GDP nhiều khả năng vượt trần cho phép.
Ông Tiến chỉ ra một loạt những sai lầm trong việc sử dụng nguồn vốn vay trong thời gian qua, như vay ngắn hạn nhiều hơn vay dài hạn, lãi suất cao song lại phục vụ cho những công trình thu hồi vốn dài. Điều này dẫn đến việc hiện tại phải tăng vay để đảo nợ, vay năm sau cao hơn năm trước..
“Nếu chúng ta cứ tiếp tục đầu tư như cách làm thời gian qua, lãng phí, thất thoát nguồn lực nhà nước thì sẽ không chỉ gây rủi ro cho cán cân tài chính ngân sách, rủi ro nợ công mà còn góp phần gây nên sự bất ổn định vĩ mô”, vị đại biểu Hà Nam cảnh báo. Do vậy, Chính phủ cần phải có chiến lược vay, trả nợ rõ ràng, chi tiêu tiết kiệm, nhấn mạnh vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý chi tiêu công.
Nói về mục tiêu tổng tu ngân sách giai đoạn 2016-2020 đặt ra là hơn 6,6 triệu tỷ đồng, tổng chi hơn 8 triệu tỷ đồng, GDP tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5-7%, nợ công dưới trần 65% GDP, bội chi dưới trần 3,9% GDP, đại biểu Phạm Phú Quốc (TPHCM) đánh giá, đây là những con số thể hiện sự quyết liệt trong vấn đề điều hành.
Tuy nhiên, trước bối cảnh biến động giá dầu và triển vọng kinh tế khó khăn, thu từ nhập khẩu thu hẹp, vị đại biểu TPHCM nhận xét “mục tiêu tăng thu là rất khó đạt được, chỉ có thể giảm chi”.
Dù vậy, đại biểu Quốc cũng đưa ra những góp ý, cho rằng, Việt Nam cần tính toán nuôi dưỡng nguồn thu, tạo hành lang thông thoáng để các doanh nghiệp hoạt động, khuyến khích người dân bỏ vốn vào tham gia phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, cũng có thể tính toán đến một số nguồn thu mới mà các nước phát triển trên thế giới đã áp dụng như thuế cải thiện, phí tác động, thuế nhà… “Chẳng hạn như khi ngân sách bỏ ra làm hạ tầng, một số dự án được tăng giá trị (nhà trong hẻm thành nhà mặt tiền, chung cư tăng giá bán) như vậy cũng phải chia lại phần lợi nhuận này cho ngân sách để ngân sách có thêm nguồn thực hiện các nhiệm vụ, dự án khác”, ông Quốc nêu ví dụ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tận thu.
Ngoài ra, đại biểu Quốc cũng khuyến nghị, bên cạnh hỗ trợ khởi nghiệp, cần khuyến khích thành lập các tập đoàn kinh tế lớn, có tầm cỡ quốc gia và khu vực để mang lại nguồn thu lớn, dẫn dắt khối doanh nghiệp phát triển. Trong vay vốn ODA, cần tỉnh táo để tránh bẫy nợ nần, thu hút FDI phải theo định hướng chứ không thu hút tràn làn, để lại hậu quả môi trường rồi lại phải đi giải quyết.
Bích Diệp
Theo Dantri
"Lẽ ra người Việt đã phải đạt thu nhập bình quân 10.000 USD"
Cảnh báo thách thức Việt Nam chưa giàu đã già lại nợ nần nhiều đang rất hiện hữu, các chuyên gia Nguyễn Xuân Thành và Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết, năm 2015, Việt Nam bắt đầu bước sang giai đoạn dân số già, với mức thu nhập xấp xỉ 2.110 USD/người nhưng đã phải gánh hơn 1.300 USD nợ công/người. Trong khi nhẽ ra, thu nhập người Việt đã phải tương đương Malaysia, đạt 10.000 USD/người.
Thách thức "chưa giàu đã già, lại nợ nần nhiều" đang rất hiện hữu
Trình bày về bối cảnh nợ công của Việt Nam tại Diễn đàn kinh tế sáng ngày 12/10, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy Fulbright và cộng sự là chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn cho biết, Việt Nam đã bắt đầu bước sang giai đoạn dân số già từ năm 2015 với mức thu nhập xấp xỉ 2.110 USD. Tuy nhiên, mỗi người dân Việt Nam đã phải gánh hơn 1.300 USD nợ công, tương đương 62,2% thu nhập.
Trong khi đó, rất nhiều nước có thu nhập cao hơn nhiều so với Việt Nam như Brunei, Malaysia, Indonesia, Philippines nhưng có cơ cấu dân số trẻ hơn Việt Nam. Các nước như Ấn Độ, Campuchia, Lào có thu nhập thấp hơn Việt Nam nhưng lại có dân số trẻ hơn trong khi người dân ở những nước này lại không phải gánh nợ công quá nhiều như người dân Việt Nam.
Mỗi người Việt phải gánh hơn 1.300 USD nợ công (Ảnh: Aaron Joel Santos)
Ông Thành cho rằng, so với mức bình quân các nước, ở "độ tuổi" của Việt Nam thì lẽ ra đã phải đạt thu nhập tương đương Malaysia, tức khoảng xấp xỉ 10.000 USD/người.
