Các nước EU ‘tìm tiếng nói chung’ về mức trần giá khí đốt
Các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp vào ngày 20/10, đánh dấu lần họp thứ hai trong hai tuần qua, nhằm nỗ lực hạ giá năng lượng, mặc dù sự chia rẽ dai dẳng giữa họ đồng nghĩa với việc khối này có lẽ sẽ chưa thể đưa ra mức trần giá khí đốt.
Hệ thống đường ống dẫn khí của dự án Dòng chảy phương Bắc của Nga. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN
27 quốc gia thành viên EU đã tranh cãi trong nhiều tháng qua về các biện pháp nhằm giảm hóa đơn năng lượng cho người dân và họ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh EU vào ngày 20-21/10 tại thủ đô Brussels (Bỉ) trong không khí ảm đạm.
15 quốc gia bao gồm Pháp, Italy và Ba Lan đang cố gắng thúc đẩy một mức trần giá năng lượng đầy tham vọng. Tuy nhiên, họ đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và Hà Lan – lần lượt là nền kinh tế và khách hàng khí đốt lớn nhất châu Âu, đồng thời cũng là hai trung tâm buôn bán khí đốt hàng đầu của châu Âu.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã cố gắng thỏa mãn các quan điểm khác nhau bằng một loạt đề xuất mà họ hy vọng sẽ giúp người dân châu Âu giảm chi tiêu cho việc sưởi ấm khi mùa Đông đang đến gần.
Việc thúc đẩy một cách tiếp cận chung đã bị cản trở bởi sự mâu thuẫn giữa Pháp và Đức, lên tới đỉnh điểm vào ngày 19/10, khi họ trì hoãn một cuộc họp thường kỳ giữa các bộ trưởng. Khó có thể đạt được đột phá ở EU khi các cường quốc lớn nhất của khối không đối thoại trực tiếp. Một quan chức ngoại giao cấp cao của EU tham gia đàm phán cho biết: “Đã có rất nhiều tiến bộ, nhưng không có đột phá cơ bản. Các ưu tiên của mỗi nước vẫn khác nhau: Đức đã lựa chọn an ninh nguồn cung vì nước này có thể mua được khí đốt với giá cao, nhưng nhiều nước không thể theo kịp chi phí này”.
Các đề xuất của EC bao gồm ý tưởng cho phép các công ty năng lượng khổng lồ của EU mua chung nhằm điều chỉnh mức giá rẻ hơn để bổ sung nguồn khí đốt dự trữ.
Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, các nước thành viên EU cũng sẽ thảo luận về gói chi tiêu khẩn cấp để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng đối với các nền kinh tế và 450 triệu công dân của họ.
Video đang HOT
Trong khi một số quốc gia kêu gọi khối phát hành trái phiếu chung để tài trợ cho các khoản nợ, thì các thành viên “chặt chẽ” hơn cho rằng hàng trăm tỷ euro chưa được sử dụng từ các chương trình hỗ trợ trước đó nên được chi tiêu trước.
Một bất đồng khác là liệu có nên cung cấp chương trình cứu trợ ngay lập tức thông qua trợ cấp trực tiếp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, hay đầu tư vào năng lượng xanh sẽ làm cho khối phát triển bền vững hơn trong tương lai.
Trong thư mời dự hội nghị gửi các nhà lãnh đạo châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel, bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ giải quyết các can thiệp thị trường ngắn hạn và dài hạn khác, chẳng hạn như một khuôn khổ của EU để giới hạn giá khí đốt cho sản xuất điện. Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhấn mạnh triển vọng kinh tế của châu Âu sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách mà châu lục này quản lý cuộc khủng hoảng năng lượng của mình. Theo ông Charles Michel, các nhà lãnh đạo 27 quốc gia EU nên tập trung vào việc điều phối các phản ứng chính sách kinh tế một cách hiệu quả, bao gồm cả sự hỗ trợ của các giải pháp chung của châu Âu.
Các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ lại nhóm họp vào tuần tới, nhưng một nhà ngoại giao cấp cao khác của EU cho biết, họ không mong đợi các quyết định chi tiết được đưa ra hơn trước tháng 11.
Nga đóng van khí đốt, EU đặt kỳ vọng vào đâu để chống lại mùa Đông giá rét
Từ cuối tháng 8 đến nay, tập đoàn Gazprom của Nga đã khóa đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc I (Nord Stream 1), đẩy giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt 30% vào đầu tháng 9.
Năng lượng đã trở thành chủ đề nóng nhất tại châu Âu lúc này.
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi chờ có câu trả lời mang tính tổng thể, lâu dài, Liên minh châu Âu (EU) đã tạm đề ra 4 giải pháp cấp bách trong cuộc họp bất thường của các bộ trưởng năng lượng 27 nước thành viên ngày 9/9 tại Brussels.
