Các nước Trung Âu vật lộn trong làn sóng COVID-19 thứ 3
Giới chức Cộng hòa Séc mới đây cảnh báo, hệ thống y tế tại nước này đứng trước nguy cơ “hoàn toàn quá tải” và cần đến sự trợ giúp từ nước ngoài, trong bối cảnh khu vực Trung Âu phải vật lộn với làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Prague, CH Séc. Ảnh: AFP/TTXVN
Hai tuần trở lại đây, Séc ghi nhận tỉ lệ 968 ca mắc mới tính trên 100.000 dân, mức cao nhất trong Liên minh châu Âu xét theo dân số. Nhiều bệnh viện tại Séc đã phải trì hoãn việc điều trị các bệnh nhân không nhiễm COVID-19, để dồn nguồn lực cho số bị nhiễm SARS-CoV-2.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 23/2, ông Vladimir Cerny, Thứ trưởng Bộ Y tế Cộng hòa Séc cho biết, nếu tình hình tiếp diễn như hiện nay, hệ thống bệnh viện tại Séc sẽ trở nên quá tải nghiêm trọng chỉ sau hai tuần nữa. Ông cũng chia sẻ, chính phủ liên bang đã phải đề nghị các nước thành viên EU góp sức, chi viện, tiếp nhận điều trị bệnh nhân giúp.
Séc không phải là quốc duy nhất tại Trung Âu gặp khó khăn. Nước láng giềng Slovakia trong tuần trước ghi nhận tỉ lệ tử vong vì CoVID-19 tính trên quy mô dân số thuộc diện cao nhất thế giới. Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Ivan Korcok ngày 22/2 cho biết, ông sẽ đề nghị các nước EU cung cấp thêm vaccine để đối phó với tình trạng mà ông cho là “thảm họa”: Một quốc gia có 5,4 triệu dân, nhưng thường xuyên ghi nhận trên 100 ca tử vong vì COVID-19/ngày như trong hai tuần qua.
Tại Ba Lan, nơi biến chủng SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh hiện chiếm 10% tổng số ca nhiễm, giới chức y tế đang tính đến việc thực thi các quy định, hướng dẫn chặt chẽ hơn về đeo khẩu trang, thắt chặt kiểm soát biên giới với Séc và Slovakia. Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski hôm 22/2 cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 3 có thể sẽ đạt đỉnh tại nước này vào tháng 3 hoặc đầu tháng 4 tới, với khoảng 10.000-12.000 ca nhiễm mới/ngày.
Hungary cũng lâm vào tình trạng nghiêm trọng, khi số ca nhiễm COVID-19 trong tuần qua đã tăng 50% so với 7 ngày trước đó. Số người thiệt mạng do hiễm SAR-CoV-2 tại nước này cũng tăng mạnh. Giám đốc Trung tâm Y tế Công cộng Quốc gia Hungary Cecilia Mller trong một cuộc họp báo thường kỳ mới đây cảnh báo, biến chủng virus có nguồn gốc từ Anh hiện lan tràn ở Hungary và cho rằng số ca mắc không triệu chứng tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn.
Gia tăng ca nhiễm mới ở Trung Âu thường kéo theo các vấn đề nảy sinh với các nước láng giềng. Đức mới đây đã quyết định thắt chặt kiểm soát biên giới với Cộng hòa Séc và Áo, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát.
Áo phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn Covid-19
Chính phủ Áo hôm qua thông báo sẽ phong tỏa toàn quốc kể từ ngày 17/11 tới ngày 6/12 nhằm phòng chống đại dịch Covid-19, bao gồm việc đóng cửa trường học và các cửa hàng không thiết yếu.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nói: "Không ai muốn trường học bị đóng cửa. Không ai muốn các quán ăn, thương mại, du lịch và văn hóa không hoạt động và không ai muốn bị cấm gặp gỡ người thân, thành viên gia đình, cha mẹ và bạn bè, đặc biệt là vào dịp Giáng sinh. Nhưng tôi bị thuyết phục phải làm điều này vì dịch Covid-19 đang lây lan mạnh. Chính vì thế tôi yêu cầu mọi người giúp đỡ trong vài tuần. Chúng ta có thể lật ngược tình thế".
Trước đó, chính phủ Áo đã tiến hành các biện pháp phong tỏa từng phần nhưng không thể kiểm soát được các ca mới mắc Covid-19. Trong thời gian tới, các biện pháp hạn chế mới sẽ nỗ lực giảm thiểu tối đa tiếp xúc xã hội, trong đó yêu cầu người dân không ra đường mà không có lý do xác đáng. Theo thông báo, người dân phải đề nghị khi tới các cửa hàng thiết yếu, như cửa hàng thực phẩm, cửa hàng thuốc, bưu điện hay ngân hàng. Các trường cấp tiểu học và trung học sẽ chuyển sang học trực tuyến, trong khi các cấp cao hơn vẫn tiếp tục triển khai phương án này.
Trong những ngày qua, các ca mới mắc Covid-19 ở Áo đã tăng nhanh hơn hai quốc gia láng giềng là Thụy Sĩ và Cộng hòa Séc. Trong đợt bùng phát đầu tiên hồi đầu năm nay, Áo không bị ảnh hưởng nhiều nhưng trong những ngày qua, tình hình không khả quan. Áo đã ghi nhận 10.000 ca mới mắc Covid-19 trong ngày 13/11. Tình trạng hiện nay đang tạo ra sức ép lớn với hệ thống y tế của Áo, trong khi số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này là gần 1.750 ca.
Lãnh đạo EU và NATO đã gửi lời chúc mừng tới Tổng thống đắc cử Joe Biden Một số nhà lãnh đạo EU và NATO đã gửi lời chúc mừng tới Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris, đồng thời kêu gọi sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa Mỹ và châu Âu. Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chúc mừng Tổng thống Mỹ Joe Biden...