"Tuy nhiên thực tế Việt Nam mới chỉ đạt mức thu nhập bằng 1/5 của Malaysia. Hơn nữa người dân Việt Nam hiện đã gánh số nợ công lên đến trên 62% thu nhập trong khi người dân Malaysia chỉ gánh số nợ công chưa tới 52% thu nhập của họ", vị chuyên gia bình luận.
Bối cảnh này để cho thấy rằng Việt Nam không thể tiếp tục trì hoãn cải cách hay chậm chạp trong nỗ lực kiểm soát nợ công của mình trước khi dân số chuyển sang giai đoạn già hóa nhanh hơn. Dự báo, Việt Nam sẽ ở vào giai đoạn dân số già trong vòng 17 năm nữa.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành lo ngại, tình trạng dân số già chắc chắn sẽ đặt ra rất nhiều thách thức cho Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cũng như chính sách hưu trí cho người dân. Lo ngại hơn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động, đặc biệt là lao động có năng suất cao để có thể bứt phá ra khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Trong khi đó, theo một báo cáo cách đây vài năm của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thì năng suất lao động của Việt Nam lại thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần.
"Thực trạng này cho thấy thách thức Việt Nam chưa giàu đã già lại nợ nần nhiều đang rất hiện hữu", vị chuyên gia nhận xét.
Nguy cơ tiềm ẩn từ nợ của địa phương và tập đoàn kinh tế Nhà nước
Vấn đề là Việt Nam phải có những cải cách thực chất và kiểm soát được nợ công ở mức cam kết. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, việc thực hiện cam kết và tuân thủ kỷ luật ngân sách của Việt Nam đang có vấn đề.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành cho hay, trong Chiến lược quản lý nợ công cũng như trong Chiến lược tài chính đến năm 2020 được ban hành từ năm 2012, Chính phủ đưa ra mức trần bội chi ngân sách cho năm 2015 là 4,5% GDP, sau đó giảm tiếp về mức 4% GDP cho giai đoạn 2016-2020. Nhưng trên thực tế thâm hụt ngân sách năm 2015 theo báo cáo của Chính phủ đã lên đến 6,11% GDP, đó là chưa kể hai năm liền trước 2013 và 2014, thâm hụt ngân sách cũng ở mức rất cao, lần lượt là 6,6% và 6,61% GDP. Điều đáng nói là những con số bội chi ngân sách này không những đã vượt trần bội chi do Chính phủ tự cam kết mà còn vượt trần bội chi do Quốc hội giới hạn.
Tương tự, nợ Chính phủ cuối năm 2015 đã đạt 50,3% GDP, tức cũng vượt trần cho phép. Đối với nợ chính phủ bảo lãnh, tình trạng nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vay nợ nhưng đến hạn không trả được nợ khiến Chính phủ phải đứng ra trả thay cũng là một nguyên nhân gây căng thẳng ngân sách và sức ép lên nợ công.
Trong khi đó, nợ chính quyền địa phương theo thống kê chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu nợ công và có vẻ như không đáng quan ngại. Thế nhưng, theo các tác giả Nguyễn Xuân Thành và Đỗ Thiên Anh Tuấn, điều "có vẻ" này đang khiến cho nhiều người nhầm tưởng rằng chính quyền địa phương không phải là tác nhân gây ra nợ công và do đó thiếu sự tập trung trong chính sách quản lý nợ công.
"Với tình trạng bao cấp chi tiêu ngân sách từ trung ương cho địa phương như hiện nay đã vô hình chung che đậy nguồn gốc làm tăng thâm hụt ngân sách và do đó gia tăng nợ công ở Việt Nam. Ngoài ra, ở một số bộ ngành, tình trạng thiếu kỷ luật trong chi tiêu ngân sách cũng góp phần không nhỏ làm trầm trọng hơn tình trạng khó khăn ngân sách hàng năm", các chuyên gia lưu ý.
Một vấn đề khác cũng cần quan tâm, đó là theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2015 nợ công đã đạt 62,2% GDP. Dự kiến đến cuối năm 2016, nợ công sẽ áp sát trần ở mức 64,9%. Dù chưa vượt trần chính thức nhưng theo hai vị chuyên gia, rõ ràng con số này chỉ "đánh lừa thị giác" bởi nó không khác biệt có ý nghĩa với con số 65% GDP.
Trước đó, một nghiên cứu đưa ra năm 2015 của một đơn vị thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nếu tính toán đầy đủ, tỷ lệ nợ công vào cuối năm 2014 đã lên đến 66,4% GDP, tức có nghĩa là đã vượt trần nợ công cho phép là 65% GDP.
Bích Diệp
Theo Dantri
"Chốt" kế hoạch tài chính 5 năm: Nhìn lại có gánh nổi trách nhiệm? Một yêu cầu UB Thường vụ Quốc hội đặt ra với Chính phủ khi cho ý kiến về dự thảo nghị quyết quy định về quy chế lập, thẩm tra, quyết định kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước...