Các nước EU phê chuẩn thỏa thuận cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ
Ngày 5/8, các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) chính thức thông qua kế hoạch khẩn cấp của khối nhằm cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ, trong bối cảnh các nước đang cố gắng tiết kiệm nhiên liệu cho mùa Đông tới do nguồn cung khan hiếm.
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt tại Jauniunai, Litva, ngày 5/5/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tuần trước, các nước EU đã đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ và giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga trước thềm mùa Đông. Theo thông báo của CH Séc, quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, thỏa thuận này đã được các nước EU phê chuẩn trong ngày 5/8, ngoại trừ Hungary và Ba Lan.
Hungary là quốc gia duy nhất phản đối thỏa thuận cắt giảm lượng khí đốt tiêu thụ tại cuộc họp của EU hồi tuần trước. Nước này hiện đang đàm phán với Nga để nhập khẩu thêm khí đốt. Trong khi đó, Ba Lan cũng không phê chuẩn thỏa thuận này dù tuần trước ủng hộ thỏa thuận.
Trước khi leo thang căng thẳng vì chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt tiêu thụ tại EU. Hồi tháng 6, Moskva đã giảm lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) xuống còn 40%, với lý do 1 tuabin được sửa chữa ở Canada chưa được đưa trở lại Nga. Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng vọt sau khi Gazprom – công ty vận hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, tuyên bố giảm nguồn cung.
Video đang HOT
EU công bố kế hoạch đối phó khủng hoảng khí đốt
Ủy ban châu Âu ngày 20/7 đã đề xuất đưa ra một mục tiêu mới cho các nước EU là tạm thời giảm tiêu thụ khí đốt 15% và có khả năng điều này mang tính ràng buộc pháp lý trong trường hợp khẩn cấp.
Kế hoạch ứng phó khủng hoảng năng lượng sẽ phụ thuộc vào sự đoàn kết, thống nhất của EU. Ảnh: Euractiv.com
"Chúng ta phải chủ động. Chúng ta phải chuẩn bị cho khả năng bị gián đoạn hoàn toàn khí đốt của Nga và đây là một kịch bản có thể xảy ra", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết.
Để giảm thiểu sự gián đoạn này, EU đã lập bảng thông báo cho các nước thành viên EU, đề cập đến tiết kiệm năng lượng vì một mùa Đông an toàn và vạch ra các biện pháp giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Kế hoạch đề xuất mục tiêu giảm nhu cầu khí đốt tự nguyện là 15% từ ngày 1/8/2022 đến ngày 31/3/2023. Điều này sẽ có tính ràng buộc nếu tình hình xấu đi và vào cuối tháng 9 và các nước EU sẽ cập nhật kế hoạch khẩn cấp quốc gia với các biện pháp để đáp ứng mục tiêu.
Theo quan chức phụ trách năng lượng EU Kadri Simson, mức độ tích trữ khí của châu Âu hiện tại chỉ dưới 65%, vì vậy bà cảnh báo rằng việc cắt giảm khí đốt của Nga có thể khiến EU không thể tích 80% khí đốt vào tháng 11 này.
"Nếu mục tiêu giảm nhu cầu của chúng ta không đủ tham vọng, chúng ta có nguy cơ kết thúc mùa Đông năm nay với kho lưu trữ trống rỗng, sẽ không thể bổ sung kịp thời cho mùa sưởi ấm tiếp theo", bà Kadri Simson nói và lưu ý thêm rằng mục tiêu giảm 15% sẽ làm giảm đáng kể rủi ro.
Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, năng lượng tiết kiệm trong mùa Hè là năng lượng để dùng cho mùa Đông. Khi mùa Đông bắt đầu vào tháng 10, chính phủ các quốc gia châu Âu cũng có thể tiết kiệm khí đốt bằng cách yêu cầu các hộ gia đình giảm nhiệt độ xuống thêm 1C và yêu cầu giảm hệ thống sưởi cho các tòa nhà công cộng, văn phòng và tòa nhà thương mại.
Trong trường hợp thiếu khí trầm trọng, ngành công nghiệp sẽ bị cắt giảm khí đốt trước tiên, mặc dù các dịch vụ thiết yếu, như sản xuất điện, có khả năng được ưu tiên và duy trì.
Các hộ gia đình tư nhân và các dịch vụ xã hội thiết yếu, như trường học và bệnh viện, sẽ là đối tượng cuối cùng bị hạn chế vì họ là khách hàng được bảo vệ theo luật của EU.
Để tránh phải cắt giảm, tiêu thụ khí đốt cũng có thể được giảm thiểu bằng cách sử dụng các biện pháp dựa trên thị trường, chẳng hạn như đấu giá hoặc đấu thầu cho người tiêu dùng công nghiệp để đưa ra mức bồi thường nhằm đổi lại việc giảm nhu cầu.
Ví dụ, các tập đoàn bán lẻ của Pháp Auchan, E.Leclerc, Carrefour và những công ty khác đã cam kết hạn chế sử dụng điện trong trường hợp nhu cầu cao điểm bằng cách tắt đèn sau khi đóng cửa và giảm ánh sáng tại các nhà kho và cửa hàng bán lẻ.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu cũng đang vận động các nước chuyển đổi nhanh hơn sang năng lượng tái tạo và sử dụng các nguồn năng lượng khác để sản xuất điện, trong đó có than trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, các biện pháp chuyển đổi nhiên liệu nên được thiết kế theo cách không làm ảnh hưởng đến các mục tiêu khử cacbon của EU đến năm 2030. Theo Ủy ban Châu Âu, chuyển đổi sang than, dầu hoặc hạt nhân chỉ là biện pháp tạm thời.
Trong khi Ủy ban ưu tiên vai trò của năng lượng tái tạo, có những lo ngại rằng kế hoạch này có thể khiến châu Âu đi chệch hướng trong việc đáp ứng các mục tiêu khí hậu của mình. Theo Adeline Rochet từ tổ chức môi trường E3G, trong nỗ lực gấp rút cắt giảm khí đốt, EU đã "làm chậm quá trình chuyển đổi nói chung".
Tuy nhiên, cũng có nhiều người ủng hộ kế hoạch của Ủy ban châu Âu. Theo Simone Tagliapietra, một thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Bruegel, kế hoạch của Ủy ban châu Âu đi đúng hướng, nhưng nói thêm rằng kế hoạch này đòi hỏi sự trao đổi nghiêm túc và thẳng thắn với công chúng.
"Các quốc gia cần đảm bảo rằng tất cả người tiêu dùng đều có những động lực tốt để giảm tiêu dùng. Các nhà lãnh đạo châu Âu nên ngừng trợ cấp trực tiếp cho việc tiêu thụ năng lượng và thay vào đó là trợ cấp cho việc cắt giảm năng lượng", ông Tagliapietra nói thêm.
Bắt giữ tàu hàng Nga khiến Pháp hao tổn lượng lớn tiền của Pháp buộc phải trả phần chi phí phát sinh khổng lồ cho những tàu chở hàng của Nga đang bị nước này bắt giữ theo lệnh trừng phạt. Ảnh minh hoạ - Getty Images Kênh truyền hình France 2 TV đưa tin giới chức Pháp đang tiêu tốn hàng chục ngàn euro để bảo trì các tàu hàng của Nga đang nằm im...