Các ngân hàng “0 đồng” tìm kiếm lối đi
Sau thời gian hợp nhất, tái cơ cấu, các ngân hàng “0 đồng” vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Hiện các ngân hàng này vẫn đang rất nỗ lực tìm kiếm cho mình những đối tác, nhà đầu tư để mong sớm vực dậy các hoạt động kinh doanh.
Oceanbank là một trong 3 ngân hàng “0 đồng” đang tìm cách cơ cấu lại. Ảnh: ST.
Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm
Trong hệ thống ngân hàng hiện có 3 ngân hàng “0 đồng” là Ngân hàng thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (Oceanbank), Ngân hàng thương mại TNHH Một thành viên Xây dựng (CBBank), Ngân hàng thương mại TNHH Một thành viên Dầu khí Toàn Cầu (GPBank). Trong báo cáo gửi tới các đại biểu Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng này xây dựng, hoàn thiện phương án cơ cấu lại/phương án phục hồi. Các ngân hàng đã chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia phương án cơ cấu lại. Đến nay, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại Oceanbank. Đối với CBBank, NHNN đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với dự thảo phương án cơ cấu lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Vào hồi cuối tháng 3 năm nay, tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ với ông Nobiru Adachi, Giám đốc điều hành cấp cao của Tập đoàn J Trust (Nhật Bản), phía J Trust đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém tại Việt Nam, trong đó là việc tham gia cơ cấu lại CBBank để trở thành cửa ngõ cho các DN Việt Nam hợp tác, đầu tư với các DN Nhật Bản. Vì thế, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ Việt Nam muốn tìm đối tác chuyển nhượng hay cả hình thức bán lại CBBank cho các đối tác để cơ cấu lại ngân hàng này, nên đề nghị J Trust nghiên cứu, trao đổi với CBBank và NHNN về phương án chào bán. Tương tự, Tập đoàn Clermont (Singapore) cũng “đánh tiếng” muốn tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam để góp phần vào sự phát triển của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung…
Có thể thấy, những thông tin nêu trên là một “tin vui” của quá trình cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng, cho thấy quá trình đang đi đúng hướng, hiệu quả. Tuy vậy, với công cuộc cơ cấu lại 3 ngân hàng này, chính NHNN cũng phải thừa nhận, việc triển khai là một quá trình khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ, phải phối hợp chặt chẽ và lấy ý kiến của nhiều bộ, ngành và các cơ quan liên quan và phụ thuộc vào kết quả đàm phán với các nhà đầu tư.
Video đang HOT
Tìm phương án cứu mình
Thực tế, không chỉ các ngân hàng “0 đồng”, nhiều tổ chức tín dụng yếu kém cũng đang nằm trong “tầm ngắm” của các nhà đầu tư ngoại. Theo các chuyên gia, yếu tố chính để không ít “đại gia” hướng đến các ngân hàng “0 đồng”, một phần nhờ công cuộc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã có kết quả tích cực, một phần là các nhà đầu tư muốn thông qua các ngân hàng này để có cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam. Tuy vậy, thông tin cụ thể về tình hình hoạt động của 3 ngân hàng này vẫn rất hiếm hoi hoặc sơ sài.
Như tại GPBank, hơn 3 năm trở lại đây, GPBank không công bố bất kỳ số liệu cụ thể nào về hoạt động kinh doanh. Lần gần nhất, GPBank cập nhật là cuối năm 2015, huy động vốn của ngân hàng đạt hơn 20.900 tỷ đồng, tăng 30% so với trước khi NHNN mua lại. Trong năm 2015, GPBank thu hồi được 600 tỷ đồng nợ quá hạn; lỗ bình quân của ngân hàng từ tháng 7/2015 đến cuối năm 2015 giảm 38% so với trước khi được mua lại. Còn theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội vào năm 2017 cho thấy, đến hết năm 2016, tỷ lệ nợ xấu tại 3 ngân hàng “0 đồng” vẫn rất cao. Cụ thể: nợ xấu của GPBank là 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,32% dư nợ. Nợ xấu Oceanbank là 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,25% dư nợ. Ngân hàng CBBank là 18.073 tỷ đồng, chiếm 95% dư nợ (chưa bao gồm nợ của các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng).
