Các nước mua vàng nhiều nhất 55 năm: Hệ thống tiền tệ toàn cầu sắp có bước ngoặt lịch sử?
Năm 1967, các ngân hàng trung ương châu Âu đã mua một lượng lớn vàng từ Mỹ, dẫn đến việc giá vàng tăng vọt và Quỹ dự trữ vàng London sụp đổ, đẩy nhanh quá trình sụp đổ của Hệ thống Bretton Woods gắn giá trị của đồng USD với vàng.
Trong khi đó, dữ liệu của WCG cho thấy nhu cầu mua vàng năm nay đã chạm ngưỡng kỷ lục 55 năm qua.
Vàng được dự trữ tại ngân hàng ở Frankfurt, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc và Nga là những nhà nhập khẩu hàng đầu đối với kim loại quý này trong năm 2022. Đây là dấu hiệu cho thấy một số quốc gia muốn đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoài USD.
Dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WCG) cho thấy nhu cầu mua vàng năm nay đã chạm ngưỡng kỷ lục 55 năm qua.
Ông Adrian Ash, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường vàng tại BullionVault, cho biết việc các ngân hàng trung ương chuyển sang dự trữ vàng có thể cho thấy sự ngờ vực và bấp bênh sau khi Mỹ và các đồng minh đóng băng kho dự trữ ngoại tệ của Nga.
Lần gần nhất thế giới chứng kiến sức mua lớn như vậy đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử đối với hệ thống tiền tệ toàn cầu. Năm 1967, các ngân hàng trung ương châu Âu đã mua một lượng lớn vàng từ Mỹ, dẫn đến việc giá vàng tăng vọt và Quỹ dự trữ vàng London sụp đổ. Sau cùng, động thái này đã đẩy nhanh quá trình sụp đổ của Hệ thống Bretton Woods gắn giá trị của đồng đô la Mỹ với vàng.
Tháng trước, WCG ước tính các tổ chức tài chính chính thức trên thế giới đã mua 673 tấn vàng. Và chỉ riêng trong quý 3/2022, các ngân hàng trung ương đã mua gần 400 tấn vàng, mức mua ròng lớn nhất trong ba tháng kể từ khi bắt đầu ghi chép số liệu quý vào năm 2000.
Ước tính thận trọng từ WGC vượt xa lượng mua được báo cáo của Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) và của các ngân hàng trung ương riêng lẻ, ở mức 333 tấn trong 9 tháng tính từ đầu năm.
Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu lượng mua vào trong quý 3 với 31 tấn, chiếm khoảng 29% tổng dự trữ. Uzbekistan theo sau với 26 tấn. Trong khi đó, vào tháng 7, Qatar đã nhập khẩu lượng vàng nhiều nhất kể từ năm 1967.
Video đang HOT
Chênh lệch giữa các ước tính của WGC và các số liệu chính thức của IMF một phần có thể là do các ngân hàng trung ương có thể mua vàng mà không báo cáo là để dự trữ.
Trang sức được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Khartoum, Sudan. Ảnh: AFP/TTXVN
Đầu tháng 12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo vào tháng 11, họ đã tăng dự trữ 32 tấn, trị giá khoảng 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, những người trong ngành vàng cho biết sức mua thực sự của Trung Quốc chắc chắn cao hơn.
Chiến lược gia Nicky Shiels tại công ty kinh doanh kim loại quý MKS PAMP nhận định giá vàng sẽ đạt đỉnh thấp hơn khoảng 75 USD vào tháng 11 nếu PBoC chỉ mua 32 tấn. Khi đó, giá vàng được giao dịch ở mức cao 1.787 USD/ounce trong tháng 11 và kể từ đó đã tăng lên trên 1.800 USD.
Đối với Nga, các biện pháp trừng phạt đã gây ra những vấn đề nghiêm trọng đối với ngành khai thác vàng của nước này trong việc xuất khẩu ra nước ngoài. Theo MKS PAMP, Nga sản xuất khoảng 300 tấn vàng mỗi năm nhưng nhu cầu thị trường nội địa chỉ khoảng 50 tấn.
Ngoài ra, các chính phủ phương Tây đã đóng băng 300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của Nga thông qua các biện pháp trừng phạt. Theo chuyên gia Nicky Shiels, động thái đó đã khiến các quốc gia bên ngoài phương Tây đặt câu hỏi: “Chúng ta có nên lệ thuộc vào đồng USD như vậy không khi mà chính phủ Mỹ và phương Tây có thể tịch thu số tiền đó cất cứ lúc nào?”.
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã ngừng báo cáo số liệu hàng tháng về dự trữ ngay sau khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2 năm nay. Các quan chức của CBR đã bác bỏ thông tin cho rằng họ đang thu mua vàng.
“Dự trữ vàng và ngoại hối của chúng tôi là đủ. Chúng tôi không có nhiệm vụ cụ thể về tích lũy vàng và dự trữ ngoại hối,” Thống đốc CBR Elvira Nabiullina cho biết vào giữa tháng 12.
Tuy nhiên, các quan chức của CBR từ lâu đã đặt giá trị chiến lược vào tăng cường dự trữ vàng. Năm 2006, ngân hàng này bày tỏ mong muốn vàng chiếm tỷ lệ 20 – 25% kho dự trữ. Tháng 2/2022, khi CBR công bố dữ liệu thống kê lần cuối, vàng chiếm 20,9%.
Vàng được trưng bày tại nhà máy Shchyolkovo của Tập đoàn kim loại quý Yuzhuralzoloto, Nga. Ảnh tư liệu: TASS/TTXVN
Theo ngân hàng tư nhân Julius Baer ở Thụy Sĩ, nước này đã giảm lượng nắm giữ Trái phiếu Kho bạc Mỹ xuống chỉ còn 2 tỷ USD từ hơn 150 tỷ USD của năm 2012, đồng thời tăng dự trữ vàng thêm 1.350 tấn, trị giá gần 80 tỷ USD theo giá hiện hành.
Ông Carsten Menke, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu tại Julius Baer, nhận định làn sóng mua vàng ồ ạt từ Nga và Trung Quốc cho thấy các quốc gia ngày càng xa rời vào đồng bạc xanh của Mỹ.
Ông Menke nêu rõ: “Thông điệp mà các ngân hàng trung ương đang gửi đi là họ không muốn phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ như tài sản dự trữ chính”.
Một số người trong ngành suy đoán các chính phủ Trung Đông đang sử dụng doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch để mua vàng, rất có thể thông qua các quỹ đầu tư quốc gia.
Những tháng tới sẽ thời điểm để kiểm tra xem liệu xu hướng mua vàng nhiều kỷ lục của các ngân hàng trung ương là do bùng phát khi giá vàng giảm hay là sự thay đổi mang tính cơ cấu hơn.
Ngay cả khi giá đã phục hồi lên khoảng 1.800 USD/ounce, rất ít người sẵn sàng đặt cược rằng xu hướng đa dạng hóa dự trữ của ngân hàng trung ương sẽ sớm thay đổi.
Nhà phân tích hàng hóa cấp cao Bernard Dahdah tại ngân hàng đầu tư của Pháp Natixis cho biết tình trạng phi toàn cầu hóa và căng thẳng địa chính trị hiện nay đồng nghĩa với khả năng các ngân hàng trung ương bên ngoài phương Tây sẽ thúc đẩy đa dạng hóa dự trữ, và xu hướng này sẽ không thay đổi trong ít nhất một thập kỷ tới.
Tín hiệu từ việc Trung Quốc mua 32 tấn vàng, lần đầu bổ sung dự trữ sau 3 năm
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã thực hiện giao dịch mua vàng dự trữ đầu tiên sau gần ba năm, với hơn 1 triệu ounce vàng, tương đương 32 tấn.
Trung Quốc lần đầu tiên bổ sung vào kho dự trữ vàng kể từ năm 2019. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES
Đài Sputnik cho biết, các quốc gia trên khắp thế giới đã bắt đầu mua vàng vào đầu năm nay, điều mà các nhà phân tích lo ngại có thể ám chỉ sự bất ổn kinh tế đang gia tăng.