Các giải pháp mới tập trung vào hạ nhiệt giá năng lượng đang tăng cao, đồng thời thực hiện các biện pháp tiết kiệm. Đó là đặt giới hạn chung về giá khí đốt nhập khẩu - bất kể là từ đâu; giới hạn doanh thu của các nhà sản xuất điện không sử dụng khí đốt; can thiệp "tạm thời và khẩn cấp" vào thị trường bằng cách áp giá trần; điều phối để giảm nhu cầu điện trên toàn EU và giải quyết các vấn đề thanh khoản trên thị trường năng lượng. EU sẽ tiếp tục thảo luận để thống nhất kế hoạch cụ thể.
Có thể thấy EU đang kỳ vọng vào "các giải pháp giới hạn": áp mức giá trần, giảm tiêu thụ... để xử lý cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay khi nguồn cung "chao đảo", đứt gãy do cuộc xung đột Ukraine, khiến giá mặt hàng này tại EU liên tục lập kỷ lục. Từ cuối tháng 8 đến nay, tập đoàn Nga Gazprom đã khóa đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc I, được coi là tuyến đường huyết mạch cung cấp khí đốt cho châu Âu, đẩy giá khí đốt tại đây tăng vọt 30% vào đầu tháng 9. Ngay cả khi tuyến đường ống này nối lại bình thường sau khi hoạt động bảo trì - lý do dẫn đến việc gián đoạn - kết thúc, công suất vận chuyển của Dòng chảy phương Bắc I cũng chỉ bằng 20% công suất tối đa thời kỳ trước.
Đức và Pháp đều tuyên bố có thể đối phó với nguy cơ thiếu hụt năng lượng. Berlin cho biết đã lấp đầy 82% các kho dự trữ vào cuối tháng 8 và có thể nâng tỷ lệ này lên 85% trong tháng 9. Pháp cũng khẳng định an ninh năng lượng của nước này sẽ không bị ảnh hưởng nhờ đã lấp đầy khoảng 90% các kho dự trữ và tiếp tục đàm phán để mua thêm khí đốt từ Na Uy.
Tuy nhiên, có vẻ như thực tế về an ninh năng lượng tại châu Âu đang diễn ra theo chiều hướng khác với những tuyên bố trên. Giá khí đốt tại thị trường châu Âu có thời điểm cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái tới 15 lần. Trước khi Gazprom tạm khóa van đường ống dẫn, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo giá khí đốt tại châu Âu có thể tăng tới 5.000 euro/1.000 m3 vào cuối năm so với 3.500 euro hiện nay. Tình hình này khiến nhiều người không thể lạc quan về triển vọng thị trường năng lượng, thậm chí Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã cảnh báo châu Âu có thể đương đầu với khó khăn trong "5-10 mùa đông tới", trong khi nhiều lĩnh vực ở châu lục hiện đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng vì giá năng lượng tăng cao.
Phụ thuộc vào thị trường khí đốt, giá điện ở châu Âu tăng liên tục. Giá năng lượng "điên đảo" khiến giá hàng hóa leo thang không ngừng, dẫn đến lạm phát ở nhiều nước.
Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), lạm phát tại khu vực đồng euro đã lập đỉnh 9,1% trong tháng 8 so với mức 8,9% ghi nhận tháng trước. Chỉ số này cao gấp 4,55 lần so với mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra. Điều đáng ngại là đà tăng giá đã lan rộng khắp nền kinh tế, ở tất cả các loại hàng hóa chứ không riêng gì năng lượng hay lương thực như những tháng trước. Xu hướng này khiến người dân châu Âu buộc phải thắt chặt hầu bao, dẫn đến nguy cơ đẩy nền kinh tế rơi vào vòng suy thoái.
Sức ép từ giá năng lượng buộc các nước phải tìm cách củng cố chính sách năng lượng quốc gia trước khi mùa Đông đến gần. Ngày 29/8, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne thừa nhận có thể nước này phải tái khởi động khẩn cấp một số lò phản ứng hạt nhân đã đóng cửa do không có biện pháp nào có thể thay thế nguồn cung khí đốt Nga ngay lập tức. Trong khi đó, duy trì vận hành của các nhà máy điện hạt nhân tại Đức thêm một thời gian cũng được Ủy ban châu Âu (EC) coi là giải pháp nằm trong lợi ích của cả khối trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, vì nhiều rào cản trong nước, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz vẫn không thể tự quyết định vấn đề này.
Đến nay, chỉ có một số nước như Pháp và Đức cho biết đã "xoay xở" đủ để đáp ứng tiến độ bơm khí đốt vào các kho dự trữ quốc gia. Đa số các thành viên khác vẫn khá chật vật để tìm thêm nguồn bù lấp cho lượng khí đốt thiếu hụt. Châu Âu có vẻ càng hoang mang hơn trước thông tin Mỹ có thể ngừng xuất khẩu thêm nhiên liệu cho các đồng minh.
