Các nước Caribe sẵn sàng ứng phó hệ lụy từ khủng hoảng ở Haiti
Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, tình hình bạo lực leo thang tại Haiti gây ra nhiều lo ngại cho các quốc gia vùng Caribe, đặc biệt là những quốc gia gần gũi nhất về địa lý như Jamaica và Bahamas.
Người biểu tình phản đối Thủ tướng Haiti Ariel Henry gây bạo loạn tại Port-au-Prince, ngày 7/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng An ninh Quốc gia Jamaica Horace Chang tuyên bố đã tăng cường phòng ngừa và giám sát để ngăn chặn bất kỳ ai trong số gần 4.000 tù nhân vượt ngục từ Haiti xâm phạm lãnh thổ nước này. Jamaica đã siết chặt an ninh ở bờ biển phía Đông, đặc biệt là ở St. Thomas và Portland.
Lực lượng Phòng vệ Hoàng gia Bahamas cũng đã phong tỏa khu vực phía Nam đất nước và sẵn sàng đối phó với dòng người từ Haiti tràn sang. Người đứng đầu lực lượng thực thi pháp luật Bahamas Raymond King cho biết nước này đã chuẩn bị kế hoạch chi tiết và sẵn sàng phối hợp với các đối tác trong khu vực.
Cộng hòa Dominicana đã đình chỉ tất cả các chuyến bay đến Haiti, vận tải hàng hóa và hành khách.
Video đang HOT
Cuba đang lên kế hoạch bảo hộ công dân. Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez ngày 6/3 cho biết cơ quan lãnh sự của nước này tại Haiti duy trì liên lạc chặt chẽ với kiều bào tại đây và đang nỗ lực đưa công dân về nước an toàn.
Trước đó, Mỹ, Pháp, Canada, Mexico và Tây Ban Nha đã tạm thời đóng cửa đại sứ quán tại Haiti, hủy mọi cuộc làm việc và khuyến nghị công dân sớm tìm cách trở về, tích trữ nhu yếu phẩm và không ra ngoài khi không cần thiết.
Cũng trong ngày 6/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã họp khẩn và tiếp tục bày tỏ quan ngại trước tình hình nghiêm trọng tại Haiti. Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield hy vọng sứ mệnh hỗ trợ an ninh đa quốc gia cho Haiti sẽ sớm được triển khai, mặc dù hỗ trợ tài chính cho lực lượng này hiện vẫn thấp hơn nhiều so với mức ước tính của LHQ.
Cao ủy LHQ về nhân quyền Volker Turk cũng kêu gọi “triển khai khẩn cấp, không trì hoãn” lực lượng an ninh theo kế hoạch. Ông Volker Turk nhấn mạnh rằng đây là giải pháp duy nhất trong bối cảnh tình hình đã trở nên “quá mức chịu đựng”, với 1.193 người thiệt mạng do bạo lực vũ trang kể từ đầu năm đến nay.
Trong bối cảnh bạo lực, khủng hoảng chính trị và nhiều năm hạn hán, khoảng 5,5 triệu người Haiti (tương đương 50% dân số nước này) cần hỗ trợ nhân đạo từ bên ngoài. LHQ ước tính cần 674 triệu USD trong năm nay để hỗ trợ quốc gia nghèo nhất Mỹ Latinh này, nhưng chỉ huy động được 2,5% tổng số tiền.
Chỉ trong chưa đầy một tuần qua, ít nhất 15.000 người Haiti đã phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn làn sóng bạo lực. Tình trạng mất an ninh trầm trọng cũng khiến nguồn cung nhiên liệu, vật tư và oxi y tế cạn kiệt.
Kenya ký thỏa thuận về triển khai cảnh sát ở Haiti
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Tổng thống Kenya William Ruto ngày 1/3 thông báo nước này và Haiti đã ký thỏa thuận "có đi có lại" về việc triển khai cảnh sát từ quốc gia Đông Phi để dẫn đầu sứ mệnh bảo vệ trật tự và luật pháp do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ tại quốc gia vùng Caribe.
Binh sĩ Haiti gác tại thủ đô Port-au-Prince. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Tổng thống Ruto cho biết ông và Thủ tướng Haiti Ariel Henry đã "thảo luận về các bước tiếp theo để có thể đẩy nhanh tiến trình triển khai" lực lượng cảnh sát Kenya, song vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận này có đi ngược lại quyết của tòa án Kenya hồi tháng 1 vừa qua, coi hành động triển khai là "bất hợp pháp" hay không.
Tổng thống Ruto và Thủ tướng Henry đã "chứng kiến lễ ký kết" thỏa thuận đối ứng tại thủ đô Nairobi của Kenya. Ông Ruto tuyên bố: "Nhân cơ hội này, tôi nhắc lại cam kết của Kenya về việc đóng góp vào sự thành công của sứ mệnh đa quốc gia này. Chúng tôi tin tưởng đây là nghĩa vụ lịch sử vì hòa bình ở Haiti".
Chi tiết của thỏa thuận hiện chưa được công bố.
Kenya trước đó tuyên bố sẵn sàng điều động 1.000 nhân sự đến Haiti. Lời đề nghị này được Mỹ và các quốc gia khác hoan nghênh. Tuy nhiên, tòa án ở Nairobi tuyên bố quyết định này là vi hiến, một phần vì hai nước chưa ký thỏa thuận tương hỗ về vấn đề này.
Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua sứ mệnh trên hồi đầu tháng 10/2023, song những lo ngại ở Kenya về sự tham gia của Nairobi đã khiến tòa án phản đối.
Phán quyết này gây nghi ngờ về tương lai của lực lượng đa quốc gia mà Chính phủ Haiti tìm kiếm từ lâu.
Ngày 29/2, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ xác nhận 5 quốc gia đã thông báo cho LHQ về ý định tham gia phái bộ do Kenya dẫn đầu tới Haiti - bao gồm Bahamas, Bangladesh, Barbados, Benin và CH Chad. Theo báo cáo được LHQ công bố hồi tháng trước, trong năm 2023, Haiti ghi nhận gần 5.000 vụ giết người - cao hơn gấp đôi so với năm 2022.
LHQ kêu gọi thành lập lực lượng quốc tế đặc biệt để "dẹp loạn" tại Haiti Người đứng đầu Liên Hợp Quốc (LHQ) kêu gọi cộng đồng quốc tế triển khai một lực lượng đa quốc gia bao gồm "cảnh sát và các đơn vị hỗ trợ quân sự" tới Haiti để "dẹp" các băng nhóm tội phạm và khôi phục an ninh cho quốc gia nghèo nhất vùng Caribe này. Tổng thư ký LHQ António Guterres kêu gọi...