Kim loại quý này từ lâu đã được sử dụng như một thứ tiền tệ, được đánh giá cao vì sự ổn định giá trị giữa những biến động của sự bùng nổ và phá sản. Tuy nhiên, nó cũng có những ứng dụng công nghiệp quan trọng.
Theo dữ liệu gần đây nhất do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc công bố, chính phủ Trung Quốc gần đây đã thực hiện giao dịch mua vàng dự trữ đầu tiên sau gần ba năm.
Dữ liệu được công bố vào đầu tháng này cho thấy Trung Quốc đã mua 1,03 triệu ounce vàng, tương đương 32 tấn, trị giá 1,8 tỷ USD.
Đợt mua này làm tăng tổng dự trữ vàng của Trung Quốc từ 62,64 triệu ounce lên 63,67 triệu ounce, tương đương khoảng 112 tỷ USD. Đây là kho vàng lớn thứ sáu trên thế giới, sau Mỹ, Đức, Italy, Pháp và Nga.
Theo báo cáo trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, Bắc Kinh thực hiện đợt mua lớn này một phần nhằm mục đích giảm tỷ lệ tài sản bằng đô la Mỹ mà nước này nắm giữ. Trong vòng một năm tính đến quý 3 năm 2022, Trung Quốc đã bán 113,9 tỷ USD tín phiếu kho bạc Mỹ.
Việc mua vàng cũng được coi là phản ánh sự biến động ngày càng tăng của thị trường toàn cầu, khi những suy đoán về suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm tới ngày càng mạnh mẽ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Kitco News, Juan Carlos Artigas, trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), cho biết đợt mua vàng mới nhất của Trung Quốc phù hợp với hoạt động trước đó của nước này. Ông nói thêm rằng ông không thể suy đoán tại sao Trung Quốc công bố các giao dịch mua mới nhất. "Đây là sự tiếp tục của xu hướng đối với Trung Quốc. Ngân hàng trung ương tiếp tục sử dụng vàng để đa dạng hóa nguồn dự trữ của họ", ông nói. "Tôi không nghĩ đây là hoạt động bất thường đối với Trung Quốc."
Việc Bắc Kinh mua vàng diễn ra trong bối cảnh các quốc gia khác cũng có động thái mua hàng loạt. Theo WGC, quý 3 năm 2022, từ ngày 1/7 đến ngày 30/9, chứng kiến lượng mua vàng lớn nhất từ trước đến nay trong khoảng thời gian như vậy, với 399 tấn. Nhu cầu cao đã đẩy giá lên cao, hiện ở mức khoảng 1.775 USD/ounce.
Tuy nhiên, WGC cũng lưu ý rằng phần lớn số vàng này được mua ẩn danh. "Không phải tất cả các tổ chức chính thức đều báo cáo công khai việc nắm giữ vàng của họ hoặc có thể sẽ làm như vậy với thời gian trễ", WGC lưu ý trong báo cáo công bố tháng trước.
Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, sử dụng 1.100 tấn vào năm ngoái. Kim loại này có ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp, nhưng khoảng 80% vàng được sử dụng trong công nghiệp được sử dụng cho thiết bị điện tử, nhờ đặc tính dẫn điện và khả năng chống xỉn màu của nó. Trung Quốc là nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới, cung cấp 36% tổng sản lượng hàng năm.
Vai trò trung tâm đó cũng đã khiến Trung Quốc trở thành người mua chip bán dẫn lớn nhất thế giới được sử dụng trong thiết bị điện tử - và biến những con chip đó trở thành chiến trường quan trọng trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington. Đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và chính quyền ở Đài Loan/Trung Quốc sản xuất hầu hết các chip máy tính của thế giới và Bắc Kinh mua một lượng lớn trong số đó.
Chính phủ Nhật Bản sẽ can thiệp thị trường tiền tệ nếu đồng yen tiếp tục mất giá Ngày 7/9, Chính phủ Nhật Bản tỏ ý sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ nếu đồng yen tiếp tục đà mất giá do các động thái tiền tệ "một chiều". Đồng 10.000 yên Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki nhấn mạnh đồng yen cần phải ổn định và phản ánh nền tảng kinh tế, theo...