Để ứng phó với tình hình phức tạp, kế hoạch trước mắt chủ yếu của các nước EU là tăng cường tích trữ và giảm bớt tiêu thụ. 27 nước EU đã nhất trí phối hợp lấp đầy 85% các kho dự trữ khí đốt vào tháng 11, đồng thời cam kết giảm tiêu thụ khí đốt 15% trong những tháng mùa đông.
Mục tiêu trước mắt của EC là tiết kiệm 45 tỷ m3 khí đốt, tức là phải giảm 15% mức tiêu thụ trong thời gian mùa Đông, từ tháng 8/2022 - 3/2023, trên toàn khối. Chính phủ các nước thành viên có thể chủ động lựa chọn cách điều phối thực hiện phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của mình. Các doanh nghiệp sản xuất, nhất là các nhà công nghiệp, được kêu gọi thực hiện các biện pháp tối ưu hóa sản xuất, chuyển đổi nhiên liệu thay thế khí đốt như chuyển sang sinh khối hoặc biogas, điện khí hóa công cụ sản xuất.
Đối với khu vực hành chính công, chính quyền địa phương tại các nước được yêu cầu hạn chế sử dụng hệ thống sưởi ấm và điều hòa nhiệt độ, đặc biệt tại các tòa nhà công cộng và trung tâm thương mại. Các hệ thống chiếu sáng và công cụ quảng cáo buộc phải ngắt điện tối đa vào buổi tối.
Trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu về khí thải, các nước EU vừa mong muốn, vừa có trách nhiệm phải ưu tiên cho năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện nay buộc các nước phải tạm thời sử dụng than, dầu lửa hoặc hạt nhân. Đức, Hà Lan, Áo hay Pháp đều đã công bố khả năng duy trì hoặc khôi phục hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than, chấp nhận giảm tốc độ trong lộ trình giảm khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính.
EC cũng tích cực tiếp cận các nguồn cung khác nhằm hướng tới một sự ổn định lâu dài hơn với phương châm "không loại trừ bất cứ lựa chọn nào", miễn là đảm bảo an ninh năng lượng cho toàn khối. Tháng 6 vừa qua, EU đã ký với Mỹ một thỏa thuận để nhận bổ sung 15 tỷ m3 khí đốt cho năm 2022 bên cạnh 22 tỷ m3 được lên kế hoạch từ trước. Theo thỏa thuận, khối lượng cung ứng khí đốt từ Mỹ sẽ tăng dần lên 50 tỷ m3 mỗi năm trong những năm tới. Dù còn bất đồng, song EC cũng hướng tới nguồn cung Azerbaijan, theo đó nước này sẽ cung cấp cho EU 12 tỷ m3 trong năm nay và đặt mục tiêu 20 tỷ m3 mỗi năm đến năm 2027.
Na Uy, nơi trước đây cung cấp khoảng 20% nhu cầu khí đốt tự nhiên cho EU, cũng cam kết trợ giúp bằng việc phát triển các giếng mới, nâng công suất thêm hàng chục tỷ m3 mỗi năm. Ngoài ra, EC cũng đã khảo sát về tính khả thi của các nguồn cung tiềm năng như Qatar, Israel, Nigeria, thậm chí khu vực Mỹ Latinh nhằm phục vụ những mục tiêu lâu dài. Tuy nhiên, việc nhập khẩu từ các nguồn cách xa về địa lý buộc EU phải chấp nhận một giá rất cao và chủ yếu có hiệu lực trong thời gian trung và dài hạn.
Các "giải pháp giới hạn" của EU cũng sẽ được xem xét, nhưng khả năng đạt đồng thuận không rõ ràng. Đơn cử như biện pháp áp giá trần khí đốt của Nga đã bị một số nước như Hungary phản đối. Trong khi đó, Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson cảnh báo rằng áp đặt giới hạn giá với khí đốt tự nhiên hóa lỏng, mà EU đang đẩy mạnh nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ Nga, có thể ảnh hưởng đến an ninh năng lượng khi các nhà cung cấp nguồn năng lượng này sẽ rời bỏ thị trường châu Âu. Có lẽ việc tìm ra "giới hạn bền" cho bài toán năng lượng vẫn là vấn đề nóng nhất trong mùa Đông lạnh giá sắp tới ở châu Âu và cả trong những giai đoạn tiếp theo.
Thủ tướng Đức yêu cầu duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung năng lượng Đức có kế hoạch chấm dứt sử dụng năng lượng hạt nhân vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine và giá năng lượng tăng cao, Berlin đã phải cân nhắc lại. Thủ tướng Đức Olaf Schol. Ảnh: AFP/TTXVN Ngày 17/10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã yêu cầu tạo điều kiện để 3 nhà máy điện...