Chính vì thế, các thương vụ chào bán cho đến nay chưa thấy kết quả cuối cùng, hầu hết vẫn nằm ở mong muốn từ cả hai phía. Do vậy, đã có ngân hàng phải lên phướng án “tự cứu mình”. Trong số 3 ngân hàng “0 đồng”, GPBank đã không ít lần tự chào bán 100% cổ phần cho đối tác nước ngoài, nhưng có vẻ “may mắn” chưa tới với ngân hàng này.
Thông tin mới từ GPBank cho biết, ngân hàng này đang có nhu cầu tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực, đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và pháp luật khác có liên quan tham gia cơ cấu lại GPBank. Thời hạn các nhà đầu tư tham gia nộp phương án cơ cấu là ngày 16/12/2019. Theo đó, GPBank trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam có thông báo cụ thể về việc tìm đối tác tái cơ cấu lại sau 8 năm phải cơ cấu lại. Nhưng trước đó, khi GPBank vào diện phải cơ cấu lại vào năm 2012, thị trường rộ lên thông tin bán 100% cổ phần GPBank cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, đến đầu năm 2015, phương án này đã gián tiếp được thông báo là không đi đến hồi kết. Sau đó, đối tác nước ngoài đến từ Malaysia cũng không chốt phương án sẽ mua lại GPBank.
Rõ ràng, sự chưa minh bạch trong hoạt động các ngân hàng này cũng như nhiều quy định khắt khe trong việc bán vốn đã làm chậm chân các nhà đầu tư. Vì thế, những vướng mắc nêu trên phải được tháo gỡ để nhanh chóng hóa giải khó khăn cho các ngân hàng “0 đồng”, giúp các ngân hàng này phát triển theo đúng chiến lược đã đề ra, không còn làm “tảng đá” ngáng chân sự phát triển của toàn hệ thống.
Hương Dịu
Theo haiquanonline.com.vn
Ngân hàng đầu tiên thông báo tìm đối tác tái cơ cấu
Đây là ngân hàng từng thu hút sự quan tâm lớn của thị trường khi từng không dưới vài lần có thông tin bán 100% cổ phần cho đối tác nước ngoài, nhưng kết quả đã không như mong đợi.
Ảnh minh họa.
Thông tin mới từ Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank) cho biết, ngân hàng này đang có nhu cầu tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực, đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và pháp luật khác có liên quan tham gia cơ cấu lại GPBank.
Thời hạn các nhà đầu tư tham gia nộp phương án cơ cấu là ngày 16/12/2019.
Với thông tin này, GPBank trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam có thông báo cụ thể về việc tìm đối tác tái cơ cấu, 8 năm sau khi quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được triển khai từ năm 2011 đến nay.
Được biết, GPBank là một trong 9 ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu vào năm 2012.
Ngân hàng này sau đó thu hút sự quan tâm lớn của thị trường khi có thông tin bán 100% cổ phần cho đối tác nước ngoài là ngân hàng UOB đến từ Singapore. Tuy nhiên, đến đầu năm 2015, phương án này đã gián tiếp được thông báo là không đi đến hồi kết.
Đối tác nước ngoài đến từ Malaysia cũng không chốt phương án sẽ mua lại ngân hàng này.
Đến tháng 7/2015, GPBank trở thành ngân hàng thứ ba bị Ngân hàng nhà nước mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần giá 0 đồng, sau VNCB và Oceanbank.
TRẦN THÚY
Theo Bizlive.vn
Gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng ở ngân hàng nào để có lãi suất trên 7,5%/năm? Đáng có gần chục ngân hàng áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng từ 7,5%/năm trở lên... Lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 6 tháng hiện nay trên thị trường có sự chênh lệch khá lớn giữa các ngân hàng, dao động từ 5,5%/năm cho đến 8,21%/năm. Theo đó, có thể phân thành 3 nhóm: nhóm cao nhất...