Các ông bố tại Nhật Bản ngày càng thích nghỉ phép chăm con
Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn kết quả khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho biết tỷ lệ nam giới nghỉ phép chăm con trong các công ty tư nhân đã đạt mức cao kỷ lục là 30,1% trong tài khóa 2023 (kết thúc vào ngày 31/3/2024).
Niềm vui của một cặp vợ chồng vừa sinh con tại tại bệnh viện ở Kawagoe, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là một phần của kết quả cuộc khảo sát cơ bản về bình đẳng giới trong quản lý việc làm cho tài khóa 2023, tiến hành tại 6.300 doanh nghiệp có từ 5 nhân viên trở lên và nhận được phản hồi hợp lệ từ 3.495 doanh nghiệp.
Tỷ lệ này tăng mạnh so với mức 17,1% của tài khóa trước trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách tăng tỷ lệ nhân viên nam nghỉ phép chăm sóc con lên 50% vào năm 2025. Nguyên nhân là do các công ty được yêu cầu từ mùa Xuân năm 2022 phải thông báo và nắm bắt nhu cầu của lao động nam về các lựa chọn chăm sóc con cái. Theo một viên chức của MHLW, việc hỏi về dự định của nhân viên là một dấu hiệu để nhắc họ về quyền được nghỉ phép để chăm con. Bộ này cam kết mục tiêu tiếp tục nâng tỷ lệ này lên 50%.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy khoảng thời gian nghỉ phép chăm con phổ biến nhất của nam giới là trong khoảng từ 1-3 tháng với 28%, từ 5 – 14 ngày là 22% và từ 14-30 ngày là 20,4%.
Video đang HOT
Trong cuộc khảo sát tương tự vào năm 2021, nam giới nghỉ nhiều nhất là từ 5-14 ngày (chiếm 26,5%). Điều này cho thấy ngày càng có nhiều lao động nam xin nghỉ phép chăm con trong thời gian dài hơn.
Tính theo ngành, tỷ lệ nam giới trong ngành dịch vụ liên quan đến sức khỏe và giải trí nghỉ chăm con là 55,3%, ngành dịch vụ tài chính và bảo hiểm là 43,8% và ngành nghiên cứu học thuật và công nghệ là 42,8%. Tỷ lệ thấp nhất là 16,9% đối với nam nhân viên ngành bất động sản và cho thuê, tiếp theo là 20,1% đối với ngành bán buôn – bán lẻ và 21,1% đối với ngành lưu trú và thực phẩm.
Theo quy định của Nhật Bản, các công ty có hơn 1.000 nhân viên phải công bố tỷ lệ nam giới nghỉ phép chăm con. Một số công ty còn tăng trợ cấp trong thời gian nghỉ chăm sóc con cái lên ngang bằng với mức lương để khuyến khích nhân viên.
Một cuộc khảo sát khác của MHLW đối với các nam sinh viên từ 18 đến 25 tuổi cho thấy 84% số người được hỏi muốn nghỉ phép chăm sóc con cái và 63% số người tham gia khảo sát cân nhắc thông tin về chương trình nghỉ phép chăm sóc con của công ty khi tìm việc.
Chênh lệch thời gian nghỉ chăm con giữa người mẹ và cha tại Nhật Bản
Theo cuộc khảo sát gần đây của hãng tin Kyodo News, hơn 80% các công ty lớn tại Nhật Bản cho biết trong năm qua, nam nhân viên chỉ nghỉ phép chăm con gần 3 tháng, trong khi thời gian nghỉ của nữ nhân viên thường dài hơn.
Điều này cho thấy vai trò chủ đạo của phụ nữ trong việc nuôi dạy con cái vẫn còn chiếm ưu thế tại Nhật Bản.
Niềm vui của một cặp vợ chồng vừa sinh con tại tại bệnh viện ở Kawagoe, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Khảo sát được thực hiện với 113 công ty từ tháng 11 đến tháng 12/2023, trong đó khoảng một nửa công ty báo cáo trong hồ sơ rằng ít nhất 80% nam nhân viên đã nghỉ phép sinh con, không tính đến thời gian nghỉ. Tuy nhiên, về thời gian nghỉ trung bình, nhóm lớn nhất (47%) cho biết khoảng từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, tiếp theo là 25% cho biết 2 tuần đến dưới 1 tháng. Khoảng 13% cho biết trung bình nghỉ 5 ngày đến dưới 2 tuần, 4% trả lời 3 tháng đến dưới 6 tháng, trong khi 2% cho biết dưới 5 ngày.
Ngược lại, thời gian nghỉ của nhân viên nữ dài hơn nhiều, với 51% công ty được khảo sát cho biết nhân viên nữ nghỉ trung bình 12 tháng đến dưới 18 tháng, và 27% có thời gian nghỉ từ 6 tháng đến dưới 12 tháng. Có 8% nghỉ từ 18 tháng trở lên, trong khi 4% nghỉ dưới 6 tháng.
Khi được hỏi về những thách thức mà nhân viên nữ phải đối mặt sau khi nghỉ phép chăm con lâu hơn nam giới (được chọn nhiều đáp án), 59% các công ty nêu ra là chậm thăng tiến sự nghiệp, 30% cho biết hạn chế giờ làm việc và 19% chậm tăng lương.
Ở Nhật Bản, về nguyên tắc, một nhân viên có thể nghỉ phép chăm con cho đến khi trẻ được 1 tuổi và có thể kéo dài đến khi trẻ lên 2 tuổi tùy theo tình hình. Bên cạnh đó, người cha có thể nghỉ phép tối đa 4 tuần trong vòng 8 tuần đầu sinh con.
Kể từ tháng 4 năm ngoái, các công ty có hơn 1.000 nhân viên bắt buộc phải công khai tỷ lệ nam nhân viên nghỉ phép chăm con hằng năm.
Các chuyên gia cho rằng việc người cha nghỉ phép sinh con là điều quan trọng để san sẻ gánh nặng việc nhà và nuôi dạy con cái giữa các cặp vợ chồng, cũng như giúp phụ nữ tiếp tục làm việc và thúc đẩy họ sinh thêm con ở Nhật Bản, quốc gia đang phải vật lộn với tỷ lệ sinh giảm nhanh chóng và dân số thu hẹp.
Công ty Tokio Marine & Nichido Fire Insurance, một công ty con bảo hiểm tài sản thuộc Tập đoàn Tokio Marine Holdings Inc., cho biết tỷ lệ nhân viên nam nghỉ phép chăm con trong năm tài chính 2022 là 100%, nhưng thời gian nghỉ trung bình dưới 5 ngày. Công ty này cam kết sẽ cố gắng đảm bảo rằng tất cả nhân viên có thể nghỉ phép lâu tùy theo nhu cầu.
Tiền lương thực tế tại Nhật Bản giảm tháng thứ 26 liên tiếp Ngày 8/7, Chính phủ Nhật Bản cho biết tiền lương thực tế trong tháng 5 của người dân nước này đã giảm 1,4% so với một năm trước đó. Đây là mức giảm kéo dài đến tháng thứ 26 liên tiếp, do mức tăng lương cao nhất trong hơn 3 thập kỷ vẫn chưa vượt qua được lạm phát. Đồng tiền mệnh giá...